Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

TỪ VỰNG THÁNH KINH - VẦN O, Ô, Ơ



 ƠN GỌI
  
1. Cựu Ước
Ơn gọi là lời mời Thiên Chúa nói với một người mà Ngài chọn và ủy thác cho họ một công việc đặc biệt trong ý định cứu rỗi và trong vận mệnh của dân tộc Ngài. Do đó, trước khi gọi ai, Thiên Chúa đã tuyển chọn. Ngài muốn họ thực hiện ý định Ngài sau khi gọi. Cho nên, khi Thiên Chúa gọi ai đều nhằm trong cho họ một sứ mệnh: Thiên Chúa gọi chính là để sai đi. Chẳng hạn, với Áp-ra-ham, “ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1); với Môsê, “Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập" (Xh 3,10); với Giê-rê-mi-a, “ĐỨC CHÚA phán với tôi: "Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói” (Gr 1,7); với Ê-dê-ki-en, “Bấy giờ Người phán với tôi: "Hỡi con người, hãy đi đến với nhà Ít-ra-en và nói với chúng những lời của Ta” (Ez 3,4).

Ơn gọi còn bổ túc vào sự tuyển chọn và sứ mệnh một lời mời gọi cá nhân. Lời mời gọi đó được nhắm đến lương tâm sâu thẳm nhất của đương sự và làm đảo lộn cuộc sống không những trong hoàn cảnh bên ngoài mà đến cả nội tâm, biến đổi họ thành một người khác. Chẳng hạn, với Áp-ra-ham, “Sau các việc đó, Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham. Người gọi ông: "Áp-ra-ham! " Ông thưa: "Dạ, con đây! " Người phán: "Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho" (St 22,1-2); với I-sai-a, “Một trong các thần Xê-ra-phim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: "Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội." Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: "Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta? " Tôi thưa: "Dạ, con đây, xin sai con đi" (Is 6,8).

2. Tân Ước
          Tân Ước không sử dụng ngôn từ riêng biệt nào về ơn gọi để áp dụng vào Chúa. Chúng ta chỉ tìm thấy đặc điểm ơn gọi ở mức độ sung mãn nhất nơi Đức Chúa Giêsu Kitô, Tôi Tớ hoàn hảo của Thiên Chúa, Đấng luôn lắng nghe tiếng Chúa Cha và vâng lời Ngài. Phép Rửa của Chúa Giêsu là cảnh phong vương: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con"(Mc 1,11) và đồng thời là dịp Thiên Chúa giới thiệu người Tôi Tớ mà Ngài hoàn toàn hài lòng. Cho nên, Đức Giêsu không ngừng nhắc đến sứ mệnh Người nhận nơi Cha, Ngài biết mình từ đâu đến và đi đâu (Ga 8,14).
          Đối với Chúa Giêsu, Ngài nhiều lần kêu gọi kẻ khác theo Người. Ngài gọi và chọn Nhóm mười hai (Mc 3,13). Với người giàu có, “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" (Mc 10,21). Đức Giê-su nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi! Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa" (Lc 9,59-60). Tiếng gọi theo Chúa Giêsu là đi con đường mới, con đường Ngài đã đi, "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).   
          Đời sống Kitô hữu là một ơn gọi, vì đó là cuộc sống trong Thần Khí, vì Ngài “liên kết với tâm trí chúng ta” (Rm 8,16) để chúng ta nghe Lời Cha và thúc đẩy chúng ta đáp trả với tình con thảo. Vì ơn gọi Kitô hữu phát xuất từ Thần Khí và vì chỉ có một Thần Khí làm sống động toàn Thân Thể Chúa Kitô, nên trong ơn gọi duy nhất này có: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người. Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,4-13).
Vì Giáo Hội, cộng đoàn người được gọi, cũng chính là Giáo Hội được chọn (2Ga 1), nên tất cả những ai trong Giáo Hội nghe tiếng gọi của Thiên Chúa thì tùy theo địa vị của mình đáp trả ơn gọi duy nhất của Giáo Hội đang nghe tiếng Tân Lang và đáp trả lời Người: “Lạy Chúa Giêus, xin hãy đến!” (Kh 22,20).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét