Trang

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

DẤU ẤN CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Lời Chúa: Cv 2,42-47; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31

          Ngày 8-5 vừa qua là ngày của mẹ, tôi đọc trên mạng câu chuyện của một chàng thanh niên viết về mẹ của mình thật cảm động như sau: Từ bé mồ côi cha. Lớn lên và trưởng thành trong sự bao bọc và tình yêu thương của mẹ. Suốt mấy chục năm trời, bà cực nhọc, ròng rã nuôi tôi. Nhưng suốt thời thơ ấu cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng không thích mẹ, không bao giờ giới thiệu cho ai gặp mẹ mình cả, không cho mẹ đến trường vì sợ bạn bè trêu chọc, chế giễu mình. Và lí do chỉ đơn giản là… bà mẹ bị chột một mắt.
Ngày nọ, mẹ tôi ghé qua trường thăm tôi. Tôi thấy mẹ đến liền ra nói: “Tại sao bà lại đến đây? Bà đến đây làm gcì? Bà làm tôi xấu hổ và ngượng ngùng với tất cả mọi người… tôi thực sự chẳng thích bà”. Người mẹ chột mắt buồn bã đau đớn, nước mắt bà chảy dài nơi con mắt còn lại. Lặng lẽ nhìn đứa con trai rồi ra về. Sau tan học, tôi về nhà và la quát mẹ mình: “Tôi muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Tôi muốn bà không ở ngôi nhà này nữa. Bà làm tôi xấu hổ ghê gớm đấy. Bà hiểu không?”. Bà mẹ âm thầm không nói một câu dù biết người con bội bạc, vô lễ, bất hiếu và mất dạy.

Thế là tôi bỏ nhà đi. Thời gian trôi qua, tôi trưởng thành. Và rồi sau những tháng ngày miệt mài Tôi đã dành được 1 suất học bổng du học bên Singapore. Tôi hạnh phúc và yên vui sống ở đấy và không bao giờ nghĩ tới bà mẹ hiền ở quê nắng mưa thế nào! Sau 5 năm tôi có vợ và có 2 con, một gia đình giàu có và hạnh phúc. Tôi cũng gửi tiền về xây cho mẹ một ngôi nhà nhỏ và hàng tháng gửi chút tiền về cho mẹ. Tôi tự nhủ thế là mình đã làm tròn bổn phận của người làm con, cho nên không cần cho mẹ biết tôi ở đâu vì biết sợ mẹ đến làm xấu hổ vợ con. Và rồi một ngày. Bà quyết định sang   bằng được để được nhìn thấy đứa con và cháu nội lớn lên như thế nào. Vừa bước vào nhà, đứa cháu nội chạy ra, bà chưa kịp ôm cháu mừng rỡ, thì đứa cháu khóc thét lên vì sợ hãi với hình dạng của bà nội. Tôi vừa ngạc nhiên và bực tức, quát mắng: “Bà còn sang đây làm quái gì nữa? Bà đã làm tôi xấu hổ và tủi nhục đến thế nào rồi. Giờ bà không buông tha cho tôi? Không để tôi có một cuộc sống bình yên nữa sao?”. Bà lặn lẻ ra đi trong những nỗi đau xót.
          Vài tháng sau, tôi hay tin mẹ tôi qua đời. Tôi quyết không về nhưng vợ tôi nói: “Anh ơi nghĩa tử là nghĩa tận, dù sao bà cũng là mẹ anh sinh nặng đẻ đau, cho anh bú bớm thành người hôm nay”. Nghe vợ nói mà lòng xót xa, nên mua vé máy bay bay về Việt nam. Về đến nhà thì mẹ tôi được những người hàng xóm chôn 3 ngày rồi. Tôi lần vào buồng nhìn trên gường thấy chiếc gối mẹ tôi nằm ru tôi ngủ khi xưa. Cầm chiếc gối lên, tôi thấy một lá thư chính mẹ viết: “Con trai yêu! Mẹ xin lỗi vì đã không đem đến cho con những tháng ngày bình yên thuở bé…. Mẹ xin lỗi vì đã làm trò cười cho thiên hạ. Khiến con lún sâu vào vòng quay của sự tủi nhục và đau đớn. Mẹ muốn ra đi. Muốn sống ở thế giới khác để cho con khỏi lo phiền, khỏi bực tức nữa. Nhưng, con biết không? Mẹ yêu con! Mẹ có thể đánh đổi tất cả: Có thể hy sinh con mắt của mình dành cho con. Hy sinh cuộc sống của mẹ để cho con được thấy ánh sáng mặt trời. Con biết không khi con còn nhỏ vì con ham chơi con bị tai nạn và bị hỏng một con mắt. Nhà mình nghèo lắm. Mẹ không thể có đủ tiền chữa trị cho con. Mẹ bán hết tất cả những đồ đạc trong nhà, và Mẹ đã để bác sĩ thay mắt mẹ cho mắt hư của con. Cho nên, hôm nay mới còn lại vết sẹo trên mắt và mắt chột xấu xí này. Dù sao mẹ vẫn thương con vô ngần con trai yêu quý của mẹ.
          Phúc âm hôm nay kể: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các ông vui mừng vì được thấy Chúa”. Tại sao khi “xem tay và cạnh sườn” Tay và cạnh sườn Chúa có gì để xem? Thưa đó là các vết sẹo, những dấu ấn tình yêu thương xót của Chúa dành cho chúng ta. Chúa Kitô phục sinh đã tiến vào vinh quang của Thiên Chúa, thân xác phục sinh Ngài cũng được biến đổi vinh quang. Ngài không còn phụ thuộc những hạn chế theo bản tính tự nhiên nhân loại nữa. Thế mà Ngài vẫn còn lưu giữ những vết sẹo của tình thương đó trên thân thể phục sinh của Ngài. Và Ngài đã cho các môn đệ xem những vết thương đó như bằng chứng xác thực rằng Ngài đã chịu chết và nay đã phục sinh chỉ vì yêu chúng ta dù chúng ta có tội lỗi, có bất hiếu và phản bội Chúa.
Khi các môn đệ nhìn thấy các vết thương tình của Chúa Giêsu, thì vui mừng. Tại sao vui mừng? Vì Chúa Giêsu là Thầy là Chúa phục sinh đang hiện diện trước mặt các ông, và những vết thương rành rành của Chúa  đây nen không thể lầm lẫn Chúa mình với bất cứ ai khác. Thầy Giêsu không phải Thầy với một cái xác chết bất động, thối rữa, nhưng là Thầy đang sống và sống trong vinh quang, sống không bao giờ chết nữa. Cũng giống như vếc sẹo và đôi mắt chọt của người mẹ kia là chứng tích của lòng thương xót của người mẹ dành cho con, cũng thế, những vết thương trên thân mình Chúa Kitô phục sinh không còn là dấu hiệu của ô nhục thất bại đau thương nữa, mà là dấu ấn lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta từ nay cho đến  ngàn thu và cũng là hiệu vinh quang sau khi đã chiến thắng sự chết, mở đường cho chúng ta tiến vào sự sống vĩnh cửu.
Cho nên, những vết thương của Chúa Kitô phục sinh là những vết thương của lòng thương xót, bởi vì Ngài đã mang lấy thương tích đó vì tội lỗi chúng ta, để đền tội thay cho chúng ta. Cho nên, Thánh Phêrô ca ngợi những vết thương của Đức Kitô: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài… Tội lỗi của chúng ta, chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội lỗi, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1Pr 2,21-24).
Chúa Giêsu đã dùng những thương tích của Ngài để chữa lành chúng ta. Vâng, nhờ cuộc phục sinh của Ngài mà Ngài chữa lành tật bệnh con người, nhất là chữa lành tật bệnh cơ bản nhất đó là tội lỗi. Chính vì vậy mà khi được xem tay và cạnh sườn của Chúa, các môn đệ đã vui mừng; và Tôma đã tin và tuyên xưng cách mạnh mẽ: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
Vậy, ước gì Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta cũng nhờ những vết thương của Chúa Kitô mà được chữa lành phần hồn phần xác. Cũng như đối với các môn đệ, chúng ta hãy siêng năng chạy đến với lòng thương xót Chúa để được gặp gỡ Chúa, tin tưởng vào Chúa và tín thác vào lòng thương xót của Chúa Kitô phục sinh, chúng ta sẽ được tràn đầy niềm vui, bình an, hạnh phúc và hy vọng dù cuộc đời chúng ta có ba chìm  bảy nổi chín lênh đênh. Vì chưng, Lời Chúa trong bài đọc hai quả quyết rằng: “anh chị em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1,6-8).

Lạy Thiên Chúa hằng hữu, xin thương xót chúng con. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Đức Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét