MUỐI ƯỚP MẶN ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN
Lời Chúa: Is 58,7-10; 1Cr 2,1-5; Mt
5,13-16
Có một nhà tu đức nói rằng: Bạn muốn là một người Kitô hữu tốt trước hết bạn hãy là một con người tốt.
Bạn muốn là một vị thánh, thì bạn phải là
một người Kitô hữu tốt. Nhưng trước khi là Kitô hữu tốt thì phải là một con
người biết sống đúng bổn phận của mình. Cho nên, một học sinh muốn trở thành
người có tài và trí thức, thì trước hết, em phải là học sinh hiền lành và chăm
học. Còn người có tài nhưng không sống đúng bản chất con người là "nhân
chi sơ tính bản thiện" thì cũng chỉ là kẻ gieo vãi sự chết chóc nơi nhân
thế thay vì dùng tài năng để phục vụ cho đời. Cho nên ông bà ta nói có tài mà
không có đức là người vô dụng.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy bản
chất của người Kitô hữu không phải là những gì cao xa nhưng chỉ là muối hay ánh
sáng. Muối và ánh là những thứ trông vẻ rất bình thường nhưng lại thật hữu ích
cho đời sống con người. Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn nhưng muối làm thức
ăn thêm thơm ngon và đậm đà. Ánh sáng soi cho người ta thấy rõ đường đi, cho
con người nhận ra nhau để quan hệ giữa người với người thêm trong sáng chân
thành. Nhưng thân phận của muối và ánh sáng cả hai đều phải chịu hao mòn hy
sinh thì mới thực sự có ích cho đời: muối tan dần đi, ngọn đèn ngày càng tàn
lụi. Lý do tồn tại của cả hai là có ích cho con người: nếu muối không mặn và
đèn không sáng thì không có ích gì nữa, chỉ có vất đi mà thôi.
Thân phận và hoàn cảnh của mỗi kitô hữu
khác nhau nhưng có chung một chức năng ánh sáng hay muối, tức là sống tốt, sống
hiền và sống thánh nơi môi trường mình sống. Chức năng này chính Thiên Chúa đã
phú bẩm ngay từ khi tạo dựng nên ta. Cụ thể, ngược dòng lịch sử 600 năm trước
Chúa Giêsu Giáng Sinh, Lời Chúa trong bài đọc một, Ngôn sứ Isaia đã dạy chúng
ta chức năng ánh sáng cho đời: chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo
không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm
ngơ trước người anh em cốt nhục? Đừng bao
giờ khinh bỉ người khác, phải loại bỏ những tranh chấp, hăm dọa, đừng nói xấu
anh chị em mình đồng thời làm cho người đau khổ được hạnh phúc... Và "Như thế, sự sáng của ngươi sẽ tỏa rạng như
hừng đông, ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong đêm tối và bóng tối sẽ trở
thành như giữa ban ngày". Đó
là chức năng của ánh sáng, còn vị mặn của muối Tin Mừng, đó là lòng yêu mến
Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, bằng cách sống Tám Mối Phúc Chúa
Giêsu dạy: khó nghèo, hiền lành, công chính, thương người, tâm hồn trong sạch,
xây dựng hòa bình…
Chúa Giêsu xác định chúng ta những
người Kitô hữu là muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian. Muối và ánh sáng
không bao giờ là muối và ánh sáng cho mình mà có liên hệ với người khác, với
cuộc đời và môi trường mà mình sống. Vì vậy hiện diện của người kitô hữu không
bao giờ hiện diện cho mình mà luôn hiện diện với người khác, với cuộc đời và
cho cuộc đời. Hiện diện đó mang giá trị tích cực vì đây là hiện diện của muối
và của ánh sáng. Nhiều khi mình liên hệ với người khác bằng cách gây đau khổ
cho người ta, mình gieo tăm tối trong cuộc đời bằng sự độc ác và hận thù, đó là
sự hiện diện tội lỗi, tiêu cực. Còn hiện diện tích cực đó là có khả năng ướp
mặn đời và chiếu sáng vào cuộc đời bằng sự thánh thiện, hiền lành, hy sinh, tha
thứ và yêu người. Hiện diện khả năng ướp mặn đời và chiếu sáng này không phải
là một đòi hỏi phụ thuộc, thích thì làm không thích thì thôi, nhưng nó nằm
trong bản chất của người Kitô hữu chúng ta. Nếu muối là mặn mà mất bản chất mặn
không phải là muối, bản chất của ánh sáng là chiếu tỏa, mà mất sáng thì không
phải là ánh sáng, vậy thì bản chất Kitô hữu chúng ta cũng vậy. Nếu mình không yêu
thương, không tha thứ, không hy sinh hay không hiền lành thì vẫn chưa phải là Kitô
hữu thực sự, vẫn còn đi trong bóng tối vì chưng, Thánh Gioan tông đồ khẳng định
rằng: “Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân
giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.
Còn Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở
trong bóng tối” (1Ga 1,4.9).
Ngọn nến trong nhà thờ cháy hoài không
tắt vì 4 bức tường kín. Nhưng đem nó ra ngoài đường nhất là lúc trời nỗi gió to
thì liệu ánh lửa của ngọn nến còn cháy không. Cũng vậy, khi chúng ta tôn thờ
Chúa trong nhà thờ, chúng ta cảm thấy rất đỗi thánh thiện, không phạm tội trong
lúc này. Nhưng đến lúc lễ xong trở về với đời với những cơn gió to của cuộc đời:
đau khổ, thử thách, cám dỗ cuốn hút dục vọng trần thế… làm cho chúng ta phạm
tội: những lọc lừa, phỉnh gạt, cũng ăn gian nói dối, chửa tục, ngoại tình, rượu
chè, cờ bạc, gái gú… thay vì thánh hóa cuộc đời nhưng chúng ta để cuộc đời tục
hóa mình. Vì vậy,
chúng ta phải quay về với tiếng gọi của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy là ánh
sáng cho đời ngay khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội. Chính biểu tượng ngọn nến cháy
chúng ta cầm trong ngày chịu Phép Rửa dạy ta chân lý: tự thân chúng ta không
phải là ánh sáng mà lấy lửa từ nến Phục sinh, từ Chúa Kitô. Tự thân mình không
phải là muối mặn mà chất mặn ấy phải lấy từ Tám Mối phúc của Chúa dạy! Vì thế
để giữ được chất muối và ánh sáng, chúng ta đến với Chúa Kitô và thi hành Lời
của Ngài. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 nói: “Tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào
bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa”. Sức mạnh của
thánh Phaolô là tiếp cận Chúa Kitô và từ đó Ngài có khả năng loan báo và làm
ánh sáng soi chiếu cho người khác. Làm sao để tiếp cận Chúc Kitô chỉ có cách
đọc kinh cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, tham dự thánh lễ, đặc biệt sống
niềm vui Phúc âm trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Mỗi
người chúng ta có một hoàn cảnh sinh sống khác nhau nhưng ước gì qua Lời Chúa
hôm nay, xin hãy dùng chính nó để làm chứng cho ánh sáng Tin Mừng cứu độ của
Chúa giữa xã hội hôm nay. Xin Chúa hãy cho chúng con tình yêu say mến Chúa và
tha nhân để chúng con yêu thương, hy sinh và phục vụ anh chị em như hạt muối
đất ướp cho mặn đời và như ánh sáng cho trần gian. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét