QUAN PHÒNG
Tiếng Hy lạp: pronoia có nghĩa rằng quan phòng. Trong Thánh Kinh, khi nói
đến sự quan phòng của Thiên Chúa là nói đến Thiên Chúa, người Cha chăm sóc tạo
vật và cung cấp cho chúng tùy theo nhu cầu: Chúa ban thực phẩm đúng lúc cho tất
cả loài người cũng như loài vật, “Lạy
Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi
Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê” (Tv 145, 15-16).
Qủa thế, sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với con người thật chu đáo, tỷ mỉ và
tường tận, “Ngài đắp lên con bằng da bằng
thịt, rồi lấy gân lấy cốt mà dệt mà thêu. Ngài đã ban cho con tình thương và sự
sống, quan tâm đến từng hơi thở của con” (G 10,12). Sự chăm sóc này được
biểu lộ đặc biệt trong lịch sử, nhưng không theo kiểu một định mệnh dồn cho con
người vào tiền định thuyết, không theo kiểu một thuật sĩ (ma thuật) bảo đảm cho
tín hữu khỏi mọi tai nạn, cũng không theo kiểu một người cha dễ dãi. Nhưng sự
quan phòng của Thiên Chúa đặt con người trong hy vọng vì nó đòi hỏi họ phải cộng
tác.
Trước hết, sự quan phòng phải đặt nền tảng cho lòng tin tưởng vững chắc.
Vì chưng ý định của Thiên Chúa là ý định tình yêu, “CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương”
(Tv 103,8), và chắc chắn ý định đó sẽ được thực hiên, “Chương trình CHÚA ngàn
năm bền vững, ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn” (Tv 33,11). Thiên Chúa
trông coi trật tự thế giới (St 8,22). Ngài bảo đảm sự phong nhiêu của trái đất
(Cvtđ 14,17), ban nắng mưa cho mọi người, người lành cũng như kẻ dữ (Mt 5,45),
ban lương thực hằng ngày cho con người (Mt 6,11). Ngài xếp đặt mọi sự để mọi
người đều tìm kiếm Ngài (Cvtđ 17,24-28). Vì vậy, con người phải sống trong tin
tưởng, kiên vững cậy trông bởi “Thiên
Chúa an bài mọi sự để làm ích cho họ” (Rm 8,28), và không gì ngay cả những
thử thách nặng nề nhất cũng không tách họ ra khỏi tình yêu mà Thiên Chúa chứng
tỏ trong Đức Giêsu Kitô (Rm 8,31-39). Trái lại nhờ những thử thách ấy mà con
người có thể bày tỏ cho anh em mình khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa quan
phòng.
Sau đó, sự quan phòng đòi hỏi lòng trung
kiên. Thật vậy, Thiên Chúa không mời gọi con người thụ động hay chối bỏ tự
do, trái lại Ngài muốn giáo dục họ. Qua các thử thách, Ngài buộc con người cộng
tác với Ngài bằng những sáng kiến tự do của họ, trong khi nhờ các lời hứa, Ngài
khích động niềm tín thác và như thế giải thoát họ khỏi sự hãi có thể làm họ tê
liệt trước những bất trắc của công việc cộng tác ấy. Sở dĩ Ngài thỏa mãn những
cầu của những kẻ Ngài gọi để trở nên con cái Ngài, chính là để họ có thể trung
thành với ơn gọi làm chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Chính Giêsu cũng không
miễn thử thách. Ngài đã cảm thấy bị Chúa Cha ruồng bỏ (Mt 27,46) và khi vâng
lời cho đến chết, Người đã xác quyết lòng trung thành, tín thác và hiếu thảo bằng
lời sau hết trên thập giá: “Lạy Cha con
phó dâng linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Nhờ sự trung thành và tin
tưởng này, Vị Mục Tử Nhân Lành đã vượt qua sự chết và đã ban cho chúng ta ánh
sáng duy nhất giúp chúng ta có thể vượt qua đêm tối, trong đó sự dữ và bất hạnh
đôi khi đã nhận chìm chúng ta. Theo gương Đức Kitô, chúng ta cũng bước theo
đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa quan phòng và sẽ được vui mừng làm chứng
nhân và cộng tác viên trung thành cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét