BÀI
4: CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN LÀ
GÌ? (tt)
A.
NỀN TẢNG THẦN HỌC CỦA CÔNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN
Quả quyết Cộng Đoàn Giáo Hội
Cơ Bản nằm trong ý định của Thiên Chúa thể hiện trong chương trình
cứu độ của Ngài và là sự thúc giục của Chúa Thánh Thần trong thế
giới hôm nay, đòi hỏi chúng ta khám phá nền tảng thần học của Cộng
Đoàn Giáo Hội Cơ Bản, một nền tảng phải dựa vào Thánh Kinh và
thánh truyền. Chúng ta sẽ tìm hiểu lần lượt từ Cựu Ước, Tân Ước và
giáo huấn của Giáo Hội.
I.
Nền tảng Thánh Kinh
1.
Cựu Ước nói gì về Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản?
“Thánh Kinh bắt đầu và kết
thúc với lời kêu gọi con người đi vào mối tương quan với cộng đoàn
thần linh của Thiên Chúa và với nhau”[1]
và chỉ trong mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, con người mới
được hưởng lời hứa cứu độ. Mối tương quan ấy không tạo nên một cộng
đoàn mơ hồ nào đó, nhưng làm nên cộng đoàn mô phỏng hay cộng đoàn thu
nhỏ theo mô hình cộng đoàn thần linh của Đấng tạo dựng nên con người
và phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như
chúng ta” (St 1,26).
a/ Cộng đoàn thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc mọi
cộng đoàn Giáo Hội Cơ Bản
Hạn từ “Ba Ngôi” là cách diễn
tả khác về Thiên Chúa duy nhất được Thánh Kinh mạc khải trong St 1,1;
Xh 20,2-4 và Đnl 6,4. Ngài là Đấng Sáng Tạo, Đấng Phù Trợ và là
Đấng Cứu Độ. Lối nói số nhiều ngay từ đầu trong sách Sáng Thế: “Chúng
ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (St 1,26) và được tiếp tục
dùng về sau trong Thánh Kinh bày tỏ bản tính của Thiên Chúa.[2]
Ngay
từ khởi đầu, sách Sáng Thế mạc khải bản tính Thiên Chúa Ba Ngôi như
một cộng đoàn thần linh: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng
ta” (St 1,26). Trước hết, số nhiều “chúng ta” ở đây biểu lộ bản tính
và thực tại cộng đoàn của Ba Ngôi mà sau này được Chúa Giê-su cho
biết, đó là cộng đoàn Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Thứ đến,
Ba Ngôi sống trong sự hiệp thông nên một, hoạt động của Ngôi này liên
quan mật thiết với hoạt động của hai Ngôi kia, đối thoại với nhau khi
tạo dựng nên con người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng
ta.” Như vậy, nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, các Ngôi vừa tương quan mật thiết
với nhau, vừa đặt mối tương quan thần linh ấy trong con người, vừa cho
con người có mối tương quan với cộng đoàn thần linh của Ngài.[3]
Mối
tương quan của Thiên Chúa Ba Ngôi không dừng lại nơi chính bản thân Thiên
Chúa, nghĩa là giữa các Ngôi với nhau, nhưng lan rộng qua việc tạo
dựng nên cộng đoàn con người. Sách Sáng Thế cho biết, cộng đoàn con
người đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng là một cộng đoàn cơ bản,
gồm người nam, người nữ và có sự hiện diện của Thiên Chúa nữa (x.
St 3,8). Đây là mẫu hình cộng đoàn thu nhỏ mà Thiên Chúa Ba Ngôi tạo
dựng để mô tả bản tính cộng đoàn của Ngài, một cộng đoàn không chỉ
có người nam và người nữ với nhau, mà còn có Thiên Chúa hiện diện
giữa họ như là nguồn gốc và mục
đích cộng đoàn nhắm đến. Trong cộng đoàn đó, người nam và người gặp
gỡ Thiên Chúa và với nhau để hiện hữu, lập chương trình sống tương
quan với các thụ tạo hầu mang lại lợi ích cho cuộc sáng tạo.[4]
Theo Karl Barth, cộng đoàn cơ bản này được sinh ra trong “sáu ngày” và
được hấp dẫn tiến tới “ngày thứ bảy,” là ngày cộng đoàn được
hưởng sự tự do và tham dự trọn vẹn vào niềm vui của Thiên Chúa Ba
Ngôi và trong sự hiện diện của tha nhân.[5]
Thiếu vắng qui về Thiên Chúa thì cộng đoàn đánh mất đi bản tính của
mình và mất hướng đi.
Nhờ
được tham dự vào đời sống của cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi, bản tính
cộng đoàn nhân loại được đẫm thấm bản tính cộng đoàn thần linh của
Thiên Chúa từ khi cộng đoàn này được tạo dựng và chính bản tính
thần linh của Thiên Chúa luôn thôi thúc cộng đoàn con người sống tính
cộng đoàn mà họ được kêu gọi. Tắt một lời, sống cộng đoàn là ơn
gọi của con người bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì
đối với Ngài, “con người ở một mình không tốt” (St 2,18).
Như
vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi chính là trung tâm của mọi Cộng Đoàn Giáo Hội
Cơ Bản và mục đích hay ý nghĩa của cộng đoàn được đánh giá tùy
theo sự gắn bó của cộng đoàn với Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của
mọi cộng đoàn. Nói cách khác, cộng đoàn cơ bản từ công cuộc sáng
tạo không chỉ gồm những con người với nhau, mà còn có Thiên Chúa ở
giữa, Đấng là nguồn gốc của cộng đoàn, vì thế, mọi qui hướng của
cộng đoàn nhằm cách ly khỏi Thiên Chúa hay qui hướng về một đối
tượng trần thế nào đó, là một
thảm họa cho cộng đoàn. Người ta không thể minh chứng một cộng đoàn
cơ bản mà thiếu vắng sự qui hướng của cộng đoàn vào Thiên Chúa Ba
Ngôi và đó cũng là trách nhiệm của mọi cộng đoàn.
Tóm
lại, Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn gốc của cộng đoàn nhân loại và bổn
phận của mọi cộng đoàn là tìm hiểu, qui hướng, đón nhận Thiên Chúa,
Đấng là trung tâm của cộng đoàn.
[1] Gareth Weldon
Icenogle, Biblical Foundations for Small
Group Misnistry: Intergrational Approach (Illinois: Inter Varsity Press,
1994), 20.
[2] St 3,22; 11,7; Is 6,8; 1Cr
12,4-6; 2Cr 13,13; Gal 3,11-14; 4,6; Ep 2,11-22;
3,14-21; 2Th 2,13-14; Tit 3,4-6;
1Pr. 1:1-2, và nhiều nơi khác trong Tin Mừng
Gioan.
[3] Gareth Weldon
Icenogle, Biblical Foundations for Small
Group Misnistry, 21.
[4] Ibid. 23.
[5] Ibid.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét