BÀI
6: CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN LÀ
GÌ? (tt)
Chúng
ta đã lược qua nền tảng của Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản trong Cựu
ước, qua đó, Thiên Chúa Ba Ngôi bày tỏ ý muốn nối kết dân Chúa khởi
từ cộng đoàn nhỏ, thân thiết theo mô hình Thiên Chúa Ba Ngôi và cho
cộng đoàn này hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau dựa vào giao ước
được biểu lộ qua Mười Điều Răn. Nhờ sống giao ước (Mười Điều Răn),
dân Chúa trở nên cộng đoàn, một cộng đoàn được Thiên Chúa tuyển chọn
và thân thiết với họ. Mười Điều Răn cũng là phương cách Thiên Chúa
đào tạo cho cộng đoàn sống hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau
giữa cộng đoàn[1];
phần họ, họ hứa thực hành những lời Chúa dạy (Xh 24,3), nhờ đó họ
xứng đáng lãnh nhận phúc lành (Xh 19,5-6) và hiệp thông với Thiên
Chúa. Đối với Cựu ước, sống giao ước là cách thế sống hiệp thông
với Thiên Chúa và với nhau, nên trong Cựu ước, để diễn tả sự hiệp thông,
Cựu ước dùng “giao ước” để thay thế.[2]
Dù có nhiều bất toàn, cộng đoàn giao ước trong Cựu ước vẫn được xem là hình ảnh báo trước cộng đoàn Israel mới sống giao ước trong Chúa Giê-su Ki-tô, bấy giờ luật được ghi khắc trên trái tim bằng thịt (Gr 31,31-33; Ez 36,26).
2.
Tân Ước nói gì về Cộng Đoàn Giáo
Hội Cơ Bản?
Chính Chúa Giê-su, Đấng đến thể
hiện ý muốn thiết lập cộng đoàn của Thiên Chúa giữa nhân loại, đã
thiết lập Cộng Đoàn Cơ Bản phục vụ cho việc truyền giáo nhờ cuộc
khổ nạn và phục sinh của Ngài, thay cho cộng đoàn giao ước cũ bị con
người phá bỏ (Dt 8,13).
a/ Chúa Giê-su thiết lập Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản
So sánh St 1,1-2 và Cv 2,1-11,
chúng ta có thể nhận ra cuộc sáng tạo mới của Thiên Chúa nơi cộng
đoàn của Chúa Giê-su Ki-tô.[3]
Trong St 1,1-2, “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa
sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực
thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”, thì trong Cv 2,1-11
cho thấy, quyền năng sáng tạo mới của Thiên Chúa đã đến trên cộng
đoàn cơ bản trong ngày Lễ Ngũ Tuần: “Khi
đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi,2 bỗng từ trời
phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ
họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống
từng người một…” Thánh sử Luca dùng “lưỡi lửa” vừa diễn tả sự
hiện diện của Thần Khí Đấng Phục Sinh, vừa công bố quyền năng sáng
tạo của Đấng Phục Sinh nơi cộng đoàn mới thể hiện qua việc họ nói
được nhiều thứ tiếng phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng.
Quả
vậy, Chúa Giê-su không bao giờ hoạt động truyền giáo một mình; trái
lại, Ngài đã qui tụ và chọn một số môn đệ làm thành cộng đoàn cơ
bản tham dự vào công cuộc truyền giáo của Ngài, đó là Giáo Hội
thuở ban đầu, một cộng đoàn nhỏ nhóm Mười Hai. Cộng đoàn này luôn
được mời gọi hoán cải để mối hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi
thành phần trong cộng đoàn được bền vững, đồng thời được mời gọi
làm lan tỏa Tin Mừng bên trong lẫn bên ngoài Israel (Mc 3,14-15). Đây là
cộng đoàn sinh ra từ cuộc phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô và là cộng
đoàn giao ước mới được ký kết với Thiên Chúa trong hy tế của Chúa
Giê-su Ki-tô.
Chúa
Giê-su Ki-tô chính là nguyên lý của sự hiệp thông trong Cộng Đoàn Giáo
Hội Cơ Bản và là mẫu mực của sự hiệp thông của cộng đoàn. Thư gởi
tín hữu Ê-phê-sô khuyên nhủ chúng ta: “Anh
em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy
sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta” (Ep 5,1-2).
Rõ ràng điều kiện hiệp thông nơi cộng đoàn là phải nên giống Chúa
Ki-tô, sống như Chúa Ki-tô đã nêu gương và ước muốn sự hiệp thông trong
cộng đoàn. Chúa Giê-su đã biểu lộ ý định của Ngài như thế nào?
- Chúa Giê-su thiết lập cộng
đoàn hiệp thông của Ngài, cộng đoàn nhỏ Mười Hai (Mt 4,18-22; Lc
6,13-16)
- cho cộng đoàn sống tình thân
với Ngài và chia sẻ cuộc đời của Ngài
- cho cộng đoàn tham dự vào
quyền năng của Ngài: rao giảng, chữa lành…
- và sai cộng đoàn ra đi làm
chứng về Ngài
b/ Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản là cộng đoàn hiệp thông
“Hiệp thông” (koinõnia) là từ ngữ diễn tả sự sinh động của đời sống
Ki-tô hữu.[4]
Hiệp thông không do con người khởi xướng, nhưng do Thiên Chúa. Trong Chúa
Ki-tô, hiệp thông trở thành một thực tại trong cộng đoàn, vì chính
Ngài là Thiên Chúa làm người ở giữa cộng đoàn. Nhập thể là khởi
điểm sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người và cộng đoàn cơ bản
đầu tiên sống trong sự hiệp thông này (Cv 2,42).
Thánh Phaolo sử dụng từ “hiệp
thông” để chỉ những ai được tham dự vào cộng đoàn Giáo Hội, một
cộng đoàn định hình theo mẫu hình Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài gọi họ là
những người được hiệp thông với Chúa Con (1Cr 1,9) và nhờ sự hiệp
thông thần linh này, họ được “thông chia phần phúc Tin Mừng” (1Cr 9,23),
được dự phần bàn Tiệc của Chúa (1Cr 10,16-22) và được kết hiệp với
cuộc đời của Chúa Giê-su Ki-tô (Rm 6,8; 2Cr 7,3), gồm những khổ đau dẫn
đến vinh quang (Pl 3,10-12). Theo thánh Phaolo, koinõnia với Chúa Ki-tô là điều cần thiết để có koinõnia giữa các Ki-tô hữu. Hiệp
thông với Chúa Ki-tô thúc bách Ki-tô hữu chia sẻ vật chất cũng như tinh
thần cho nhau (Rm 15,27) trở nên nguyên tắc hướng dẫn đời sống cộng
đoàn cơ bản.
Hình ảnh một thân thể (1Cr
12,12-30) diễn tả sống động đời sống Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản. Họ
vượt qua những khác biệt để sống trong một Thần Khí, trở nên một
thân thể. Quan điểm về sự hiệp thông này của thánh Phaolo đã ảnh
hưởng rất mạnh trên các nghị phụ Công Đồng Vatican II.[5]
Nhìn vào Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ
Bản, sự hiệp thông này là yếu tính của cộng đoàn. Hiệp thông là
kinh nghiệm sống của cộng đoàn khi có hai ba người họp lại với nhau
nhân danh Chúa Giê-su (Mt 18,20) qua việc cầu nguyện và thờ phượng, qua
đời sống vui lòng chia sẻ niềm vui nỗi lo toan của người lân cận. Sự
hiệp thông này chiếm chỗ ưu tiên và có ý nghĩa đầy đủ trong các
cộng đoàn Giáo Hội Cơ Bản.[6]
[1] Vincent Fredrik
Mwakhwawa, Thesis “Improving Participation of the Laity in Small Christian
Communities: a Pastoral Challenge in the Archdiocese of Lilongwe, Malawi”
(Catholic University of Eastern Africa, 2012), 65.
[2] Selvister
Ponnumuthan, The Spirituality of Basic
Ecclesial Communities in the Socio-Religious Context of Trivandrum/Kerala (Roma:
Pontificia Universita Gregorian, 1996), 43.
[3] Đức Cha Peter Kang,
giám mục giáo phận Cheju, Hàn Quốc, “Small Christian Communities: The
Fundamental Paradigm of the Church”. Tham luận trình bày trước các giám
mục Đức trong chương trình Hội Nghị từ 14-22/4/2009.
[4] Selvister
Ponnumuthan, The Spirituality of Basic
Ecclesial Communities in the Socio-Religious Context of Trivandrum/Kerala,
44.
[5] x. LG 2, 4, 8,
13-15, 18-21, 24-25.
[6] Selvister
Ponnumuthan, The Spirituality of Basic
Ecclesial Communities in the Socio-Religious Context of Trivandrum/Kerala, 46.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét