BÀI
7: CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN LÀ
GÌ? (tt)
c/ Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản là
cộng đoàn hiệp nhất trong đức tin
Sách Công Vụ Tông Đồ khẳng
định, cộng đoàn Giáo Hội Cơ Bản tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem là cộng đoàn hiệp nhất với nhau trong đức
tin. “Tất cả mọi tín hữu hiệp nhất với nhau” (Cv 2,44; 4,32). Họ
hiệp nhất với nhau không chỉ như những bạn hữu, mà sâu xa và bền
vững hơn, họ hiệp nhất với nhau như các tín hữu trong đức tin: “Càng
ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông” (Cv
5,14). Nền tảng của cộng đoàn và của sự hiệp nhất giữa họ được tạo
nên nhờ cùng niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô và cũng nhờ đức tin này
họ cùng liên kết với nhau trong niềm hy vọng. Mọi người trong cộng
đoàn hiểu rằng đức tin và niềm hy vọng vừa là nền tảng vừa là
nguyên nhân tạo nên cộng đoàn.
Thực vậy, Cộng Đoàn Giáo Hội
Cơ Bản không hiện hữu như một tổ chức xã hội thuần túy, nhưng là
cộng đoàn của những người có đức tin và sống đức tin hằng ngày.
Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật về đời sống đức tin của cộng đoàn
Giáo Hội cơ bản tiên khởi này như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các
Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ
bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Chia sẻ Lời Chúa và cử hành
Thánh Thể là nền tảng và trung tâm của đời sống cộng đoàn.[1]
Qua
việc chia sẻ và sống Lời Chúa
hằng ngày, các thành viên của cộng đoàn có kinh nghiệm về sự hiện
diện của Chúa Giê-su phục sinh, Đấng đang nói và đang lãnh đạo họ
trong mỗi hoàn cảnh. Cộng đoàn luôn mang trong tâm trí và diễn tả
sống động trong sinh hoạt của cộng đoàn sự thật Đức Ki-tô đã sống
lại và đang sống giữa họ. Bấy giờ, cộng đoàn đang làm sinh động lời
Chúa Giê-su đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có
Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Tụ họp nhau nghe lời Chúa, nghe các tông
đồ giảng dạy và chia sẻ Lời Chúa với nhau trong cộng đoàn chứng minh
cộng đoàn đang được qui tụ nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, vì như thánh
Phaolo quả quyết: “Không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã
đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô” (1Cr 3,11).
Với
việc chia sẻ Lời Chúa, mỗi thành viên cộng đoàn phải tham dự bí tích Thánh Thể như
nguồn sống của đời Ki-tô hữu, vì “không có cộng đoàn nào xây dựng
lên mà không có nền tảng và trung tâm của nó ở trong bí tích Thánh
Thể.”[2]
Họ “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh” (Cv 2,42), “ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ”
(Cv 2,46). Vì cử hành bí tích Thánh Thể là lẽ sống, bất chấp các
cuộc bách hại xảy ra, các cộng đoàn Giáo Hội thời tiên khởi trung
thành lễ bẻ bánh, đến mức như thánh Inhaxio thành Antiokia quả quyết:
“Làm sao chúng tôi sống mà không có Ngài?” Sự hiệp thông với hy tế
của Chúa Ki-tô trong thánh lễ là tuyệt đỉnh của niềm tin Đức Giê-su
đang sống giữa cộng đoàn như lời Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) và tình yêu của Ngài đang thể
hiện cho cộng đoàn là các bạn hữu của Ngài: “Đây
là mình Thầy, hiến dâng làm của lễ vì anh em... Chén này là Giao Ước mới
lập bằng Máu Thầy” (1Cr 11, 24-25). Trong cử hành Thánh Thể,
cộng đoàn còn sống niềm hy vọng được cùng vinh quang với Thầy của
mình, Đấng sống lại, lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha.
d/ Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản là
cộng đoàn loan báo Tin Mừng
Khi sống niềm tin vào Đức Ki-tô
phục sinh qua việc chuyên cần nghe Lời Chúa và cử hành bẻ bánh, cộng
đoàn Giáo Hội Cơ Bản tiên khởi được thôi thúc loan báo Tin Mừng.
Chúng ta có thể nhìn mẫu hình này nơi tường thuật về hai môn đệ
Emmaus (Lc 24,12-35), nêu rõ sự biến đổi nơi cộng đoàn nhỏ này nhờ
nghe Lời Chúa, tham dự cử hành bẻ bánh, đã trở nên cộng đoàn loan
Tin Mừng.
Trong nỗi chán chường, thất
vọng về cái chết của Thầy Giê-su và sự rã rời của cộng đoàn sau
biến cố đó, hai môn đệ này trở về cộng đoàn làng mạc tự nhiên của
mình. Vào thời điểm đó, Chúa Giê-su phục sinh đến bên họ mà họ cứ
ngỡ người khách lạ, đã giải thích Thánh Kinh và cho họ dự phần
trong cử hành bẻ bánh. Bấy giờ, họ chia sẻ với nhau về kinh nghiệm
biến đổi nhờ được nghe lời Chúa phục sinh: “Khi Người nói chuyện và giải
thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc
24,32) và kinh nghiệm nhận ra Chúa phục sinh đang hiện diện khi Ngài
bẻ bánh: “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31). Tuy nhiên, hai
môn đệ này không giữ kinh nghiệm này cho riêng mình cách ích kỷ; trái
lại, trở về lại với cộng đoàn đức tin của mình và loan báo Tin
Mừng gặp Chúa Ki-tô phục sinh cho mọi người. “Họ đứng dậy, quay trở lại
Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những
người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông
Si-môn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc
mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 33-35).
Tóm lại, nhờ được nghe Lời
Chúa và tham dự tiệc bẻ bánh, mọi người trong cộng đoàn được thúc
bách loan báo Tin Mừng cho mọi người.
e/ Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản là
cộng đoàn yêu thương và phục vụ
Khi cùng nhau đọc và chia sẻ
Lời Chúa, cộng đoàn Giáo Hội Cơ Bản tiên khởi được tham dự và thi
hành vai trò ngôn sứ của Chúa Giê-su, khi cùng nhau tham dự lễ bẻ
bánh, họ tham dự và thi hành vai trò tư tế của Chúa Giê-su, thì nay
khi yêu thương và phục vụ anh chị em mình, họ tham dự và thi hành vai
trò vương đế của Chúa Giê-su, Đấng đến không phải để được phục vụ,
nhưng để phục vụ.
Đời
sống yêu thương và phục vụ của Cộng đoàn Giáo Hội Cơ Bản tiên khởi
được sách Tông Đồ Công Vụ diễn tả gọn gàng như sau: họ “một lòng
một ý” (Cv 4,32), “dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2, 46) “Trong cộng
đoàn, không ai phải thiếu thốn… được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu
(Cv 4,34-35). Họ nâng đỡ nhau và cùng nhau làm việc. Tình yêu và lòng
phục vụ của họ hướng về mọi người, cả những người không thuộc cộng
đoàn, đặc biệt những người nghèo. Sống và phục vụ trong tình huynh
đệ, cộng đoàn Giáo hội cơ bản không chỉ là một “xã hội mới,” một
“nền văn minh tình thương,”[3]
mà còn là “dấu chỉ của niềm hy vọng Giáo Hội sẽ là Giáo Hội của
người nghèo.”[4]
[1] FABC, “Asian Colloquium
on Ministries in the Church,” in FAPA-1,
số 45.
[2] Ibid.
[3] Gioan Phaolo II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, số
25.
[4] FABC-BISA VI, “Final
Reflections,” February 4-8, 1983, Kandy, Sri Lanka, in FAPA-1, số 9.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét