LÒNG THƯƠNG CHÚA CỨU CHÚNG TA NHỜ PHÉP RỬA
Lời Chúa: Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22
Hôm nay mừng lễ Chúa chịu phép rửa như
khép lại mùa Giáng sinh và cũng là một chiếu sáng lòng thương xót khác của Chúa
Giêsu khi bắt đầu bước vào cuộc sống công khai của Ngài, tức là thi hành lòng
thương xót của Chúa Cha. Hôm nay chúng ta thấy không còn cảnh hang đá Belem có
Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giêsu cùng với các Thiên Thần, mục đồng, ánh sao lạ,
và đền điện lung linh huy hoàng nữa. Nhưng là cảnh đoàn người xếp hàng chịu phép
rửa bởi ông Gioan. Những người này ý thức được bóng tối tội lỗi trong cuộc đời
của họ nên họ đã đến với ông Gioan xin nhận phép rửa sám hối. Đức Giêsu cũng
bước vào dòng nước ấy và chịu phép rửa mặc dù Ngài chẳng có một tội gì, và sau
khi Người nhận phép rửa, “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới
hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày
hôm nay, Cha đã sinh ra Con”
(Lc 3,22). Vâng, từ dòng nước, Chúa Giêsu được Chúa Cha tuyển chọn để cứu độ
nhân loại, để “biểu lộ lòng nhân hậu và
lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta
đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu
chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới”
(Tt 3,4).
Vâng, “Nước rửa tội được thánh hiến bằng Kinh khẩn
cầu Chúa Thánh Thần. Hội Thánh cầu xin Thiên Chúa để nhờ Con Ngài, quyền năng
của Chúa Thánh Thần ngự trên nước này, để ai thanh tẩy trong nước này, thì được
tái sinh bởi nước và Thần Khí” (GLHTCG, số 1238). Tại sao chúng ta được tái
sinh và đổi mới nhờ nước và Thần khí. Vì
chưng, trong Thánh kinh, nước vừa có khả năng huỷ diệt cũ, cái xấu đồng thời
kiến tạo cái mới, tốt hơn. Cụ thể, qua câu chuyện lụt Hồng Thuỷ trong Sách Sáng
thế, tác giả cho thấy rằng nước đã huỷ diệt toàn bộ nhân loại cũ tội lỗi và
đồng thời kiến tạo một gia đình mới là gia đình ông Noe, gia đình của Lòng
Thương Xót Chúa. Rồi Sách Xuất hành với câu chuyện dân Israel vượt qua Biển Đỏ
ngụ ý rằng nước huỷ diệt tất cả sức mạnh đàn áp của Ai cập, đồng thời mang lại
tự do cho cả một dân tộc do Lòng Thương Xót Chúa. Chính vì thế, Tin Mừng hôm nay
nói rằng người Do thái ùn ùn, kéo đến chịu phép rửa của Gio-an vì nghĩ rằng khi
chịu phép rửa, họ sẽ được lành sạch từ trong ra ngoài. Nhưng Gio-an nói ngay
rằng ông làm phép rửa bằng nước còn Đấng quyền phép hơn ông làm Phép rửa bằng
lửa và Thánh Thần, tức là Phép rửa của Gioan chỉ là biểu tượng bên ngoài, đem
lại sự sám hối ăn năn tội lỗi đã phạm, và giúp thay đổi đời sống tội lỗi đó,
chứ nó không tạo nên sự biến đổi thâm sâu nào trong lòng người ta. Cho nên, chỉ
có Phép rửa của Chúa Giêsu sau này mới thật sự rửa sạch mọi tội lỗi kể cả tội
tổ tông và làm cho ta trở thành con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đâu tội tại sao phải chịu phép rửa? Thưa Ngài
chịu phép rửa là để giữ trọn Lòng Thương Xót của Chúa Cha và để tỏ tình liên
đới với chúng ta. Cho nên, trong bài đọc hai, thánh Phaolô nói vì thương xót
chúng ta, Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa vĩ đại, vinh quang nhưng hủy
mình ra không, đã tự hiến mình để cứu chuộc và thanh luyện chúng ta thành dân
tinh tuyền, thánh thiện. Cho nên, hôm nay Chúa Giêsu hoà mình vào trong dòng
người rửa tội, tức là hoà mình với nhân loại tội lỗi, đau khổ, âu lo, và thử
thách. Ngài hoà mình nhưng chứ không hòa tan, tức không phải ở trong tội lỗi.
Ngài hòa mình với nhân loại để nhận chìm nhân loại xuống dòng nước thanh tẩy,
và từ dưới dòng nước Ngài đứng lên và vực cả nhân loại đứng lên, tức là làm cho
cả nhân loại này trở thành con cái Thiên Chúa, thương xót nâng mọi người lên và
đưa họ đến sự sống hạnh phúc và bình an trong tình yêu Thiên Chúa.
Chúa giàu lòng thương xót thế đó, còn chúng ta thì sao?!
Chúng ta hôm nay có thân thật sự hòa mình vào dòng người nhân loại như Chúa
Giêsu? Chắc có lẽ, chúng ta sẽ trả lời với Chúa Giêsu rằng 50-50, tức lúc có
lúc không. Thứ nhất, không, vì chúng ta không có đủ thời gian phục vụ Chúa và
anh chị em qua việc tông đồ; rồi chuyện gia đình vợ chồng con cái chưa lo cho
xong lấy sức đâu, tiền đâu mà giúp đỡ thương xót người ta, thêm vào đó, chuyện
chợ đời cơm áo gạo tiền thì vô kể và phức tạp, thôi “đèn nhà ai nấy sáng” là
thượng sách. Vâng, nếu chúng ta có thái độ vô cảm, dửng dưng và ích kỷ như thế,
đương nhiên sẽ có những hành động và lời nói độc ác tàn bạo, lạnh lùng, bất
nhân bất nghĩa và không bao giờ gặp Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Cho
nên, trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình
Yêu”, Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô nói rằng: “Yêu người là con đường dẫn đến Thiên Chúa vì vậy nếu quay lưng với tha
nhân sẽ làm chúng ta mù lòa không gặp Thiên Chúa”. Còn Đức Thánh Cha Phanxicô nói
trong sứ điệp Hòa Bình thế giới ngày 1.1. năm này rằng: “Sự thờ ơ trong xã hội con người là sự dửng dưng đối với Thiên Chúa, từ
đó cũng nảy sinh ra sự dửng dưng đối với tha nhân và với thụ tạo” (số 3).
Vì vậy, Đức giáo hoàng kêu gọi tất cả chúng ta hướng tới lòng thương xót bằng việc
hoán cải con tim. “Lòng thương xót là con tim của Thiên Chúa. Vì
thế nó cũng phải là con tim của tất cả những ai tự nhận mình là chi thể của đại
gia đình duy nhất của các con cái Ngài; một con tim dấn thân mạnh mẽ đập nhịp
phẩm giá con người tại khắp mọi nơi phản ánh gương mặt của Thiên Chúa nơi các
thụ tạo của Ngài. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: tình yêu thương xót đối với tha
nhân là thước đo Thiên Chúa dùng để phán xử các hành động của chúng ta. Số
phận đời đời của chúng ta tuỳ thuộc vào đó. Thật không đáng ngạc nhiên, khi
thánh Phaolô tông đồ mời gọi các kitô hữu Rôma vui với người vui, khóc với
người khóc (x. Rm 12,15) hay khuyên tín hữu Côrintô tổ chức các cuộc lạc quyên
như dấu chỉ tình liên đới với các chi thể khổ đau của Giáo Hội (x. 1 Cr
16,2-3). Còn thánh Gioan thì viết: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em
mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên
Chúa ở lại trong người ấy được?”(1 Ga 3,17)” (số 5).
Thứ hai, có, vì chúng ta lâu nay đã xả
thân phục vụ mọi người như Chúa, theo gương các thánh. Nhưng thực tế, hoàn cảnh
kinh tế vật chất đã lôi cuốn chúng ta vào sự xấu khi nào không biết đến nỗi bỏ
quên Lời Chúa chạy theo lời lẽ thế gian, thay vì nâng nhân loại lên thì lại
nhấn chìm họ chìm xuống vực sâu tội lỗi. Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô nói
Thiên Chúa luôn tuôn đổ tràn đầy Thánh Thần trên chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô.
Cho nên, chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Đó là cái gốc làm
nên nhân cách và cách sống của chúng ta. Vậy chúng ta khiêm tốn tha thứ, sống
yêu thương và phục vụ mọi người như Chúa Giêsu đồng thời xây dựng tình hiệp
thông với nhau trong một đức tin và một phép rửa duy nhất của Chúa Giêsu. Chính
lúc ấy Chúa Cha sẽ nói với từng người như đã nói với Chúa Giêsu rằng “Đây là
con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về con”.
Ước
gì qua Lời Chúa và Mình Máu Chúa Giêsu sắp rước lấy thôi thúc thi hành sứ vụ
của Chúa Giêsu trao phó cho chúng ta khi lãnh nhận Bí tích rửa tội đó là phụng
thờ Thiên Chúa và thương xót mọi người trong xã hội này. Đó cũng là ý chỉ mà
Giáo hội Việt Nam muốn mọi người thực thi trong Năm Phúc âm hóa xã hội này.
Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét