Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

TỪ VỰNG THÁNH KINH - VẦN N



 NGÀY CỦA CHÚA
           Từ này bao gồm hai ý nghĩa: thứ nhất, nó chỉ một biến cố lịch sử, ngày trọng đại Chúa toàn thắng quân thù của Ngài (Kh 20,7-10). Thứ hai, nó chỉ một ngày đặc biệt dâng hiến cho việc thờ Thiên Chúa, “Trong sáu ngày, người ta sẽ làm công việc của mình; còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát, một ngày nghỉ, có cuộc họp để thờ phượng, các ngươi không được làm công việc nào. Đó là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, tại khắp nơi các ngươi ở” (Lv 23,3). Hai ý nghĩa này có liên hệ với nhau, vì chưng, việc phụng thờ Thiên Chúa nhắc lại và loan báo sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử. Nó là biến cố lịch sử, vì xuất phát từ Thiên Chúa nên vượt ra ngoài thời gian và thuộc về thời hiện tại vĩnh cửu của Thiên Chúa mà việc phụng thờ là hiện tại hóa trong thời gian lịch sử. “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118,24).

a. Cựu Ước – ngày Sa-bát, ngày thánh     
« Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi.Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh» (Xh 20,8-11). Do đó, “Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi. Bởi vậy Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi  cử hành ngày sa-bát” (Đnl 5,15). Cho nên, Thiên Chúa ban cho Ít-ra-en ngày sa-bát, để họ vừa tưởng nhớ biến cố Thiên Chúa giải phóng Ít-ra-en họ khỏi ách nô lệ Ai Cập vừa như một dấu chỉ giao ước vững bền (x. Xh 31,16 ). Ngày sa-bát được hiến dâng cho Thiên  Chúa, là ngày thánh dành để chúc  tụng Thiên Chúa, ca ngợi công trình sáng tạo và những kỳ công Người  đã thực hiện để cứu Ít-ra-en.
        
b. Tân Ước – Ngày của Chúa, ngày Chúa Nhật
Chúa Giê-su đã sống lại từ trong kẻ chết vào “ngày thứ nhất  trong tuần” (x. Mt 28, Mc 16,2, Lc 24,1, Ga 20,1), ngày phục sinh của Đức Ki-tô. Vì  là “ngày thứ nhất” nên nhắc đến cuộc sáng tạo đầu tiên; vì là  “ngày thứ tám” liền sau ngày Sa-bát (x.  Mc 16,1; Mt 28,1 ), nên mang ý nghĩa một  công trình sáng tạo mới đã được khai mở với biến cố Đức Ki-tô phục sinh. Đối với các Ki-tô hữu, đây là ngày thứ nhất của mọi ngày, ngày lễ quan trọng nhất trong các lễ, ngày của Đức Chúa, ngày Chúa nhật. Ngày Chúa nhật khác hẳn ngày sa-bát và được Ki-tô hữu mừng hằng tuần thay cho ngày sa-bát. Qua cuộc phục sinh của Đức Ki-tô, ngày Chúa nhật hoàn tất ý nghĩa thiêng liêng của ngày sa-bát Do Thái, và báo trước sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa. Phụng tự  theo lề luật chuẩn bị cho mầu nhiệm Đức Ki-tô, và những nghi thức của luật cũ đều qui hướng về Chúa Ki-tô (x. 1Cr 10,11).
Như vậy, ngày Chúa Nhật nhắc lại chiến thắng của Chúa trong ngày trọng đại sống lại. Ngày Chúa nhật, ngày cử hành Lễ Tạ Ơn, cử hành lễ Tạ Ơn cũng là  loan báo sự trở lại của Chúa, tức ngày quang lâm của Ngài (1Cr 11,26). Truyền thống bổ túc cho cách giải thích này bằng cách gọi Ngày Chúa Nhật là «ngày thứ tám » để nhắc nhở rằng trong ngày Phục Sinh, ngày tiên báo quang lâm, công cuộc tạo dựng của buổi đầu tiên đã đến hồi sung mãn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét