Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

THỨ NĂM TUẦN THÁNH - LỄ TIỆC LY

VÌ YÊU MỌI THÀNH GIA ĐÌNH 
HÃY RỬA CHÂN CHO NHAU

Yêu là gì? Nhà thơ Xuân Diệu trả lời rằng: “Yêu là chết ở trong lòng một ít? Tại sao chết trong lòng một ít mà không chết hết, là dâng hết tình này ta trao cho người yêu. Ông nói rằng “Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu. Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết”. Còn nhà thơ Pháp Antoine de Saint Exupéry nói rằng: “Yêu không có nghĩa là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng”. Hướng đó là hướng nào? Ông trả lời: “Yêu em bằng cả trái tim, tình yêu của tôi dành cho em là vĩnh cửu, em là niềm hạnh phúc của cuộc đời tôi và em không thể sống thiếu anh”. Vâng, tình yêu như thế thì thì yêu không trọn vẹn, không dành hết cho nhau, chưa có sự hy sinh, không có sự cảm thông tha thứ. Cho nên chẳng lạ gì, với bài hát: “Hát với dòng sông”, nhạc sĩ nào đó đã nói rằng “Tình yêu đến em không mong đợi gì và tình yêu đi em không hề hối tiếc”. Tình yêu như vậy thì có nghĩa gì, tình yêu đâu đáng là chi?! Không phải thế, tình yêu đáng quý lắm chứ, đáng trân trọng lắm chứ vì trên đời này không có tình yêu thì như mặt trời không có nắng, như đàn đứt dây, như vậy đời sống con người còn gì là thú vị, là hạnh phúc, thi ca, là có nghĩa chi. Cho nên, từ muôn thuở có Thiên Chúa là đã có Tình Yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, mà Thiên Chúa có từ trước vô cùng, và bây giờ và hằng có và đời đời cho nên Tình Yêu cũng vĩnh hằng. Vì vậy, Chúa Giêsu hôm nay truyền cho chúng ta là: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.

          Chúng ta không định nghĩa tình yêu Thiên Chúa vì nó mênh mông bao la, siêu việt vô cùng, ôm ấp cả vũ trụ càn khôn này. Tình yêu Thiên Chúa thì bền bỉ, một lòng tận tụy với kẻ khác, tự hy sinh bản thân cho tha nhân. Chỉ Thiên Chúa mới có thứ tình yêu tinh ròng này, là hôm nay Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa làm người quỳ xuống rửa chân cho các môn sinh của mình, đặc biệt hơn là Ngài hy sinh trên thập giá để cứu chuộc tội nhân loại vì yêu con người.

Bài Tin Mừng hôm nay mô tả lại việc Chúa rửa chân cho các Tông đồ qua đó Chúa dạy cho chúng ta bài học tình yêu đích thực để rồi phải yêu như Chúa yêu là phải rửa chân cho nhau, nhất là mọi thành viên trong gia đình vì chưng, Chúa Giêsu dạy rằng không có tình nào quý hơn tình yêu của người hy sinh cho người mình yêu. Qủa thế, Chúa Giêsu đã phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ. Rõ ràng và cụ thể nhất, chiều hôm nay, trong Thánh lễ Tiệc Ly, Chúa đã phục vụ các môn đệ của Ngài qua việc rửa chân, và khi Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu. Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,6.12-14). Đó mới là tình yêu đích thực, chân tình nhất và quý nhất.
 Cho nên, cũng trong thư gửi các gia đình Công Giáo năm nay, Các Đức Giám Mục Việt Nam mời gọi Gia đình hãy là mái ấm của tình yêu đích thực nhất và chỉ có gia đình mới là nơi mỗi chúng ta cảm nghiệm, học tập và vun đắp tình yêu chân thật này. Tình yêu chân thật đó là tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là; tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể; tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác; tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác; tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi; tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán; tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói; tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ; tình yêu chịu đựng, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu; tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác; tình yêu hy vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong; tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực.
Vì vậy, thứ nhất, là mái ấm gia đình tình yêu đích thực, vợ chồng phải rửa chân cho nhau bằng cách hy sinh và phục vụ nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời nhau. Trời có lúc nắng, lúc mưa. Cuộc đời mỗi người cũng vậy, có lúc thịnh lúc suy, có lúc vui lúc buồn, có lúc khỏe lúc đau. Tình yêu luôn đòi hỏi sự thuỷ chung và hy sinh. Hy sinh quên mình là vì hạnh phúc của vợ, của chồng, của con. Hạnh phúc gia đình được xây dựng bằng những điều nhỏ mọn, bằng những hy sinh liên lỉ hằng ngày của cả đôi bên, chẳng hạn như trong việc sử dụng tiền bạc, thời giờ, mua sắm, giải trí, cầu nguyện... Đừng chỉ vì quyết định theo sở thích riêng của mình, bất chấp sở thích của vợ hoặc chồng. Hy sinh cũng có nghĩa là tha thứ, vì chưng Thánh Phaolô dạy: “Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán tráùch người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). Và sự hy sinh còn được biểu lộ qua việc quan tâm đến nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau, không quản ngại vất vả, gian khổ vì nhau, nhất là khi người bạn đời gặp thử thách, bệnh tật, khó khăn. Đây chính là lúc rửa chân cho nhau giống như Chúa và đó mới là tình yêu đích thực nhất. Cho nên, hôm nay một bài hát đang hót nhất ngày nay mà ai cũng thích đó là “Tình nghèo có nhau” để nói rằng tình yêu vợ chồng cần nhất là tình yêu đích thực: “Anh không đi tìm người yêu lý tưởng đâu em. Anh không đi tìm người yêu tuyệt đối đâu em. Anh không đi tìm người yêu nhan sắc mỹ miều. Người yêu đài cát cao sang lụa là gấm hoa vàng son. Anh không đi tìm người yêu đổi trắng thay đen. Anh không đi tìm người yêu say đắm sa hoa. Anh không đi tìm người yêu cao qúy ngọc ngà. Lầu cao xe cát em ơi, có gì vẫn luôn vững bền. Đk: Em ơi anh tìm người yêu chung thủy. Anh tìm người trong mơ. Dẫu nghèo nguyện không đổi lòng. Em ơi biết rằng ở đời ai không, muốn đẹp giàu càng cao sang. Vì anh nghèo đâu dám mơ. Em ơi anh tìm người yêu không ước mơ cao. Em ơi anh tìm người yêu thương mái tranh siêu. Mai đây cho dù rằng đời gốc bể chân trời. Cuộc đời bão táp phong ba. Suốt đời có nhau bên mình”.
Thứ hai, là mái ấm gia đình tình yêu đích thực, cha mẹ phải rửa chân cho con cái bằng việc phải đón nhận và trân trọng sự sống dù trong hoàn cảnh nào. Vì chưng, con cái không phải là điều gì đó được thêm vào cách ngẫu nhiên, nhưng phát xuất từ chính tâm điểm của tình yêu, là hoa trái và sự phong phú của tình yêu. Chính vì thế, gia đình được coi là cung thánh của sự sống. Vì giá trị tối thượng của sự sống và vì quyền sống của con người ngay từ giây phút khởi đầu, không ai và không điều gì có thể biện minh cho việc tước đoạt sự sống của các thai nhi.
Thứ hai, là mái ấm gia đình của tình yêu đích thực, con cái phải rửa chân cho cha mẹ bằng cách phải có bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ. Không ai trong chúng ta tự ban sự sống cho mình nhưng đều đón nhận sự sống từ Thiên Chúa qua cha mẹ. Vì thế, nếu sự sống là hồng ân lớn lao nhất chúng ta lãnh nhận, thì hiếu thảo với cha mẹ cũng phải là bổn phận căn bản của đạo làm con. Không lạ gì trong Mười Điều Răn, bổn phận thảo kính cha mẹ chỉ đứng sau điều răn thờ phượng Chúa và dẫn đầu những điều răn khác trong tương quan với tha nhân. Lòng hiếu thảo này được thể hiện qua sự vâng phục cha mẹ (x. Cn 6,20-22), cũng như qua trách nhiệm trợ giúp cha mẹ về vật chất và tinh thần khi các ngài về già hoặc đau yếu (x. Hc 3,2-6).
Và cuối cùng, là mái ấm gia đình của tình yêu đích thực, con cái phải rửa chân cho cha mẹ bằng cách, các bậc cha mẹ trẻ và các con cháu phải có bổn phận chăm sóc người cao tuổi. Thật vậy, người già là ký ức của lịch sử, sợi dây nối kết các thế hệ, người truyền lại kinh nghiệm và sự khôn ngoan cho con cháu. Vì thế, một gia đình không biết trân trọng người già thì gia đình đó đang trên đà suy thoái; ngược lại, gia đình tôn quý người cao tuổi là gia đình có tương lai bền vững (số 8,9).
Vì vậy, Gia đình Kitô hữu là những người cộng tác của ơn thánh và chứng tá đức tin để làm sáng danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Thiên Chúa kêu gọi vợ chồng con cái hãy trao ban văn minh tình thương và sự sống, đặc biệt là yêu thương, phục vụ và chăm sóc lẫn nhau, hướng dẫn và khuyến khích lẫn nhau cho dẫu gia đình có ở giữa đời sóng gió trong thử thách quay cuồng nhưng mọi thành viên trong gia đình vẫn một niềm tin yêu thiết tha nhờ mỗi người biết rửa chân cho nhau: sống hy sinh, tha thứ, cảm thông, yêu thương, phục vụ nhờ biết vâng lời Chúa dạy để cùng dựng xây gia đình hạnh phúc và yêu nhau chân tình như Chúa yêu chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét