Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

CHẦU THÁNH THỂ THỨ NĂM TUẦN THÁNH

NĂM GIA ĐÌNH – CHUẨN BỊ CÁC BẠN BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
Chủ đề: NGẮM THÁNH THỂ CHÚA – 
GIA ĐÌNH YÊU THƯƠNG NHAU ĐẾN CÙNG

Ø Khai mạc
Ø Dấu Thánh Giá
Ø Hát : CON MẾN YÊU

1. Con mến yêu tin thờ trong lòng, cùng chút tình ngây thơ ngóng trông. Trong Thánh Thể Chúa đổ ngàn ơn. Ngài hiến thân nuôi dưỡng đoàn con.
ĐK: Giờ đây hạnh phúc độc nhất đời con. Êm đềm Chúa nhìn hạnh phúc nào hơn. Lòng con ngây ngất, tin Chúa, yêu Chúa. Trong tình Chúa yêu, con phó dâng linh hồn.
2. Con phó dâng tâm hồn thật thà, cùng với lòng đội ơn thiết tha. Nơi Thánh Thể Chúa ở cùng con. Hằng xót thương trợ giúp ủi an.

Ø Lời Nguyện (quỳ - đọc chung)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, toàn thể gia đình giáo xứ (cộng đoàn) chúng con quỳ trước tôn nhan Chúa đây/ trong tinh thần hiệp nhất yêu thương, để cùng dâng lên Chúa lòng mến yêu tôn thờ,/ với niềm xác tín Chúa đang hiện diện trước mặt chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa/ vì tình yêu bao la Chúa đã dành cho chúng con qua Bí tích Nhiệm Mầu này. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã nói rằng: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51). Giờ đây, Lạy Chúa, xin Chúa sai Chúa Thánh Thần đến giúp chúng con gạt bỏ những gánh lo âu của cuộc sống,/ để buông mình sống thân tình với Chúa trong giờ chầu này,/ qua đó,/ chúng con sẽ tìm được nguồn an ủi/ và đem lại sự sống của Chúa cho mỗi gia đình chúng con. Và sau khi cung kính Chầu Thánh Thể Chúa,/ suy ngắm tình yêu Thánh Thể Chúa,/ chúng con xin Chúa giúp mỗi người trong gia đình chúng con biết sống yêu thương nhau, tha thứ cho nhau,/ phục vụ nhau và chăm sóc cho nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan trong cuộc sống hôn nhân và gia đìn ngõ hầu gia đình chúng ta được hạnh phúc đời này và đời sau. Amen.

SUY NIỆM
1. Thánh thể Chúa Giêsu hiện diện bền vững với mọi người trong gia đình.
Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa luôn ao ước ở với nhân loại. Ngài đi dạo trong địa đàng với ông Ađam và bà Evà nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày. Con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt với Đức Chúa là Thiên Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con trốn” (St 3,8). Sau đó, Ngài gửi các ngôn sứ đến để hướng dẫn Israel đi theo đường lối Ngài. Ngài ban 10 giới răn trên núi Sinai như luật pháp để chúng ta noi theo, nhờ thế tránh được những sai lầm luân lý đạo đức trong cuộc sống này. Chưa đủ, Ngài sai con một để nên đồng hình đồng dạng với chúng ta, dạy bảo và cứu vớt chúng ta. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa sống giữa nhân loại. Thánh Phaolô nói: “Mặc dù Ngài là Thiên Chúa nhưng đã ở trong hình thể loài người như chúng ta và vâng lời chịu chết trên thập tự”. Hơn thế nữa để có thể ở lại với con cái của Chúa, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh thể. Một sáng kiến nhiệm mầu đầy yêu thương không tìm thấy trong tôn giáo nào khác. Như vậy một đàng Ngài chu toàn thánh ý Đức Chúa Cha, chết đi chuộc tội cho nhân loại, giao hoà con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Mặt khác, Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để hiện diện bền vững với loài người. Do đó Bí tích Thánh thể là phương tiện độc đáo Chúa Giêsu có mặt liên tục giữa chúng ta, đặc biệt giữa những thành viên trong gia đình.
Qủa vậy, vào bữa cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu tuyên bố: “Một ít nữa thế gian sẽ không thấy Thầy, nhưng chúng con sẽ thấy Thầy. Bởi vì Thầy sống và các con cũng được sống” (Ga 16,16). Bằng những lời ấy Ngài hứa sẽ luôn ở với các môn đệ mãi mãi, không những khi mặt trời còn toả sáng mà ngay cả khi đêm tối âm u, khi bình an cũng như khi bão táp hãi hùng. Ngài ở trên thuyền với chúng ta giữa đại dương cuộc đời như xưa Ngài ở trên thuyền với các môn đệ tại biển hồ Tibêria, nhắc nhở các ông: “Ta đây đừng sợ,” trái lại hãy vững tin vào quyền năng Ngài. Các môn đệ đã làm đúng như vậy và sóng gió yên lặng. Các ông trung thành cử hành lễ bẻ bánh và Bí tích Thánh thể để tưởng nhớ đến Chúa, đúng như Ngài truyền dạy. Như thế họ tin vững vàng vào Chúa Giêsu, Ngài sẽ chẳng bao giờ lìa xa chúng ta.
Ngày nay chúng ta cũng tin kính y hệt, không có chi sai biệt, và đức tin ấy được gọi là tông truyền, tức truyền lại nguyên vẹn từ các thánh Tông đồ. Trước khi chịu chết Chúa Giêsu khẳng định: “Ta chẳng bỏ các con mồ côi”. Đây là chân lý của Ngôi Lời Thiên Chúa, xuống thế gian làm bạn với nhân loại. Một người bạn quý báu chân thật và trung thành. Hơn nữa Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người. Ngài yêu mến chúng ta bằng cách thí mạng sống mình để mưu cầu hạnh phúc đời đời cho từng linh hồn. Vì vậy, chỉ trong nhiệm mầu Thánh thể mà chúng ta thấy ấm áp, sum vầy mà chẳng bao giờ cảm thấy mình bị bỏ rơi, sống trong cô đơn lạnh lẽo nhưng qua Bí tích Thánh Thể, Ngài ở với chúng ta luôn mãi.
Vì vậy, trong thư gửi các gia đình công giáo năm nay, Các Đức Giám Mục mời gọi Gia đình là ngôi nhà thờ phượng khi gia đình tràn ngập sự hiện diện của Chúa. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của chúng ta khi mọi người trong nhà cầu nguyện chung, lắng nghe Lời Chúa và mời Chúa đến thăm: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Do đó việc lập bàn thờ và cầu nguyện chung trong gia đình là điều rất quan trọng với gia đình Công giáo. Những giờ cầu nguyện chung liên kết mọi người trong Chúa, giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trở nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời (số 7). Qủa thế, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên nhủ chí tình rằng: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Niềm vui của tình yêu, 318).
Cầu nguyện: (Đọc KINH DÂNG GIA ĐÌNH)
Lạy Chúa là Cha chúng con,/ chúng con tin thật Chúa là Đấng dựng nên mọi sự và hằng thương yêu chăm sóc mọi loài. Xin Chúa nhậm lời gia đình chúng con cầu nguyện. Chúa đã muốn cho chúng con làm thành một gia đình Công giáo,/ một cộng đoàn yêu thương,/ để làm bằng chứng tình thương của Chúa đối với mọi gia đình.
Xin Chúa cho mọi người trong gia đình chúng con sốt sắng thờ phượng kính mến Chúa,/ và hết lòng hòa thuận thương yêu nhau. Xin Chúa cho chúng con nhiệt thành sống đức tin,/ hôm sớm cầu nguyện chung với nhau,/ làm cho gia đình trở thành một đền thờ sống động của Chúa, / siêng năng tham dự phụng vụ của Hội Thánh,/ chuyên cần học hỏi lời Chúa và đem ra thực hành. Trong khi mỗi người chúng con ra sức làm việc,/ cũng như lúc gia đình được vui mừng hoặc gặp thử thách,/ xin Chúa cho chúng con biết luôn luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng. Đối với mọi gia đình xung quanh,/ xin Chúa cho chúng con biết thật tình yêu mến,/ sẵn sàng chia sẻ vật chất cũng như tinh thần,/ nhất là chia sẻ Tin Mừng tình thương của Chúa.
Lạy Chúa,/ chúng con xin dâng gia đình chúng con cho Chúa. Chúng con nguyện xin luôn sống theo gương Thánh Gia Thất mỗi ngày. Xin Chúa chúc lành cho mọi người trong gia đình chúng con, có mặt cũng như vắng mặt, còn sống hay đã qua đời,/ hầu bây giờ chúng con trở nên ánh sáng tình thương của Chúa, và ngày sau được phước sum họp với Chúa muôn đời. / Amen.

Hát: Niềm Tâm Sự

ÐK: Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng! Thầy yêu chúng con, Thầy sinh xuống gian trần. Thầy yêu chúng con, Thầy ban trót thân mình, để nuôi chúng con ngày lưu ký trần gian. 
1. Thầy là cây nho, chúng con là ngành. Ngành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái. Ngành nào lìa cây sẽ khô héo liền. Chúng con hãy hợp trong tình yêu Thầy. 
2. Yêu nhau, chính là giới răn riêng Thầy. Yêu nhau như Thầy yêu dấu chúng con, để cho thế gian hiểu biết rằng: Chúng con chính là môn sinh của Thầy!
2. Thánh thể là Bí tích của tình yêu và lòng thương xót.
Chúng ta định nghĩa tình yêu thế nào? Đúng ra thì không định nghĩa được vì Thiên Chúa là tình yêu. Không định nghĩa được Thiên Chúa thì cũng không định nghĩa được tình yêu. Nó mênh mông bao la, siêu việt vô cùng, ôm ấp cả vũ trụ càn khôn. Nhưng xét về phần nhân loại thì là trái tim, là cảm xúc cho tha nhân. Đôi khi đúng, nhưng cảm xúc không kéo dài mà là từng cơn, từng lúc. Tình yêu phải bền bỉ, một lòng tận tụy với kẻ khác, tự hy sinh bản thân cho tha nhân. Như thế tình yêu kéo dài, nghiêm khắc với chính mình. Chỉ Thiên Chúa mới có thứ tình yêu tinh ròng này, khi Ngài hy sinh trên thập giá. Nhìn lên hình ảnh Giêsu treo trên thập giá, chúng ta cảm nghiệm thế nào là tình yêu đích thực, tình yêu Thiên Chúa nhập thể, còn tình yêu nhân loại nhuốm màu vị kỷ, dục vọng, tham lam, vụ lợi.
Tình yêu đích thực đòi hỏi tận tụy, hy sinh như bà mẹ với các con thơ. Bí tích Thánh thể là tình yêu vượt xa hơn thế nữa. Nó vượt xa khả năng và quyền thế nhân loại. Chẳng người trần nào có thể ban thân mình cho người khác cách tuyệt hảo như Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh thể. Ngài đến với nhân loại bằng mình máu Ngài, linh hồn và thân xác gồm luôn bản tính Thiên Chúa. Ngài trao ban cho chúng ta trái tim yêu thương của Ngài, không tính toán, so đo. Chúng ta được hưởng trọn vẹn Ngôi Lời nhập thể, nguồn mạch khôn ngoan, thánh thiện, thượng trí, hạnh phúc, thiên đàng, quyền năng, sự sống vĩnh cửu. Quả thế, Đức Giáo hoàng Pio XII đã nói về Thánh thể như sau: “Chúa Giêsu ước ao chuyện vãn với chúng ta thật thân tình, đặc biệt sau khi chúng ta rước lễ”. Như vậy sau rước lễ chúng ta thực sự nên một với Thiên Chúa, sống hạnh phúc thiên triều. Đó là những giây phút quý báu nhất trong cuộc đời người tín hữu. Chúng ta tan biến trong đại dương yêu thương nhưng vẫn còn hiện diện sống động giữa mọi người trong gia đình để mọi người trong gia đình cũng yêu thương nhau như Chúa yêu chúng ta.
Cho nên, cũng trong thư gửi các gia đình công giáo, Các Đức Giám Mục Việt Nam mời gọi Gia đình hãy là mái ấm của tình yêu và lòng thương xót. Và gia đình là nơi mỗi chúng ta cảm nghiệm, học tập và vun đắp tình yêu chân thật. Đó là tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là; tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể; tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác; tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác; tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi; tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán; tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói; tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ; tình yêu chịu đựng, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu; tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác; tình yêu hy vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong; tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực.
Vì vậy, thứ nhất, là mái ấm tình yêu và lòng thương xót, gia đình phải là nơi đón nhận và trân trọng sự sống. Tự bản chất, tình yêu vợ chồng hướng đến việc sinh sản. Con cái không phải là điều gì đó được thêm vào cách ngẫu nhiên, nhưng phát xuất từ chính tâm điểm của tình yêu, là hoa trái và sự phong phú của tình yêu. Chính vì thế, gia đình được coi là cung thánh của sự sống. Vì giá trị tối thượng của sự sống và vì quyền sống của con người ngay từ giây phút khởi đầu, không ai và không điều gì có thể biện minh cho việc tước đoạt sự sống của các thai nhi. Thứ hai, là mái ấm của tình yêu và lòng thương xót, các con ccái trong gia đình phải có bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ. Không ai trong chúng ta tự ban sự sống cho mình nhưng đều đón nhận sự sống từ Thiên Chúa qua cha mẹ. Vì thế, nếu sự sống là hồng ân lớn lao nhất chúng ta lãnh nhận, thì hiếu thảo với cha mẹ cũng phải là bổn phận căn bản của đạo làm con. Không lạ gì trong Mười Điều Răn, bổn phận thảo kính cha mẹ chỉ đứng sau điều răn thờ phượng Chúa và dẫn đầu những điều răn khác trong tương quan với tha nhân. Lòng hiếu thảo này được thể hiện qua sự vâng phục cha mẹ (x. Cn 6,20-22), cũng như qua trách nhiệm trợ giúp cha mẹ về vật chất và tinh thần khi các ngài về già hoặc đau yếu (x. Hc 3,2-6). Và cuối cùng, là mái ấm tình yêu và lòng thương xót, các bậc cha mẹ trẻ và các con cháu phải có bổn phận chăm sóc người cao tuổi, vốn là nét đẹp truyền thống trong văn hoá dân tộc Việt Nam. Thật vậy, người già là ký ức của lịch sử, sợi dây nối kết các thế hệ, người truyền lại kinh nghiệm và sự khôn ngoan cho con cháu. Vì thế, một gia đình không biết trân trọng người già thì gia đình đó đang trên đà suy thoái; ngược lại, gia đình tôn quý người cao tuổi là gia đình có tương lai bền vững (số 8,9).
Cầu nguyện: (Đọc chung)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là vua tình thương của gia đình, Chúa đã sáng tạo nên gia đình khi dựng nên nguyên tổ loài người chúng con. Vì gia đình là nền tảng của giáo hội và xã hội, cho nên Chúa đã chúc phúc và thánh hoá gia đình, khi đi dự tiệc cưới tại Cana Chúa đã sống trong một gia đình gương mẫu. Ðức Maria và Thánh cả Giuse đã hứa ban tràn ngập ơn lành cho nhữnggia đình biết tôn kính thờ lạy trái tim Chúa. Và Chúa đã tuyên bố: "Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, không ai có quyền phân ly". Như thế là Chúa đã yêu thương các gia đình cách đặc biệt, và Chúa khát khao cho mọi gia đình chúng con được hạnh phúc thật trên cõi đời và trên nước trời. nhưng muốn cho gia đình chúng con được an vui hạnh phúc bền vững, Chúa dạy chúng con phải xây dựng và thánh hoá gia đình trên nền tảng vững chắc là tinh thần Phúc âm. Thánh Augustino nói: Tình yêu chân thành là tìm sự lành thánh cho nhau. Thánh Phaolô cũng nói: Tình yêu chân thành thì quảng đại, hy sinh, nhịn nhục, vợ chồng chịu đựng lẫn nhau.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu và thực hiện được điều đó cho gia đình chúng con. Bởi vì có tình yêu chân thành, chúng con mới có thể hy sinh cho nhau, chúng con mới có thể thông cảm tha thứ, nhịn nhục, chịu đựng lẫn nhau, chúng con mới có thể chu toàn nhiệm vụ gia đình là tận tâm giáo dục con cái, trung thành với nhau. Và gánh gia đình mới trở nên dịu dàng êm ái.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ngự trị trong gia đình chúng con, và xin cho mọi người trong gia đình chúng con sống với nhau bằng một tình yêu chân thành bắt nguồn từ tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Thánh Thể. Như vậy chắc chắn gia đình chúng con sẽ được sống hạnh phúc tốt đẹp trong tình thương vô biên của Chúa.
Hát: CHO CON BIẾT YÊU THƯƠNG
1. Cho con biết yêu thương trọn đời. Cho con biết yêu thương ngàn đời yêu thương cả cuộc đời yêu thương hết mọi người, Chúa ơi! Cho con biết say mê tình Chúa. Cho con biết say mê tình Ngài hy sinh cả cuộc đời vì lòng yêu Chúa thôi. 
ĐK. Lạy Chúa! Chính Ngài là Tình Yêu, đời con luôn trông chờ. Tình yêu ôi cao vời vượt trên muôn núi đồi. Lạy Chúa! Chính Ngài là Tình Yêu, đời con luôn cậy nhờ, dù gian nguy trong đời tình con vẫn rạng ngời. 
2. Cho con mãi trung kiên nghìn đời. Cho con chẳng khi nào phụ tình tim luôn mở rộng mời trong say đắm tình Ngài thiết tha. Cho con vẫn tin yêu một đời. Cho con biết thứ tha thật nhiều quên đi cả khổ sầu vì lòng yêu Chúa thôi. 
3. Chúa Giêsu Thánh thể sai phái chúng ta đi ra phục vụ mọi người trong gia đình và phục vụ hết mọi người.
Tin Mừng Luca thuật lại rằng: “ khi ấy, các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ (Lc 22:24-27). Qủa thế, Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ. Rõ ràng và cụ thể nhất, chiều hôm nay, trong Thánh lễ Tiệc Ly,  Chúa đã phục vụ các môn đệ của Ngài qua việc rửa chân, và khi Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu. Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?1 Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,6.12-14)
Cho nên, Thánh Thể không đóng khung trong nhà thờ. Thánh thể vươn tới gia đình, xã hội, trường học, chợ búa, nơi làm việc, công xưởng, bất cứ nơi nào có con người hiện diện, để thánh hóa họ, mang đến cho họ hạnh phúc và bình an. Trái tim chúa Giêsu không chỉ thu hẹp ở một nhóm người, nhóm tu sĩ, linh mục, giáo dân. Ngài ôm cả hoàn cầu, thánh hoá cả vũ trụ, mọi nơi và mọi thời. Nếu nhớ Ngài rửa chân cho các Tông đồ trong bữa ăn, ngay trước lúc lập Bí tích Thánh thể? Để làm chi? Làm gương cho chúng ta phục vụ người khác. Vì thế mới có lệnh truyền: “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”. Lệnh truyền này không những về việc ăn uống thịt máu Ngài, nhưng còn bắt chước Ngài phục vụ những nhu cầu của tha nhân như Ngài đã làm. Đúng, khi lãnh nhận Bí tích Thánh thể, chúng ta trở nên giống Chúa Kitô, xả thân cứu vớt người khác, làm cho họ nên thánh, nên con Thiên Chúa, nên anh chị em với Ngài, đồng thừa tự Nước Trời.
          Vì thế, trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Cuộc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa trong một gia đình nhân loại, gia đình Nazareth, bằng tính mới mẻ của nó, đã chạm tới lịch sử thế giới. Bởi vì, Giao ước tình yêu và lòng trung thành trong hôn nhân được Thánh Gia tại Nazaret thực hiện soi sáng nguyên tắc định hình cho mọi gia đình của chúng ta; nơi gia đình Nazareth, chúng ta hiểu cách sống trong gia đình, hiểu về sự hiệp thông trong tình yêu, hiểu về tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình; làm cho chúng ta thấy gia đình là một trường học ngọt ngào và không thể thay thế; dạy cho chúng ta biết thế nào là chức năng tự nhiên của gia đình đối với trật tự xã hội” (số 66).
Để hưởng ứng lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2016-2017, Các Đức giám Mục đề nghị chương trình mục vụ cho năm nay là chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình biết được giá trị ơn gọi và sứ mạng của gia đình Kitô giáo. Gia đình Kitô hữu là những người cộng tác của ơn thánh và chứng tá đức tin để làm sáng danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Thiên Chúa kêu gọi vợ chồng con cái hãy trao ban văn minh tình thương và sự sống, đặc biệt là yêu thương, phục vụ và chăm sóc lẫn nhau, hướng dẫn và khuyến khích lẫn nhau cho dẫu gia đình có ở giữa đời sóng gió trong thử thách quay cuồng nhưng mọi thành viên trong gia đình vẫn một niềm tin yêu thiết tha nhờ mỗi người biết sống hy sinh, tha thứ, cảm thông, yêu thương, phục vụ nhờ biết vâng lời Chúa dạy để cùng dựng xây gia đình hạnh phúc.
Chúa Giêsu Thánh Thể đã đến từng gia đình chúng ta hầu để chia sẻ thân phận làm người với chúng ta. Ngài hiện diện trong từng thành viên nơi gia đình nhân loại hầu làm cho mỗi người lớn lên trong ân sủng và tình yêu cứu độ đồng thời sai chúng ta đi phục vụ mọi người như Chúa. Cho nên, là chồng phải yêu thương và phục vụ vợ con như thánh Giuse; người vợ phải yêu thương và săn sóc chồng như Mẹ Maria; cha mẹ phải yêu mến và chăm lo cho con cái như thánh Giuse và Mẹ Maria; và con cái trong gia đình phải hiếu kính mẹ cha, biết thờ cha kính mẹ, phụng dưỡng cha mẹ như Chúa Giêsu đã làm đối với Đức Mẹ và thánh Giuse. Vì vậy, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: "Thiên Chúa đã tự đồng hoá với người cha, người mẹ, người con trong gia đình... Những gì mà các thành viên trong gia đình làm cho nhau là làm cho chính Chúa".
   Cầu nguyện: (đọc chung – trích từ thư chung gửi các gia đình Công Giáo)
Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu,
là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất.
Tạ ơn Cha đã thương ban cho gia đình nhân loại,
mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất.
          Xin Cha ban ơn Phúc-Âm-hoá mọi gia đình,
giúp đưa ánh sáng Tin Mừng Cứu độ,
là ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an,
vào mọi lãnh vực đời sống gia đình chúng con.
          Cho gia đình trở nên cái nôi của sự sống,
mái ấm của tình thương bao dung và hợp nhất,
ngôi trường giáo dục nên người tốt và hữu ích,
thành trì che chở phẩm giá của mọi người.
          Cho mọi tư tưởng và việc làm của vợ chồng,
mang lại an hoà hạnh phúc cho gia đình.
Cho các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ,
nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người.
          Xin Thánh Gia Thất phù hộ gia đình chúng con,
vững vàng tin yêu trong mọi gian lao thử thách,
và loan báo Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống mới,
cho mọi gia đình, bây giờ và mãi mãi. Amen.
Ø    Kết thúc
-              Trông Cậy
-              Hát: LÒNG MẸ TỪ NHÂN
1. Mẹ ơi, con biết lòng Mẹ từ nhân, Mẹ lắng nghe con cầu khấn. Và xưa nay chưa từng thấy ai kêu cầu, mà Mẹ ngoảnh mặt làm ngơ.
2. Mẹ ơi, con muốn Mẹ là của con, Mẹ chở che trong đời sống. Mẹ yêu thương đưa dìu bước con trên đời, và ngày cuối cùng đời con.

ĐK. Mẹ Mẹ ơi con dâng lên Mẹ, gia đình con và giáo xứ con. Mẹ cầu Chúa xuống ơn lành cho mọi người vui sống an bình. Mẹ Mẹ ơi con dâng lên Mẹ, gia đình con và giáo xứ con. Mẹ cầu Chúa xuống ơn lành cho mọi người sống trong an bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét