THẦN KHÍ
Trong ngôn ngữ Thánh Kinh,
"thần khí" là một từ ngữ mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Thần khí nhằm
chỉ yếu tố thiết yếu và không thể nhận ra trong một hữu thể, nhưng nó làm cho hữu
thể ấy sống động.
1.
Cựu Ước
a.
Gió - Thần khí (tiếng Hy bá Rual), là hơi gió.
Gió có một mầu nhiệm: khi thì phá đổ nhà cửa, cây cối, tàu bè… (Ez 13,13;
27,26); khi thì len lỏi thì thầm (1V 19,12); khi thì làm đất ra khô ráo, cằn
cỗi (Xh 14,21); và khi làm cho đất nẩy sinh sự sống (1V 18,45).
b.
Hơi
thở - Mong manh và yếu đuối nhưng là sức mạnh nâng đỡ và sinh động thân xác.
Con người không làm chủ hơi thở này vì hơi thở đến từ Thiên Chúa (St 2,7; 6,3)
và trở về với Ngài khi chết (Gb 34,14tt).
c.
Thần
khí của con người – Bao lâu còn là con người, hơi thở thần linh này thực sự
thuộc về con người, nó biến nhục thể bất động thành một hữu thể hoạt động, một
linh hồn sống động (St 2,7). Thần khí đây cũng là lương tâm con người. Khi trao
trả thần khí này trong tay Thiên Chúa là trao cho Ngài kho tàng độc nhất chính
là hữu thể của mình (Tv 31,6; Lc 23,46).
d.
Những
thần khí trong con người – Thần khí tốt lành, thần khí công chính (Is 28,6),
thần khí cầu khẩn (Zac 12,10), thần khí thánh thiện và thánh hóa, đó là nguồn
mạch độc nhất biến đổi bên trong con người (Is 11,2; Ez 36,26tt).
2.
Tân Ước
- Phân biệt các thần khí – "Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều
việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác
nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí
tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần
Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn
hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng
được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người
thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn
phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa
lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm
ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý
của Người" (1Cr 4-11).
b.
Thần
Khí Thiên Chúa liên kết thần khí của chúng ta – Thần khí của con người được
Thần Khí Thiên Chúa chiếm ngự, đổi mới (Ep 4,23), kết hiệp với nó (Rm 8,6); nối
kết nó với Chúa và nên một thần khí với Người (1Cr 6,17). Vì Thiên Chúa là Thần
Khí nên cái gì sinh bởi Thiên Chúa, sinh bởi Thần Khí, là Thần Khí (Ga 3,6), và
có thể thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và trong chân lý ( Ga 4,26), cũng
có thể từ khước nhục thể và mọi công việc đưa tới sự chết (Dt 6,1) để sinh hoa
trái Thần Khí (Gl 5,22) mang lại sự sống (Ga 6,63).
THIÊN ĐÀNG (TRỜI)
Thánh Kinh thường dùng Nước Trời (Trời) chỉ dùng từ
Thiên Đàng 3 lần. Lần thứ nhất, khi Đức Giêsu đã nói đến thiên đàng khi hứa hẹn
với người trộm ăn năn trở lại trên thập giá (Lc 23,43 ). Thứ hai, Thánh Phaolô
nói: "Tôi biết có một người môn đệ
Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba -có ở
trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi
cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc
lên tận thiên đàng -trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có
Thiên Chúa biết và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không
được phép nói lại" (2Cr 12,1-4). Thứ
ba, Sách Khải Huyền nói đến lời hứa ban thưởng cho người chiến thắng, và cho
những ai hoàn tất các điều Ðức Giêsu đã truyền ( Kh 2,26). Phần thưởng ấy là
được ăn quả cây sự sống trồng ở trên thiên đàng (Kh 2,7) không hề bị cái chết
thứ hai làm hại (Kh 2,11).
Thánh Kinh phân biệt rõ ràng bầu trời vật lý có cùng
bản chất với đất, "trời và đất"; còn trời của Thiên Chúa là trời
không phải là đất. Tuy nhiên ý niệm bầu trời vật lý thường cho phép con người
suy tưởng đến trời của Thiên Chúa.
1. Trời và đất
Người Do thái cũng như chúng ta quan niệm rằng trời là
một phần của vũ trụ, khác biệt với đất nhưng lại tiếp giáp với trái đất. Trời
là một bán cầu bao trùm trái đất và cùng với trái đất tạo thành vũ trụ. Vì
thiếu danh từ để đặt tên cho vũ trụ nên người Do thái gọi vũ trụ là "trời
và đất" (St 1,1; Mt 24,35).
2.
Trời không phải là đất
Nhìn vũ trụ vĩ đại, bao la nhưng có trật tự, điều hòa,
kỳ diệu và huyền bí, nên con người thường cho rằng tất cả những gì chất chứa vũ
trụ này đều mang mầu nhiệm không thể biết hết được. Con người không thể dò thấu
các chiều kích sâu thẳm của trái đất và đại đương mênh mong được (G 38,4-16). Vì
vậy, những gì không hiểu thấu kia của bầu trời, con người cho đó là trời mà
chưa ai lên đó (Ga 3,13;Cn 30,4; Rm 10,6), chỉ Thiên Chúa Chúa ngự ở trên đó mà
thôi, "Trời là trời của Chúa nhưng
Ngài đa ban trái đất cho con cái Ađam" (Tv 115,16).
3.
Trời, nơi Thiên Chúa ngự
Sau khi mở rộng cõi trời như trải rộng tấm lều, Thiên
Chúa đã xây cung điện Ngài trên sóng nước (Tv 104,2tt) từ đó Ngài thăng ngự tận
cõi mây ngàn (Tv 68,5.34; Đnl 33,26) và tiếng Ngài vang dội uy hùng trên sóng
nước đại dương giữa các tiếng gầm vang trong gió bão (Tv 29,3). Ngài đặt ngai
tòa trên đó và hội họp triều thần của Ngài hay còn gọi là "đạo binh thiên
quốc", để loan truyền và chu toàn mệnh lệnh của Ngài tới tận cùng thế giới
(1V 22,19; Is 6,1tt; G 1,6-12). Ngài thật là Thiên Chúa của trời (Nkm 1,4; Đn
2,37). Thiên Chúa ngự trên trời gợi lên tính chất siêu việt bất khả xâm phạm
của Ngài đồng thời cho biết sự hiện diện rất gần của Ngài nữa, tựa như Ngài có
mặt khắp nơi của bầu trời trái đất với con người vậy.
Vì Thiên Chúa của Israel là một vị Thiên Chúa cứu thế
và Ngài ngự ở trên trời cao nên Ngài luôn tuôn đổ nguồn ơn cứu rỗi xuống mặt
đất. Cụ thể, từ trời cao Gabriel xuống trên Đaniel (9,21) để hứa hẹn sự kết
liễu thời kỳ tủi nhục (9,25). Con Người phải xuất hiện trên mây trời để trao
ban vương quốc cho các đấng thánh ( Đn 7,13). Và sau hết từ trời cao, Gabriel
được sai đến với Zacaria (Lc 1,11-19) và với Maria (Lc 1,26-38), và chính trời
cao các thiên thần xuống mặt đất để ca tụng và loan tin ""vinh danh
Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho loài người Chúa
thương" (Lc 2,14). Sự hiện diện của các thiên thần Thiên Chúa giữa chúng
ta là dấu chỉ Thiên Chúa đã thực sự vạch xé mây trời đến ngự giữa chúng ta, Emmanuel
nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
3.
Trong Đức Giêsu Kitô trời hiện diện trên mặt đất
a. Đức Giêsu nói về trời
Đức Giêsu luôn nói về Trời nhưng Trời ở đây không bao
giờ chỉ một thực tại tự hữu, độc lập với Thiên Chúa. Đức Giêsu nói đến phần
thưởng dành trên trời cho những ai vâng giữ và thi hành Lời Chúa (Mt 5,12), đó
là cả một kho tàng vô cùng quí báo đã được tạo lập trên trời (Mt 6,20; 19,21). Trời
ở đây cũng chính là sự hiện diện của Chúa Cha tuy vô hình nhưng ân cần, ôm ấp
cả thế gian và chim trời (Mt 6,26), bao phủ người công chính lẫn tội nhân (Mt
5,45) với lòng nhân từ vô bờ của Ngài (Mt 7,11). Con người không nhận ra sự
hiện diện này nhưng chỉ nhờ Đức Giêsu đến nói cho chúng ta biết và minh chứng
điều Ngài đã thấy ở trên trời (Ga 3,11).
b. Đức
Giêsu từ trời đến
Đức Giêsu vốn ở trên trời (Ga 3,13) nên Người mang
định mệnh trên trời xuống cho con người và rồi trở về trời (Ga 6,62). Vì vậy các
công trình của Ngài đều thuộc về trời và công trình thiết yếu là hy lễ bằng
thịt bằng máu Người, đó là bánh Thiên Chúa ban cho chúng ta, bánh từ trời xuống
(Ga 6,33-58) và là bánh thông ban sự sống đời đời, sự sống của Chúa Cha, sự
sống ở trên trời.
c. Dưới
đất cũng như trên trời
Đức Giêsu từ trời xuống và trở về trời dĩ nhiên người
Kitô hữu cũng về trời cùng với Người, và Chúa Cha đã phục sinh cho họ và cho họ
đồng bàn trên Nước Trời (Ep 2,6; Cl 2,12). Dù thế, công trình của Đức Giêsu vẫn
được tiếp tục. Công trình này hệ tại ở chỗ liên kết đất với trời một cách bền
vững để cho Nước Trời ngự đến, ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời
(Mt 6,10) và để nhờ Người mà mọi vật được hòa giải dưới đất cũng như trên trời
(Cl 1,20). Khi sống lại, Đức Giêsu lãnh nhận mọi quyền năng trên trời dưới đất
(Mt 28,18), Ngài vào trong đền thánh Thiên Chúa tức là trời ( Dt 4,14), được
tôn lên cao hơn các tầng trời ( Dt 7,26) và ngự bên hữu Thiên Chúa. Người đã
đính kết một giao ước mới giữa trời và đất (Dt 9,25) và Người ban cho Giáo Hội
quyền lực của Người khi Người hoàn tất trên trời các hoạt động mà Giáo Hội thực
hiện dưới đất (Mt 16,19; 18,19).
d. Các
tầng trời mở ra
Nhờ sự hòa giải mà Đức Giêsu thực hiện, nhiều dấu chỉ
được bày tỏ cho chúng ta: Các tầng trời mở ra (Mt 3,16), Thần Khí Thiên Chúa đa
ngự xuống trên Con Người (Ga 1,31), và các Tông đồ (Cvtđ 2,2).
4.
Niềm hy vọng lên trời
"Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng
ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền
năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn
của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,20). Tất cả đặc điểm của bầu trời hy vọng
Kitô giáo đều được kết tụ nơi đây: một thành đô, một cộng đoàn được thành lập
cho chúng ta, một Giêrusalem mới (Kh 3,12). Giêrusalem mới này là vũ trụ mới
(Kh 21,5) do trời mới đất mới tạo nên, như vũ trụ của chúng ta đây (2Pr 3,13)
trong đó sẽ không còn chết chóc, lệ sầu, rên siết, khổ cực (Kh 21,4), ô uế
(21,27), đêm tối (Kh 22,5) nhường chỗ cho hạnh phúc và niềm vui bất tận đó là
sự hiệp thông với Chúa (1Tx 4,17).
TỘI
Tội là một đề
tài được Thánh Kinh nhắc đến rất nhiều. Hầu như trang nào trong Thánh Kinh cũng
nói tới tội. Thánh Kinh Cựu Ước dùng nhiều từ vay mượn trong cuộc sống thường
ngày để diễn tả tội: khiếm khuyết, bất
chính, phản nghịch, gian ác, nổi loạn, bất công... Do thái giáo còn dùng
thêm từ “nợ nần” mà Tân Ước dùng
đến. Nói chung, người phạm tội được coi như người làm điều ác trước mặt Thiên
Chúa, và đối nghịch với người công chính. Tuy nhiên, qua lịch sử Thánh Kinh,
chúng ta vừa thấy rõ bản chất thật của tội lỗi, ác tâm và các chiều kích của
nó, vừa biết được mạc khải về con người tội lỗi ấy, đó cũng là mạc khải về Thiên
Chúa, về tình yêu của Ngài đã bị tội lỗi chống đối lại lòng nhân từ của Thiên
Chúa. Vì vậy, lịch sử cứu rỗi không là gì khác hơn là lịch sử của những cố gắng
mà Thiên Chúa không ngớt lập lại nhằm cứu con người khỏi vòng tội lỗi.
1.
Tội là gì?
Thiên Chúa dựng nên con người tốt lành và hoàn thiện, nhưng
con người đã phạm tội không vâng lời Thiên Chúa nên đánh mất đi bản chất tốt
lành và hoàn thiện đó. Tội của Ađam là sự bất tuân phục Thiên Chúa, chống đối
Thiên Chúa bằng việc vi phạm các giới luật của Ngài (St 3,3). Nhưng, Thánh Kinh
còn cho thấy từ hành vi bên ngoài (bất tuân) này mà nó phát sinh hành vi bên
trong: muốn thay thế Thiên Chúa để quyết định sự lành sự dữ (St 3,5). Điều này
có nghĩa rằng họ lấy mình làm khuôn thước, họ muốn rằng chỉ duy họ là chủ tể
vận mệnh của mình và tùy ý quyết định về chính mình; họ từ chối phục tùng Thiên
Chúa, Đấng dựng nên mình.
Con người đã được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của
Người nên tương quan của con người với Thiên Chúa không phải chỉ là tương quan
tùy thuộc, mà còn là tương quan tình bạn nữa. Cụ thể, Thiên Chúa dựng nên con
người “giống hình ảnh Ngài” (St 1,26tt), đồng thời ban cho con người tất cả
ngay cả sự sống. “Quả thế, Thiên Chúa đã
sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm
hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2,23).
Cây biết lành biết dữ là hình ảnh biểu tượng cho sự toàn
tri, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có được. Khi cho phép con người ăn trái của
mọi cây trong vườn Địa Đàng, ngoại trừ cây biết lành biết dữ, là Thiên Chúa dặn
con người luôn ý thức được địa vị của mình là thụ tạo tùy thuộc Thiên Chúa.
Nhưng, con người đã bị cám dỗ phạm tội và gây ra sự đổ vỡ mối tương quan với
chính mình, với Thiên Chúa, với tha nhân và với cả môi sinh nữa. Tội lỗi làm hư
hỏng hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người và những gì tốt đẹp Thiên Chúa đã
ban cho con người.
Vậy, “Tội là một lỗi
phạm đến lý trí, chân lý, lương tâm ngay
thẳng; tội là sự thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và người lân cận,
vì quyến luyến lệch lạc với một số điều tốt đẹp nào đó. Tội làm tổn thương bản
tính con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại. Vì thế, tội được định
nghĩa là: một hành vi, lời nói, hoặc ước muốn trái nghịch với Lề luật vĩnh cửu.
Tội là xúc phạm đến Thiên Chúa, với một mình Thiên Chúa, dám làm điều dữ trái
mắt Ngài (Tv 51,6). Tội chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và đưa
trái tim chúng ta lìa xa khỏi tình yêu đó. Cũng như đầu tiên, tội là một sự bất
tuân, một sự nổi loạn chống Thiên Chúa, vì ao ước muốn “sẽ nên như những vị
thần biết điều thiện, điều ác” (St 3,5)
để nhận biết và quyết định điều tốt và điều xấu. Như vậy, tội là yêu mình đến mức khinh chê Thiên Chúa. Vì sự tự tôn kiêu
căng này, nên tội đối nghịch hẳn với sự tuân phục của Chúa Giêsu, sự tuân phục
đó đã hoàn thành ơn cứu độ” (GHHTCG, số 1849-1850).
2. Hậu quả của tội
-
Tội làm mất tình nghĩa với Thiên Chúa, mất đi mối tương quan nối kết con người
với Thiên Chúa. Qủa thế, trước khi phạm tội, “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo với con người trong vườn lúc gió thổi
trong ngày” (St 3,8); sau khi phạm
tội, “Con người và vợ mình trốn
vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa” (St
3,8).
- Tội gây xáo trộn nơi bản thân, “ĐỨC
CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu? " Con người
thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng,
nên con lẩn trốn." ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết
là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?
" (St 3,9-11).
- Tội làm mất sự hòa hợp với người khác trong xã hội: đổ lỗi cho nhau,
nghi ngờ nhau, đố kỵ nhau, và thậm chí giết nhau. “Con người thưa: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái
cây ấy, nên con ăn." ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: "Ngươi
đã làm gì thế? " Người đàn bà thưa: "Con rắn đã lừa dối con, nên con
ăn" (St 3,12-13). “Sau một thời
gian, Ca-in lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên ĐỨC CHÚA. A-ben cũng
dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. ĐỨC CHÚA đoái nhìn
đến A-ben và lễ vật của ông, nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái
nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt. ĐỨC CHÚA phán với Ca-in: "Tại sao
ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải
là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi
đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó." Ca-in
nói với em là A-ben: "Chúng mình ra ngoài đồng đi! " Và khi hai người
đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình” (St 4,3-8).
- Tội làm mất sự hòa hợp với thiên nhiên (vạn vật trở nên gai góc, lao
khổ đối với con người) và hậu quả nặng nề là cái chết. “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc
vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong
đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng
giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót
nó." Với người đàn bà, Chúa phán: "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc
thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm
muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi." Với con người, Chúa phán:
"Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng:
"Ngươi đừng ăn nó",nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải
cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi,mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai
sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ
hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được
lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất" (St 3,14-19).
TƯỞNG NHỚ
Thánh kinh nói về sự tưởng nhớ của Thiên Chúa
đối với con người và ngược lại con người đối với Thiên Chúa. Chẳng
hạn, “Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than
van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác
và Gia-cóp” (Xh 2,24). “Anh (em) chỉ
cần nhớ lại cách ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã xử với Pha-ra-ô và toàn
cõi Ai-cập: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) đã dùng các thử thách lớn lao mắt
anh (em) từng thấy, đã dùng các dấu lạ điềm thiêng, và dang cánh tay mạnh mẽ uy
quyền để đưa anh (em) ra. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ xử như thế với
mọi dân mà anh (em) sợ. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ gởi cả ong bầu
đến với chúng, cho đến khi những kẻ còn lại, những kẻ trốn tránh để khỏi giáp
mặt anh (em), bị tiêu diệt” (Đnl 7,18-20).
. Trong Thánh
Kinh, sự tưởng nhớ quy chiếu về những cuộc gặp gỡ, những biến cố xảy ra trong
quá khứ, những lần lập Giao Ước… Khi tưởng nhớ đến những sự kiện, biến cố đó
vừa củng cố Giao Ước vừa giúp chúng ta sống Giao Ước ngay ngày hôm nay, có
nghĩa rằng nó làm hiện tại hóa Giao Ước. Đây là yếu tố nền tảng mọi sinh hoạt
của Dân Thiên Chúa vì chưng, việc tưởng nhớ là bảo đảm được hướng đi tốt cho
tương lai. Cho nên, Sách Giáo Lý
của Giáo Hội Công Giáo, số 1363 dạy rằng: “Đây không chỉ là nhớ lại những biến cố của quá khứ, nhưng còn là công
bố kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người. Khi cử hành phụng vụ các
biến cố này, chúng hiện diện và được hiện tại hóa một cách nào đó”..
1. Cựu Ước
Sự tưởng nhớ cao trọng hơn hết về các công cuộc
của Thiên Chúa trong lịch sử Dân Chúa đó là phụng vụ Vượt Qua trong biến cố
Xuất Hành (Xh 12,1-14). Tại sao? Bởi vì, “Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi
và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng ĐỨC
CHÚA, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy
cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. ĐỨC CHÚA đã dang cánh tay
mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm
thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập. Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban
cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. Và bây giờ, lạy ĐỨC CHÚA, này
con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con." Anh
(em) sẽ liên hoan cùng với các thầy Lê-vi và người ngoại kiều sống giữa anh
(em), vì mọi điều tốt mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã ban cho anh (em)
và gia đình anh (em)” (Đnl 26,5-11).
Cho nên, cử hành tưởng nhớ này là chính Thiên Chúa thực sự ban
cho chúng ta ơn được tự do và cứu độ. Trong lễ nghi Vượt Qua, hai việc tưởng
nhớ được giao kết với nhau: một thần linh và một nhân loại, tức là, ân sủng cứu
độ và đức tin tri ân. Vì vậy, Môsê đưa ra những chỉ thị về việc cử hành lễ Vượt Qua và người Do thái
vẫn trung thành tuân giữ cho đến ngày nay (Xh 12,14).
2. Tân Ước
Việc tưởng nhớ các lời hứa
và giao ước nay biến thành hiện thực trong biến cố Đức Kitô, Đấng thu tóm thời
gian. “Quả
thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng
nhờ Người mà chúng ta hô lên "A-men" để tôn vinh Thiên Chúa. Đấng
củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Ki-tô và đã xức dầu cho chúng ta,
Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần
Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 1,20-22). Vì vậy, Thiên Chúa trong Đức Giêsu tưởng nhớ đến
con người, con người không còn phải tìm Thiên Chúa trong quá khứ nữa, nhưng trong
ngày hôm nay và trong Đức Kitô (Ga 14,6tt; 2Cr 5,16tt). Qủa thật, Đức Giêsu
Kitô là người luôn hiện diện nơi Thiên Chúa và là Thiên Chúa luôn hiện diện nơi
con người. Đức Kitô Tư Tế đưa chúng ta tới gần Chúa Cha (Ep 2,18) và Thần Khí
của Người kết hiệp chúng ta với Ngài (Rm 8,15-16).
Nhưng
thời gian chưa hoàn tất và nếu từ nay Thiên Chúa hiện diện trong một Giao Ước
mới và vĩnh cửu, thì con người vẫn thường xa vắng Thiên Chúa và vẫn cần tưởng
nhớ. Vì thế, Chúa Giêsu quả quyết: “Đấng
Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em
mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Điều đáng chú ý rằng Thần Khí
thực hiện mầu nhiệm Chúa Kitô trong Thân Thể Người không chỉ dừng lại ở việc
tưởng nhớ mà hiện thực bí tích của Thân Thể này, Thân Thể vừa phục sinh vừa
hiện diện trong thế giới này. “Rồi Người
cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình
Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới
tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao
ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Cho nên, sự
tưởng nhớ hy lễ Vượt Qua là để Chúa hoạt động, sống trong chúng ta và chúng ta
được ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa. “Ai
tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở
lại trong người ấy” (1Ga 3,24).
Nhờ
việc tưởng nhớ hỗ tương giữa Thiên Chúa và con người, Thần Khí thấu nhập vào
đời sống người Kitô hữu đồng thời làm cho đời sống họ tỉnh thức và làm chứng
cho sự hiện diện, hoạt động của Chúa tỏ tường ngay chính mỗi người chúng ta
đang đợi Chúa đến trong vinh quang. “Người
có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân
xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21).
THA THỨ
Trong
Thánh Kinh, tội nhân là con nợ được Thiên Chúa tha thứ cho nhờ ơn tha thứ của
Ngài. “ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Dân này
còn khinh thị Ta đến bao giờ nữa? Cho đến bao giờ, chúng không chịu tin vào Ta,
mặc dầu Ta đã làm bấy nhiêu dấu lạ ở giữa chúng? Ta sẽ dùng ôn dịch mà đánh
phạt chúng, sẽ không cho chúng hưởng gia nghiệp, rồi Ta sẽ làm cho ngươi thành
một dân tộc lớn và mạnh hơn chúng." Ông Mô-sê thưa với ĐỨC CHÚA:
"Người Ai-cập đã nghe biết rằng Ngài đã dùng sức mạnh của Ngài mà đưa dân
này ra khỏi đất chúng. Và chúng đã kể lại việc đó cho cư dân đất này. Dân đất
này đã nghe biết rằng chính Ngài, ĐỨC CHÚA, Ngài ở giữa dân này, chính Ngài,
ĐỨC CHÚA, Ngài cho họ được thấy Ngài tận mắt, rằng đám mây của Ngài dừng trên
họ, và Ngài đi trước họ ban ngày trong cột mây và ban đêm trong cột lửa. Thế mà
ĐỨC CHÚA lại muốn giết cả dân này như giết một người! Các nước đã từng nghe
danh tiếng Ngài sẽ nói: "Chính bởi vì ĐỨC CHÚA đã không thể đem dân ấy vào
đất Người đã thề ban cho chúng, mà Người đã hạ sát chúng trong sa mạc. Vậy giờ
đây, xin Chúa Thượng của con biểu dương sức mạnh, như Ngài đã phán: "ĐỨC
CHÚA chậm giận và giàu ân nghĩa, chịu đựng lỗi lầm và tội ác, nhưng không dung
tha điều gì; phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông. Vậy xin Ngài
tha thứ lỗi lầm của dân này theo lượng cả ân nghĩa của Ngài, như Ngài đã từng
chịu đựng dân này từ Ai-cập cho đến đây. ĐỨC CHÚA đáp: "Ta tha thứ như lời
ngươi xin” (Ds 14,11-20).
Thiên Chúa tha
thứ hết mọi tội, sạch hết mọi tội, tội lỗi xem như Ngài vất ra sau lưng. “Nay muôn vàn cay đắng đã hoá nên an bình, vì chính Ngài đã
cứu con khỏi hố diệt vong, vất bỏ sau lưng mọi lỗi lầm con phạm” (Is 38,17). Và
bây giờ tội được cất đi và hủy bỏ (Is 6,7).
Thiên
Chúa đã tha thứ nhưng không cho tội nhân và con nợ không thể đền trả nổi. “Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với
mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn
là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông
Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau,
sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình
mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu
đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì
hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một
người tội lỗi! " Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: "Này ông Si-môn, tôi
có điều muốn nói với ông! " Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói." Đức Giê-su nói: "Một chủ nợ kia có hai
con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì
để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai
mến chủ nợ hơn? " Ông Si-môn đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được
tha nhiều hơn." Đức Giê-su bảo: "Ông xét đúng lắm" (Lc 7,36-43).
TIẾT ĐỘ
TIẾT ĐỘ
Theo nguyên ngữ La tinh, Tiết độ là
“Temperantia”, có gốc là động từ “temperare”, có nghĩa là: giữ chừng mực, dung
hoà, giữ quân bình. Đây là nhân đức giúp con người giảm bớt (kiềm chế) những
ước muốn, những dục vọng.
Theo từ điển Công giáo Phổ thông, Tiết độ
là nhân đức điều hoà ước muốn khoái lạc. Theo nghĩa rộng, tiết độ là nhân đức
giúp điều hoà sự khoan khoái dưới mọi hình thức, từ những niềm vui thuần tuý
thiêng liêng do hoạt động trí tuệ, những an ủi cảm được khi cầu nguyện đến
những khoái lạc trong cảm xúc khi nghe một khúc nhạc hay, hoặc nhìn thấy một
quang cảnh đẹp. Nhưng theo nghĩa hẹp, tiết độ là nhân đức tương ứng với đức dũng
cảm. Nếu đức dũng cảm giúp ta kiềm chế sự liều lĩnh và sợ hãi khi đứng trước
những đau khổ lớn có thể làm thương tổn bản tính tự nhiên, thì đức tiết độ giúp
ta kiểm soát những ước muốn đi tìm những khoái lạc cao độ.
1.
Thánh Kinh Cựu Ước có những từ ngữ và ý nghĩa liên hệ đến nhân đức Tiết Độ như:
a. Tự
Chủ
“Tự” là chính mình, tự nhiên không phải
miễn cưỡng, “Chủ” là vua, hay người có quyền về sự gì. Theo nghĩa chặt, “tự
chủ” có nghĩa là người có quyền trên bản thân mình. Theo nghĩa rộng là hành vi,
khả năng đặt những ý muốn của mình dưới sự kiểm soát của ý chí đã được lý trí
và đức tin soi sáng. Tự chủ là một nhân đức giúp kiểm
soát dục vọng, điều hòa lý trí và điều chỉnh nhân cách không để bị thống trị
bởi ham muốn giác quan.
Kinh Thánh Cựu Ước không sử dụng từ “tự
chủ” cách bao quát, nhưng chỉ cho biết tầm quan trọng của sự tự chủ, “Người không biết tự chủ ví như thành bỏ ngõ,
không tường lũy chở che” (Cn 25,28). Trong Kinh Thánh Cựu Ước, “tự chủ” chỉ
được hiểu cách ngụ ý trong các huấn dụ luân lý bao hàm những ý nghĩa sau:
- Kiểm soát ý chí và ước muốn bản thân:
“Đanien quyết tâm không để mình bị ô uế
do thức ăn, rượu uống của nhà vua, nên đã xin quan cho mình khỏi bị ô uế”
(Đn 1,8). “Khốn thay những kẻ bảo cái tốt
là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay
đắng thành ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng” (Is 5, 20).
- Tiết chế lời nói và tư tưởng: “Lưỡi người khôn tiết ra tri thức, miệng kẻ
dại tuôn chuyện ngu si” (Cn 15,2) và: “Kẻ
giữ mồm giữ miệng, thì giữ mình khỏi những hiểm nguy” (Cn 21,23).
b. Điều độ
Thánh Kinh sử dụng từ “điều độ” ám chỉ
việc tránh đam mê ăn uống. Sự điều độ trong Cựu Ước hàm nghĩa hai chiều kích
của đời sống thể lý và tinh thần. Đó là giữ chừng mực trong việc ăn uống và
thực hành chay tịnh vì động lực tôn giáo.
- Chừng mực trong việc ăn uống: “Ăn chừng mực sẽ ngủ thoải mái, thức dậy sớm
tâm hồn được thảnh thơi, kẻ ăn uống quá độ thì mất ngủ đã đành, mà còn thượng
thổ hạ tả” (Hc 31,20). “Khi con ngồi
ăn với kẻ chức quyền, hãy để ý kỹ người đối diện. Nếu con vốn tham ăn, hãy đặt
dao kề cổ. Đừng thèm thuồng cao lương mỹ vị của hắn, vì đó là thứ đồ ăn phỉnh
gạt” (Cn 23,1-3), “Kiếm được mật con
chỉ ăn vừa đủ, ăn quá nhiều ắt sẽ mửa ra thôi” (Cn 26,16) và “Xin đừng để lòng con nghiêng về sự dữ, đừng
để con làm điều ác với bọn gian tà. Yến tiệc của chúng con chẳng thèm ăn”
(Tv 141,4). Với đồ uống cũng vậy, sách Huấn Ca đã dạy: “Rượu đem lại cho con người sức sống, nếu biết uống có chừng mực”
(Hc 31,27).
- Thực hành chay tịnh vì mục đích tôn
giáo: “Bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, đã
khấn na-dia, tức là khấn đặc biệt kiêng cữ để kính Đức Chúa, thì nó phải kiêng
rượu và men nồng: không được uống giấm chua từ chất rượu cũng như giấm chua từ
chất men, không được uống mọi thứ nước nho, không được ăn nho tươi cũng như nho
khô. Suốt thời gian nó bị ràng buộc bởi lời khấn đó, thì bất cứ thứ gì chiết
xuất từ cây nho, từ hột nho cho đến vỏ nho, nó cũng không được ăn” (Ds 6,
1-4).
c.
Khiết tịnh
Thánh Kinh
Cựu Ước đề cao đức khiết tịnh là khuyên con người không được ngoại tình
trong hôn nhân. Nhân đức khiết tịnh của những người đã kết hôn là sự trung
thành giữa vợ chồng, vì thế không được ngoại tình. Quả thật, ngay từ những
trang đầu trong Thánh Kinh đã đề cập đến vấn đề ngoại tình, đó là việc Thiên
Chúa ban lề luật cho dân qua Mô-sê. Trong 10 điều luật, có hai điều luật liên
quan đến vấn đề khiết tịnh đó là: “Ngươi
không được ngoại tình”, “Ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ”
(Xh 20, 14.17). Trong sách Lêvi đã đề cập đến tội liên quan đến gia đình, đó là
những tội ảnh hưởng trực tiếp đến đức khiết tịnh, và Thiên Chúa đã lên án rất
mạnh mẽ những ai đi vào con đường đó: “Khi
người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với đồng loại, thì
cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10).
2. Tiết Độ Trong Tân Ước
a.
Điều độ
Nổi lên trong lối sống điều độ mà Tân Ước
đề cập là vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ và lời nói. “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say
sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh
em” (Lc 21,34). “Chúng ta hãy ăn ở
cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không
chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rm 13,13). Đặc biệt, Tân
Ước cũng dành lời khuyên sống điều độ cho từng đối tượng. Điều này được thể
hiện rõ nhất trong Thư của Thánh Phao-lô gửi cho Ti-tô.
b.
Khiết tịnh
Trong lời khuyên tránh ngoại tình, Đức
Giêsu đã nhắc lại luật xưa: "Anh em
đã nghe Luật dạy rằng : Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : ai
nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”
(Mt 5, 27-28). Như thế, vấn đề ngoại tình không chỉ là quan hệ tình dục mới là
phạm tội, mà tội ngoại tình xảy ra ngay từ lúc đã có ý nghĩ ở trong lòng, Đức
Giêsu đã giải thích cho lý do này: “Vì tự
lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm,
trộm cắp, làm chứng gian và vu khống” (Mt 15,19).
Đối với thánh Phao-lô, trong thư gửi tín
hữu Ro-ma, Phao-lô viết: “Đêm sắp tàn,
ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí
của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống
giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi
cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo
tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14). Theo thánh
nhân, việc gìn giữ sự khiết tịnh không phải là lệ thuộc vào luật lệ luôn bị quy
định bởi văn hóa thời đại, nhưng nó lệ thuộc chặt chẽ trong mối tương quan với
Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét