BÀI
3: CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN LÀ
GÌ? (tt)
3.
Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản trong ý muốn của Thiên Chúa
Thiên Chúa thể hiện ý muốn
thánh thiện của Ngài trong lịch sử nhân loại và cung cấp cho dân Chúa
những điều kiện cần thiết để thực thi chương trình cứu độ của Ngài
cách bền bĩ trong lịch sử đó. Tác giả thánh vịnh 33 đã khẳng định:
“Chương trình Chúa ngàn năm bền vững / ý định của lòng Người vạn
kiếp trường tồn” (Tv 33,11). Tính bền vững của chương trình cứu độ
và những điều kiện Thiên Chúa ban cho được chính Ngài bảo đảm, như
lời của danh sư Gamaliel: “Nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất
sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá
huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa” (Cv 5,38-39).
Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản đã
được Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhìn nhận là cách thế Thiên Chúa
dùng trong mọi thời đại, đặc biệt trong thời đại hôm nay để tiếp nối
chương trình cứu độ của Ngài và là cách thế mới cho mọi tín hữu
sống đời chứng nhân loan báo Tin Mừng. Trước hết, Liên Hội Đồng Giám
Mục Á Châu không ngần ngại cho rằng, Chúa Thánh Thần như đang thúc
giục mạnh mẽ trong Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản để các thành viên của
cộng đoàn tham dự cách tích cực vào đời sống truyền giáo của Giáo
Hội.[1]
Thứ đến, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu còn nhấn mạnh vai trò của
Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản chính là cách thế hiện diện mới của
Giáo Hội giữa thời đại hôm nay, cách riêng trong xã hội Á châu này.[2]
Nói tóm lại, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhìn nhận Cộng Đoàn
Giáo Hội Cơ Bản nằm trong chương trình của Thiên Chúa và được Ngài
dẫn dắt tại lục địa Á Châu hôm nay.
Nhấn mạnh hơn nữa về chương
trình của Thiên Chúa qua Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản, Thượng Hội Đồng
Giám Mục Á Châu năm 2000 đã cho rằng, Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản rất
cần thiết tại Á Châu, vì trong cách thế hiện diện mới đó của Giáo
Hội, các tín hữu được cung cấp “những phương thế hiệu quả để thúc
đẩy sự tham gia của người tín hữu vào đời sống của Giáo Hội,”[3]
đồng thời làm cho Giáo Hội hội nhập vào đời sống xã hội Á
Châu hơn.
Vậy,
chúng ta cùng nhìn lại đời sống Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản trong
chương trình của Thiên Chúa.
a.
Trước
hết tính cộng đoàn của Cộng Đoàn
này bắt nguồn và được tham dự vào sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba
Ngôi. Thiên Chúa qui tụ mọi người trở thành một cộng đoàn theo
tiêu chuẩn của Ngài, trong đó mọi thành phần đón nhận ân sủng của
Thiên Chúa, được hiệp nhất với Ngài trong Chúa Giê-su Ki-tô và Chúa
Thánh Thần. Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất này: “Con
không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà
tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ
cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga
17,20-21).
b.
Cộng Đoàn này xuất hiện trong
cuộc đời truyền giáo của Chúa Giê-su và đó là một cộng đoàn nằm
trong ý định của Chúa Giê-su.
Sau khi thức suốt đêm cầu nguyện, Chúa Giê-su đã chọn nhóm Mười Hai
Tông Đồ (x. Lc 6,12-16) và cho cộng đoàn này tham dự vào cuộc đời và
sứ mạng của Ngài. Chúng ta đừng quên nhìn đến những cộng đoàn “mười
hai” khắp nơi được Chúa Giê-su qui tụ và cho chia sẻ sứ vụ của Ngài theo
cách thức cộng đoàn, trong đó mọi người xem nhau là anh chị em cách
chân thật (x. 1Ga 3,18), đặc biệt trong cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi.
c. Sách
Tông Đồ Công Vụ mô tả rõ ràng Cộng
Đoàn Giáo Hội Cơ Bản tiên khởi này là cộng đoàn “chuyên cần
nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ
bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng,…hợp nhất với nhau,…đồng tâm nhất trí”
và san sẻ bữa ăn cho nhau (Cv 2,42-47). Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã
đề cập đến bốn đặc tính của cộng đoàn tiên khởi này:
-
Hiệp nhất và kiên trì lắng nghe lời
giáo huấn của các Tông Đồ
-
Hiệp thông huynh đệ
-
Hiệp nhất trong việc bẻ bánh
-
Hiệp nhất trong cầu nguyện
Đây
cũng là mẫu gương của các cộng đoàn trong Giáo Hội thuộc mọi thời
đại, một cộng đoàn gồm những người được lãnh bí tích Rửa Tội,
được tràn đầy Thần Khí duy nhất, “dù Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay
tự do, đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân
thể” (1Cr 12,13). Vì vậy, cộng đoàn này không phải cộng đoàn kết nối
chỉ nhờ tình bạn, mà nhờ sự hiệp thông siêu nhiên được Chúa Thánh
Thần ban cho để đi vào đời sống mới và tràn trề ân sủng, hầu củng
cố đức tin cho nhau và chia sẻ với nhau sứ mạng truyền giáo được
Chúa Giê-su ủy thác.
Tóm
lại, khi lượt qua chương trình của Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội,
chúng ta nhận biết Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản nằm trong ý muốn của
Thiên Chúa và cộng đoàn các Tông Đồ hay cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên
là cách thế sống ý muốn này của Thiên Chúa. Chính vì thế, thánh
giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nhấn mạnh giá trị của những cộng đoàn
Giáo Hội Cơ Bản như là phương thức hiệu nghiệm và là cộng đoàn đích
thực đóng góp cho việc rao giảng Tin Mừng, “những nhóm nhỏ này
giúp người tín hữu sống thành những cộng đoàn tin, cầu nguyện và yêu thương như
các Kitô hữu thời đầu (x. Cv 2,44-47; 4,32-35). Các cộng đoàn này có mục đích
là giúp đỡ các thành viên của mình sống Tin Mừng trong một tinh thần yêu thương, huynh đệ và phục
vụ, và do đó chúng là khởi điểm vững chắc để xây dựng một xã hội mới, một diễn
tả của nền văn minh tình thương. Cùng với Thượng Hội Đồng, tôi khuyến khích
Giáo Hội tại Á Châu, nơi nào có thể, thì xem những cộng đoàn cơ bản này như là
một nét tích cực của hoạt động truyền giáo của Giáo Hội” (Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, 25).
[1] FABC, “Asian
Colloquium on Ministries in the Church,” in
For All Peoples of Asia 1,
Gaudnecio Rosales and C.G. Arevalo, eds. (Quezon City: Claretian Publications,
1997), số. 41.
[2] FABC, “Renewed
Church in Asia: A Mission of Love and Service,” in For All
Peoples of Asia 3, Franz-Josef Eilers, ed. (Quezon City: Claretian
Publications, 2002), part C, số. 7
[3] Peter C. Phan, The Asian Synod: Text and Commentaries, (New York: Orbis
Book, 2002), 150.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét