Trang

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN


SỐNG TÌNH YÊU HÔN NHÂN GIA ĐÌNH 

Lời Chúa: Hc 15,16-21; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37

      Ý hướng sống năm nay theo tinh thần thư chung của các Đức giám mục Việt Nam là gia đình sống tình yêu hôn nhân gia đình. Giờ đây thử nhìn lại, chúng ta đã sống tình yêu hôn nhân trong gia đình mình, và tình yêu hôn nhân của các bạn một cách trọn vẹn đúng như Lời Chúa chưa? Nếu đúng thì ở mức độ nào? Sống hết mình cho Lời Chúa đòi hỏi không? Hay chỉ là sống theo cảm tính: thương thì chín bỏ làm mười, mà ghét nhau nắng dãi mưa dầm mặc nhau. Yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá chửi đổng nhau ra. Tết năm nay tôi đến tới đâu, nhà nào… hay nhiều người gọi điện nói với tôi rằng Cha ơi, năm nay nhà con bóc Lời Chúa đầu năm đúng ngay tim đen, hay lắm. Tôi mới nói lại họ rằng anh chị nhớ sống Lời Chúa dạy đó hằng ngày trong cuộc sống nghe, Lời Chúa thì lúc nào không hay, không đúng nếu mình sống hay, sống đúng với Lời Chúa mới đem lại phúc lộc cho gia đình anh chị không chỉ năm nay mà cả đời sau nữa đó.

     Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống đời sống tình yêu hôn nhân ngay trong gia đình tương lai hay hiện tại: tình yêu không giận hờn ghen ghét vì đó là cớ dẫn đến tội: ngoại tình, ly dị, bạo lực gia đình nên Chúa Giêsu răn dạy tiếp:  chớ ngoại tình, đừng ly dị, đừng thề thốt và chớ trả thù. Vì vậy, trước hết, trong tình yêu hôn nhân chớ có giận hờn ghen ghét vì chúng ta biết giận là một trong thất tình của con người, tức bảy tình cảm của con người Chúa phú bẩm cho: hỷ (vui), nộ (giận), ái (thương), ố (ghét), ai (buồn), ô (sướng, khoái), dục (muốn). Giận là tức. Khi giận thường mất khôn và nói quá lời, cho nên ông bà nói: “giận mất khôn”. Tức ai thì nói cho đã tức nhưng sau đó lại hối hận, nhưng muộn rồi. Làm sao để chừa hay từ bỏ tính nóng giận của mình không? Từ bỏ hẳn thì không, vì nó thuộc bản năng con người, nhưng làm chủ được nó thì có thể vì chúng ta có trí khôn. Một người biết mình nóng tính, nên thường ngày tập sống tha thứ, tập sống dịu dàng, vui vẻ với mọi người; từ từ người đó sẽ làm chủ được những cơn nóng giận của mình tránh khỏi tai hại kinh khủng trong hôn nhân gia đình. Còn ghen ghét là một trạng thái cảm xúc tâm lý của con người phản ánh những suy nghĩ mang tính tiêu cực được biểu hiện bằng cảm giác bất an, sợ hãi, bực tức, ích kỷ, cảm thấy mình thua kém và lo lắng về một sự mất mát.
    Sau khi con người bỏ Thiên Chúa, thì lòng yêu mến nhau đã bị thương tổn nặng nề (Rm 3: 10tt), và sự ganh ghét xâm nhập vào thế gian. Khởi đầu là việc ghen ghét của Cain với em mình là Abel nên anh giết em, cả hai là con trai của tổ tông Adam. Rồi đến vụ bà Sara vợ của tổ phụ Abraham, Sara đã ghen tức với Hagar vì người nữ tỳ có con với ông Abraham đàng khi mình vợ chính lại không có con. Trong Tân Ước, khi Gioan và Giacôbê được mẹ dẫn đến gặp Đức Giêsu để xin địa vị cho hai con mình, một ngồi bên tả một ngồi bên hữu Đức Giêsu trong vinh quang Nước của Ngài, các tông đồ khác nghe được thì ghen tức với hai ông kia (Mt 20: 24). Còn trong lịch sử loài người, việc ghen ghét giữa vợ chồng, con cái anh em trong nhà xảy ra tràn lan khắp đó đây như cơm bữa.
Cuộc sống gia đình có những lúc êm ấm hạnh phúc, nhưng cũng có những lúc bất hoà, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Dù vợ chồng có yêu nhau thắm thiết, nhiều lúc vẫn xảy ra những bất hoà. Những bất hoà đó có thể làm cho tình yêu bị sói mòn và có thể đưa đến những đổ vỡ tai hại dẫn đến chia tay, ly thân, ly dị, ngoại tình... Tuy nhiên, nếu biết cách giải quyết, chúng sẽ là cơ hội giúp đội bạn hay vợ chồng hiểu nhau hơn và tình yêu mỗi ngày một thêm triển nở và hạnh phúc dài lâu và đương nhiên sẽ không có chuyện: “Em ơi! hết rồi hết rồi. Chẳng còn chi nữa đâu em. Yêu thương như nước trôi qua cầu Như đàn trỗi cung sầu. Còn gì nữa đâu? Tôi thề tôi chẳng yêu ai. Vì người ta cứ phụ tôi hoài. Bây giờ tôi chẳng còn tin. Trong nhân gian có kẻ chung tình. Tôi giận tôi đã ngây thơ. Đem tình yêu hiến dâng cho người hết. Nên giờ tôi chẳng còn chi. Khi người ngoảnh mặt mà đi”.
Thế nhưng, làm sao để tình yêu dành cho nhau mỗi ngày một thêm triển nở không có chuyện trái ngang, ghen ghét, ly thân hay ly dị? Làm sao để sống lời cam kết ngày thành hôn được thêm sâu xa hơn, để tình nghĩa vợ chồng ngày càng thêm đậm đà và bền chặt? Lời Chúa trong bài đọc 1 nói: Thiên Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội nên đôi bạn hay vợ chồng cần phải: (1) Tôn trọng nhau vì chưng trong ngày thành hôn, anh chị cầm tay nhau cam kết sẽ yêu thương và tôn trọng nhau không chỉ một năm, hai năm, năm năm, mà là “mọi ngày suốt đời”. Vợ kính trọng chồng, chồng tôn trọng vợ qua việc nhìn nhận và đón nhận nhau. Vợ không phải là người hầu hoặc nô lệ của chồng, mà là người bạn đời. Nam và nữ khác biệt nhau, nhưng bình đẳng với nhau vì cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa, được tạo dựng để trở thành trợ tá của nhau, bổ túc cho nhau và hiệp thông với nhau đồng thời đón nhận những ưu điểm, những khuyết điểm, những khác biệt về cách suy nghĩ, cảm nhận... qua việc trao đổi, lắng nghe, để hiểu biết con người của nhau hơn, nhờ đó giúp nhau mỗi ngày một nên hoàn thiện. (2) Hy sinh cho nhau vì hạnh phúc của vợ, của chồng, của con. Hạnh phúc gia đình được xây dựng bằng những điều nhỏ mọn, bằng những hy sinh liên lỉ hằng ngày của cả đôi bên, chẳng hạn như trong việc sử dụng tiền bạc, thời giờ, mua sắm, giải trí... Sự hy sinh còn được biểu lộ qua việc quan tâm đến nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau, không quản ngại vất vả, gian khổ vì nhau, nhất là khi người bạn đời gặp thử thách, bệnh tật, khó khăn. (3) Đối thoại với nhau vì chưng đối thoại là yếu tố quan trọng giúp duy trì và củng cố hạnh phúc trong gia đình. Nhờ đối thoại, vợ chồng, cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, giảm bớt những bất đồng. Những chuyện quan trọng trong gia đình vợ chồng cần phải chia sẻ, bàn bạc cùng nhau. (4) Làm tròn bổn phận vợ chồng vì chưng, Thánh Phaolô khuyên các cặp vợ chồng: “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy” (1 Cr 7,3-5). Và cuối cùng, cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau vì chưng Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài luôn muốn đồng hành với hai vợ chồng để giúp họ yêu thương nhau và xây dựng cuộc sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc như Ngài mời gọi họ. Vì thế, phải thường xuyên cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau. Hạnh phúc của gia đình là có Chúa hiện diện trong nhà, chia sẻ mọi biến cố vui buồn. Ngài ở giữa như nút dây nối kết hai vợ chồng, giúp họ lắng nghe nhau, hiểu nhau, thuỷ chung với nhau và cùng nhau tiến bước, vượt qua mọi gian nan thử thách của cuộc sống.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa giúp mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta quyết tâm sống Tâm Thư  của HĐGM VN mời gọi: các Gia đình công giáo hãy yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ ghen ghét, bạo hành, hội chứng ly thân hay ly dị nhưng “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl  3,12-13) nhờ đó hạnh phúc và tình yêu hôn nhân gia đình mỗi ngay triển nở và dài lâu. Amen. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét