Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

TỪ VỰNG THÁNH KINH - VẦN M

 MẠC KHẢI
 Mạc khải là việc Thiên Chúa tỏ lộ bản thân và ý muốn của mình cho nhân loại. Qủa thế, “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x. Ep 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2Pr 1,4). Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15; 1Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15). Ngài đối thoại với họ (x. Br 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó. Nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người, được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Ðấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mạc khải” (Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa, số 3).

1. Cựu Ước
Tại sao phải mạc khải? Chính vì Thiên Chúa trổi vượt vô cùng trên tư tưởng và ngôn ngữ loài người. “Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết để làm cho kế hoạch của Ta không còn được rõ ràng minh bạch?" Phải, con đã nói dù chẳng hiểu biết gì về những điều kỳ diệu vượt quá sức con” (G 42,3). Ngài là Thiên Chúa dấu ẩn (Is 45,15) không thể nào đến gần được, huống chi một khi tội lỗi đã làm con người không còn thân mật với Ngài nữa. Ý định của Thiên Chúa là một mầu nhiệm (x. Am 3,7). Ngài hướng dẫn bước đi của con người mà chính họ lại không hiểu đường lối đó. “ĐỨC CHÚA dẫn dắt từng bước chân con người,
nẻo đời mình, phàm nhân sao hiểu hết
” (Cn 20,24).
Trong cuộc sống con người gặp phải những bí nhiệm về cuộc đời không thể tự tìm thấy ánh sáng cần thiết. “Khi lòng con ngậm hờn cay đắng và nỗi đớn đau thấu tận ruột gan, con quả đã ngu si chẳng hiểu, trước mặt Ngài, như thú vật nào hơn!” (Tv 73,21-22). Cho nên, con người phải quay về với Đấng “làm chủ điều bí ẩn” (Đnl 29,28), để Ngài bày tỏ những bí mật không thể hiểu thấu (x. Đn 2,17tt), để Ngài cho thấy “vinh quang Ngài” (Xh 33,18). Nhưng trước khi con người quay về với Ngài, Thiên Chúa đã khởi xướng và nói với họ rồi. Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng miệng các Ngôn sứ mà phán dạy cha ông ta; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,1-2).
   2. Tân Ước
Mạc khải được khởi đầu trong Cựu Ước, và nó được kết thúc trong Tân Ước. Nhưng thay vì được loan truyền qua nhiều trung gian, mạc khải bây giờ tập trung vào Đức Giêsu Kitô, Người vừa là tác giả vừa là đối tượng. Mạc khải thời Tân Ước gồm ba giai đoạn:
-         Giai đoạn thứ nhất: Mạc khải được chính Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ,
-         Giai đoạn thứ hai: Mạc khải được thông truyền cho loài người qua các Tông đồ và qua Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
-         Giai đoạn thừ ba: Mạc khải sẽ hoàn tất khi con người thị kiến trực tiếp mầu nhiệm Thiên Chúa thay thế sự hiểu biết nhờ đức tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét