LÒNG BIẾT ƠN
“Lạy Thiên Chúa,
chúng con xin tạ ơn Ngài,
tạ ơn Ngài và
cầu khẩn Thánh Danh,
kỳ công Ngài,
chúng con xin kể lại” (Tv.75,2).
1. Tạ Ơn
Thiên Chúa
Biết
ơn là một nhân đức. Đời sống ta là cả một chuỗi những ngày chịu ơn. Từ những ơn
căn bản của sự sống tới những ơn được bao dung nâng đỡ. Càng biết ơn, chúng ta
càng sống làm người hơn, trưởng thành nhân cách hơn. Chúa Giêsu dùng thí dụ để
dạy chúng ta về lòng biết ơn. Chúa đã chữa lành cho 10 người phong cùi, nhưng
chỉ có một người ngoại giáo trở lại tạ ơn Chúa. Thánh Luca viết: “Một người trong bọn, thấy mình được khỏi,
liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân
Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaria ”
(Lc 17,15-16). Lòng biết ơn của người ngoại giáo là bài học cho mỗi người
chúng ta. Chúng ta có thường xuyên dâng lời cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Ngài
ban?
Dưới
thời Quân Chủ, Vua được gọi là Thiên Tử, có nghĩa là con của Trời. Hằng năm vua
đại diện cho dân chúng lập đàn cúng tế Trời Đất cầu độ cho đất nước thái bình
an lạc (tế đàn nam giao – Huế). Mang thân phận con người, ai ai cũng hướng về
trời cao cầu xin khấn vái. Cho nên trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nói rằng: “Ngẫm hay muôn sự tại trời. Trời kia đã bắt
làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần
thanh cao”. Những người có niềm tin đơn sơ không được học biết về Thiên
Chúa, họ cũng vẫn hướng lên trời để cầu trời khấn phật. Mọi sự vạn vật trong vũ
trụ đã bày tỏ uy quyền của Trời cao. Cho nên, ngày rằm thì người ta lập bàn
thờ, mâm hoa quả, chén cơm, bát chè cúng vái để tỏ lòng biết ơn trời đất.
Chúng
ta là loài thụ tạo, có nghĩa là Chúa ban cho chúng ta tất cả từ hơi thở sự
sống, từ khả năng đón nhận âm thanh, ánh sáng và từ nguồn lương thực dưỡng nuôi
và mọi nhu cầu của cuộc sống. Từng giây từng phút chúng ta thụ ơn Đấng Tạo
Thành của chúng ta là Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta đã làm gì để đền đáp những
ơn mà Ngài đã ban tặng cho ta. Có mấy khi chúng ta để tâm ngước nhìn lên trời
cao mà cảm tạ hồng ân Chúa ban. Chúa ban cho chúng ta một tuần 7 ngày, mỗi ngày
có 24 giờ, vậy mà chúng ta vẫn còn tiếc xót dâng lại cho Chúa một vài giờ mỗi
tuần để cùng ca tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa. Chúng ta thử nghĩ, nếu một ai
đó cho chúng ta một món qùa dù rất nhỏ, chúng ta sẽ vui vẻ nhận lãnh và cám ơn
rếu rít. Trái lại, Thiên Chúa quan phòng ban cho chúng ta tất cả kể cả sự sống
của chúng ta từng giây từng phút, vậy không lý gì mà chúng ta không dâng Chúa
lời cảm tạ mỗi ngày trong cuộc sống.
2. Tri Ân
Giáo Hội
Giáo
hội đã lãnh nhận kho tàng mặc khải để truyền đạt lại cho mọi thế hệ. Sự mặc
khải giúp chúng ta học biết và tin vào Thiên Chúa hiện hữu, Đấng là đầu và là
cùng đích của mọi loài thọ tạo. Niềm tin này thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của
cuộc sống con người. Trong Giáo Hội, chúng ta được tháp nhập vào nhiệm thể của
Chúa Kitô và thông phần ân sủng siêu nhiên. Qua Giáo Hội, chúng ta được sinh ra
lại làm con Chúa. Được lãnh nhận các Bí Tích như những ân lộc nuôi dưỡng tâm
hồn. Là những người Kitô hữu, chúng ta rất hạnh phúc vì được nâng lên địa vị
làm con Chúa và được hứa ban thưởng phần phúc thiên đàng.
Giáo
hội qua bao thời đã và đang mang Tin Mừng cứu độ đi khắp thế gian cho mọi
người. Niềm tin vào Thiên Chúa là một món qùa vô giá như một kho tàng châu báu
bị chôn vùi, người kia tìm được đem bán tất cả gia tài để mua cho được (Mt
13,44). Lãnh nhận hồng ân cứu độ, chúng ta phải biết cám ơn tất cả những vị đã
hy sinh đổ máu đào cũng như hy sinh cuộc đời để xây dựng và truyền thụ niềm
tin. Cha ông tổ tiên, những bậc tiền bối là những người đã lãnh nhận đức tin,
khai mở cho con cháu một nguồn sống đích thực. Trải qua thăng trầm của cuộc
sống, các Ngài đã sống vững vàng và tiếp tục truyền rao Tin Mừng Cứu Độ cho mọi
thời đại. Vì vậy, chúng ta luôn luôn có những tâm tình biết ơn các đấng bậc
tiền nhân và cùng xây dựng Giáo Hội trần thế với anh chị em mỗi ngày một thánh
thiện và yêu thương.
3. Biết Ơn
Xã Hội
Chúng
ta sinh ra có quê cha đất tổ, có nơi chôn nhau cắt rốn và có truyền thống văn
hóa. Chúng ta được nhào nắn nên người trong hoàn cảnh xã hội với biết bao điều
tốt lành. Chúng ta được hưởng phúc lợi của xã hội về mọi mặt trong đó có tín
ngưỡng, văn hóa, an ninh, công ăn việc làm, có đất dụng võ, có trường để học và
có nơi để tiến thân. Tiền nhân đã phải phấn đấu để dựng xây nước nhà dành độc
lập cho quê hương xứ sở. Bao anh hùng đã ngã ngục dưới làn bom, súng đạn để
dành giữ mảnh đất thân yêu. Bao hy sinh của những bàn tay lao động phát quang
từ những đồi núi hay cánh đồng hoang sơ xình lầy trở thành những mảnh đất mầu
mỡ và phì nhiêu. Các vị đã khai sông, mở đường và xây dựng những thành phố xinh
đẹp và tiện nghi. Khi ra đời là chúng ta đã có sẵn tất cả, nhưng chẳng mấy khi
chúng ta nghĩ đến những công khó của các bậc tiền nhân để biết ơn.
Người ta thường nói: Quan
nhất thời, dân vạn đại. Đúng thế, thời nào cũng cần có những người đứng ra lo
việc nước và việc công. Không phải lúc nào đất nước cũng có những anh hùng oanh
liệt dám xả thân vì dân vì nước. Cho nên, chúng ta phải có tâm tình biết ơn tất
cả mọi người đã góp công góp sức xây dựng xã hội văn minh và giàu mạnh đồng thời
nhớ và biết ơn mọi thành viên đã góp phần vào tất cả những phúc lộc mà chúng ta
đang được hưởng.
4. Đền Ơn
Cha Mẹ (bài Thảo Kính)
5. Biết Ơn
Ân Sư (bài Thảo Kính)
6. Báo Ân
Những Người Đồng Hành
Trên
thế giới hiện nay có trên bảy tỷ người, thử hỏi chúng ta đã gặp gỡ và quen biết
được bao nhiêu người? Xã hội thay đổi, người sinh, kẻ tử cứ tiếp nối nhau mà
sống. Ai trong chúng ta cũng đã cùng đồng hành với nhiều người khác trong cuộc sống.
Chúng ta đã tìm thấy niềm vui, sự ủi an và nâng đỡ nhau khi an bình cũng như
khi gặp khó khăn khi họ đồng hành với chúng ta. Qủa thế, chúng ta không biết
nhiều về người khác nhưng chung ta cùng chung một kiếp người, chung một hướng
đi, chung một niềm tin hay cùng chung một mục đích. Chúng ta luôn có lý do để
biết ơn và cầu nguyện cho nhau.
7. Cám Ơn
Anh Chị Em
Anh
chị em ruột thịt luôn yêu thương và dùm bọc lẫn nhau. Họ luôn chia sẻ vui buồn
sướng khổ với nhau. Vì khi gặp gian nan, đau khổ, anh chị em bên cạnh chia sẻ
và nâng đỡ ủi an chăm sóc, vì vậy, tục ngữ dạy rằng: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Đây là một sự nâng đỡ vô hình
nhiều khi chúng ta không nhận ra hồng ân đó. Anh chị em một nhà đã được cưu
mang cùng chung một cung dạ, cùng chung nôi, hưởng một nguồn sữa mẹ, cùng được
ẵm bế và dưỡng nuôi trong một mái ấm gia đình. Anh chị em cùng học chữ yêu
thương ba ba, má má. Cùng được ấp ủ trong vòng tay hiền mẫu. Anh chị em được
lớn lên và trưởng thành bên nhau. Anh chị em đã học được những kinh nghiệm đầu
tiên của cuộc sống qua những nhu cầu chén nước, bát cơm, ganh tị nhau từng cái
kẹo và miếng bánh. Thân thương lắm! Chúng ta phải biết ơn lẫn nhau.
8. Tự vấn và quyết tâm thực hành
1.
Bạn có thường cảm ơn Chúa vào buổi tối hay sáng thức dậy không?
2.
Bạn có hay nói lời cảm ơn mỗi khi người khác giúp đỡ mình không?
3.
Mỗi khi nhận ơn người khác, bạn thường làm gì?
4. Có khi nào bạn nói hay tỏ lòng biết ơn
đối với anh, chị hay em của bạn vì họ giúp đỡ bạn việc gì đó chưa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét