Trang

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Tĩnh Tâm Mùa Chay 2017

ĂN CHAY, CẦU NGUYỆN, BÁC ÁI
Theo niên lịch phụng vụ, để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu đón Mừng lễ Chúa Giáng Sinh, Giáo hội đã dành ra bốn tuần lễ gọi là Mùa Vọng. Thế rồi, để chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh, Giáo hội đã dành ra 40 ngày gọi là “Mùa Chay Thánh”. Chúng ta tự hỏi : Tại sao Mùa Chay lại kéo dài hơn Mùa Vọng ? – Thưa, vì cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô là đỉnh cao sứ mạng và công trình cứu độ của Đức Ki-tô. Chính vì thế, khi tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, Giáo hội mong muốn cho con cái mình ý thức hơn hiệu quả của công cuộc cứu độ nơi Đức Ki-tô; đồng thời cũng hướng tâm hồn và ước vọng của con người về sự phục sinh vinh quang, chứ không dừng lại nơi sự chết thương đau.

Trong ý hướng đó mà trong suốt Mùa Chay, Giáo hội luôn mời gọi con cái mình làm ba việc này : Ăn chay, cầu nguyện và bác ái. Đó là những cách thế giúp con người nhìn ra thân phận giới hạn, yếu đuối và khốn cùng nơi chính mình để biết cậy trông, phó thác vào Chúa và liên kết, gắn bó mật thiết với Ngài hơn.
Trong buổi tĩnh tâm này, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về ba việc làm trên để tìm ra ý nghĩa đích thực và thực hành cách thiết thực hơn trong đời sống đức tin của chúng ta; và để cho buổi tĩnh tâm được kết quả, chúng ta hãy cùng nhau nghe Lời Chúa : Mt 4,1-11.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
1. ĂN CHAY
Trong đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Mát-thêu thuật lại cho chúng ta biết : “Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn vào hoang địa, để chịu ma quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần và nói : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Nhưng Người đáp : “Có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. (Mt 4,1). Mang thân phận con người, Đức Giê-su cũng cần có những nhu cầu của cuộc sống như ăn uống, ngủ nghỉ… thế nên sau khi ăn chay bốn mươi đêm ngày, Người cũng cảm thấy đói. Lợi dụng sự đói khát thể lý, ma quỷ đã cám dỗ Đức Giê-su để lôi kéo Người đi tìm sự thỏa mãn thể lý mà quên đi những giá trị cao quý và thánh thiêng hơn. Nhưng, nhận ra thâm ý gian sảo của quỷ ma, nên Đức Giê-su đã nói : “Người ta sống không chỉ nhờ cơn bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Qua câu trả lời của Đức Giê-su, chúng ta nhận ra con người ta sống còn và tồn tại trên cõi đời này không chỉ nhờ vào đồ ăn thức uống, nhưng còn nhờ vào sức mạnh của Lời Thiên Chúa nữa.
Mặc khác, việc ăn chay trong Ki-tô giáo không giống như việc người ta thường ăn kiêng nhằm giúp cho họ có một thân hình đẹp hay tốt cho sức khỏe, nhưng là nhằm nói lên tinh thần từ bỏ chính mình và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Ăn chay để cho mình được thanh thoát hơn và đến gần Thiên Chúa hơn chứ không phải để cho mình đẹp hơn hay khỏe hơn.
Thứ đến, ăn chay là để bớt đi những nhu cầu thiết yếu của chính mình mà nghĩ đến những con người nghèo khó và đói khát để giúp đỡ họ, đây chính là điều mà Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ I-sai-a như sau : “Ðây Chúa là Thiên Chúa phán : Ngươi hãy hô to, và đừng ngừng tiếng; hãy làm cho tiếng ngươi vang dội như tiếng kèn, và loan báo cho dân Ta biết sự bất trung của họ, cho nhà Gia-cóp biết tội lỗi của nó. Vì hằng ngày họ tìm kiếm Ta, và ước mong biết đường lối Ta, như một dân tộc thực hiện công lý và không bỏ lề luật Chúa. Họ hỏi Ta về quy tắc công lý và ước mong đến gần Thiên Chúa: “Tại sao chúng con ăn chay mà Chúa không thấy? Tại sao chúng con hãm mình mà Chúa không hay biết?” Phải, trong ngày ăn chay, các ngươi lo dàn xếp công việc làm ăn, các ngươi hối thúc mọi người làm công. Phải, các ngươi ăn chay trong sự cãi vã, ẩu đả và đánh nhau hung tợn. Các ngươi đừng ăn chay như xưa nay, là cố la lớn tiếng cho người ta nghe. Có phải đó là việc ăn chay mà Ta mong muốn, có phải như thế là ngày hãm mình không? Gục đầu như bông sậy, mặc áo thô, nằm trên đống tro, có phải đó là ăn chay, là ngày làm cho Chúa hài lòng không? Nào ăn chay như Ta mong muốn không phải như thế này sao, là huỷ bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức, dẹp bỏ mọi gánh nặng; hãy chia cơm bánh cho kẻ đói, tiếp rước những kẻ phiêu bạt không nhà; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ áo mặc, ngươi đừng khinh bỉ người cùng xác thịt như mình. Như thế, sự sáng ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi. Như thế, khi ngươi kêu cầu, Chúa sẽ trả lời; ngươi la lên, Chúa sẽ phán: “Này Ta đây.” (Is 58, 1-9a)
Sau cùng, cách ăn chay thiết thực như Thiên Chúa mong muốn không phải là bớt đi một phần ăn, nhưng còn là bớt nói xấu, bớt hành động xấu và xa tránh những gì làm cho chúng ta dời xa Thiên Chúa. Người ta có kể một giai thoại về Thánh Gio-an Bốt-cô như sau: Vào một ngày thứ sáu trong mùa chay, Gio-an Bốt-cô thường có thói quen ăn chay và kiêng thịt. Thế nhưng, có một gia đình ngoại giáo kia mời ngài đến dùng bữa. Ngài đã vui vẻ nhận lời. Ngài không chỉ đi một mình, nhưng còn có một thầy cùng đi với ngài đến dùng bữa với gia đình ngoại giáo kia. Khi đến nơi, Gio-an Bốt-cô vào bàn ăn và ăn tất cả mọi thức ăn mà gia chủ thiết đãi một cách vui vẻ và chân thành. Thầy dòng cùng đi với ngài tỏ vẻ bối rối và thắc mắc không biết tại sao hôm nay thứ sáu trong mùa chay mà Gio-an Bốt-cô lại ăn thịt. Thế rồi trên đường trở về lại nhà dòng, Gio-an Bốt-cô đã nhẹ nhàng nói với thầy cùng đi với mình như sau: “Hôm nay, chúng ta đã ăn chay một cách cụ thể bằng việc mang lại niềm vui cho gia đình thân chủ qua việc ăn tất cả những gì họ đã vất vả chuẩn bị cho chúng ta.” – Vâng, đó là cách ăn chay thật cụ thể và sống động.
2. CẦU NGUYỆN
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen. Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con.” (Mt 6,7-15)
Nếu trong đời sống thường nhật, chúng ta cần ăn uống để duy trì sự sống tự nhiên thì trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cần cầu nguyện để dưỡng nuôi sự sống siêu nhiên. Thế nhưng, thế nào là cầu nguyện và cầu nguyện bằng cách nào thì trong đoạn Tin mừng trên, Đức Giê-su đã dạy chúng ta cách cầu nguyện bằng chính lời Kinh Lạy Cha. Người còn dạy chúng ta : “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin.” Ở nơi khác Người dạy chúng ta : “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,5-6)
Như thế, việc chúng ta cầu nguyện là một hành vi cần thiết cho đời sống tâm linh, nhưng không quá khó để làm điều đó. Chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, miễn là tâm trí chúng ta luôn hướng về Chúa, kết hợp với Ngài với tất cả tình yêu và lòng mến của Chúng ta. Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di là một vị thánh rất thân thiện với cỏ cây và muông thú. Một ngày kia, có một vị thương gia danh tiếng đã nghe biết về tài huấn luyện và nói các thứ tiếng của muôn thú đến gặp thánh Phan-xi-cô để xin ngài bán cho ông con con ngựa đã được thánh nhân thuần phục. Sau khi nghe vị thương gia nói lên mong muốn của mình là được mua lại chú ngựa mà thánh nhân đã cất công thuần phục. Thánh nhân đã nói với ông: “Tôi sẽ cho ông con ngựa nếu ông đọc hết một Kinh Lạy Cha”. Nghe đến đây, vị thương gia mừng rỡ và thầm nghĩ : tưởng ông này đòi giá cao hay làm điều gì khó khăn. Đọc một Kinh Lạy Cha thì có khó gì. Thế rồi ông cất lời đọc lớn tiếng : “Lạy Cha chúng con ở trên trời….” Đang đọc được nửa kinh thì đột nhiên ông ta dừng lại vào hỏi thánh nhân : “vậy ngài sẽ cho tôi cả chiếc yên trên lưng ngựa luôn chứ?” – Nghe đến câu hỏi của ông, thánh Phan-xi-cô trả lời: “trong Kinh Lạy Cha, Chúa không dạy câu hỏi “vậy ngài sẽ cho tôi cả chiếc yên trên lưng ngựa luôn chứ ?”. Qua câu truyện trên, chúng ta thấy được hình ảnh của chính mỗi người chúng ta trong đó. Nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta chỉ đọc kinh hay cầu nguyện bằng đôi môi còn tâm hồn và con tim thì xa Chúa.
3. BÁC ÁI
Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25,31-46)
Người ta vẫn quen gọi Ki-tô giáo là tôn giáo của yêu thương. Bởi lẽ, chính Chúa là tình yêu. Thế nhưng, tình yêu đối với Thiên Chúa lại được hiện thể qua tình yêu thương và lòng bác ái đối với tha nhân. Chính vì thế mà trong đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giê-su đã đồng hóa chính mình với những con người khổ đau, nghèo đói, bất hạnh. Nên Người đã khẳng định : “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Sống mùa chay, chúng ta được mời gọi đến gần với Chúa hơn qua những con người nghèo khổ và bất hạnh. Cũng chính nhờ qua những con người nghèo khổ và bất hạnh mà chúng ta sẽ nhận ra những hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã, đang và sẽ trao ban cho chúng ta.
Tóm lại Mùa Chay, chúng ta được mời gọi ăn chay, cầu nguyện và thực thi bác ái, đó là những việc làm đưa chúng ta đến gần với Thiên Chúa hơn, đồng thời cũng giúp cho chúng ta nhận ra thân phận yếu đuối và giới hạn của chính mình để luôn biết phó thác và phó trao đời mình cho Thiên Chúa.

                 Lm. Giuse Trương Đình Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét