Trang

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

LỄ THÁNH GIA – Năm C

       CẢ NHÀ THƯƠNG NHAU
Lời Chúa: 1Sm 1,20-22.24-28); 1Ga 3,1-2.21-24); 
Lc 2,41-52

          Trải dài suốt 20 thế kỷ, Thánh Kinh và Giáo hội không ngừng giới thiệu đồng thời đề nghị chúng ta chiêm ngắm và sống theo mô hình gia đình Nazarét: Thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, và Chúa Giêsu. Có người cho rằng gia đình này toàn là thánh cả nói làm gì, bắt chước sao nổi! Còn gia đình chúng ta hôm nay khác, toàn là những con người mỏng dòn, yếu đuối. Đúng thế, mọi người trong gia đình Nazarét là thánh nhưng sự thánh thiện đó không phải tự nhiên trên trời rớt xuống. Nó không miễn chước các thành viên trong gia đình khỏi đau khổ và thử thách thể xác là tâm linh. Đâu phải đời sống gia đình này lúc nào cũng thuần vợ thuận chồng, êm thắm thuận hòa cha mẹ con cái cả đâu, vì các ngài là con người như chúng ta mà. Cho nên, họ cũng phải đương đầu với mọi khó khăn, đau khổ tư bề và cả những mâu thuẫn trong gia đình nữa.

          Trước hết, sự kiện cô Maria mang bầu trước khi cưới anh Giuse. Ngày nay chúng ta bị cám dỗ bởi xã hội hưởng thụ nên các đôi trai gái yêu nhau sống chung với nhau trước khi cưới, chuyện có bầu xem ra quá thường. Nhưng đối với những gia đình đạo đức, những anh thanh niên có học thức, lịch sự, đứng đắn, các anh sẽ nghỉ sao và làm gì khi biết người yêu hiền lành, dễ thương của mình đột nhiên có thai, mà cái thai đó không phải là tác phẩm của mình? Anh Giuse đau khổ đắng cay, mất ăn mất ngủ vì tức tối, tính chuyện kiện thưa cho họ ném đá chết cô gái phụ tình này cho rồi. Nhưng Thánh Kinh nói vì là người công chính, nên anh Giuse suy nghĩ, cầu nguyện và được Thiên Chúa can thiệp. Anh thương xót đón cô Maria về nhà. Còn cô Maria trước khi thành hôn với anh Giuse, thì Thiên thần Chúa truyền tin cô sẽ thụ thai Con Thiên Chúa bởi phép Chúa Thánh Thần. Cô biết, nếu chấp nhận thì mối tình của cô với Giuse sẽ bị cắt đứt, xã hội sẽ lên án cô vì tội ngoại tình. Nhưng cô vẫn thưa xin vâng, vì cô đã lấy ý Thiên Chúa làm lẽ sống, và coi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa như giá trị cao nhất trong đời sống ngõ hầu mang lại lợi ích cho mình, gia đình và cả nhân loại. Rồi hôm nay, khi bị lạc con trong Đền thờ 3 ngày, cha tưởng mẹ dẫn về, mẹ tưởng con đi với cha. Hai ông bà mất hồn, hết vía vội chạy tìm con. Khi tìm được con mừng hết lớn, nhưng khi nghe Chúa Giêsu trả lời: Cha mẹ không biết con phải lo chuyện của Cha con sao? Thử hỏi anh chị em có tức không? Mâu thuẫn cha mẹ, con cái lại xảy ra trong gia đình vì thánh Giuse và Đức Mẹ chưa hiểu rằng Chúa Giêsu đặt mối quan hệ giữa Người và Chúa Cha trên mọi mối quan hệ khác.
          Hoàn cảnh gia đình Nazarét thật éo le, bi đát, khó khăn đau khổ trăm bề, cộng thêm đời sống đức tin của ông bà cũng tối tăm chứ đâu thấy và biết trước được hết mọi sự rõ ràng như hôm nay. Nếu các ngài biết trước thì còn gì là công phúc nữa. Mọi thành viên trong gia đình này đều là con người cả nhưng lấy Lòng Thương Xót Chúa làm giá trị tuyệt đối và làm động lực để vượt qua mọi khó khăn thử thách. Các ngài có chung một hướng đi trong cuộc sống là thực hiện kế hoặch yêu thương của Thiên Chúa trong gia đình mình và gia đình nhân loại. Chính mục tiêu này làm cho họ có khả năng vượt lên trên mọi khác biệt, những mâu thuẫn trong gia đình đồng thời hóa giải được những khó khăn trong cuộc sống. Cho nên, nhà văn Pháp Antoine de Saint Exupery nói: “yêu nhau không phải nhìn nhau mà nhìn về một hướng”. Hướng này không chỉ dừng lại trên bình diện xã hội trần thế mà xa hơn đến tận chương trình tình yêu thương xót của Thiên Chúa nữa.
          Bài học gia đình thánh gia vẫn còn hiệu lực đối với chúng ta. Trong nhiều gia đình hôm nay có nhiều mâu thuẫn vợ chồng và con cái do khác biệt tâm lý, cái nhìn hay cách suy nghĩ, tuổi tác, thời đại, lối sống… Chẳng hạn, chồng thì thích bóng đá, vợ thích phim tình cảm Hàn quốc; cha mẹ muốn con cái ăn mặc lịch sự kín đáo, nhưng con cái thích hở hang sành điệu, tóc tai phải vàng đỏ óng ánh chứ đen thui thui là quê mùa… Rồi vì chuyện làm ăn, cha mẹ không quan tâm con cái, thêm vào đó con cái chạy theo lối sống thực dụng hiện đại làm hủy hoại thân xác và tinh thần. Ý lực sống Năm Thánh này là: như Chúa đã thương xót chúng ta, chúng ta phải thương xót nhau. Vì thế, cha mẹ phải biết thương xót con cái, có nghĩa rằng cha mẹ là lá chắn, đem con chạy trốn để bảo vệ tinh thần, thể xác cho con cái. Đừng quên nguyên tắc căn bản rằng cha mẹ, và con cái phải đồng tâm nhất trí với nhau, cùng chung một hướng đi dù khác biệt nhau về nhiều mặt. Hướng đi chung ấy là lấy Lời Chúa chi phối đời sống gia đình chứ không phải tiền bạc của cải để rồi gia đình mất hạnh phúc, con cái hoang đàng hút chít bỏ nhà ra đi thì nào có ích gì. Ngược lại, con cái cũng biết thương xót cha mẹ, có nghĩa rằng phải thảo hiếu, vâng lời cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ già, bệnh tật.

          Ước gì qua thánh lễ gia thất năm nay, xin cho mỗi gia đình biết lấy Lòng Thương Xót Chúa làm hướng đi trong gia đình làm ngõ hầu mang hạnh phúc đích thực và bền vững. Đặc biệt biết lấy Tin Mừng làm giá trị tuyệt đối và chi phối mọi biến cố trong cuộc sống qua việc thươnng xót và phục vụ nhau hầu đem lại tình yêu trong sáng trong gia đình mình và đại gia đình nhân loại hôm nay.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét