Trang

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

LỄ GIÁNG SINH - LỄ BAN NGÀY - NĂM C

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA CHA
 TRỞ THÀNH NHỤC THỂ
 Lời Chúa: Is 52, 7-10; Dt 1, 1-6; Ga 1, 1-18
          
          Mỗi mùa Giáng sinh về, ai ai dù có đạo hay không có đều đều thích nghe bài hát, “Bài Thánh Ca Buồn” Nhạc sĩ Nguyễn Vũ sáng tác năm 1972. Mặc dù trong tên có chữ "thánh ca" nhưng thực chất đây là một bài hát nhạc đời trữ tình, không phải thánh ca. “Bài thánh ca đó còn nhớ không em. Noel năm nào chúng mình có nhau. Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt. Áo trắng em bay như cánh thiên thần. Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngânRồi mùa giá buốt cũng qua mau. Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu. Rồi một chiều áo trắng phai màu. Em qua cầu xác pháo bay sau. Lời nguyện mình Chúa có nghe không. Sao bây giờ mình hoài xa vắng. Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian. Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu”. Lời nguyện mình Chúa có nghe không? Đương nhiên Chúa nghe chứ, Chúa nghe tại sao bây giờ mình hoài xa vắng, tại tình yêu đôi ta chia ly, tại sao tình cha nghĩa mẹ hôm nay không còn, tại sao con người hôm nay vô cảm với nhau, tại sao con người dững dưng với nhau trong cuộc sống này? Tại vì Chúa thương xót chúng ta nhưng chúng ta không đón nhận Lòng Thương Xót Chúa trở nên người ở giữa chúng ta nhưng chúng ta không đón nhận Ngài, lắng nghe và thực hành Lời Ngài dạy nên không biết thương xót nhau, kỵ thị nhau, tỳ hiềm nhau, ganh ghét nhau và thù hận nhau…

Thiên Chúa luôn nghe và đáp trả những lời cầu xin của con người dù con người có tội lỗi bởi vì bản chất của Ngài là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Hai ông bà nguyên tổ, đã lạm dụng sự tư do của mình mà bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Từ đó, tội lỗi đã tràn ngập trần gian: sự hiệp thông giữa mọi người trong xã hội trở nên căng thẳng, sự hài hoài với thiên nhiên bị phá vỡ, vạn vật trở nên xa lạ và thù địch với con người. Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa không muốn để cho con người phải mãi mãi chìm sâu trong bóng tối tội lỗi. Ngài đã thương xót và hứa ban Đấng Cứu Thế cho trần gian để giao hòa mọi tranh chấp, hàn gắn mọi đổ vỡ và xây dựng tình huynh đệ trong xã hội, hầu mọi người trong xã hội ấy được tràn ngập lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Và thật sự hôm nay Đấng Cứu Thế đã ra đời. Bài đọc I, Ngôn sứ Isaia mô tả Thiên Chúa như một vị Vua cao sang, quyền quý và toàn năng. Người là Vua hiển trị nên muôn dân phải cất tiếng reo hò, Người đã vung cánh tay thần thánh để thương xót cứu độ cho dân Người. Thế nhưng, bài Tin Mừng, Thánh Gioan nói rằng Thiên Chúa như một người phàm, yếu đuối mong manh, nghèo hèn đến nỗi Ngài đến ở giữa dân mà không ai nhận biết và đón nhận Ngài. Mặc dù Ngài là Thiên Chúa quyền năng, phép tắc nhưng Ngài trở nên phàm nhân, Đấng Emmanuel để ở giữa chúng ta, nên một với chúng ta trong thân phận làm người chỉ vì thương xót chúng ta. Cho nên, chúng ta mừng là vì chúng ta trở nên con Thiên Chúa, được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa hết ơn này đến ơn khác và được sống trong tình yêu thương xót của Chúa đời nọ đến đời kia
Chúa Giêsu Giáng Sinh là tin mừng về Thiên Chúa và về con người. Vì khi Thiên Chúa sinh ra trong thân phận con người, tức Ngài trở nên liên hệ với tất cả mọi người chúng ta. Cho nên, từ đây tất cả mọi người trên trái đất đều này là hình ảnh của Thiên Chúa, Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa. Cho nên chúng phải thương xót nhau như Chúa đã thương xót là vậy! Sách Samuel kể rằng khi vua Sa-un dẫn quân đi tìm giết Đavít, được người ta báo cho Vua rằng Đavít đang ở trong Sa-mạc Ên-ghe-đi. Ban đêm lính tráng và vua ngủ mê, Đavít xuất hiện ngay chỗ vua ngủ. Các người của Đavít nói: đây là thời cơ thuận tiện để ngài ra tay giết kẻ thù đi. Đavít rút cây giáo cấm phập xuống đất trước đầu vua Sa-un và ra về vì sao vậy? Vì Đavít đã nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa không những trong tha nhân mà ngay cả trong kẻ thù mình nữa.
           Mừng Giáng Sinh là mừng lòng thương xót trở nên con người ở giữa chúng ta và trong mỗi người chúng ta, Ngài làm cho cuộc đời sống chúng ta hạnh phúc, không còn tình mình hoài xa vắng nữa nếu chúng ta biết thương xót nhau. Thiên Chúa làm người như chúng ta nên phẩm giá của con người không đặt nơi tiền, địa vị, danh vọng… nữa mà đặt chính ở mỗi một con người là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh tốt đẹp của Thiên Chúa. Nhưng, ngược lại, con người ngày nay đánh giá nhau dựa trên tiền bạc, của cải vật chất, sắc đẹp, địa vị và quyền lực không dựa trên tình người, hình ảnh của Thiên Chúa giàu lòng xót nữa. Cho nên người ta vô cảm, dững dưng, hận thù, ganh ghét nhau… làm cho con người gần mặt mà cách lòng. Cụ thể, trai gái không thương xót nhau cho nên mới có chuyện: “Thôi là hết anh đi đường anh. Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi. Còn mong gì hình bóng xa xôi. Nhắc làm gì chuyện năm xưa. Cho tim thêm ngẩn ngơ. Thôi là hết em đi đường em. Từ nay sầu dẫm nát tim côi. Vì sao trời đành bắt duyên em. Lỡ làng cùng người em thương. Lỡ làng cùng người em yêu. Rồi cha mẹ không thương xót con cái cho nên mới có chuyện:  “Cha ơi, cha là ai? Mẹ ơi, mẹ là ai? Đêm khuya bên hè vắng, đứa bé mồ côi đang nằm co ro như dấu chấm hỏi đập giữa cuộc đời. Cha ơi, cha ở đâu? Mẹ ơi, mẹ ở đâu? Mưa rơi ôi lạnh quá, gió buốt từng cơn con nằm bơ vơ, nằm mơ một mái nhà có mẹ và có cha. Tại sao sinh em trong cuộc đời mà sao không cho em tình người. Tại sao em lang thang lạc loài em nào có tội gì đâu. Tuổi thơ em không một mái nhà, tuổi thơ em không được đến trường, tuổi thơ em bơ vơ đầu đường, xin từng hạt cơm rơi, xin từng hạt cơm rơi. Cha ơi, cha ở đâu.? Mẹ ơi, mẹ ở đâu? Đêm đêm bên hè vắng, đứa bé mồ côi vẫn nằm đơn côi như dấu chấm hỏi, như dấu chấm hỏi, hỏi giữa cuộc đời.
Trong Tông sắc “Dung Nhan Lòng Thương Xót Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Lòng Thương Xót chính là hành vi cuối cùng và chung cuộc mà với nó, Thiên Chúa sẽ gặp gỡ chúng ta. Lòng Thương Xót chính là con đường mà nó gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau, vì Lòng Thương Xót mở con tim ra cho niềm hy vọng trước việc chúng ta sẽ vẫn được yêu thương mãi mãi, bất chấp sự giới hạn vì tội lỗi của chúng ta (số 2§2).
          Ước gì qua mầu nhiệm Giáng Sinh, xin Chúa thôi thúc chúng ta biết nhìn ra Chúa trong mỗi người chúng ta gặp gỡ để thương xót nhau. Đặc biệt, trong Năm Thánh và Năm Phúc Âm hóa xã hội này, ướg gì mỗi người chúng ta dám sống và làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa ngõ hầu mang lại hạnh phúc và bình an đích thực cho mọi người trong xã hội này. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét