Trang

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

CHÚA NHẬT IV THƯƠNG NIÊN – MỒNG 2 TẾT

LÀM CON PHẢI HIẾU 
Lời Chúa: Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6

Người Á châu nói chung và người Việt nói riêng rất trọng chữ hiếu cho nên dù theo tôn giáo nào, người Việt cũng được nuôi dưỡng trong cách sống “hiếu nghĩa” với những bậc sinh thành, khi các ngài còn sống cũng như khi đã khuất. Từ tấm bé, người Việt Nam được dạy rằng: Công cha nghĩa mẹ cao dày. Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ. Nuôi con khó nhọc đến giờ. Trưởng thành con phải biết thờ song thân. Cho nên, lòng hiếu thảo còn được coi trọng như đạo làm con: “Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Vì vậy, một người (thuộc bất kỳ tôn giáo nào) chỉ là người con có hiếu thực sự, khi người ấy biết chăm sóc, tôn trọng và kính mến ông bà, cha mẹ và tổ tiên đồng thời hiến dâng cuộc sống của mình cho gia đình. Qủa thế, Thánh Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Hội Thánh tại Á Châu, đã công nhận: “Người Á châu rất quý trọng các giá trị như tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, người lớn và tổ tiên…”. Cho nên, trong truyền thống Kitô giáo Việt Nam, ý nghĩa Kitô giáo được Giáo hội đã mặc cho những ngày đầu năm, thật đáng ý nghĩa và cảm kích: ngày mùng một là ngày tạ ơn Thiên Chúa, ngày mùng hai dành để kính nhớ tổ tiên.

 Hôm nay ngày mồng 2 Tết Đinh Dậu, chúng ta quy tụ về đây để dâng Thánh lễ thờ phượng Chúa ngày Chúa nhật đồng thời cũng là dịp để tỏ lòng tri ân thảo kính cha mẹ còn sống hay đã qua đời bằng cầu nguyện và hy sinh, vâng lời và phụng dưỡng ngõ hầu sống tròn chữ hiếu mới thực sự thi hành điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa để chúng ta được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này (bài đọc 2 Thư Thánh Phaolô). Vì vậy, trước hết, hãy hiếu kính ông bà, cha mẹ khi các ngài còn sống. Với bài hát, “Ơn nghĩa sinh thánh”, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước hát rằng: Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiếu. Ai ơi hãy nhớ năm xưa, những ngày còn thơ, công ai nuôi dưỡng? Công đức sinh thành. Người ơi đừng quên: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Người ơi, làm người ở trên đời, nhớ công ơn sinh dưỡng, thế mới là hiền nhân. Vì đâu, anh nên người tài ba? Hãy nhớ công sinh thành. Vì ai, mà có ta?  Công đức cao dầy. Người ơi đừng quên. Công ai ghi khắc trong tâm, chân thành hiếu kính, hương trầm nguyện dâng?.
Lời Chúa từ Cựu ước đến Tân ước luôn dạy con cái phải kính mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi các ngài còn sống. Cụ thể, Sách Huấn Ca dạy: “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ” (Hc 3,2-6). “Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con” (Hc 3,8.12-14). Vì vậy, Chúa Giêsu trong Tin Mừng Hôm nay nói: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.
Ngày nay, cuộc sống thật xô bồ, trào lưu hưởng thụ bành trướng và nạn bạo hành gia đình xảy ra khắp nơi… làm cho con người gần như đánh mất lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Cụ thể, chúng ta cứ thử vào google gõ cụm  “Con cái bất hiếu”, chỉ cần 48 giây, google cho ra kết quả là 688 ngàn vụ con cái bất hiếu với cha mẹ ông bà. Cho nên, trong Thư gửi các gia đình Công giáo năm  nay, Các Đức giám mục kêu gọi mọi con trong gia đình: “Hãy có bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ. Không ai trong chúng ta tự ban sự sống cho mình nhưng đều đón nhận sự sống từ Thiên Chúa qua cha mẹ. Vì thế, nếu sự sống là hồng ân lớn lao nhất chúng ta lãnh nhận, thì hiếu thảo với cha mẹ cũng phải là bổn phận căn bản của đạo làm con. Không lạ gì trong Mười Điều Răn, bổn phận thảo kính cha mẹ chỉ đứng sau điều răn thờ phượng Chúa và dẫn đầu những điều răn khác trong tương quan với tha nhân. Lòng hiếu thảo này được thể hiện qua sự vâng phục cha mẹ vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa, cũng như qua trách nhiệm trợ giúp cha mẹ về vật chất và tinh thần khi các ngài về già hoặc đau yếu (x. Hc 3,2-6). Cũng ở đây, cần phải nói đến bổn phận chăm sóc ông bà cao tuổi, vốn là nét đẹp truyền thống trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời đại quá đề cao thành công vật chất và hiệu năng sản xuất ngày nay, người ta có khuynh hướng coi người già như gánh nặng của xã hội và muốn loại ra bên lề. Chúng ta cần phải có cách nhìn tích cực hơn về vai trò của người cao tuổi. Thật vậy, người già là ký ức của lịch sử, sợi dây nối kết các thế hệ, người truyền lại kinh nghiệm và sự khôn ngoan cho con cháu. Vì thế, một gia đình không biết trân trọng người già thì gia đình đó đang trên đà suy thoái; ngược lại, gia đình tôn quý người cao tuổi là gia đình có tương lai bền vững” (số 9).
Thứ đến, hãy hiếu kính ông bà, cha mẹ khi ông bà cha mẹ đã qua đời. Cuối thánh lễ ngày mùng hai tết, linh mục đọc lời nguyện: “Lạy Chúa, nhân dịp đầu năm mới, chúng con đã được dự tiệc Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Chớ gì nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng con sống ngày nay sao cho tròn chữ hiếu đối với ông bà, cha mẹ, và mai sau được cùng các ngài hưởng phúc trường sinh”. Rõ ràng, mặc khải Thánh Kinh cho biết cuộc thanh tẩy nơi luyện ngục để về thiên đàng hết sức cần thiết để con người có thể hiệp nhất với Thiên Chúa Chí Thánh. Vì thế, người Kitô hữu cầu nguyện, xin lễ, đọc kinh cầu cho ông bà cha mẹ đã khuất góp phần giúp các ngài sớm vượt qua cuộc thanh tẩy ấy để được hưởng phúc trường sinh. Cho nên, Hội Thánh dạy chúng ta cầu nguyện cho ông bà cha mẹ không chỉ trong ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn, 02-11, và suốt tháng 11 dương lịch hằng năm, nhưng mọi ngày trong năm, mỗi khi cử hành thánh lễ. Trong thánh lễ mỗi ngày, Hội Thánh đều xin: “Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa”.
Với tấm lòng hiếu kính đang dâng trào trong ngày Mồng Hai Tết, có lẽ ai trong mỗi người chúng ta cũng thầm mong ước cho cha mẹ sống đời với chúng ta. Bởi lẽ không tình nào sâu đậm, gắn bó, chân thành cho bằng tình cha mẹ yêu con, và càng không có một tình yêu nào trên trái đất này có thể thay thể được tình phụ mẫu yêu con. Nguyện xin Chúa chúc lành và trả công cho các bậc sinh thành và ước gì mọi người con hôm nay khi đến chúc mừng tuổi mới của ông bà cha mẹ thì cũng biết sống hiếu thảo để đền đáp ân nghĩa mà ông bà cha mẹ luôn dành cho mình. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét