Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

TỪ VỰNG THÁNH KINH - VẦN S


SÁM HỐI

Thiên Chúa kêu gọi con người hiệp thông với Ngài vì họ là những người tội lỗi, là tôi nhân ngay khi lọt lòng mẹ (Tv 51,7) do tội lỗi của nguyên tổ, tội đã vào thế gian (Rm 5,12) và từ đó tội đã ở ngay nơi sâu thẳm nhất của mỗi con người (Rm 7,2). Như thế ngay từ đầu, để đáp trả lại tiếng mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, con người phải sám hối và sám hối suốt cuộc đời. "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15).
1. Cựu Ước
Cựu ước có 2 động từ Hipri được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối:
Thứ nhất, động từ Shuv, có nghĩa là quay trở lại hay thay đổi đường đi, trở về. “Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành" (Is 6,10). “Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài” (Tv 51,15). “Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. Vua cho rao tại Ni-ni-vê: "Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình” (Gn 3,5-8).
Thứ hai, động từ Nicham, có nghĩa là cảm thấy hối hận vì những việc sai trái mình đã làm. “Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự ĐỨC CHÚA hãy than khóc và nói rằng: "Lạy ĐỨC CHÚA, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?" (Ge 2,12.17).
2. Tân Ước
Tân Ước dùng 3 từ Hy Lạp được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối:
 Thứ nhất, động từ Metamelomai có nghĩa chỉ sự thay đổi tư tưởng, có ý hối tiếc hay thậm chí hối hận vì tội, nhưng không nhất thiết có sự thay đổi nội tâm. Chẳng hạn, sự hối hận của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. “Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận” (Mt 27,3).
Thứ hai, động từ Metanoeo có nghĩa chỉ sự thay đổi tư tưởng và chủ đích do kết quả của việc nhận thức. “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13).
Thứ ba, danh từ Metanoia có nghĩa chỉ sự sám hối thực sự, một sự thay đổi tư tưởng, chủ đích và đặc biệt phải sống theo những đòi hỏi của việc xá tội. “Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! " Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! " Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham" (Lc 19,5-9).
Tóm lại, Thánh Kinh bằng tiến Hy ngữ thường dùng danh từ metanoia, chỉ nghĩa thống hối, ăn năn còn đồng từ metanoein nhắm ý nghĩa chuyển hướng nội tâm hay tâm hồn. Cho nên, sám hối trước hết sự nhận biết đích thực về hành vi và tình trạng phạm tội của chính mình. Kế đến là nhận thức về lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Tiếp đến nữa là thật lòng ghét bỏ mọi tội lỗi (Tv. 119, 128; G 42,5-6; 2 Cr 7,10) và quay về với Chúa trong đức tin, cậy, mến nhờ ơn Chúa giúp và tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Và cuối cùng là kiên trì cố gắng theo đuổi một cuộc sống thánh thiện theo đường lối Chúa bằng cách tuân giữ các giới răn của Chúa. “Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa. Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi” (1Ga 2,4-6).





SỐNG LẠI

          Ý niệm sống lại của Thánh Kinh không ăn hợp gì với ý niệm bất tử trong tư tưởng Hy lạp. Theo quan niệm Hy lạp, tự bản tính linh hồn con người không hư nát, và khi được sự chết giải thóat khỏi mọi ràng buộc của thân xác, nó sẽ đi vào cõi bất tử thần linh. Theo Thánh Kinh, toàn thể con người với thân phận hiện tại đều rơi vào quyền lực Thần Chết: linh hồn sẽ bị giam trong shêol (âm ty), còn thân xác sẽ thối rữa trong mồ. Nhưng đó chỉ lì tình trạng tạm thời vì nhờ hồng ân Thiên Chúa, con người sẽ sống lại như trỗi dậy từ lòng đất nơi họ đã an nghỉ, có nghĩa rằng họ thức dậy từ giấc ngủ mà họ đã thiếp đi.
          Ý niệm sống lại được hình thành trong Cựu Ước nhưng nó trở thành trung tâm điểm của đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo từ khi chính Đức Kitô sống lại với tư cách là “trưởng tử trong những kẻ chết”.
          “Sống lại” không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp cậu con trai bà goá thành Naim, em bé gái 12 tuổi (Lc 7,11-17), và đặc biệt là ông Ladarô đã chết 4 ngày được Chúa Giêsu cho sống lại (Ga 11,1-44). Cả hai trường hợp này, người chết đều sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ. Có nghĩa là một ngày nào đó họ cũng phải theo cái số phận chung của loài người là trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền của sự chết.
Trường hợp của Chúa Giêsu hoàn toàn khác hẳn. Quả thực, Ngài đã chết, nhưng khi nói rằng Ngài sống lại, có nghĩa là Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết, Ngài không sống lại một thời gian để rồi lại chết. Trong thân xác sống lại, Người chuyển từ trạng thái chết sang cuộc sống khác, vượt trên thời gian và không gian. Thân xác của Đức Giê-su Phục Sinh tràn đầy quyền năng Chúa Thánh Thần. Thân xác này tham dự vào đời sống thần linh vinh hiển, đến nỗi thánh Phao-lô có thể nói: Đức Ki-tô là “người thượng giới” (1Cr 15,35-50).
Sống lại đối với Chúa Giêsu có nghĩa là mặc lấy sự sống sung mãn mới mẻ đến độ sự chết không còn chi phối nữa, cũng không một định luật tự nhiên nào có thể ảnh hưởng được Ngài. Cho nên, Ngài đến với các môn đệ khi cửa đóng kín, “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" (Ga 20,19). Rồi, Ngài hiện diện với các Tông đồ không như hồn ma, nhưng với thân thể của Ngài (Mt 28,9). Ngài cho các tông đồ sờ vào thân thể của Ngài (Lc 24,36-40), cùng ăn uống với họ (Lc 24,29tt). Đó là tình trạng đích thực của sự sống lại.
          Cuối cùng, sự phục sinh của Đức Ki-tô, cũng như chính Đức Ki-tô Phục Sinh, là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của chúng ta mai sau: “Đức Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu ..., như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người, nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống lại” (1 Cr 15,20-22). Trong lúc chờ đợi sự hoàn tất đó, Đức Ki-tô Phục Sinh sống trong lòng mọi tín hữu. Nơi Người, các Ki-tô hữu “được cảm nghiệm những sức mạnh của thế giới tương lai” (Dt 6,5) và cuộc sống của họ được Đức Ki-tô lôi cuốn vào trong cung lòng đời sống của Thiên Chúa (x.Cl 3,1-3), “để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5,15)” (GLHTCG, số 655).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét