BÀI 2 : KHI LÒNG THƯƠNG XÓT GÂY ÁI NGẠI!
Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta thử tìm hiểu một vài khía cạnh của lòng Thương Xót. Khi lòng thương xót gây ái ngại: đó cũng là một phương diện của lòng thương xót !
Bộ phim “Tây Du Ký” được chiếu đi chiếu lại trên TV, có lẽ cũng có nhiều người (giống như tôi chăng?) biết đó là chuyện bịa đặt cho vui (mặc dù mục “giải mã Tây Du Ký cũng có lý!) nhưng vẫn thấy vui vui muốn xem! Nhân vật Đường Tăng quá tốt lành: đầy lòng thương xót, bị lừa đi lừa lại nhiều lần mà vẫn không chịu chừa hoặc rút kinh nghiệm! Quả là lòng thương xót gây ái ngại! Lý do đưa ra vẫn là “từ bi hỷ xả”, “cứu người hơn xây cả ngôi chùa”! Ngược lại, nhân vật Tôn Ngộ Không cũng chỉ vì “đa nghi” – cho dù đó là thật, vẫn bị vướng vào tội giết người!
Trong cuộc sống thường nhật, vẫn thoáng nghe câu nói dân dã : “Bỏ thì thương, vương thì tội!” Hiện tượng “Di dân” đang là vấn đề nổi cộm trên thế giới hôm nay. Biết bao nhiêu giải pháp đã được đưa ra; biết bao nhiêu suy luận, lo sợ xa gần cũng chỉ vì “bỏ thì thương, vương thì tội. ”Thương” như bức hình em bé mặc áo đỏ nằm chết ở bờ biển Syria…; nhưng lại “tội” lại “sợ” du nhập các thành phần tôn giáo cực đoan kiểu như “nuôi ong tay áo” đang trà trộn trong đoàn người tỵ nạn. Đúng, thật đúng đôi khi phải nghĩ tới tình trạng “khi lòng thương xót gây ái ngại !”
Năm Thánh “Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hướng về Cha trên trời: “thương xót như Chúa Cha”, Đấng “làm mưa xuống, nắng lên cho cả người lành lẫn người dữ. Đức Thánh Cha mở ra cho chúng ta một chiều kích mới: vượt xa những cảnh vực thời cuộc. Đó là cảnh vực: thân phận con người, một thụ tạo có phần thiêng, phi vật chất sống trong trời đất này một thời gian để chuẩn bị cho một đời sống ngoài trời đất hiện tại, đời sống thật, đời sống mãi mãi! Lòng thương xót của con người đó, có gì khác biệt?
Ở đây, chúng ta gặp lại một thế giới “quá quen thuộc” của mọi năm thánh. Quen đến nỗi gần như vô cảm: đó là ơn xá, “ơn toàn xá”… Năm thánh này còn có thêm điều mới lạ là: các “thừa tác viên Lòng Thương Xót”. Nhưng các thừa tác viên đó lại làm nhưng việc quen thuộc: tha tội, tha vạ khác thương! Vấn đề đặt ra để suy tư, “mạn đàm” nếu có thể là: những ân xá, tội vạ đó mang lại cho con người cái gì? Làm cho con người nên hoàn hảo hơn như thế nào?
Từ ngữ “con người nói đây là con người đang sống thực tế : đang chạy đua để kiếm kế sinh nhai, để hưởng lạc thú, để có danh vọng, để thăng tiến tinh thần, vật chất …; chứ không phải con người tìm sống cách ly trong một tu viện trên núi, trong rừng … Tóm lại, con người đang ngược xuôi ngoài đường phố, con người đang được trình diễn trên TV…
Tuy nhiên, con người thực tế đó vẫn không được thuộc hạng “hạt giống” rơi trên đường đi, trên đá sỏi hay trong bụi gai, vì những hạng người đó đã bị Chúa phân định rồi!
Còn những người có lúc biết sống cho ra người, một loài có trí khôn để suy nghĩ nhận định, thì sẽ thấy lương tâm chỉ trích khi làm điều sai trái, dù lúc đó đang là một “ông Lêvi” trước bàn thu thuế, hay là một “Phaolô đang hừng hực trên đường Damas, hoặc là một cô điếm thành Mađalêna !
Ơn tha tội, tha vạ của Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ là một dịp đổi đời: từ con người là “cặn bã xã hội” trở thành con người cải tạo, thánh hoá xã hội !
LM. Antôn Trần Văn Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét