Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

TỪ VỰNG THÁNH KINH - VẦN Ư-V-X-Y


ỨNG NGHIỆM


Thánh Kinh đã dùng động từ “ứng nghiệm” 37 lần. Cụ thể phần Cựu Ước có ở các sách: Đnl 18,22; Gs 21,45; Gs 23,14, Gs 23,15; Tl 9,57; 2Sm 22,31; 1V 12,15; 1V 13,32; 2V 15,12, 2Sb 1,9; 2Sb 10,15; 2Sb 36,22; Er 1,1, Tb 14,4; Tv 18,31; Tv 105,19, Tv 119,140. Phần Tân Ước có ở các sách: Mt 1,22; Mt 2,15; Mt 2,17; Mt 2,23; Mt 4,14, Mt 8,17; Mt 12,17; Mt 13,14; Mt 13,35; Mt 21,4; Mt 26,54; Mt 26,56; Mt 27,9; Mc 14,49; Mc 15,28; Lc 1,20; Lc 4,21; Lc 21,22; Lc 22,37 và Lc 24,44.

Ứng nghiệm là xảy ra đúng như Lời Chúa hứa qua miệng các Ngôn sứ. “Nếu điều ngôn sứ nói nhân danh ĐỨC CHÚA không ứng nghiệm, không xảy ra, thì không phải là lời ĐỨC CHÚA đã phán; ngôn sứ đã nói càn, anh (em) không phải sợ ngôn sứ ấy” (Đnl 18,22). Hay “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” (Mt 1,22).

Ứng nghiệm là sự việc xảy ra đúng như Lời Thánh Kinh. “Trong mọi lời tốt lành ĐỨC CHÚA đã phán với nhà Ít-ra-en, không một lời nào ra vô hiệu: mọi lời đều ứng nghiệm” (Gs 21,45). Hay “Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh quý vị vừa nghe" (Lc 4,20).

Ứng nghiệm là sự việc được xảy ra như đã được tiên báo trước. “Thiên Chúa đã báo oán những người Si-khem vì tất cả sự dữ họ đã gây ra. Như thế là đã ứng nghiệm nơi họ lời chúc dữ của Giô-tham, con ông Giơ-rúp-ba-an” (Tl 9,57). Hay “Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi." Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét” (Mt 2,19-23).  


VẦN Y


(TÌNH) YÊU

         

          Danh từ (tình) yêu diễn tả nhiều thực tại khác biệt: thuộc nhục thể hay tinh thần, do đam mê hay có suy xét chín chăn, nghiêm trang hay hời hợt, có tính cách xây dựng hay phá hoại. Vì ít thiên về trừu tượng nên dân Ít-ra-en thường mặc cho từ ngữ này một màu sắc đầy cảm tình: Biết, đối với họ đã là yêu; sự trung thành trong các mối dây liên hệ xã hội hay gia tộc đều thắm đượm tính năng động và quảng đại (St 24,49; Gs 2,22; Rt 3,10; Ez 7,9).

          Trong Cựu Ước, tiếng Hy lạp ahab, agapân trong số các danh từ chỉ về chữ “yêu”. Đến Tân Ước, chữ “yêu” hoàn toàn mang ý nghĩa tôn giáo.



1. Cựu Ước

          Dù không nhắc đến chữ “yêu”, nhưng những câu chuyện về sáng tạo trong Sách Sáng Thế từ chương 1 đến chương 3 cũng đã gợi lên tình yêu của Thiên Chúa qua lòng nhân hậu đối với Ađam và Evà. Thiên Chúa muốn ban cho hai ông bà sự sống sung mãn, nhưng ân sủng này đòi hỏi một sự tự do vâng phục vào thánh ý Chúa. Chính nhờ trung gian của giới răn mà Thiên Chúa khơi mào một cuộc đối thoại tình yêu. Ađam muốn cưỡng chiếm đều được ban cho ông như tặng vật: đó chính là tội của ông. Và rồi mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dần dần tỏ hiện qua những lời húa cứu rỗi. Thực vậy, những mối dây tình yêu kết hiệp giữa Thiên Chúa với loài người được tái lập qua dòng lịch sử Cựu Ước thánh.



2. Tân Ước

          Tình yêu giữa Thiên Chúa và loài người được tỏ bày một chuỗi sự kiện: những sáng kiến của Thiên Chúa và sự từ chối của con người, sự đau khổ vì tình yêu bị từ khước, những sự vượt thắng đau đớn để đạt tới tình yêu và tiếp nhận ân sủng tình yêu. Thế rồi, tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ rõ nhất nơi Chúa Giêsu Kitô. Với tư cách một Thần Nhân, Chúa Giêsu sống với thảm kịch của cuộc đối thoại tình yêu giữa Thiên Chúa và loài người.

Trước hết, Chúa Giêsu đến với con người, đó là một hành động yêu thương của Chúa Cha. Quả thế, sau các Ngôn sứ và những lời hứa trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ mình ra qua Con Một của Ngài (Ga 1,18) để bày tỏ tình yêu của Ngài: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Do đó, chính Chúa Giêsu là biểu lộ tình yêu Thiên Chúa ở mức cao nhất và rõ nhất. Đây là giao ước tình yêu được thực hiện và tiệc cưới vĩnh cữu giữa hôn phu là Chúa Giêsu với nhân loại được cử hành. Lòng quảng đại của Thiên Chúa được tỏ bày từ lúc tạo lập Ít-ra-en (Đnl 7,7tt) đạt tới tột đỉnh là cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Vậy, khi đón nhận Chúa Con, con người phải khước từ mọi kiêu ngạo, mọi hãnh diện về công trạng riêng tư vì chưng ân huệ tình yêu do Thiên Chúa ban là ơn ban nhưng không (Rm 6,6t). Đây là ơn huệ tối hậu vì Chúa Cha bằng lòng để Chúa Con chết hầu loài người được sống đời.     




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét