Trang

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN

CON CHIÊN NGOAN ĐẠO

Lời Chúa: Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34



     Người Việt Nam có thói quen lần đầu gặp nhau thường hỏi tên gì, tuổi con gì? Tại sao không hỏi sinh năm mấy mà hỏi tuổi con gì? Bởi vì khi trả lời tuổi con gì, thì người hỏi vừa biết tuổi vừa biết tính tình của người đó dựa vào tính khí của 12 con giáp. Chẳng hạn, người tuổi Tý thì rất duyên dáng và năng động. Người tuổi Sửu thì siêng năng và kiên nhẫn. Người tuổi Hổ thường rất dễ nổi giận, mạnh mẽ. Người tuổi Mẹo thì ăn nói nhẹ nhàng, nhiều tài năng, có tinh thần mềm dẻo và kiên nhẫn. Người tuổi Thìn thì rất trung thực, năng nỗ nhưng rất nóng tính và bướng bỉnh. Người tuổi Tỵ thường nói ít nhưng rất thông thái, rất điềm tĩnh, hiền lành, sâu sắc và cảm thông nhưng thỉnh thoảng cũng hay nổi giận. Người tuổi Ngọ thường ăn nói dịu dàng, thoải mái và rộng lượng, có tính thanh sạch, cao quý, thông thái và đầy thân ái tình người. Người tuổi Mùi thường rất điềm tĩnh nhưng nhút nhát, rất khiêm tốn, rất cảm thương người hoạn nạn và thường hay giúp đỡ mọi người. Người tuổi Thân thường là một nhân tài, có tính cách thất thường, nhưng rất vui vẻ, khéo tay, tò mò và nhiều sáng kiến, nói nhiều nên dễ bị người khác xem thường và khinh ghét. Người tuổi Dậu là người có tư duy sâu sắc, làm ăn cần cù. Người tuổi Tuất quan tâm đến những người khác nhiều hơn chính bản thân mình. Người tuổi Hợi rất hào hiệp, galăng, tốt bụng và dũng cảm nhưng thường rất bướng bỉnh, nóng tính nhưng siêng năng và chịu lắng nghe.

        Trong Thánh Kinh có nó đến hai con: con dê và con chiên. Thứ nhất con dê,  sách Lêvi, Chương 16 kể rằng Ngày 10 tháng 7, dân Israen cử hành đại lễ Đền tội. Họ phải hãm mình và ăn chay chung. Đây là ngày duy nhất trong năm, vị Thượng Tế được phép vào tận trong Cung Cực Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, và ông vào đó chỉ cốt để xin ơn xá tội, tội của mình, tội của gia đình ông, tội của toàn dân. Ông lại ra ngoài và người ta đưa đến cho ông hai con dê: ông sẽ bắt thăm, trúng con nào, ông tế sát con ấy và đem máu vào trong Cung Cực Thánh rẩy lên Bàn Xá tội, lần này để xin tha tội cho dân. Còn con dê kia, ông cho dẫn lại đặt hai tay trên đầu dê còn sống, ông lớn tiếng xưng thú mọi tội lỗi dân đã phạm cùng mọi điều ngỗ nghịch họ đã làm, ông trút lên đầu nó mọi tội lỗi của dân, rồi ông sai một người đem thả con dê ấy vào sa mạc đồng hoang cỏ cháy, con dê sẽ mang lấy trên nó các lỗi lầm của dân chúng vào đất khô khan... Có lẽ ông bà ta lấy ý nghĩa này mà đặt vào vận mệnh của con dê là thương người họan nạn và giúp đỡ mọi người nên mang hết tội mọi người vào thân.

        Hôm nay, trong Tin Mừng, Gioan Tẩy giả giới thiệu cho chúng ta con chiên, không phải là con chiên bình thường mà là Chiên Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho người hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, hy sinh và phục vụ. Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt chiên Vượt Qua, kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhờ con chiên đã chết thay cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi chết, khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do. Rồi, đến thời Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là Con Chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại. Chúa Giêsu là Con Chiên hiền lành, khiêm nhường, yêu thương và phục vụ nhân loại bằng cách gánh lấy tội lỗi nhân loại. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Và nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp. Người gánh lấy tội của chúng ta để chúng ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống cho chúng ta.
      Vậy, nếu người đời có tuổi con này con kia và mang tính khí của con đó, chúng ta là Kitô hữu khi chịu Phép Rửa Tội, không những có tuổi con chiên mà mang trong mình Chiên Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Chiên Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Cho nên, nói đến người Công Giáo, người ta thường gọi chúng ta là con chiên của Chúa, là con chiên của Chúa tức người biết “nghe tiếng Chúa”, dám “bước theo Chúa” để không bao giờ phải hư mất, nhưng “được sống đời đời”. Là con chiên của Chúa Giêsu thì phải có tính tình như Chiên Thiên Chúa: hiền lành, khiêm nhường, vị tha, yêu thương, phục vụ và hy sinh. Cho nên, trong bài giảng Thánh Lễ Làm Phép Dầu, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 2013, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thế giới hôm nay đang rất cần những tín hữu nói chúng và các giáo sĩ nói riêng mang mùi con chiên. Tại sao lại như thế? Thưa là bởi vì chính sự phục vụ hết mình của tín hữu là nét đẹp của Tin mừng, là dấu chỉ của tình yêu thương dành cho những mảnh đời bất hạnh giữa lòng thế giới hôm nay. Thế giới hôm nay đang chạy theo chạy theo tiền tài, dục vọng, chạy theo tiếng gọi của sự giả dối và ích kỷ của lòng người. Vì vậy, sự hiện diện của các tín hữu giữa lòng xã hội là một hình ảnh nói lên nét đẹp của tình yêu thương và phục vụ chân chính.
     Ước mong người tín hữu chúng ta hôm nay sống theo gương của Chiên Thiên Chúa bằng cách nối gót theo Chúa Giêsu, Chúa chiên lành đi con đường hiền lành khiêm nhường, tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa đồng thời cũng biết gánh lấy số phận của người khác bằng cách yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh chị em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ, đó mới thật xứng đáng là con chiên ngoan đạo. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót và giúp chúng con sống như Chúa. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét