BÀI
5: CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN LÀ
GÌ? (tt)
b/
Cộng đoàn Cơ Bản là cộng đoàn hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau
Thiên Chúa không bao giờ có ý
định tạo dựng bất cứ cộng đoàn nhân loại nào biệt lập với Ngài
hoặc tách rời giữa con người với nhau. Ngài cũng không lấy mẫu hình
cộng đoàn nào khác tạo dựng cộng đoàn con người ngoài mẫu hình duy
nhất là chính bản thân Ngài: Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, ngay từ
đầu, Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng cộng đoàn cơ bản đầu tiên, trong đó
người nam và người nữ sống mật thiết với Thiên Chúa (x. St 3,8) và
với nhau. Họ xem nhau như xương thịt của nhau (x. St 2,23).
Trong chương 2, sách Sáng Thế cho
biết Thiên Chúa rất gần gũi với cộng đoàn con người đầu tiên. Thiên
Chúa tạo dựng vũ trụ, cho cây cối mọc lên, tạo dựng con người,
chuyện trò với con người và cho con người một mẫu mực trong các mối
tương quan. Với quyền năng, Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng con người bằng
mệnh mệnh, nhưng tình yêu nơi Ngài còn đi xa hơn qua việc chọn mối
tương quan cá nhân với con người: nói chuyện với con người, mang mọi
loài đến giao cho con người đặt tên.
Trong
chương 3, Sách Sáng Thế làm nổi bật hơn nữa ý muốn của Thiên Chúa
muốn cộng đoàn cơ bản sống hiệp thông với Ngài. Sau khi con người
phạm tội, Thiên Chúa vẫn đi đến với cộng đoàn con người như thường
lệ (St 3,8). Sự thân tình của Thiên Chúa lúc này làm cộng đoàn người
nam người nữ ngạc nhiên. Sách Sáng Thế mô tả rằng: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình
trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. Nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là
Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn
vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa” (St
3,7-8). Trong lúc con người sợ hãi lánh mặt Thiên Chúa và muốn cắt
đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, thì Thiên Chúa lại đến với họ để
nối kết tình thân, vì Ngài không bao giờ từ bỏ cộng đoàn con người
Ngài đã tạo dựng: Thiên Chúa hỏi con người về những gì họ đã làm
và con người đã trả lời, Ngài cho họ biết hậu quả tội lỗi họ đã
phạm, nhưng yêu thương mặc cho họ y phục phẩm giá (St 3,21) và chỉ dẫn
những bước cần thiết để cộng đoàn nhân loại sống hiệp thông và không
để rơi vào tình trạng xấu hổ nữa (St 3,22-23). Như vậy, thay vì tiến
sâu về phía “ngày thứ bảy”, ngày của tự do và thờ phượng Thiên
Chúa, cộng đoàn con người phạm tội quay trở lại thời kỳ “hỗn mang,”
thời của bóng tối, thì Thiên Chúa mang con người lại con đường hướng
về “ngày thứ bảy” sống cộng đoàn có Thiên Chúa ở giữa.
Tóm
lại, khi tạo dựng cộng đoàn cơ bản, Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng cộng
đoàn này luôn hiệp thông với Ngài và giữa họ hiệp thông với nhau.
Mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa vừa là nền tảng của cộng
đoàn cơ bản, vừa ban cho cộng đoàn có khả năng hiệp thông với Thiên
Chúa và với nhau trong cộng đoàn.
c/ Cộng đoàn cơ bản
là cộng đoàn nhỏ, thân thiết và sống Giao Ước
Tách
rời, sống tách biệt không phải là ý muốn của Thiên Chúa khi tạo
dựng cộng đoàn cơ bản đầu tiên, thế nhưng, đó lại là chọn lựa đáng
buồn của cộng đoàn cơ bản ấy. Chọn sống theo tội lỗi, họ lánh mặt
Thiên Chúa và tố cáo lẫn nhau, A-đam tố cáo E-và, giữa họ không còn
là một cộng đoàn tốt đẹp thuở ban đầu. Từ đó tội lỗi lan tràn,
Ca-in giết Abel và tháp Ba-bel là cao điểm diễn tả sự xung đột trong
cộng đoàn nhân loại. Đến đây cần khẳng định rằng, nếu sự hiệp thông
thân tình là cốt lõi của đời sống cộng đoàn, thì nay, sự hiệp thông
thân tình trở nên thách đố của mọi cộng đoàn.
Bất chấp tình trạng tồi tệ của
cộng đoàn cơ bản đầu tiên, Thiên Chúa vẫn tiếp tục ý muốn thánh
thiện của Ngài trên cộng đoàn con người chính Ngài thiết lập, Ngài
phục hồi sự thân tình của Ngài trong cộng đoàn ấy bằng giao ước.[1]
Thiên Chúa phán: “Ta sẽ đặt giao ước của
Ta giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông." Ông
Áp-ram cúi rạp xuống. Thiên Chúa phán với ông rằng: "Phần Ta, đây là giao
ước của Ta với ngươi: ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. Người ta sẽ không còn
gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô
số dân tộc” (St 17,2-5). Bản tính của Thiên Chúa thể hiện trong sự
hiệp thông và giao ước là cách thế Thiên Chúa muốn sự hiệp thông
hiện diện.[2]
Điều đó có nghĩa, khi Thiên Chúa giao ước với con người, Thiên Chúa
cho con người hiệp thông với Ngài. Ngài mở cây cầu giao ước vươn tới
con người và chờ đợi con người đi vào giao ước với Ngài. Như vậy,
giao ước luôn bao hàm trong cộng đoàn và cũng vậy, trong cộng đoàn
phải luôn bao hàm giao ước với Thiên Chúa. Trong cộng đoàn, con người
tìm gặp nguồn gốc của mình nơi Thiên Chúa, Đấng luôn đem con người
lại gần nhau thành cộng đoàn, và Thiên Chúa mời gọi con người sống
hiệp thông với Ngài qua giao ước. Theo Gareth Weldon Icenogle, cộng đoàn
cơ bản của giao ước này bao gồm các yếu tố: nhỏ, thân thiết và sống
giao ước.[3]
Trước
hết, cộng đoàn cơ bản này là cộng
đoàn nhỏ. Mọi cộng đoàn lớn đều bắt đầu từ những cộng đoàn
nhỏ, những cộng đoàn được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi qui tụ thêm
những cộng đoàn khác. Giao ước với Abraham còn kèm theo Sara và ông
Lót làm thành cộng đoàn nhỏ. Lời kêu gọi Thiên Chúa dành cho Mô-sê
kèm theo Aaron (x. Xh 4-5) và mệnh lệnh: “Ngươi hãy đi triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en” (Xh 3,16) kết họ
thành nhóm nhỏ thực thi sứ mạng.
Thứ
đến, cộng đoàn cơ bản là cộng đoàn
thân thiết. Thiên Chúa không chỉ qui tụ họ thành một cộng đoàn
nhỏ, mà còn là cộng đoàn thân thiết như một gia đình. Mối tương quan
giữa Abraham–Sara-Lot, giữa Mô-sê-Aaron-các kỳ mục là mối tương quan
gần gũi của gia tộc và gia đình. Tính thân thiết của cộng đoàn này
phản ánh sự mật thiết của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ đó mọi thành phần
trong cộng đoàn biết nhau theo cách thức Ba Ngôi đến với họ và biết
họ.
Cuối
cùng, cộng đoàn cơ bản là cộng
đoàn sống giao ước. Chính giao ước đã qui tụ họ nên một với nhau
trở thành cộng đoàn thừa hưởng giao ước. Theo nhà thần học thánh
kinh Paul Hanson, mười điều răn là bản “hiến chương” nền tảng cho cộng
đoàn giao ước lành mạnh, một “cộng đoàn thể hiện và làm bất tử qua
mọi thời đại yếu tính của cộng đoàn sống lý tưởng giao ước.”[4]
Sự khác biệt giữa cộng đoàn sống giao ước với các cộng đoàn khác
ở chỗ cộng đoàn giao ước thờ phượng Thiên Chúa và giữ những lời
Ngài truyền dạy. Mười điều răn qui tụ cộng đoàn bền chặt trong mối
tương quan mật thiết với Thiên Chúa và với nhau.
[1] “Giao Ước”
(covenant) thường dùng trong hôn ước xã hội hợp pháp và trong bối
cảnh tôn giáo. Nó có nguồn gốc La-tinh “con venire”, nghĩa là đến
cùng nhau. Giao ước được hiểu là hai hoặc ba người cùng đến làm nên
một bản giao kết, đồng thuận về điều sẽ thực hiện, về đặc ân hay
trách nhiệm. Trong thánh kinh, giao ước còn được hiểu là một hiệp
ước hay một hôn ước, hoặc một thỏa ước về tình bạn lâu dài.
[2] Gareth Weldon
Icenogle, Biblical Foundations for Small
Group Misnistry, 37.
[3] Ibid., 38-46.
[4] Gareth Weldon
Icenogle, Biblical Foundations for Small
Group Misnistry, 46.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét