Trang

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

TÓM TẮC TÔNG SẮC – DUNG NHAN LÒNG THƯƠNG XÓT

TÓM TẮC TÔNG SẮC MISERICORDIAE VULTUS
– DUNG NHAN LÒNG THƯƠNG XÓT
(Dựa theo bảng dịch của Lm Đa-Minh Thiệu CS)
 
Tông Sắc “Misericordiae vultus - Dung Nhan Lòng Thương Xót gồm 25 số gồm gồm 4 phần:
Phần I: Ý niệm về Lòng Thương Xót (số 1-13).
Phần II: Làm thế nào để sống Năm Thánh hiệu quả nhất (số 14-18).
Phần III: Lời kêu gọi cho từng thành phần cụ thể (số 19-23).
Phần kết: Mẹ Maria “Thân Mẫu của Lòng Thương Xót (số 24-25).

Phần thứ I: Ý niệm Lòng Thương xót

Mở đầu Tông Sắc Đức Thánh Cha khẳng định rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha vì chưng, trong Chúa Giê-su Kitô, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trở nên sống động và rõ ràng và thấy tột đỉnh điểm của nó. Vì vậy ai thấy Ngài là thấy Cha (x. Ga 14,9) mà Chúa Cha là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín (Xh 34,6) và "giàu lòng thương xót" (Ep 2,4) (số 1).
Đức Thánh Cha giải thích rằng cụm từ "Lòng Thương Xót" diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi, bản chất của Thiên Chúa và tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Lòng Thương Xót chính là con đường mà nó gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau, vì chưng, Lòng Thương Xót mở con tim ra cho niềm hy vọng trước việc chúng ta được yêu thương mãi mãi bất chấp sự giới hạn vì tội lỗi của chúng ta (số 2).

 Lý do mở Năm thánh Lòng Thương Xót là để mọi người tin, làm chứng mạnh mẽ và hiệu năng hơn về Lòng Thương Xót của Chúa Cha trong xã hội hôm nay (số 3§1).
Đức Thánh Cha đưa ra hai lý do tại sao khai mạc vào ngày 8-12. Thứ nhất, 8-12 là ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vì Mẹ Maria giữ vai trò khởi đầu lịch sử cứu độ, khởi đầu cho ơn tha thứ của Thiên Chúa. Việc mở Cửa Thánh giống như mở Cửa Lòng Thương Xót để ai bước qua thì sẽ được "được an ủi, được tha thứ và ban tặng niềm hy vọng" (số 3§2). Lý do thứ hai, 8-12 nhắc đến ngày kết thúc Công Đồng Va-ti-ca-nô II tròn 50 năm. Đây là lúc loan báo Tin mừng theo cách thức mới trong đó Giáo Hội trở nên dấu chỉ sống động cho Tình Yêu của Thiên Chúa Cha và mọi Kitô hữu phải làm chứng mạnh mẽ về đức tin với niềm hăng hái và đầy sức thuyết phục (số 4§1).
Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, tất cả các Cửa Thánh của những nhà thờ Chính Toà từ Rô-ma đến Giáo Hội địa phương được ban phép mở để người hành hương đón nhận ân sủng đồng thời canh tân đời sống thiêng liêng. Đức Thánh Cha cho phép Đức Giám Mục Giáo Phận có thể mở một Cửa Thánh tại các trung tâm hành hương. Năm Thánh không chỉ được cử hành tại Rôma mà cả ở các Giáo Hội địa như dấu chỉ rõ rệt nhất về sự hiệp thông của toàn Giáo Hội (số 3§3).
Trong lời khai mạc Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII nhắc đến cụm từ "Lòng Thương Xót", Ngài ví nó như phương dược chữa lành hơn là những khí giới của sự nghiêm khắc. Đến lượt Chân phước Giáo Hoàng Phao-lô VI, dù không có cụm từ trên nhưng Ngài cũng nói đến Đức Ái đối với tha nhân, nó phương dược chữa trị tất cả những bệnh tật và mọi nhu cầu của họ (số 4§2).
Với tinh thần biết ơn đối với điều mà Giáo Hội đã lãnh nhận, Năm Thánh này được mở ra để Dân Chúa chiêm ngưỡng Dung Nhan Lòng Thương Xót. Đức Thánh Cha cầu xin Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội và mọi kitô hữu cộng tác vào công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô (số 4§3).
Năm Thánh kết thúc ngày 20 thánh 11 năm 2016, Chúa Nhật lễ Chúa Ki-tô, Vua Vũ trụ. Đức Thánh Cha mong muốn chúng ta trước hết phải biết ơn đối với Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh vì Cổng Thánh đã trao tặng chúng ta một thời gian ân sủng đặc biệt. Thứ đến, phải trao phó đời sống của Giáo hội, toàn thể nhân loại và vũ trụ mênh mông cho quyền thống trị của Chúa Ki-tô. Cuối cùng, tất cả mọi người đều có thể trải nghiệm về dầu thơm Lòng Thương Xót, như là dấu chỉ của Triều Đại Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta (số 5).
Đức Thánh Cha trích dẫn lời của thánh Tô-ma A-qui-nô và tổng nguyện cổ của Chúa Nhật XXVI Thường niên để chỉ ra sức mạnh của Lòng Thương Xót Chúa luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại không phải là một dấu chỉ của sự yếu nhược, nhưng là một nét đặc trưng nơi quyền năng của Ngài (số 6§1). Đức Thánh Cha dẫn chúng ta trở về Cựu Ước để chỉ cho thấy bản tính của Thiên Chúa được mô tả là “nhẫn nại và thương xót”. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được diễn tả bằng những hành vi cụ thể: kiên nhẫn, công mình, trìu yêu mến, khoan hậu, tha thứ, cảm thông, nâng đỡ… (số 6§2).
Đức Thánh Cha giải thích câu Thánh vịnh 136: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thươngđể chỉ ra rằng ánh mắt nhân hậu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không chỉ tồn tại trong lịch sử cứu độ mà còn trải rộng cho đến vĩnh cửu (số 7§1). Từ đó, Đức Thánh Cha nối kết giữa Cựu Ước với Tân Ước qua cử chỉ hát Thánh vịnh của Chúa Kitô vào ngày lễ Vượt qua, ngày trước khi Ngài chịu chết để mạc khải cho nhân loại thấy ánh sáng Lòng Thương Xót: Chúa Giê-su đã sống, chịu khổ hình, chết trên thập giá và phục sinh, đó là mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu. Vì thế, mọi kitô hữu chúng ta phải cầu nguyện hằng ngày bằng điệp khúc "Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (số 7§2).
Đức Thánh Cha nói rằng nhìn vào Chúa Giêsu và dung nhan nhân hậu của Ngài, chúng ta thấy được Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, là tình yêu tự hiến, viên mãn, hữu hình và chạm tới được bởi vì chính Ngôi Con làm người đã hoàn tất mọi hành vi bằng tình yêu, trong tình yêu và qua tình yêu. Vì thế, "trong Ngài, tất cả đều nói về Lòng Thương Xót" (số 8§1). Đức Thánh Cha lược lại những cử chỉ tình yêu thương xót của Chúa Giêsu trong Tin Mừng nhất lãm: chạnh lòng thương, chữa bệnh, trừ quỉ, cho ăn, phục sinh kẻ chết, chọn các tông đồ... Đức Thánh Cha nhắc lại bài chú giải của thánh Bê-đa đáng kính về việc Chúa Giêsu nhìn Mát-thêu với tình yêu thương xót, từ đó Đức Thánh Cha đã chọn khẩu hiệu cho đời Giám mục và Giáo hoàng của mình: “Chạnh lòng thương và tuyển chọn” (số 8§2).
Tiếp đó, với ba dụ ngôn gây ấn tượng về Lòng Thương Xót: con chiên lạc, đồng bạc bị mất và người cha với hai con trai (x. Lc 15, 1-32), Đức Thánh Cha nói trong bản tính cha, Thiên Chúa luôn tha thứ, cảm thông và thương xót. Đó là cốt lõi của Tin Mừng và Đức Tin. Lòng Thương Xót tỏ ra sức mạnh vượt thắng tất cả, tỏ ra niềm an ủi khi tha thứ (số 9§1). Đức Thánh Cha nhắc đến hai dụ ngôn: tha thứ mấy lần? (x. Mt 18, 21-22) và tên mắc nợ không biết thương xót (x. Mt 18, 23-33) để nhấn mạnh về tha thứ của con người. Hãy tha thứ cho tha nhân vô hạn như Chúa tha cho ta, nếu không Cha trên trời cũng sẽ đối xử với ta như vậy (x. Mt 18, 35) (số 9§2). Để tỏ ra là những người con đích thực của Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, chúng ta cũng phải sống Lòng Thương Xót trong Năm Thánh này bằng việc tha thứ để có được bình an và hạnh phúc vì vậy, "Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn" (Ep 4, 26) và "Phúc thay ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương" (Mt 5,7) (số 9§3). Dựa vào Kinh Thánh, Đức Thánh Cha khẳng định Lòng Thương Xót là trách nhiệm của Thiên Chúa, luôn là hành động, là thái độ thường ngày, cụ thể và rõ ràng. Từ đó, con cái Thiên Chúa cũng nhận thấy trách nhiệm của mình mà thương xót nhau, như "nằm trên một cùng bước sóng" với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vậy (số 9§4).
Như cột trụ hỗ trợ Giáo Hội, Lòng Thương Xót phải được trao cho nhân loại vì ngày nay con người sống với nhau chỉ bằng công bằng, ít tha thứ. Cho nên, đã đến lúc Giáo Hội phải công bố một cách vui vẻ về Lòng Thương Xót và sự tha thứ. Vì tha thứ là một "sức mạnh làm cho tái sinh để trở thành một cuộc sống mới". Đây là thời gian Giáo Hội trở về với những gì căn bản và chính yếu của mình để đón nhận, gánh lấy những người yếu đuối và những người đang gặp khó khăn nhất (số 10§1).
Đức Thánh Cha trích lại số 2 của Thông Điệp, “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II để cho thấy rằng những lời này sau 35 năm vẫn còn nguyên vẹn: thực tại xã hội và con người không thay đổi, vẫn thờ ơ với Lòng Thương Xót Chúa. Do đó, Giáo Hội và mọi người hôm nay phải cảm thức về Đức Tin, hướng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để có thể tuyên xưng, công bố và sống một cách hồn nhiên và tự phát (số 11§1). Đức Thánh Cha trích tiếp số 15 Thông điệp trên để tiếp nối lời cầu xin Lòng Thương Xót của vị tiền nhiệm đáng kính, nhưng bằng cách thức mở Năm Thánh Lòng Thương Xót ngõ hầu gây tiếng vang lớn, đáp ứng sứ mệnh và bản chất của Giáo Hội "vừa là người cho và là người nhận Lòng Thương Xót” (số 11§2).
Trong thời đại mới này, Đức Thánh Cha muốn Hiền Thê của Chúa Kitô biến hành động của Con Thiên Chúa thành hành động của mình và phải đến với tất cả mọi người, rập theo tinh thần của Chàng Rể là Đức Kitô. Giáo Hội cần tỏ ra sự mới mẻ trong công cuộc tái loan báo Tin Mừng và công việc mục vụ. Vì thế, Giáo Hội cần phải nhiệt tâm, dùng ngôn ngữ và cử chỉ của Lòng Thương Xót để đưa mọi người về với Thiên Chúa Cha (số 12§1). Với vai trò nữ tỳ Tình Yêu Chúa Kitô, Giáo Hội luôn tha thứ và tự hiến. Do đó, ở đâu có Giáo Hội, có kitô hữu, ở đó có Lòng Thương Xót của Chúa Cha ( số 12§2).
Trong Năm Thánh, Đức Thánh Cha muốn chúng ta sống “Thương Xót như Chúa Cha”. Để làm được điều này, chúng ta phải thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa, để chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa và để Lòng Thương Xót trở nên cách sống của mình (số 13).

Phần II: Làm thế nào để sống Năm Thánh hiệu quả nhất (số 14-18)

Thứ nhất, hãy hành hương qua Cửa Thánh. Qua Cửa Thánh tức mời gọi hoán cải để Lòng Thương Xót Chúa bao bọc và để chúng ta cũng có lòng thương xót đối với người khác như Chúa Cha đối xử với chúng ta (số 14§1).
Thứ hai, hãy sống những giai đoạn của hành hương bằng những hành vi cụ thể: không phán xét, không kết án, không nói xấu nhau, tha thứ và trao hiến chính thân mình hầu trở nên khí cụ của sự tha thứ. Phán xét và kết án sẽ gây cho người ta đau khổ và tội kiêu căng. Cho nên, Đức Thánh Cha khuyên chúng ta phải tránh xa hai nết xấu này, cộng với tinh thần tha thứ và cho đi thì Lòng Thương Xót mới được đầy đủ (số 14§2). Đức Thánh Cha đưa ra khẩu hiệu của Năm Thánh là: “Thương Xót như Chúa Cha”. Bản chất Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là trao hiến toàn thân mình một cách vĩnh viễn, như một quà tặng nhưng không. Thiên Chúa sẽ đến giúp chúng ta khi chúng ta cầu xin. Ngài đến để cứu chúng ta ra khỏi sự yếu hèn của chúng ta. Vì vậy, được gây xúc động bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, hằng ngày chúng ta trở nên nhân từ đối với tha nhân (số 14§3).
Thứ ba, hãy mở mắt và mở cõi lòng mình ra cho tất cả những ai đang sống tại những vùng rìa khác nhau của kiếp hiện sinh, những người nghèo khổ, những người bị cướp đi phẩm giá của họ và các bệnh nhân. Trong Năm Toàn Xá này, Giáo hội được mời gọi chữa trị những vết thương ấy, hầu xoa dịu những vết thương ấy bằng dầu ủi an, băng bó những vết thương ấy bằng Lòng Thương Xót, và chữa lành những vết thương ấy bằng tình liên đới và sự kính trọng (số 15§1).
Thứ tư, hãy làm việc bác ái đối với tha nhân cả thể xác và tinh thần theo theo lời dạy của Chúa Giê-su: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, khuyên bảo, dạy dỗ, an ủi... (x. Mt 25, 31-45) (số 15§2). Và Đức Thánh Cha quả quyết họ là hiện thân của Chúa Giê-su, vì thế chúng ta phải nhận ra, đụng chạm và giúp đỡ họ một cách chu đáo (số 15§3).
Thứ năm, hãy công bố và thực thi sứ mạng của Chúa Giêsu được mô tả trong Tin mừng Lu-ca: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Lc 4,18-19). Đức Thánh Cha ước mong câu Thánh Kinh này được thấy rõ ràng qua chứng tá đời sống mà các các kitô hữu kêu gọi để trao đi. "Ai thực thi Lòng Thương Xót thì hãy thực thi việc ấy cách vui vẻ" (Rm 12, 8) (số 16).
Thứ sáu, trong Mùa Chay của Năm Thánh, cần phải suy niệm các trang Thánh Kinh về Lòng Thương Xót của Chúa Cha để kinh nghiệm và khám phá dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (số 17§1). Đức Thánh Cha nhấn mạnh đây là mùa cầu nguyện, mùa thực thi Đức ái đối với tha nhân (số 17§2).
Thứ bảy, các Giáo phận cử hành "24 giờ cho Chúa" vào các ngày thứ sáu và thứ bảy trước Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay. Mọi tín hữu phải siêng năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, nhất là người trẻ trở về với Chúa, tìm lại ý nghĩa cuộc sống, hưởng ơn bình an đích thực, đó là Lòng Thương Xót lớn lao của Thiên Chúa (số 17§3).
Tiếp đó, Đức Thánh Cha khuyên các Cha giải tội rằng các Cha phải là dấu chỉ thực sự đối với Lòng Thương Xót của Cha, nhưng trước tiên các Cha cũng phải sám hối. Các Cha giải tội phải là tôi tớ trung tín của ơn tha thứ. Các Cha cần phải đi tìm những "người con hoang đàng" ở xa và bất hạnh đồng thời đón nhận trong vòng tay yêu thương. Vì thế, khắp nơi và ở mọi hoàn cảnh, các Cha giải tội luôn là dấu chỉ riêng của Lòng Thương Xót (số 17§4).
Cũng trong Mùa Chay Năm Thánh, Đức Thánh Cha gửi đi các nhà truyền giáo của Lòng Thương Xót. Đức Thánh Cha sẽ trao cho các ngài toàn quyền trong việc giải trừ các tội lỗi, mà cứ sự thường việc tha thứ những tội ấy chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh. Vì thế, các ngài phải là:
-         Dấu chỉ sống động cho sự sẵn sàng của Chúa Cha chào đón những ai tìm kiếm sự tha thứ của Ngài.
-         Tác nhân cho tất cả, không loại trừ một ai, trong một cuộc gặp gỡ nhân bản thực sự, là nguồn của sự giải thoát, đầy tinh thần trách nhiệm trong việc khắc phục những trở ngại và hướng (hối nhân) đến với cuộc sống mới trong Phép Rửa một lần nữa.
-         Được dẫn dắt bằng Lời Chúa: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội bất tuân, để thương xót mọi người” (Rm 11,32).
-         Nhà giảng thuyết đầy cảm hứng của Lòng Thương Xót Chúa.
-         Là sứ giả của niềm vui tha thứ (số 18§1).
Sau khi kêu gọi Đức Giám Mục đón tiếp họ, Đức Thánh Cha mong các Giáo phận có những sáng kiến tổ chức các cuộc “truyền giáo mang tính quần chúng” để các nhà truyền giáo này trở thành những người công bố niềm vui và ân sủng thông qua sự tha thứ trong Năm Thánh, đặc biệt trong Mùa Chay (số 18§2).

Phần III: Lời kêu gọi cho từng thành phần cụ thể (số 19-23)

Đức Thánh Cha ước mong hết mọi người được tha thứ, cách riêng thứ nhất những thành phần thuộc những tổ chức tội phạm. Đức Thánh Cha kêu gọi họ: hãy sám hối và thay đổi cuộc sống của mình. Ngài cho biết mối nguy hại của tiền bạc và bạo lực. Ngài kết luận trước hay sau gì đi nữa, thế nào cũng có lúc cuộc phán xét của Thiên Chúa sẽ đến với tất cả, không người nào có thể trốn khỏi cuộc phán xét ấy (số 19§1).
Thứ đến là những người bảo trợ và đồng lõa với sự tham ô: hãy loại trừ tai ương tham ô này ra khỏi cuộc sống riêng tư cũng như cuộc sống công cộng. Tội này cám dỗ hết mọi người. Ngài phân tích về tác hại của tham nhũng và khuyên mọi người biết hãy cảnh giác sự cám dỗ này (số 19§2).
Cuối cùng, với nhiều tội khác nữa, Đức Thánh Cha nói đây là lúc mọi người cần thay đổi đời sống, đồng thời là lúc phải lắng nghe những người vô tội cầu cứu. Thiên Chúa luôn lắng nghe, bản thân Ngài, các Giám mục và Linh mục cũng đang lắng nghe (số 19§3).
Đức Thánh Cha nêu lên mối tương quan giữa đức công bình và Lòng Thương Xót. Chúng không mâu thuẫn nhưng là hai mặt của một thực tại duy nhất đạt đến Tình Yêu viên mãn. Đức Thánh Cha giải thích về công bình pháp lý và công bình của Thiên Chúa. Ngài kết luận: trong Thánh Kinh, đức công chính chủ yếu được hiểu như là một sự phó thác hoàn toàn và đầy tín tưởng vào Thánh ý Thiên Chúa (số 20§1). Tiếp đến, Đức Thánh Cha giải thích đức công chính, lề luật, đức tin và Lòng Thương Xót theo quan điểm của Chúa Giêsu. Chúa Giê-su đề cao đức tin và Lòng Thương Xót, tức là đề cao việc tìm kiếm tội nhân và phẩm giá con người (số 20§2). Chúa Giêsu vượt ra khỏi lề luật và chọn Lòng Thương Xót như là "chiều kích nền tảng nơi sứ vụ của Ngài” để chia sẻ với những ai coi họ là tội nhân đối với lề luật, giúp chúng ta hiểu về Lòng Thương Xót hơn (số 20§3). Đức Thánh Cha nêu ra tấm gương của Phao-lô: theo Thánh nhân, không phải tuân thủ lề luật mà cứu độ nhưng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Cho nên, Thánh nhân nói rằng đức công chính là tin Đức Ki-tô chứ không phải là giữ luật (x.Gl 2,16). Đức tin được ban cho chúng ta, Lòng Thương Xót làm cho ta nên công chính qua sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Vậy, đức công chính của Thiên Chúa là giải phóng những người đang nô lệ của tội lỗi và hậu quả của tội. Đức công chính của Thiên Chúa là sự tha thứ của Ngài (x. Tv 50,11-16) (số 20§4).
Lòng Thương Xót không đi ngược với đức công chính, nhưng chứng tỏ thái độ của Thiên Chúa với tội nhân. Đức Thánh Cha kể lại kinh nghiệm của thời ngôn sứ Hô-sê, thời bi đát nhất của dân Do thái, Thiên Chúa không bỏ rơi họ. Thiên Chúa giận chỉ một chút nhưng Lòng Thương Xót thì đời đời (số 21§1). Thiên Chúa vượt trên đức công bình bằng Lòng Thương Xót và tha thứ, nhưng Thiên Chúa không loại trừ công bình. Dựa vào thư Rô-ma 10,3-4, Đức Thánh Cha kết luận: đức công bình của Thiên Chúa là Lòng Thương Xót và ân sủng nhờ cái chết và phục sinh của Đức Giêsu (số 21§2).
Năm Toàn xá này đặc biệt quan trọng đối với chúng ta vì chưng tội của chúng ta được tha nhưng cuộc sống của chúng ta vẫn còn bị ghi đậm dấu vết của những phản kháng và mâu thuẫn trong thái độ và suy nghĩ của chúng ta. Lòng Thương Xót  mạnh hơn tội lỗi, Lòng Thương Xót trở thành ơn xá giải, Ngài sẽ giải thoát tội nhân khỏi những hậu quả của tội, giúp họ sống bác ái, lớn lên trong tình yêu thay vì tái phạm tội lỗi (số 22§1). Qua Bí tích Thánh Thể và trong Giáo Hội, sự hiệp thông các Thánh giúp các tín hữu nên thánh nhờ lời cầu nguyện và gương sáng của các Ngài. Đồng thời, ân xá mà Giáo Hội ban cho nhờ cuộc khổ nạn và tình yêu của Chúa Kitô cũng là để tha thứ đến tột cùng hậu quả của tội. Do đó, Đức Thánh Cha kêu gọi sống ơn xá giải của Năm Thánh là tín thác và Lòng Thương Xót và để ơn tha thứ của Ngài tác động trên toàn bộ đời sống chúng ta (số 22§2).
Giá trị của Lòng Thương Xót cũng đặt Giáo Hội trong tương quan với Do thái giáo và Hồi giáo, bởi vì hai Tôn giáo này cũng coi Lòng Thương Xót là một trong những đặc tính giá trị nhất của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nhắc đến Do thái giáo trong thời Cựu ước với các trang Thánh Kinh mô tả họ sống Lòng Thương Xót. Còn Hồi giáo thường ca ngợi Thiên Chúa Thương Xót và Khoan Dung vì họ luôn biết mình được hành động và được nâng đỡ bởi Lòng Thương Xót trong sự yếu đuối của cuộc sống hằng ngày (số 23§1). Đức Thánh Cha ước mong Năm Thánh có thể tạo điện điều thuận lợi cho cuộc  gặp gỡ các tôn giáo và truyền thống tôn giáo đáng kính trọng khác; đối thoại để biết và hiểu nhau hơn; tránh khép kín và khinh chê; loại trừ bạo lực và kỳ thị (số 23§2).

Phần kết: Mẹ Maria “Thân Mẫu của Lòng Thương Xót (số 24-25)

Nếu như Năm Thánh khai mạc vào lễ Mẹ Vô Nhiễm thì kết thúc Tông sắc, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta hướng về Mẹ Maria, Thân Mẫu của Lòng Thương Xót. Ngài xin Mẹ dịu dàng dõi nhìn chúng ta trong Năm Thánh, giúp mọi người tái khám phá niềm vui đến từ sự trìu mến của Thiên Chúa (số 24§1). Đức Thánh Cha gọi Đức Maria là "Khám Giao Ước" giữa Thiên Chúa và con người vì Mẹ Maria chứng thực rằng lòng thương xót của Con Thiên Chúa không có giới hạn và đi tới mỗi người không trừ một ai. Khi nhắc đến bài ca tạ ơn của Mẹ tại ngưỡng cửa nhà chị họ Ê-li-sa-bét, Đức Thánh Cha cũng nói với chúng ta sống tâm tình này khi qua Cửa Thánh để hưởng hoa trái của Lòng Thương Xót (số 24§2). Nếu Mẹ được nhắc đến sau biến cố truyền tin, thì đây, giờ phút cuối cùng của Con, Mẹ là nhân chứng của Lòng Thương Xót vô biên, qua lời tha thứ của Con Mẹ để liên kết hết mọi người lại. Đức Thánh Cha mời gọi hãy cầu xin với Mẹ bằng kinh Lạy Nữ Vương để Mẹ nhìn chúng ta với Lòng Thương Xót và giúp chúng ta chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót, Chúa Giê-u, Con Mẹ (số 24§3). Sau Mẹ Maria, Đức Thánh Cha nhắc chúng ta phải hướng đến các Thánh và Chân phước, đặc biệt là thánh Faus-ti-na Ko-wals-ka, tông đồ của Lòng Thương Xót, họ là những người đã biến Lòng Thương Xót thành sứ mệnh của đời họ (số 24§4).
Kết thúc Tông Sắc, Đức Thánh Cha bày tỏ ước mong Lời Chúa vang lên cách mạnh mẽ và đầy thuyết phục bằng lời nói và cử chỉ tha thứ, đỡ nâng, trợ giúp và yêu thương. Ngài ước muốn Giáo Hội không bao giờ mật mỏi trong việc trao ban Lòng Thương Xót, luôn kiên nhẫn, an ủi và tha thứ. Ước mong Giáo Hội nói thay cho mọi người với niềm tin tưởng: "Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu, Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời" (Tv 25,6) (số 25§2).

                                                          Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét