Trang

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

TIN VÀO ĐẤNG PHỤC SINH

Lời Chúa: Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9


      Kết quả một cuộc điều tra mới đây tại Pháp cho thấy 84% người Pháp cho mình là người công giáo, nhưng chỉ có 32% là con tin vào sự sống lại. Và người ta phỏng đoán đến năm 2020 thì con số những người tin vào sự sống lại sẽ giảm xuống, chỉ còn độ 10%. Nhìn vào số liệu trên chúng ta thấy tình trạng niềm tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu hôm nay quả là bi đát. Tại sao lại có hiện tượng ấy? Phải chăng con người ngày nay quá quen với những kỹ thuật khoa học có thể kiểm chứng, mắt thấy tai nghe thì mới tin, cho nên họ không còn nhạy cảm đủ với niềm tin, vốn khởi đi từ những cảm nghiệm tâm linh. Hay nói theo kiểu thánh Phaolô trong bài đọc hai rằng vì chúng ta quá mải mê những sự dưới đất đến nỗi không còn tha thiết với những sự trên trời. Chính vì thế, chúng ta cần phải khám phá lại niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, là nền tảng cho cuộc sống của người tín hữu hôm nay.
       Phục Sinh là một biến cố lịch sử quan trọng và có thật với những cuộc tỏ hiện đã được kiểm chứng theo lịch sử, như Tân Ước đã làm chứng. Sự Sống Lại của Chúa Giêsu là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Kitô. Nó cũng là một chân lý trung tâm đã được tin và thể hiện trong cuộc sống bởi cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi và đã được lưu truyền bởi Thánh Truyền như chân lý nền tảng đã được xác lập bởi các văn kiện của Tân Ước và được rao giảng.  Cho nên, các Tông đồ, cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi mãi là những chứng nhân của Đấng Phục Sinh của Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, Đức tin của cộng đoàn các tín hữu tiên khởi được xây dựng trên lời chứng của những con người cụ thể mà các Kitô hữu quen biết và phần đông lúc đó còn sống giữa họ. Những chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, trước hết là ông Phêrô và Nhóm Mười Hai, rồi ông Phaolô, ông Giacôbê và với tất cả các Tông Đồ khác và các Thánh khác (SGLHTCG, số 639-642).
     Biến cố Phục Sinh không phải chỉ là một biến cố có tính cách lịch sử mà hơn thế nữa, nó còn là một biến cố làm nên lịch sử, vì biến cố ấy không ngừng được công bố và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Bởi vì một khi Đức Kitô là đầu đã sống lại, thì chúng ta là chi thể, một ngày kia cũng sẽ sống lại, nếu như chúng ta trung thành gắn bó mật thiết với Ngài. Điều đáng chú ý ở đâu là phục sinh không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp cậu con trai bà goá thành Naim, em bé gái 12 tuổi, và đặc biệt là ông Ladarô đã chết 4 ngày được Chúa Giêsu cho sống lại. Cả hai trường hợp này, người chết đều sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ. Có nghĩa là một ngày nào đó họ cũng phải theo cái số phận chung của loài người là trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền của sự chết.
     Phục sinh của Chúa Giêsu có nghĩa là hoàn toàn chiến thắng sự chết, Ngài không sống lại một thời gian để rồi lại chết. Sống lại đối với Chúa Giêsu có nghĩa là mặc lấy sự sống sung mãn mới mẻ đến độ sự chết không còn chi phối nữa, cũng không một định luật tự nhiên nào có thể ảnh hưởng được Ngài: Ngài đến với các môn đệ khi cửa đóng kín, Ngài chuyện vãn với họ, ăn uống với họ, nhiều người trong họ sờ được Ngài như một người đang sống chứ không phải như một bóng ma. Đó là tình trạng đích thực của sự sống lại mà một số môn đệ của Chúa Giêsu đã cảm nghiệm được mỗi lần Ngài hiện ra với họ. Cho nên, trong lịch sử nhân loại, chúng ta thấy chưa từng có một bậc vĩ nhân hay một thánh hiền nào được tuyên xưng là đã sống lại, duy chỉ có một mình Chúa Giêsu là được các tín hữu tin nhận và tuyên xưng Đấng Phục Sinh. Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì cái chết của Ngài, dù có một giá trị cao cả đến đâu, thì cũng chỉ là một cái chết trong muôn ngàn cái chết của loài người, nghĩa là không hề có giá trị cứu rỗi.
      Tin Mừng hôm nay mời chiêm ngắm thánh Gioan, “ông đã thấy và ông đã tin”. Ông Gioan thấy cái gì? Thấy ngôi mộ của Chúa Giêsu có tảng đá bây giờ bị đẩy sang một bên, nhìn vào bên trong trống rỗng, xác Thầy không còn. Ông thấy cái khăn che đầu cuốn riêng để một nơi và những băng vải để một chỗ. Vậy chưa đủ để xác quyết Chúa Giêsu Phục sinh vì bà Maria Maddala cũng thấy như vậy đã nói là họ lấy xác Thầy rồi. Nhưng, Thánh Gioan có óc suy luận hơn bà Maria Madalêna, Ngài nghĩ thêm rằng đời nào ăn cắp mà có chuyện cuộn khăn che đầu để lại một chỗ nhất là có lính canh mồ nữa. Cái thấy của Gioan cần có một niềm tin. Niềm tin của Gioan có một bước nhảy hàm chứa nơi tất cả mọi niềm tin của con người. Là người gần gũi với Chúa, được Chúa thương mến, là người quen biết các thói quen của Thầy, thánh Gioan lập tức nhận ra dấu vết Người để lại. Khăn liệm được xếp đặt gọn gàng chứng tỏ bàn tay Người tự xếp đặt. Người tự xếp đặt tức là Người đang sống. Người bỏ khăn liệm vì Người không còn trong thế giới kẻ chết. Trái tim yêu mến và cảm nghiệm tâm linh đã làm cho thánh Gioan nhạy bén cảm nhận được mầu nhiệm phục sinh. Vì vậy ông hiểu rằng đúng như Lời Thánh Kinh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
     Ngày nay cũng vậy, chúng ta tuyên xưng vào Chúa Giêsu Phục sinh là có cơ sở nào? Đó là lời chứng của các tông đồ, của những con người đem cả cuộc đời sự sống của mình để xác quyết cho lời chứng nhưng nền tảng nhất vẫn là Thánh kinh, lời của Thiên Chúa và trên cơ sở đó chúng ta thực hiện bước nhảy, bước nhảy của đức tin. Nếu chúng ta dám thực hiện bước nhảy của đức tin thì nó trở thành bước nhảy của cuộc sống nếu không thì chúng ta tuyên xưng dối. Thánh Gioan đã thực hiện bước nhảy của đức tin nên khi ra khỏi nấm mồ chôn Chúa, ngay giây phút ông bước ra khỏi nấm mồ cuộc sống chôn cất ông. Đó là nấm mồ của thất vọng, sợ hãi, hèn nhát, tội lỗi để rồi ông sống một cuộc sống Phục sinh với Chúa hoàn toàn, thánh thiện và loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Vì vậy, hôm nay chúng ta được thấy Chúa phục sinh rõ ràng và chân thật nhất qua bằng chứng là Lời Chúa, Thánh Thể và thánh truyền và những Giáo huấn của giáo Hội, thì chúng ta cũng phải ra khỏi nấm mồ của sự nghi ngờ, ích kỷ, hận thù, tội lỗi luôn gieo vãi sự chết chóc cho nhiều người để rồi Chúa sẽ cho sống lại ở đời này về phân tâm hồn thánh thiện, hiền lành, từ bi nhân hâu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, tha thứ và phục vụ mọi người trong gia đình và ngoài xã hội như Thiên Chúa kêu gọi các con cái Ngài rằng hãy gieo vãi và trao ban văn minh tình thương và sự sống nhờ đó chúng ta sẽ được phục sinh như Chúa ngày sau.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải xác tín rằng sự phục sinh của Đức Kitô là nguyên lý và nguồn mạch cho chúng ta ngày sau được sống lại như Chúa Giêsu Kitô vì chưng “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.... Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,20-22). Alleluia.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét