CHẦU THÁNH
THỂ THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Ø Khai mạc
Ø Dấu Thánh Giá
Ø Hát : CON MẾN YÊU
1. Con mến yêu tin thờ trong
lòng, cùng chút tình ngây thơ ngóng trông. Trong Thánh Thể Chúa đổ ngàn ơn.
Ngài hiến thân nuôi dưỡng đoàn con.
ĐK: Giờ đây hạnh phúc độc
nhất đời con. Êm đềm Chúa nhìn hạnh phúc nào hơn. Lòng con ngây ngất, tin Chúa,
yêu Chúa. Trong tình Chúa yêu, con phó dâng linh hồn.
2. Con phó dâng tâm hồn thật
thà, cùng với lòng đội ơn thiết tha. Nơi Thánh Thể Chúa ở cùng con. Hằng xót
thương trợ giúp ủi an.
Ø Lời Nguyện (quỳ - đọc chung)
Lạy Chúa Giêsu Thánh
Thể, Chúa là bạn chí thánh chí thân là vua cả, là Thiên Chúa của chúng con.
Chúa đã thương yêu và chọn gọi chúng con từ thuở đời đời để tận hiến và phụng
thờ Chúa. Ðể đáp lại lòng thương vô hạn Chúa dành cho chúng con và để nhờ các
ơn Chúa ban, chúng con đến đây trước bàn thờ Chúa trong giây phúc chầu Thánh
Thể này để tôn thờ, suy tôn và thần phục Chúa, ngõ hầu nhờ sức mạnh riêng của
phép Thánh Thể, Chúa liên kết những niềm vui và những nỗi khổ của chúng con lại
cùng nhau, chúng con dám xin Chúa ban phúc lành cho chúng con và giúp chúng con
luôn luôn sống yêu Chúa, thương người, và nhất là luôn đoàn kết với nhau phục
vụ Chúa và mọi người trong chức vụ người tu sĩ.
Lạy Chúa Giêsu Thánh
Thể, thật Chúa đã thương yêu chúng con như người Cha tốt lành thương yêu con
cái mình. Chúa ngự trong phép Thánh Thể để làm bạn đường và làm bằng hữu nghĩa
thiết của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn kết hiệp với Chúa trong giờ
chầu này đời sống tận hiến và trong đời sống tận hiến để chúng con luôn suy gẫm
những việc Chúa làm vì yêu con người hầu từ đây chúng con cũng biết đem Chúa và
Lời của Chúa đến những người chúng con phục vụ. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng
ta tôn vinh Chúa, chúng con tôn thờ và chúc tụng Chúa. Amen.
SUY NIỆM
1.
Thánh thể là Bí tích của tình yêu
Lời Chúa: (Ga 13,31.34-35)
“Khi Giu-đa đi rồi,
Đức Giê-su nói: "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được
tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng
sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người Hỡi anh em
là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.
Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là
môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau". Đó là
Lời Chúa.
Suy niệm
Chúng
ta định nghĩa tình yêu thế nào? Đúng ra thì không định nghĩa được vì Thiên Chúa
là tình yêu. Không định nghĩa được Thiên Chúa thì cũng không định nghĩa được
tình yêu. Nó mênh mông bao la, siêu việt vô cùng, ôm ấp cả vũ trụ càn khôn.
Nhưng xét về phần nhân loại thì là trái tim, là cảm xúc cho tha nhân. Đôi khi
đúng, nhưng cảm xúc không kéo dài mà là từng cơn, từng lúc. Tình yêu phải bền
bỉ, một lòng tận tụy với kẻ khác, tự hy sinh bản thân cho tha nhân. Như thế
tình yêu kéo dài, nghiêm khắc với chính mình. Chỉ Thiên Chúa mới có thứ tình
yêu tinh ròng này, khi Ngài hy sinh trên thập giá. Nhìn lên hình ảnh Giêsu treo
trên thập giá, chúng ta cảm nghiệm thế nào là tình yêu đích thực, tình yêu
Thiên Chúa nhập thể, còn tình yêu nhân loại nhuốm màu vị kỷ, dục vọng, tham
lam, vụ lợi.
Tình yêu đích thực đòi hỏi tận tụy, hy sinh
như bà mẹ với các con thơ. Bí tích Thánh thể là tình yêu vượt xa hơn thế nữa.
Nó vượt xa khả năng và quyền thế nhân loại. Chẳng người trần nào có thể ban
thân mình cho người khác cách tuyệt hảo như Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh thể.
Ngài đến với nhân loại bằng mình máu Ngài, linh hồn và thân xác gồm luôn bản
tính Thiên Chúa. Ngài trao ban cho chúng ta trái tim yêu thương của Ngài, không
tính toán, so đo. Chúng ta được hưởng trọn vẹn Ngôi Lời nhập thể, nguồn mạch
khôn ngoan, thánh thiện, thượng trí, hạnh phúc, thiên đàng, quyền năng, sự sống
vĩnh cửu.
Qủa thế, trọn cuộc sống dương gian của Chúa
Giêsu, từ lúc chào đời cho đến chết và phục sinh, được gồm tóm trong hai chữ
“YÊU THƯƠNG”. Thứ nhất, vì yêu thương, “Đức
Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang
hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì
thương yêu, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha (Ga 8,19) và căn tính của mình cho
mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36-41) được
Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a). Ngài còn mạc khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin
vào Ngài sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga 3,5) và được sống muôn đời (Ga
3,15). Thứ ba, vì yêu thương, Ngôi Hai Thiên Chúa đến thế gian như người tôi tớ
phục vụ và cứu độ hết mọi người (Ga 5,20-27). Cuối cùng, vì yêu thương, Chúa
Giêsu đã hiến thân mình trên cây thập giá để cho mọi người được hưởng tình yêu
dạt dào của Thiên Chúa (Ga 14,1-3). Vì vậy, Chúa Giêsu dạy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài cũng mời gọi chúng
ta hãy dùng tình yêu đó mà đối xử với nhau. Như vậy, Chúa Giêsu nêu gương cho
ta mẫu mực yêu thương: yêu là hy sinh tính mạng cho người mình yêu (Ga 15,13).
Một tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự chia sẻ, sự trao ban và ra khỏi chính
mình để đến với tha nhân. Chúa Giêsu không giữ hạnh phúc cho riêng mình, Ngài
đã trao ban cho con người hạnh phúc của chính Thiên Chúa. Qua Ðức Kitô, từ nay
Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta. Ngài nói với chúng ta bằng tiếng nói của con
người là Lời Chúa. Ngài đến với chúng ta bằng bước chân con người và chia sẻ với
chúng ta nơi bàn ăn thắm đượm tình người là bàn tiệc Thánh Thể. Từ nay Thiên
Chúa ở giữa con người để cùng chia sẻ buồn vui trong kiếp người. Từ nay Thiên
Chúa cùng đồng hành với con người để dìu con người bước qua những thăng trầm của
giòng đời.
Cuộc sống tu trì gắn bó đặc biệt với bí tích Thánh thể, bởi lẽ, tu chính là
bước theo Chúa Kitô trong mầu nhiệm vượt qua, để các tu sĩ được cùng chết và
sống lại với Ngài. Chính trong bí tích Thánh Thể được cử hành
hàng ngày trong các cộng đoàn tu trì, mà mầu nhiệm vượt qua ấy được thể hiện và
tái diễn. Chính vì thế, Sắc Lệnh Canh Tân Thích Nghi Đời Tu, số 6 nói rằng các
tu sĩ hãy cử hành phụng vụ, đặc biệt là mầu nhiệm Thánh thể để nuôi dưỡng đời
sống thiêng liêng của mình, và được bổ sức nơi bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc
Thánh thể.
Có thể nói rằng, không
thể nào xây dựng một cộng đoàn dòng tu, nếu cộng đoàn ấy không cắm rễ sâu và tập
trung vào việc cử hành hy tế Thánh Thể. Vì tất cả việc đào luyện về đời sống
thiêng liêng của cộng đoàn đều khởi nguồn từ đó. Trong bí tích Thánh thể, sự
hiệp thông với sức sống thần linh và tình yêu thân mật với Chúa Kitô được biểu
lộ cách thích hợp và thực hiện một cách tuyệt vời. Từ nơi bí tích Thánh thể,
các tu sĩ nhận được lời kêu mời, động lực và sức mạnh để thực hiện cuộc hy tế
đời mình trong sự kết hợp với Đấng là của lễ chí thánh (xc.Po 5). Chúa Giêsu
muốn trở nên bạn tri âm, muốn là người đồng hành của nhân loại trong suốt cuộc
lữ hành dương thế. Chính qua bí tích Thánh thể mà Ngài là Đấng Emmanuel, để ở
cùng chúng ta luôn mãi. Trong ý nghĩa đó, dù Ngài đang ẩn mình trong một thánh
đường nguy nga, hay trong một nhà nguyện đơn sơ, thì Ngài vẫn luôn là trung tâm
tinh thần của cộng đoàn dòng tu và của người tu sĩ.
Vì vậy, trong buổi nói chuyện của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta
trước Hội Nghị Quốc Tế về Thánh Thể tại Nairobi, Kenya, năm
1985, Mẹ Thánh nói rằng Đức Giêsu đến
với chúng ta vì mục đích: “Để nói với
chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta thật quý giá đối với
Người. Chúng ta đã được tạo dựng để yêu thương và được yêu thương, và chúng ta
phải yêu thương nhau như Người yêu thương chúng ta, như Chúa Cha yêu thương
Người”. Mẹ Thánh Têrêsa nói rằng Thập giá và Thánh Thể, như hai biểu tượng
cụ thể cho tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại: “Khi nhìn lên Thập giá, chúng
ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến thế nào. Và khi nhìn lên Thánh
Thể, chúng ta biết rằng Người vẫn ở đó để yêu thương chúng ta như thế nào. Qủa
thế, Đức Giêsu đã tự biến mình thành Tấm Bánh ban Sự Sống, hầu làm thỏa mãn nỗi
đói khát của chúng ta về tình yêu. Và như thể việc này vẫn không đủ đối với
Người, nên Người còn tự biến mình thành một kẻ đói khát, trần truồng, khiêm tốn
nhất, hầu chúng ta có thể làm thỏa mãn niềm khao khát của Người về tình yêu
nhân loại, đặc biết là những người đau yếu, nghèo khổ, không được ai cần đến,
không được yêu thương, những kẻ phong hủi, nghiện ma túy, nghiện rượu, các cô
gái điếm - Đức Kitô ẩn mình trong nỗi đau khổ của họ”.
Đọc
Thánh Vịnh 89
Tình
thương CHÚA, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.
Vâng con nói: "Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời."
Xưa Chúa phán: "Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,
rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ."
Lạy CHÚA, thiên đình xưng tụng những kỳ công của Chúa,
cộng đoàn chư thánh ca ngợi lòng thành tín của Ngài.
Trên cõi trời cao, nào có ai sánh tày ĐỨC CHÚA?
Trong hàng thần thánh, hỏi có ai giống CHÚA được chăng?
Thiên Chúa oai phong giữa triều thần thánh,
vô cùng lẫm liệt trên hết cả quần thần.
Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn, nào ai được như Chúa?
Lạy CHÚA quyền năng, đức thành tín hầu cận quanh Ngài.
Chính Ngài chế ngự trùng dương ngạo nghễ,
dẹp yên bao sóng cả sóng cồn.
Chính Ngài giày xéo thủy thần Ra-háp, như giày xéo tử thi,
tay mạnh mẽ đập tan quân thù.
Trời là của Chúa, đất cũng là của Chúa,
hoàn vũ với muôn loài, chính Chúa dựng nên.
Ngài sáng tạo phương trời Nam Bắc;
núi Ta-bo cùng với đỉnh Khéc-môn
hò reo kính danh Ngài.
Cánh tay Ngài, cánh tay hùng dũng,
đầy quyền năng đã mạnh mẽ dương oai.
Bệ ngai vàng: này công minh chính trực,
quân tiền phong: đây tín nghĩa ân tình.
Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô;
nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy CHÚA.
Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở;
bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang.
Sức hùng cường hiển hách của dân chính là Ngài,
hồng ân Ngài làm nổi bật uy thế chúng con.
Đấng bảo vệ chúng con là người của ĐỨC CHÚA,
vua chúng con thuộc quyền Đức Thánh của Ít-ra-en.
Hát: CÓ MỘT ĐIỀU CON HẰNG ƯỚC MƠ
ĐK: Có một điều con hằng ước mơ, hằng
ước mơ, hằng ước mơ là được ở trong nhà Chúa suốt đời con, suốt đời con. Để con
được chung mối duyên tình, để con được chung mối duyên tình, với Đấng con hằng
mến yêu, với Đấng con đã tôn thờ. Đấng đã dựng con từ giữa hư không, Đấng đã
gọi con giữa cuộc trần gian, Đấng đã cùng con hôm nay hát câu sắt cầm.
1. Từ
đây đời con luôn thuộc về Chúa, và Chúa đã thuộc về con. Tình Chúa thương con
vời vợi, mà tình con Chúa cũng biết rồi dẫu là mong manh như hoa dại trên núi,
không hương không sắc âm thầm lòng nguyện ước suốt đời hiến dâng.
2. Lạy
Chúa hồn con vẫn hằng khao khát, được Chúa tất cả của con, đời con dẫu có hao
mòn, con chỉ mong hai chữ vuông tròn, một đời lên như câu ca và khúc hát. Cao
rao Danh Chúa nhân từ, hằng dủ thương thân phận bé thơ.
3. Lạy
Chúa đẹp thay nơi này nhà Chúa, còn hơn cung điện trần gian. Tình yêu Ba Ngôi
huyền dịu đã ủ ấp con cả sớm chiều, để còn mong chi, mơ nơi nào hơn nữa. Câu
kinh, câu hát mỗi ngày tựa trầm hương cho hồn ngất ngây.
4. Niềm
vui trao dâng đất trời gặp gỡ, bao nhiêu ân huệ tình yêu. Chỉ mong con luôn bền
đỗ trong nhà Chúa, trong cả vui buồn một đời xin vâng, xin đơn nghèo thanh
khiết. Con đi theo Chúa mỗi ngày, nguyện đuợc nên như Ngài Chúa ơi.
5. Thập
giá tim con in hình thập giá, Calvê núi đồi nở hoa. Đường con chông gai từng
chặng, thì được xin đi mãi đến cùng dầu là gian nan, khi vui buồn mưa nắng, cho
con kiên vững theo ngài, mặc trần gian đi về có ai.
2. Ngắm Thánh Thể, người tu sĩ yêu
người như Chúa yêu mới là đúng nghĩa nhất
Đời sống người tu sĩ là cuộc tình của mình với Thiên Chúa. Cuộc sống người
tu sĩ chan chứa tình yêu và hiệp thông với Thiên Chúa đời đời. Vì thế cuộc sống đức tin
của chúng ta hành trình thực hiện giao ước tình yêu giữa ta với Chúa. Vì thế,
hôm nay chúng ta đến đây để chiếm ngắm Thánh Thánh chỉ vì chúng ta khao khát
Thiên Chúa, muốn được yêu Chúa mong muốn Chúa ở với ta và Ngài hướng dẫn đời sống
tu trì của chúng ta tới nguồn tình yêu và hạnh phúc đích thực.
Để được như thế, mỗi
người tu sĩ phải là một Kitô khác để có thể hiểu và cảm thông với tha nhân. Một
Kitô khác có nghĩa rằng chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta sống thiếu
vắng tình yêu trong lời nói và việc làm của chúng ta. Chúng ta đừng khác với
Ðức Kitô khi chúng ta sống thiếu sự quan tâm với những anh em nghèo đói, với
những mảnh đời bất hạnh bên đường. Chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta
sống trong bùn nhơ của tội lỗi, của sự thiếu trong sạch, thiếu công bình và bác
ái với tha nhân. Chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta hà khắc, kết án
anh em một cách đoạn tuyệt và thiếu lòng bao dung. Chúng ta hãy nên giống Chúa
Kitô khi chúng ta hiện diện với ai, là chúng ta đem đến cho họ niềm vui và hạnh
phúc. Chúng ta hãy nên giống Chúa Kitô để chúng ta có thể gieo vãi yêu thương,
hạnh phúc vào cho nhân thế qua việc phục vụ và dấn thân quảng đại của chúng ta.
Chúng ta hãy nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô để có thể tha cho kẻ làm hại
chúng ta, để có thể quên đi lỗi lầm của anh em và dám hy sinh quên mình mà vác
thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Chẳng hạn, Chân Phước Têrêxa Calcutta là Nhà
Truyền Giáo của Tình Thương Bác Ái, đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời, để phục vụ
những anh chị em nghèo cùng nhất, với sức mạnh múc lấy từ tình thương đối với
Chúa Kitô. Sứ mạng của Mẹ Têrêsa bắt đầu mỗi ngày, trước lúc rạng đông, trước
Bí Tích Thánh Thể. Trong thinh lặng của sự chiêm ngắm, Mẹ đã lắng nghe vang dội
lời nói của Chúa Giêsu trên thập giá: Ta khát. Lời Kêu Vang nầy, được đón nhận
trong cỏi thâm âu của tâm hồn, đã thôi thúc Mẹ tiến đi trên các đường phố
Calcutta và khắp nơi trên thế giới, để đi tìm Chúa Giêsu trong người nghèo,
người bị bỏ rơi, người hấp hối sắp chết.
Để được như thế, mỗi tu
sĩ chúng ta hôm nay hãy đi con đường Chúa Giêsu đi: đó là hãy ra khỏi chính
mình để đến với anh em. Hãy tìm đến những con người khổ đau, nghèo đói đang cần
tình thương. Hãy hội nhập với đời để đem Đạo vào đời, để sống Phúc Âm giữa lòng
dân tộc. Hãy mạnh dạn mang Tin Mừng của Chúa thẩm thấu vào trong thế gian nơi
đó còn những khiếm khuyết của tình người, của tính lương thiện, của nhân cách
và phẩm giá. Chúa đã đi vào đời để gieo chân lý, niềm tin và hy vọng. Là tu sĩ,
chúng ta phải vượt qua mọi trở ngại của tính ích kỷ chỉ sống cho riêng mình, để
dấn thân vào mọi môi trường chúng ta đang sống. Đừng dững dưng hay vô cảm trước
tha nhân.
Cho nên, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay 2015,
Đức Thánh Cha Phaxicô dạy chúng ta chí lý rằng: “Tình yêu của Thiên Chúa phá vỡ sự vô cảm ấy, một thái độ khép kín tai
hại. Giáo hội trao tặng chúng ta tình yêu này qua giáo huấn, và nhất là qua
chứng tá của mình. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà chính chúng
ta đã cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho mình lòng nhân từ và
thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để giống như Chúa Kitô, trở nên tôi tớ
của Thiên Chúa và của người khác. Chúng ta thấy rõ điều này trong Phụng vụ Thứ
Năm Tuần Thánh qua nghi thức rửa chân. Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho
ông, nhưng ông đã hiểu ra rằng Chúa Giêsu không muốn chỉ nêu gương về cách thức
chúng ta phải rửa chân cho nhau. Chỉ những ai để cho Chúa Giêsu rửa chân mình
trước thì người ấy mới có thể phục vụ người khác như thế. Chỉ người nào được
“dự phần” với Ngài (Ga 13,8) thì mới có thể phục vụ người khác. Mùa Chay là
thời gian thuận tiện chúng ta để cho Chúa Kitô phục vụ mình - nhờ đó chúng ta
trở nên giống Ngài hơn, mỗi khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí
tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Nơi đó chúng ta trở thành điều mà chúng ta
lãnh nhận: trở nên Thân Mình Chúa Kitô. Trong thân mình này, không có chỗ cho
thói vô cảm rất thường chiếm lĩnh tâm hồn chúng ta. Vì ai thuộc về Chúa Kitô
thì cũng thuộc về một thân mình duy nhất và trong Chúa chúng ta không được dửng
dưng đối với nhau. “Vì nếu một chi thể đau, thì mọi chi thể cùng đau; và nếu
một chi thể được vinh dự thì mọi chi thể đều được chia sẻ niềm vui ấy” (1
Cr 12,26), (số 1).
Chính vì thế,
Đức Bênêdictô XVI nói trong Tông Huấn Bí Tích Tình Thương, số 81 rằng: “Chứng tá tiên tri của các tu sĩ nam nữ, những
người tìm thấy trong việc cử hành Thánh thể và trong việc tôn sùng Thánh thể sức
mạnh thiết yếu cho ơn gọi bước theo Chúa Kitô để vâng phục, thanh bần và khiết
tịnh. Cho dù phục vụ trong nhiều lãnh vực khác nhau như đào tạo nhân sự và chăm
sóc người nghèo, giáo dục và y tế, các tu sĩ nam nữ đều nhận biết rằng cứu cánh
cuộc đời họ là sự chiêm ngắm những sự thiêng liêng và kết hợp liên lỉ với Chúa
trong cầu nguyện.”
Cầu nguyện (đọc chung):
Lạy
Chúa Giêsu Thánh Thể, là tình thương vô biên, là lò lửa yêu thương nồng cháy,
xin Chúa giúp chúng con hiểu biết vẻ cao đẹp và tầm quan trọng của đức bác ái
Kitô giáo. Chính Chúa đã phán dạy rằng nếu các con thương yêu nhau, thì nhân
loại mới nhận biết các con là môn đệ đích thực của Chúa. Bởi vì tất cả các con
là anh chị em với nhau con một Cha trên trời. Các con hãy yêu mến Chúa hết lòng
và thương yêu kẻ khác như chính mình. Hãy làm như vậy sẽ được sống muôn đời. Vì
vậy mỗi việc các con làm cho người hèn mọn nhất trong anh chị em đó là làm cho
chính Ta.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể yêu thương, xin Chúa
giúp chúng con luôn luôn thực hiện đức bác ái của Chúa với mọi người, ở mọi nơi
trong mọi sự, để đời sống bác ái chúng con là một chứng nhân sống động của
Chúa. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con quyết tâm thực hành đức bác ái, để
đẹp lòng Chúa, để bớt tội lỗi, để bảo toàn an vui hạnh phúc cho chúng con và
cho anh chị em chúng con. Bởi vì bác ái là con đường tươi sáng nhất và chắc
chắn nhất dẫn đưa chúng con tới hạnh phúc muôn đời. Amen.
Hát: Kinh Hòa Bình
Lạy Chúa từ nhân, xin
cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dụng con như khí cụ
bình an của Chúa. Để con đem yêu
thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh
chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào
nơi nghi nan chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối
tăm đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm an ủi người hơn được
người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người
hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính
lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính
lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi
thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy
thiện chí, ơn an bình.
Ø Kết
Thúc
- Kinh Trông cậy
- Hát: TẬN HIẾN CHO MẸ
1. Con đến trước toà nữ Vương uy quyền. Dâng hồn dâng xác dâng cõi lòng
yêu mến. Phó trót nơi Mẹ tấm thân nhỏ hèn, để đời con luôn vui sống bằng yên.
ĐK. Hỡi Maria xin Mẹ nhận lấy tấm thân xác hồn con đến hiến dâng. Quyết
chí thánh hoá nhờ Mẹ với Mẹ, vững chí phấn đấu vì Mẹ trong Mẹ. Có Mẹ dắt dìu
chiến sĩ lên đường mới, xây đắp vinh quang nước Cha muôn đời.
2. Con khấn xin Mẹ mỗi khi đau buồn. Trên đường con đi trong những ngày
nguy khốn. Con biếât tươi cười mắt trông lên Mẹ. Tấm lòng tha thiết trao mối
tình thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét