Trang

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

BÀI CHIA SẺ TĨNH TÂM MÙA VỌNG CHO GIÁO DÂN

Chủ đề: CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐÓN CHÚA ĐẾN?

 

1. Lời Chúa: Luca 3,7-18

Khi ấy, dám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gio-an làm phép rửa; ông nói với họ: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng vội nghĩ bụng rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham; vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa." Đám đông hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây? " Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?" Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? " Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình." Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi." Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.



2. Quảng diễn
Kính thưa quý ÔBACE,
Hiện nay, nhiều nơi Mùa Vọng đã trở thành một dịp chuẩn bị cho các cuộc vui chơi lễ hội, mua sắm, giải trí... Ngược lại, đối với người Kiô giáo thì khác, Mùa Vọng vừa là mùa chuẩn bị lễ trọng Chúa Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì thế, Mùa Vọng được coi như mùa hân hoan và sẵn sàng chờ Chúa đến trong tư thế tỉnh thức. Vì thế, Lời Chúa hôm này mời gọi chúng ta phải quyết tâm sống một mùa Vọng có định hướng rõ ràng: sám hối, sống yêu thương và hiệp nhất.  
             Kính thưa quý ÔBACE,
     Tin Mừng Luca thuật lại rằng khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời với một thái độ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm nên họ hỏi thánh Gioan Tẩy giả: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thánh nhân đưa ra hành động căn bản đó là: ăn năn sám hối và sống bác ái và hiệp nhất.
1. Ăn năn sám hối
         Lời đầu tiên mà thánh Gio-an Tẩy giả hôm nay kêu gọi: “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Lc 3,8). Tại sao phải sám hối vì chưng con người không ai là trọn lành chỉ mình Chúa là Đấng trọn lành. Chính Thánh vua Đa-vít đã khẳng định: “Lạy Chúa, Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7). Cho nên, “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,14-15). Rõ ràng Chúa Giêsu nói sám hối rồi mới tin vào Tin Mừng. Như vậy, việc làm đầu tiên của đức tin chúng ta là sám hối, ăn năn. Cho nên, Chúa Giêsu trước khi về trời, Chúa căn dặn rằng: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). Như vậy, sám hối chưa phải là tấm vé để vào Thiên Đàng nhưng là điều kiện để có đức tin. Đức tin có đó nhưng nó sống hay chết là tùy thuộc cung cách sống đạo, tức sống Lời Chúa ở nơi mỗi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày hôm nay.
                   Kính thưa quý ÔBACE,
    Hôm nay, chúng ta quy tụ về đây để tỉnh ngô thân, tức nhìn vào chính mình, cuộc đời Kitô hữu của mình từ bao lâu nay mình sống đức tin như thế nào trong tương quan với Chúa và với tha nhân? Đã thật sự tốt chưa? Có nghĩa rằng đã trọn lành như lòng Chúa Giêsu mong muốn chưa? Nếu tốt rồi, hãy tạ ơn Chúa, nếu chưa tốt hay còn nhiều thiếu sót, lầm lỗi thì hãy ăn năn sám hối thật lòng để rồi đến hòa giải với Chúa và với anh em. Vì vậy, Mùa Vọng là mùa của sám hối để làm hòa với Chúa và với tha nhân ngõ hầu Chúa sẽ giáng sinh nơi cung lòng của mỗi người chúng ta.
     - Thứ nhất, làm hòa với Chúa: xét mình, ăn năn tội, xưng thú tội, lãnh nhận ơn hòa giải, dốc lòng chừa. Dễ làm.
         - Thứ hai, làm hòa với tha nhân: tha nhân gồm có tha nhân xa và tha nhân gần. Tha nhân xa là người dưng nước lã, bạn bè, hàng xóm... tha thứ, làm hòa hơi dễ.  Còn tha nhân gần chính là vợ chồng, con cái, anh chị em ruột của tôi. Việc hòa giải này mới khó, khó ở chỗ rằng chúng ta biết nhau quá, thương nhau quá nhưng tại sao chồng tôi lại phạm tội này, vợ tôi lại mắc lỗi kia được, không thể tha thứ được. Nhưng chúng ta là Kitô hữu khó nhưng phải làm, phải tha thứ bởi vì một nhà thần học nọ nói rằng: “Trên đời người ta cần chữ viết – Chúa gửi các nhà giáo dục. Nếu người ta cần tiền – Chúa gửi các nhà kinh tế. Nếu cần giải trí – Chúa gửi các anh hề hay ca sĩ. Và cuối cùng, nếu người ta cần tha thứ - Chúa gửi các Kitô hữu vì họ không chỉ tha 7 lần mà 70 lần bảy. Cho nên, trong bài huấn dụ tiếp kiến du khác hành hương về Rôma trong Năm Thánh Lòng Thương Xó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Kitô hữu phải tha thứ! Tại sao vậy? Bởi vì họ đã được thứ tha. Tất cả chúng ta đã dược tha thứ. Không có ai trong chúng ta, trong cuộc sống của mình, đã không cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Và bởi vì chúng ta đã được thứ tha, nên chúng ta phải tha thứ. Chúng ta đọc Kinh Lậy Cha mỗi ngày: Xin tha tội  chúng con. Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” Nghĩa là tha thứ biết bao xúc phạm, biết bao tội lỗi. Và như thế tha thứ thì dễ dàng: Nếu Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi, tại sao tôi lại không phải tha thứ cho người khác? Tôi cao cả hơn Thiên Chứa sao? Anh chị em hiểu rõ điều này chưa? Cột trụ của sự tha thứ này cho chúng ta thấy sự nhưng không của tình yêu Thiên Chúa, là Đấng đã yêu chúng ta trước”.
         + Làm hòa với mọi người trong gia đình
Gia đình là cộng đoàn hiệp thông và liên đới chặt chẽ giữa các thành viên với nhau, bình đẳng về phẩm giá, về ơn gọi trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Nhờ đó gia đình trở nên mái ấm với cuộc sống an hoà, yêu thương đầm ấm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh quên mình vì hạnh phúc của nhau. Ngày nay, trong xã hội tiêu thụ, vì bận rộn với công việc kiếm tiền, một số cha mẹ không gần gũi, không dành thời giờ cho con cái. Vì thế, chúng cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương. Theo mức độ, con cái sẽ lâm bệnh chán nãn, buồn phiền, không thích học nữa, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu suy nghĩ. Bên cạnh đó, cha mẹ ít quan tâm đến đời sống đạo đức của con, không lo giáo dục đức tin cho con. Có cha mẹ quan niệm, lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức là đủ rồi; vì thế có em sau khi Thêm Sức là bỏ nhà thờ. Sự đa dạng của vi tính và internet quá hấp dẫn lôi kéo con cái chúng ta ra khỏi thực tế rồi đi vào thế giới ảo. Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm. Mỗi người có một phòng riêng, một thế giới riêng nên mọi người ít quan tâm đến nhau, ít giúp đỡ nhau. Hãy nhớ gia đình là thiêng liêng cao quý, còn công việc chỉ là vật chất tầm thường. Mọi thành viên có thể hy sinh công ăn việc làm cho mái ấm gia đình. Cho nên, thứ nhất, trên mọi đức tính, mọi thành viên trong gia đình hãy có lòng bác ái, đó là mối giây liên kết tuyệt hảo (Col 3,14). Bác ái là tình yêu rộng lớn; là tình yêu mạnh hơn tội lỗi, sự dữ, khổ đau và cái chết. Tình yêu mãnh liệt như thế mới liên kết mọi sự và mọi người lại với nhau. Chính Thiên Chúa đã gieo vào lòng chúng ta lòng bác ái để giúp mọi người gắn bó với nhau làm nên mái ấm gia đình. Lòng bác ái làm cho mọi người chấp nhận nhau, chịu đựng lẫn nhau, tha thứ hy sinh cho nhau, chia sẻ cho nhau, ban tặng cho nhau bản thân mình (Col 3,12-13). Thứ hai, mọi thành viên trong gia đình hãy tạo cho mình tâm hồn bình an nhờ thi hành các việc đạo đức như đọc Kinh sáng tối, tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các bí tích... Khi ấy, chúng ta được bình an nhờ hòa giải với Thiên Chúa, hòa giải với chính mình, khi hòa giải với những người trong gia đình. Đó là bình an Chúa Kitô ban tặng cho chúng ta.
         + Làm hòa với mọi người trong Giáo xứ
Lời Chúa trong thư của Thánh Phêrô tông đồ dạy rằng: “Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc. Thật thế, ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; người ấy phải làm lành lánh dữ, tìm kiếm và theo đuổi bình an, vì Chúa để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu xin, nhưng Người ngoảnh mặt đi, không nhìn kẻ làm điều ác” (1Pr 3,1-4). Ước gì, mỗi người trong giáo xứ chúng ta trong Mùa vọng này được Chúa biến đổi để sống hòa thuận, hiệp nhất và thương yêu nhau, đặc biệt đồng tâm nhất trí với nhau trong việc xây dựng giáo xứ và từng thành viên trong giáo xứ triển nở đức tin cũng như vật chất.
 + Đối với chình mình
          Tôn tử dạy các đồ đệ mình rằng: “tri kỷ tri bỉ”, biết mình biết ta trăm trận trăm thắng. Biết mình tức luôn sống trong tư thế sẵng sàng, tỉnh thức mọi lúc để khỏi sa chước cám dỗ, khỏi phạm tội với Chúa và tha nhân. Nếu có lỡ phạm tội hãy tỉnh thức, sám hối ăn năn trở về với Chúa để được hòa giải với chính mình và với Chúa. Nếu xúc phạm đến anh em thì hãy mau đi làm hòa vì chưng Chúa dạy “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” ( Cl 3,12-13).
2. Sống bác ái và hiệp nhất
Bác ái Kitô giáo có 2 chiều kích: bên ngoài và bên trong. Chiều kích bên ngoài trong là nhắm vào sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi thân xác của tha nhân nên chúng ta bắt đầu sống bác ái bằng việc chăm sóc những người cần chúng ta giúp đỡ. Cho nên, Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay nói bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia sẻ những gì mình đang cần thiết, trong tinh thần huynh đệ, trong tinh thần yêu người khác như chính mình và cũng trong tinh thần Mến Chúa yêu người. Cơm ăn áo mặc là những gì rất cụ thể thiết thực và vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ được. Chỉ cần muốn là có thể làm được. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Và khi thi hành luật pháp binh lính phải có lòng nhân ái chứ đừng cậy quyền thế áp bức và nhất là bóc lột người khác: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”.
     Còn chúng ta phải làm trong đời sống hôm nay để đón Mừng Chúa đến trong đời mình, trong gia đình mình. Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình với những người sống chung quanh mình, những người nghèo khổ đang cần chúng ta giúp đỡ, những anh chị em, vợ chồng con cái... Thánh Gioan không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.
      Những người Do Thái thời Thánh Gioan Tẩy Giả thực lòng mong chờ Chúa đến. Nên đã hỏi ngay những việc cụ thể để làm. Và khi nhận được lời khuyên của thánh nhân, họ đã thực hành ngay tức khắc. Vì thế họ đã gặp được Chúa. Hôm nay chúng ta đến đây và cũng được Lời Chúa soi dẫn và dạy dỗ chúng ta rằng hãy sửa chữa đời sống theo tinh thần công bình và nhất là theo tinh thần bác ái của Chúa Kitô.
    Vậy, hãy thử nhìn lại đời sống Kitô giáo của mình: Tôi đã thực sự sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết không? Có bao giờ tôi giúp đỡ người có tội bắng cách cho họ một lời khuyên, một lời an ủi hay một lời tha thứ chưa? Thánh Têrêsa Calcutta dạy ta: “Hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa”.
     Vậy, Mùa Vọng là mùa dọn lòng đón đến Chúa với tâm hồn trong sạch và hạnh phúc, chúng ta hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả: hãy bắt đầu sống tốt, sống thiện và sống thánh. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt, nên thiện và nên thánh hầu Chúa đến sẽ hiệp nhất chúng ta nên một trong hạnh phúc và sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu.
           Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét