Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

THỨ NĂM TUẦN THÁNH – LỄ TIỆC LY


RỬA CHÂN CHO NHAU
Lời Chúa: Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15

Khi trình thuật Bữa Tiệc Ly, các Phúc âm Mátthêu, Máccô và Luca tập trung vào việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Còn, Phúc âm theo Thánh Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Thánh tông đồ Gioan ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly trong việc rửa chân cho các Tông đồ. Điều đáng chú ý ở đây: sau rửa chân cho các môn đệ xong, Chúa Giêsu nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12-15). Tất cả lời nói và hành động của Chúa Giêus hôm nay đều nổi lên một bài học cho chúng ta noi theo đó là: yêu và phục vụ tha nhân như Chúa là của lễ đẹp lòng Chúa nhất.

Chúa Giêsu bảo: anh em hãy làm như Thầy đã làm! Việc Chúa làm là việc nào? Đó là Chúa hiến tế thân mình phục vụ cho tình yêu, phục vụ rửa chân cho con người đến nỗi con tim bị đổ máu và nước ra, chết cho tình yêu tha nhân! Vâng, bản chất tình yêu Thiên Chúa cốt ở điểm này: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Qủa thế, Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Vì vậy, tình yêu của Chúa dành cho chúng ta là “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Chính tình yêu ấy mà Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Ga 13:16a; Ga 15:20) và “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13:16b). Điều đáng lưu tâm ở đây là Chúa Giêsu không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình, cho học trò của mình dù biết là có học trò bán mình, có học trò chối mình và học trò bỏ Thầy chạy thoát thân khi Thầy gặp gian nguy. Rõ ràng, Chúa không muốn được rửa chân mà chỉ muốn rửa chân cho tha nhân, và Ngài đã quỳ xuống rửa chân để rồi Ngài mời gọi chúng ta cũng phải rửa chân cho nhau.
Là Kitô hữu, chúng ta phải làm việc này của Chúa Giêsu: rửa chân cho nhau. Để rửa chân cho nhau, trước hết chúng ta phải để trái tim mình rớm máu hay “đổ máu” ra vì Chúa, có nghĩa là phải chuyên tâm cầu nguyện, phục vụ Lời Thiên Chúa (Cv 6,4), rồi lo việc tế tự và rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa (Rm 15,16) với “tất cả lòng khiêm nhường dù có gặp nhiều gian nan thử thách” (Cv 20,19); thứ đến phải yêu thương và phục vụ tha nhân như Chúa phục vụ ta. Đó là yêu thương hết mọi người nhất là những người nghèo, người khuyết tật, bệnh nhân hay tù nhân. Biết chăm sóc, viếng thăm, cầu nguyện, tươi cười, tha thứ yêu thương hay giúp đỡ vật chất cho họ, vì chưng Chúa nói: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Trái tim Chúa Giêsu đã rớm máu, thậm chí đổ máu ra để rửa chân phục vụ chúng ta như thế! Chúa muốn chúng ta cũng có trái tim như thế chứ không phải là trái tim lạnh lùng buốt giá đó là một lối sống ích kỷ cao ngạo, vô cảm với tha nhân. Để sống lời mời gọi của Chúa hôm nay: hãy rửa chân cho nhau, chúng ta hãy hạ mình xuống rửa chân cho nhau, nhất là những thành viên trong gia đình.
Cho nên, trong thư gửi các gia đình công giáo năm 2017, Các Đức Giám Mục Việt Nam mời gọi Gia đình hãy là mái ấm của tình yêu và lòng thương xót để gia đình chúng ta là nơi mỗi người chúng ta cảm nghiệm, học tập và vun đắp tình yêu chân thật và kiên nhẫn qua việc biết rửa chân cho nhau: rửa chân cho nhau đó là biết đón nhận và phục vụ nhau không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể; rửa chân cho nhau là mọi thành viên biết dành cho nhau tình yêu không ghen tị, không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác, không cứng cỏi hình thức trái lại bằng tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán; luôn thông cảm và tha thứ cho nhau hơn là soi mói; đặc biệt biết hy sinh cho nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.
Vì vậy, để mọi thành viên trong gia đình hãy rửa chân nhau như Lời Chúa dạy thứ nhất, gia đình phải luôn  đón nhận và trân trọng sự sống của nhau từ vợ chồng đến con cái của mình, đừng vì nóng giận, ganh ghét, khó khăn hay đau khổ mà tiêu diệt sự sống của nhau vì chưng gia đình là cung thánh của sự sống và sự sống của con người là ân huệ Thiên Chúa ban và đã được Chúa Giêsu cứu chuộc, do đó chỉ có một mình Thiên Chúa mới là chủ sự sống thôi, chúng ta là ai mà có quyền xâm hại hay tiêu diệt sự sống của chính mình hay người khác.Thứ hai, gia đình hãy rửa chân nhau như Lời Chúa dạy, vợ chồng yêu thương, chung thủy và hy sinh cho nhau qua việc sống triệt để cho tình yêu hôn nhân Công giáo: kết hợp nên một, trao hiến cho nhau trọn vẹn, thủy chung suốt đời và đón nhận con cái. Thứ ba, để mọi thành viên trong gia đình hãy rửa chân nhau như Lời Chúa dạy, các con cái trong gia đình phải có bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ. Không ai trong chúng ta tự ban sự sống cho mình nhưng đều đón nhận sự sống từ Thiên Chúa qua cha mẹ. Vì thế, nếu sự sống là hồng ân lớn lao nhất chúng ta lãnh nhận, thì hiếu thảo với cha mẹ cũng phải là bổn phận căn bản của đạo làm con. Không lạ gì trong Mười Điều Răn, bổn phận thảo kính cha mẹ chỉ đứng sau điều răn thờ phượng Chúa và dẫn đầu những điều răn khác trong tương quan với tha nhân. Lòng hiếu thảo này được thể hiện qua sự vâng phục cha mẹ (x. Cn 6,20-22), cũng như qua trách nhiệm trợ giúp cha mẹ về vật chất và tinh thần khi các ngài về già hoặc đau yếu (x. Hc 3,2-6). Và cuối cùng, để mọi thành viên trong gia đình hãy rửa chân nhau như Lời Chúa dạy, các bậc cha mẹ trẻ và các con cháu phải có bổn phận chăm sóc người cao tuổi, vốn là nét đẹp truyền thống trong văn hoá dân tộc Việt Nam. Thật vậy, người già là ký ức của lịch sử, sợi dây nối kết các thế hệ, người truyền lại kinh nghiệm và sự khôn ngoan cho con cháu. Vì thế, một gia đình không biết trân trọng người già thì gia đình đó đang trên đà suy thoái; ngược lại, gia đình tôn quý người cao tuổi là gia đình có tương lai bền vững (số 8,9).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu và thực hiện lời dạy của Chúa trong gia đình chúng con. Bởi vì có tình yêu chân thành, chúng con mới có thể hy sinh cho nhau, chúng con mới có thể thông cảm tha thứ, nhịn nhục, chịu đựng lẫn nhau, chúng con mới có thể chu toàn nhiệm vụ gia đình là tận tâm giáo dục con cái, trung thành với nhau, và như thế gánh gia đình của chúng ta lúc ấy sẽ trở nên dịu dàng êm ái như ách của Chúa vậy. Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét