Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

TỪ VỰNG THÁNH KINH - VẦN P



PHARISÊU

          Pha-ri-sêu, tiếng Do thái  là perusim có nghĩa là những kẻ ly khai. Thời Chúa Giêsu có chừng sáu ngàn người Do thái thuộc phái Pha-ri-sêu. Phái Pha-ri-sêu thường liên kết với những người Assiđêô (tiếng Do thái là hasidim nghĩa là những kẻ đạo đức) là những kẻ dưới thời Maccabê đã hăng hái chống lại ảnh hưởng ngoại giáo (1Mcb 2,42). Phái Pha-ri-sêu gồm có các luật sĩ, các tiến sĩ luật và cả một số tư tế nữa. Họ tổ chức thành những tập thể tôn giáo với mục đích gìn giữ các phần tử sống sốt sắng và trung thành với Luật.
           Phái Pha-ri-sêu là một giáo phái Do thái rất hiếu động, xuất hiện nhiều thế kỷ trước và sau Đức Kitô. Nói chung, họ chính là tầng lớp trí thức của dân Do thái, vì họ là những học viên và giảng viên rất say mê và ưa cãi về luật Do thái. Vì nhiệt tình và ngoan cố như thế, họ đã trở nên nghiệt ngã và thiếu bác ái khi hy sinh chính bác ái và tình thương để bảo vệ bộ mặt luật pháp của tôn giáo. Đức Giêsu chính là mối đe dọa làm hại tới sự an toàn trong lãnh vực trí thức và quyền lãnh đạo của họ. Bất cứ lúc nào họ cũng giăng bẫy Người. Họ tìm cách thúc đẩy Người đưa ra những giải đáp sai lầm (Mt 22,15-22), hỏi rồi chờ Người lập luận mâu thuẫn (Mt 22,34-40), phàn nàn về đám người làm trong ngày Sabát (Mc 2,15-17 ; 2,23-26), thậm chí còn âm mưu hãm hại mạng sống Người (Ga 11,45-54). Thật vậy, họ đã cộng tác với các tư tế và nhóm Xađốc, tới mức quyết định bắt giữ và đóng đinh Người (Ga 18,3). Dĩ nhiên không phải mọi người Pha-ri-sêu đều cuồng tín. Ông Ni-cô-đê-mô và Ga-ma-li-ên là những người Pha-ri-sêu quân bình, rất cởi mở đối với việc phát triển đạo Do thái (Ga 3,1-21; Cv 5,34-39). Rất có thể nhiều người trong nhóm họ đã trở lại đạo Kitô giáo.

PHÁN XÉT
         Cựu ước xem Thiên Chúa là Đấng phán xét vì chưng Ngài là Đấng cai quản thế giới đặc biệt là con người. Lời Ngài qui định quyền và thiết lập các qui luật công bằng. Ngài là Đấng “dò xét tâm can” (Gr 11,20) nên biết rõ kẻ công chính, người tội lỗi. Ngài là thẩm phán tối cao và công minh chính trực: ban thưởng cho người công chính và kẻ dữ phải chịu phạt (x. St 18,23). Vì vậy, con người phải hết lòng trông cậy vào Thiên Chúa.
          Tân Ước, phán xét được hiểu theo nghĩa cánh chung. Cụ thể, khởi đầu Tin Mừng, Gioan Tẩy Giả đã nhắc đến ngày Cánh Chung, ngày Thiên Chúa đến phán xét cho nên con người hãy chịu Phép rửa để tỏ lòng sám hối (Mt 3,7-12). Rồi khi Chúa Giêsu đến trong thế gian, thời gian cuối cùng đã điểm: cuộc phán xét cánh chung đã hiện thực rồi, nhưng phải chờ tới khi Đức Kitô trở lại trong vinh quang được hoàn tất trọn vẹn.
          Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng có hai cuộc phán xét: phán xét riêng và Phán Xét Cuối Cùng.
          Phán xét riêng là: “Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Ki-tô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện hoặc được hưởng phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn” (số 1022).
Phán Xét Cuối Cùng là: “Phán Xét sẽ diễn ra ngay sau khi mọi người đã chết được sống lại, “người công chính cũng như kẻ có tội” (Cv 24,15) sống lại. Đó sẽ là “giờ các kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Người Con và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Lúc đó,  Đức Kitô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu... Các dân thiên hạ sẽ tập hợp trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho  chiên đứng bên phải, còn dê thì ở bên trái... Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công ra đi để sự sống muôn đời” (Mt 25,31.32.46) (số 1038).
          “Cuộc Phán Cuối Cùng sẽ diễn ra khi Đức Ki-tô trở lại một cách vinh quang. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Người quyết định việc ngự đến của Đức Kitô. Lúc đó, qua Con của Ngài là Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa Cha sẻ công bố phán quyết chung thẩm của Ngài về toàn thể lịch sử. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ c,bm,ông trình tạo dựng và của toàn bộ nhiệm cục cứu độ và chúng ta sẽ hiểu những đường lối kỳ diệu qua đó sự Quan Phòng của Thiên Chúa dẫn đưa mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Cuộc Phán Xét Cuối Cùng sẽ mạc khải đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng mọi bất chính mà các thụ tạo của Ngài đã lỗi phạm, và tình yêu của Người mạnh hơn sự chết” (số 1040).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét