VƯỢT QUA
Chữ “vượt qua” trong tiếng Hy lạp là Pascha, bắt nguồn từ tiếng Aram
là pashâ và tiếng Hy bá là pèsah. Thánh Kinh cho rằng chữ pèsah giống nghĩa với động từ pasah, có nghĩa là đi
khập khiễng, hoặc đi khiêu vũ theo nghi thức quanh lễ vật hy tế, “Vậy, họ lấy con bò người ta đưa
cho họ, làm thịt, rồi kêu cầu danh thần Ba-an từ sáng tới trưa: "Lạy thần
Ba-an, xin đáp lời chúng tôi! " Nhưng không một tiếng nói, không một ai
trả lời, và họ nhảy khập khiễng bên cạnh bàn thờ họ đã dựng” (1V 18,21.26) hoặc theo nghĩa bóng là nhảy qua, bỏ
qua, tha thứ. Lễ Vượt Qua là
việc đi Ngang Qua của Gia-vê, Ngài lướt qua trên những nhà người Ít-ra-en, đang
khi đó Ngài trừng phạt những nhà người Ai-cập (Xh 12,13.23.27).
1. Lễ Vượt Qua của dân Ít-ra-en
a. Lễ Vượt Qua mang tính cách du mục và gia
đình
Khởi đầu, lễ Vượt Qua là một lễ gia đình,
được cử hành vào đêm trăng tròn của ngày xuân phân, tức ngày 14 tháng abib hay tháng bông lúa (sau lưu đày
người ta gọi là tháng nisan). Người
ta dâng hiến Giavê một súc vật non mới sinh ra trong năm, để cầu xin Thiên Chúa
chúc lành cho đoàn vật. Hy vật là một con chiên hay con dê đực không tì vết (Xh
12,3-6), không được bẻ gãy khúc xương nào (Xh 12,46); máu nó được bôi trên
khung cửa từng nhà để đề phòng (sự tru diệt) (Xh 12,7.22). Thịt được dùng trong
một bữa ăn vội vàng, thực khách mặc sẵn y phục đi đường (Xh 12,8-11). Những đặc
điểm du mục và gia đình này cho thấy lễ Vượt qua có nguồn gốc rất xa xưa: có
thể đó là lễ hiến tế mà Dân Ít-ra-en xin vua Pha-ra-ô
cho phép họ đi cử hành trong sa mạc, “Họ
sẽ nghe tiếng ngươi, rồi ngươi sẽ đi với các kỳ mục Ít-ra-en đến cùng vua
Ai-cập, các ngươi sẽ nói với vua ấy rằng: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của người
Híp-ri, đã cho chúng tôi được gặp Người. Giờ đây, xin cho chúng tôi đi ba ngày
đường vào sa mạc để tế lễ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng tôi” (Xh 3,18). Như
vậy lễ này có thể có trước Mô-sê và cuộc xuất Ai-cập. Nhưng chính nhờ cuộc xuất
hành Ai-cập mà lễ này có một ý nghĩa sâu sắc và vĩnh viễn.
b. Lễ Vượt Qua và cuộc Xuất Hành
Dân Ít-ra-en phải sống trong cảnh nô lệ lầm
than (Xh 1, 8-22). Nhưng Thiên Chúa đã thấy cảnh lầm than của họ và sai Môsê
đến để giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ, đưa họ vượt qua Biển Đỏ (Xh 14, 15-31)
giải phóng họ khỏi ách nô lệ áp bức Ai-cập qua những lần can thiệp của Thiên Chúa.
Lần can thiệp thứ mười là tiêu diệt các con đầu lòng của Ai-cập (Xh
12,12). Nhờ chiên được sát tế và máu
chiên bôi lên thành cửa, dân Ít-ra-en được cứu thoát và lên đường đi đến miền
đất tự do (Xh 12, 29-34. 12-14). Điều
đáng chú ý rằng lễ Vượt Qua trùng hợp với việc giải phóng người Ít-ra-en cho
nên lễ này trở thành lễ tưởng niệm cuộc Xuất Hành, một biến cố trọng đại trong
lịch sử Ít-ra-en. Lễ này nhắc lại việc Thiên Chúa đã trừng phạt người Ai-cập và
vượt qua những người trung thành với Ngài (Xh 12,26tt). Từ nay ý nghĩa và tầm
quan trọng của lễ Vượt Qua là như thế, vì vậy, Đức Chúa phán truyền: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm
ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng ĐỨC CHÚA. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng
ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời”
(Xh 12,14).
c. Cử hành lễ Vượt Qua
“Ai
nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít
người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất,
tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà
chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một
tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn
tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều,
lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm
ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng. Các ngươi không được ăn sống
hay luộc, nhưng chỉ được ăn nướng, với cả đầu, chân và lòng. Không được để lại
gì đến sáng; cái gì còn lại đến sáng, phải đốt đi. Các ngươi phải ăn thế này:
lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ
Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA” (Xh 12,3-11).
2. Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu tham dự lễ Vượt Qua của người Do
thái đồng thời Người làm lễ này nên hoàn hảo hơn bằng cách Ngài dùng những lời
nói và hành động để thay đổi dần ý nghĩa của lễ này và cuối cùng chính Ngài thay
thế và hoàn tất lễ này. Trước hết, lễ Vượt Qua của Con Duy Nhất là Chúa Giêsu, Người ở lại trong cung thánh đền thờ,
vì Người biết đó là nhà của Cha Người (Lc 2,41-51). Kế đến, lễ Vượt Qua của Đền Thờ Mới, Chúa Giêsu thanh tẩy thánh
điện tạm thời và loan báo thánh điện vĩnh viễn là thân xác phục sinh của Người
(Ga 2,13-23). Và tiếp đến, lễ Vượt Qua của Bánh hóa nhiều sẽ là nhục thể Người
được hiến dâng làm hy lễ (Ga 6,51). Cuối cùng, lễ Vượt Qua của Chiên mới, khi
Chúa Giêsu thay thế chiên vượt qua cũ, thiết lập bữa tiệc Vượt Qua mới và thực
hiện cuộc xuất hành riêng của Người vượt qua thế giới tội lỗi, chết chóc về
Vương quốc của Thiên Chúa Cha hằng sống (Ga 13,1).
a. Chúa Giêsu cử hành Bữa Tiệc Ly
Chúa Giêsu cử hành Bữa Tiệc Ly trong bối cảnh
lễ Vượt Qua (Lc 22, 14-20). Tuy nhiên trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu liên kết
việc thiết lập Phép Thánh Thể và nghi lễ làm phép bánh và rượu bằng hai cử chỉ
độc đáo: Một là Ngài chuyển bánh và rượu đồng thời thêm vào những lời minh
giải: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh
em,” “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Mt
26,26-28). Như thế, khi cho ăn thịt và uống máu của Chúa Giêsu, Ngài muốn nói
đến hy tế của lễ Vượt Qua là chính Chúa Giêsu, Con Chiên mới và cái chết của
Ngài trên thập giá. Vì vậy, “Khi cử hành
bữa Tiệc Ly với các Tông Đồ của Người trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua, Chúa
Giêsu đã ban cho lễ Vượt Qua của người Do thái một ý nghĩa dứt khoát. Qủa thật,
cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu để về cùng Cha Người, qua cái chết và sự sống lại,
thật sự là cuộc Vượt Qua mới, được tham dự trước trong bữa Tiệc Ly và được cử
hành trong bí tích Thánh Thể, cuộc Vượt Qua đó hoàn thành lễ Vượt Qua của người
Do thái và tham dự trước vào lễ Vượt Qua chung cuộc của Hội Thánh trong vinh
quang Nước Thiên Chúa” (GLHTCG, số 1340).
b. Cử hành Thánh Thể, lễ Vượt Qua Mới
Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ trong Bữa Tiệc
Ly, “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ
đến Thầy” (Lc 22,19). Trong Thánh Kinh, tưởng nhớ không chỉ đơn thuần là
nhớ lại một sự kiện trong quá khứ, nhưng bao hàm cả ba chiều kích thời gian là
hiện tại, quá khứ và tương lai: cuộc đời của Chúa Giêsu, cái chết và sự sống
lại của Chúa Giêsu và sự chuyển cầu của Người bên Chúa Cha. Chính vì thế, “Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh
tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, thì cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện:
Hy tế mà Đức Kitô dâng lên một lần cho mãi mãi trên thập giá, luôn luôn được
hiện tại hóa. Mỗi lần hy tế thập giá, qua đó ‘Đức Kitô đã chịu hiến tế làm
Chiên lễ Vượt Qua của chúng ta’ (1Cr 5,7), được cử hành trên bàn thờ, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực
hiện" (GLHTCG, số 1364). Như vậy, “Từ
cử hành này sang cử hành khác để loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu,
‘cho tới khi Chúa đến’ (1Cr 11,26), dân Thiên Chúa trên đường lữ hành, ‘qua
đường hẹp của thập giá’, đang tiến về bàn tiệc thiên quốc, nơi tất cả mọi người
được tuyển chọn sẽ ngồi vào bàn tiệc của Nước Thiên Chúa” (GLHTCG, số
1344).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét