Trang

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

NHẬN RA CHÚA HIỆN DIỆN 
TRONG CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH
Lời Chúa: Cv 2,14.22-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35

Mỗi người trong chúng ta khi bước vào cuộc sống, ai ai cũng đã, đang và sẽ gặp biết bao nhiều chuyện buồn phiền và thất vọng. Buồn phiền vì không được đi học hay có đi học, học không bằng bạn bè, buồn vì không có việc làm, buồn vì bạn bè phản bội, buồn vì bà con chơi xấu mượn tiền không trả, buồn vì làm ăn không thành công, thui lỗ, buồn vì bệnh tật… Rồi trong chuyện tình yêu hôn nhân gia đình cũng vậy, chưa có người yêu cũng buồn nên mới có chuyện: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không duyên. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang. Yêu ai cũng lở làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi”. Nhưng, khi có người yêu rồi buồn vì người yêu nay đã là vợ hay chồng người ta, nên mới có chuyện: “Đời tôi cô đơn nên yêu em chẳng bao lâu. Ngày mai đây em lên xe hoa bước theo chồng. Đời tôi quen cô đơn nên tôi chẳng trách em. Tôi quen rồi những chuyện dang dở từ khi mới yêu”. Rồi trớ trêu thay, khi đã lấy vợ lấy chồng rồi đó, cũng gặp chuyện buồn phiền vì vợ chồng chia tay, ly dị nhau cho nên mới có chuyện: “Thôi rồi ta đã xa nhau kể từ đêm pháo đỏ rượu hồng. Anh đường anh, anh em đường em yêu thương xưa chỉ còn âm thầm. Em đành quên cả sao em kỷ niệm xưa sánh như biển lớn. Ân tình cao tựa bằng non chỉ đổi bằng nhung lụa sao người?”. Đó vì tiền bạc mà tình yêu vợ chồng, cha mẹ không còn sắt son nữa, không còn chung thủy với nhau nữa nên từ bỏ nhau đường ai nấy đi, bỏ mặt con cái bơ vơ, lang thang côi cút, làm cho con cái phải buồn sầu đắng cay vì cha mẹ bỏ rơi nên mới có chuyện: “Cha ơi, cha là ai? Mẹ ơi, mẹ là ai? Mưa rơi con lạnh quá, gió buốt từng cơn đêm dài bơ vơ, nằm mơ một mái nhà có mẹ và có cha. Tại sao sinh em trong cuộc đời mà sao không cho em tình người. Tuổi thơ em lang thang lạc loài em nào có tội gì đâu. Tuổi thơ em không một mái nhà, tuổi thơ em không được đến trường, tuổi thơ em bơ vơ đầu đường xin từng hạt cơm rơi, xin từng hạt cơm rơi”. Rõ ràng người chưa có gia đình cũng buồn, có gia đình cũng buồn, đi tu theo Chúa có buồn phiền và thất vọng không? Có buồn chứ, cụ thể hai môn đệ trong Tin Mừng mà chúng ta vừa mới nghe.
 
       Rõ ràng hai môn đệ đã từng theo Chúa, nghe Chúa giảng và thấy làm những việc kỳ điệu, ấy thế mà hôm nay Chúa chết, buồn sầu và thất vọng nên quyết định bỏ Chúa lên đường về quê, làm ăn kiếm sống, không theo Chúa nữa. Tại sao các ông buồn và thất vọng? Vì trước đây họ theo Chúa với hy vọng rằng Chúa sẽ  giải phóng Ít-ra-en, khi ấy Chúa sẽ được vinh dự vui mừng, mình cũng “vui lây”. Giờ đây, Chúa mình theo chết thảm quá nên cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mong “công hầu khanh tướng”, hết hy vọng. Cho nên, hôm nay, trên đường từ Giê-ru- sa-lem về Em-mau là đi về phía tây, phía mặt trời lặn, phía đêm tối. Tâm trạng hai môn đệ lúc ấy buồn sầu thảm thiết và ruột gan rối bời như đêm đen. Thế rồi, Đức Giêsu xuất hiện như người lữ hành cùng đi với họ, trò chuyện, giải thích Thánh Kinh cho họ. Chính lúc nghe Lời Chúa, lòng họ đã bừng cháy lên, nhất là khi "Người cấm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ" thì họ mới thực sự nhận ra Người, không chỉ bằng con mắt xác thịt mà bằng cả con mắt đức tin. Giờ đây, thật sự họ đã nhận ra Chúa đã phục sinh và từ đó ý nghĩa của cuộc đời trở nên trong sáng, tối tăm trở nên sáng như ban ngày. Cho nên, sau khi Ngài biến mất, họ phải đứng dậy ngay, quay trở lại Giê-ru- sa-lem, đi về phía đông, phía mặt trời mọc, phía ánh sáng. Và chính Đức Giêsu đã đưa họ từ tâm trạng buồn phiền thất vọng, chán nản sang niềm vui phục sinh và hạnh phúc vì có Chúa trong đời.
Sống giữa cuộc đời, chúng ta gặp nhiều biến cố xảy ra cho mình và gia đình chúng ta và nó làm cho ta phải buồn phiền và thất vọng. Vì vậy, mọi ngày chúng ta từ giữa cuộc đời đến Nhà thờ mang trong mình những tâm tư của cuộc sống. Khi vào nhà thờ mình kể cho Chúa Giêsu nghe tất cả, lúc đó Chúa Giêsu qua Giáo hội lấy Thánh kinh chia sẻ với anh chị em. Lấy Thánh kinh để dọi một ánh sáng vui mừng và hy vọng biến cố buồn phiền và thất vọng mà anh chị em gặp trong cuộc sống để chúng ta gặp Chúa trong những biến cố ấy, Ngài luôn hiện diện đỡ nâng ta, ban bình an và nói với ta những lời an ủi để ta khỏi tuyệt vọng trong đời để rồi đời không phải là vạn ngày sầu mà mỗi ngày có một niềm vui, như lời Chúa nói: “Thầy đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 1-10). Vì thế, đỉnh cao của Thánh lễ là việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho chúng ta, và khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa vào trong cung lòng ta, lúc ấy chúng ta sẽ được kết hiệp mật thiết với Chúa, Chúa sẽ làm cho chúng ta bình an khi gặp những đau khổ, buồn phiền trong cuộc sống hôn nhân và gia đình. Qủa vậy, chính khi "bẻ bánh" mà hai môn đệ Emmau mới bừng sáng con mắt mà nhận ra Người. Thì chỉ có Bí tích Thánh Thể mới giúp chúng ta hồi phục sau những cơn giông tố cuộc đời. Chỉ có Bí tích Thánh Thể mới bổ sức cho chúng ta những người cha, mẹ, và con cái sau những lần vấp ngã đắng cay để trỗi dậy làm cho mái ấm gia đình nở hoa chứ không bế tắc. Chỉ có Bí Tích Thánh Thể mới dẫn đưa chúng ta từ nơi tối tăm sự chết đến miền ánh sáng Phục Sinh bằng việc gia đình hòa thuận thương yêu nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gia nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe và khi vui cũng lúc sầu buồn. Vì vậy, chỉ trong Đức Giêsu, chúng ta mới nhận ra được ý nghĩa của cuộc đời. Có Ngài hiện diện, ngay cả trong những ngày tháng buồn phiền, chúng ta vẫn có thể thấy ánh sáng cho hành trình cuộc đời, được Ngài lưu lại trong tâm hồn, chúng ta nhận ra thiên đàng đã bắt đầu ngay trên trần thế này đó là bình an và hạnh phúc, vì chưng: “Hồng ân Chúa như mưa, như mưa, rơi xuống đời con miên man, miên man, nâng đỡ tình con trong tay, trong tay vòng tay thương mến. Đời có Chúa êm trôi êm trôi Chúa dắt dìu con luôn luôn không thôi, có Chúa cùng đi con không đơn côi. Ôi tình tuyệt vời”. 
Cho nên, trong Tâm thư gửi cho các gia đình Công giáo năm nay, các Đức giám mục Việt nam mời gọi Gia đình hãy là ngôi nhà thờ phượng khi gia đình tràn ngập sự hiện diện của Chúa. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của anh chị em khi mọi người trong nhà cầu nguyện chung, lắng nghe Lời Chúa. Những giờ cầu nguyện chung ấy sẽ liên kết mọi người trong Chúa, giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố vui buồn của gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trở nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời. Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Niềm vui của tình yêu, 318). Và trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng Đức giáo hoàng đương kim đã khẳng định rằng: “Những ai gặp Chúa Giê-su và chấp nhận đề nghị cứu độ của Ngài thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn”.
Nếu ngày xưa, hai môn đệ Emmaus đã nhận ra Chúa khi Ngài ngồi vào bàn ăn bẻ bánh trao lại cho hai ông, thì hôm nay nơi Bàn Tiệc Thánh này, Ngài cũng làm lại cử chỉ đó để chúng ta nhận ra Ngài đang sống và hiện diện giữa chúng ta và với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Và sau khi vui mừng nhận ra Chúa đã sống lại, hai ông đã vội vã ra đi gặp anh em để thông đạt niềm vui và niềm tin yêu nơi họ. Cũng vậy, sau khi hiệp lễ, chúng ta được sai phái ra đi đem Tin Mừng Chúa sống lại, đem niềm vui Phục Sinh đến cho mọi người, nhất là những người trong gia đình chúng ta để mọi thành viên trong gia đình thương yêu nhau, vợ chồng chung thủy với nhau, cha mẹ yêu thương chăm sóc và giáo dục con cái nên người, nhất là con cái phải thảo kính với ông bà cha mẹ, quan tâm và chăm sóc ông bà cho mẹ bằng tinh thần cũng như vật chất. Và như thế, gia đình chúng ta quả thật là gia đình Công giáo thực sự và là mái ấm tình thương vì luôn có Chúa hiện diện.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, "xin ở lại với chúng con", vì chúng con rất cần Chúa trong các nỗi buồn của cuộc đời. Chúng con không xin Chúa những ơn cao cả, nhưng chỉ xin Chúa luôn hiện diện. Có Chúa, dù cuộc đời chúng con có còn nhiều buồn phiền nhưng chúng ta tin chắc chắn rầng Chúa ban bình an cho chúng con, làm chúng ta an tâm mà vui sống. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét