Trang

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

GIÁO LÝ VỀ KINH TIN KÍNH- Tuần 13

Mục 11
“Tôi tin phép tha tội”

Kinh Tin Kính các Tông Đồ kết hợp đức tin về ơn tha tội không những với đức tin vào Chúa Thánh Thần mà còn với đức tin về Hội Thánh và về sự hiệp thông của các Thánh. Chúa Kitô phục sinh, khi ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ của Người, Người ban cho họ quyền năng thần linh riêng của Người để tha tội: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23) (SGLHTCG, số 976).

Trong Hội Thánh có các Bí tích nào tha tội và tha những tội nào? Có hai Bí tích: Bí tích Rửa Tội và Hòa giải. Thứ nhất, Bí tích Rửa Tội là bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội, bởi vì bí tích này kết hợp chúng ta với Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại vì sự công chính hoá của chúng ta, để “chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Cho nên, Chúa chúng ta đã gắn liền ơn tha tội với đức tin và bí tích Rửa Tội, vì thế, Chúa Giêsu truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16). Khi lần đầu chúng ta tuyên xưng đức tin và được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được ơn tha thứ Chúa ban cho chúng ta một cách hết sức dư dật, đến nỗi tẩy xóa hết tội ta dù là tội tổ tông hay những tội riêng do thiếu sót hoặc do lỗi phạm, không còn phải chịu hình phạt nào để đền tội. Ai có quyền ban Bí tích Rửa Tội? Bình thường thì các Giám mục, Linh mục và Phó tế được ban Bí tích này, nhưng khi nguy tử thì mọi người đều có quyền ban Bí tích Rửa tội miễn là làm theo ý và cách thức của Hội Thánh (Sđd, số 978).
Thứ hai, Bí tích Hòa giải, vì sự yếu đuối của bản tính con người, sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, con người lại phạm tội riêng cho nên vẫn phải chiến đấu chống lại những quấy nhiễu của dục vọng, nó không ngừng xúi giục chúng ta phạm tội. Vì vậy trong Hội Thánh cần phải có quyền tha tội theo một thể thức khác với bí tích Rửa Tội, đó là Bí Tích Hòa giải, nhờ đó tội của mọi hối nhân có thể được tha thứ, cho dù họ có phạm tội mãi đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Và nhờ Bí tích Thống Hối, người đã được rửa tội có thể được giao hoà với Thiên Chúa và với Hội Thánh (Sđd, số 978-980). Ai Có quyền Bí tích này? Thưa, chỉ có Giám mục và Linh mục nào được phép thì có quyền ban Bí tích này. Vì chưng, Đức Kitô, sau cuộc Phục Sinh của Người, đã sai các Tông Đồ Người đi “nhân danh Người, mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). Các Tông Đồ và những vị kế nhiệm các ngài chu toàn “chức vụ giao hoà” (2 Cr 5,18) không những bằng việc loan báo cho người ta ơn tha thứ của Thiên Chúa, mà Đức Kitô đã có công đạt được cho chúng ta, và bằng việc kêu gọi người ta hối cải và tin, mà còn bằng việc truyền thông cho họ ơn tha thứ tội lỗi nhờ bí tích Rửa Tội, và bằng việc giao hoà họ với Thiên Chúa và với Hội Thánh nhờ quyền chìa khoá tha tội các ngài đã lãnh nhận từ Đức Kitô (Sđd, số 981).
Ước chi mỗi lần tuyên xưng Phép tha tôi, chúng ta xác tín rằng Bí tích Rửa Tội là bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội: bí tích này kết hợp chúng ta với Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại, và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Do ý muốn của Đức Kitô, Hội Thánh có quyền tha tội cho những người đã được rửa tội; Hội Thánh thực thi quyền này, một cách thông thường, qua các Giám mục và các linh mục trong bí tích Thống Hối (Sđd, số 985-986).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét