BẤT NGỜ VÀ TỈNH THỨC
Lời Chúa: Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44
Nước
Nhật Bản từ xưa đến nay vốn nổi tiếng là cái nôi của những thảm họa
động đất - sóng thần. Một trong những thảm họa gần đây nhất – đó
chính là thảm họa sóng thần ở Tōhoku 2011. Trận sóng thần này không
những khiến cả thế giới mà ngay cả giới chuyên môn cũng phải ngỡ
ngàng, bàng hoàng bởi những con sóng lớn cao đến 38.9m, vượt qua mọi con
số trong các dự báo của họ. Lại một lần nữa, các nhà khoa học phải bó tay trong
việc giải thích những bí ẩn bất ngờ của tự nhiên. Rõ ràng rằng các nhà chuyên
gia và các nhà khoa học đã đoán trước được là có sóng thần, độ cao bao
nhiêu rồi, nhưng những con sóng thần kỳ này có độ cao không
ai ngờ và lường trước được. Đây là một bất ngờ, bất ngờ về độ cao!
Còn
trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy canh thức, vì
anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu
chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét
vách nhà mình đâu”. Rõ ràng ở đây Chúa dạy phải canh thức vì Chúa
đến bất ngờ. Đây là một sự bất ngờ về thời gian. Nhưng
trong cuộc sống còn có một sự bất ngờ khác, nó thường xuyên hơn và làm cho
chúng ta lúng túng hơn. Một lần tôi đi xe từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, trên xe có
một ông tây, bác tài nói nhỏ với anh phụ xe rằng: thằng này nó người Mỹ, nó
chẳng biết gì đâu mày cứ chém thẳng tay cho tao, thay vì 200 ngàn thì mày cứ
cắt 400 ngàn cho tao. Ông tây quay qua nói to rằng: sức mấy mà chém tôi được
chỉ có 200 đồng thôi. Bất ngờ phải không anh chị em! Cái bất ngờ này đâu phải
bất ngờ theo thời gian, độ cao… mà là bất ngờ ở tính cách, bất ngờ vì vượt
ngoài dự đoán, suy nghĩ quen thuộc của chúng ta, cái bất ngờ này mới là đáng
sợ.
Cho nên, trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự bất ngờ này bằng cách
nhắc lại thời ông Nô-ê, người ta lo dựng vợ gã chồng, ăn uống nhậu nhẹt vui vẻ,
không thấy dấu hiệu gì là tai họa sắp ập tới mà chỉ thấy toàn là ăn chơi, vui
vẻ bình thường nhưng khi tai họa ập tới và cuốn đi hết, quá đổi bất ngờ trong
tính cách. Vào thời Chúa Giêsu cũng vậy, cứ ngỡ rằng Thiên Chúa đến trong cái
khuôn tư tưởng của con người một vị Thiên Chúa oai phong, quyền bính, lộng lẫy,
uy nghi và giàu sang nhưng ai ngờ Ngài đến quá đổi nghèo nàn nên không ai biết
và tiếp đón Ngài.
Ngày hôm nay chúng ta không nói với nhau về sự bất ngờ theo
thời, để rồi rút ra bài học luân lý rằng cố gắng sống sao cho đàng hoàng vì giờ
chết đến bất ngờ, sa hỏa ngục đời đời. Nhưng giờ đây, chúng ta nói với nhau
rằng Thiên Chúa vẫn từng giây từng phút rất bất ngờ trong tính cách của Ngài. Vì
vậy, chúng ta phải luôn sống trong tỉnh thức. Nhưng, thế nào là tỉnh thức? Chúa
Giêsu dạy tỉnh thức và sẵn sàng có nghĩa là phải luôn cảnh giác, coi chừng,
canh phòng vì ma quỉ luôn rình mò cám dỗ chúng ta. Vì thế, Thánh Phêrô khuyên
bảo chúng ta:
“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư
tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé anh em” (1Pr 5,8).
Cho nên, Lời Chúa trong
bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy chúng ta phương thế tỉnh đó là: “Chúng ta hãy
loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến
đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không
chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng
anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô” (Rm13,12-14). Hãy mặc lấy Chúa Giêsu
Kitô, có nghĩa là làm quen với Giêsu, làm quen với Phúc âm, sống Phúc Âm, đó là
niềm vui của chúng ta. Vì vậy, trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, Đức Thánh Cha
Phanxicô mời gọi chúng ta hãy “can đảm nhìn về phía trước mặc
cho hiện nay đang gặp khủng hoảng, một lần nữa hãy
lấy thánh giá và sự phục sinh của Chúa Kitô làm “ngọn cờ chiến
thắng” của chúng ta” (số 85). Vâng, mặc lấy thánh giá và sự
phục sinh của Chúa Kitô, chính là mặc lấy Chúa Kitô, mặc lấy Chúa Kitô là mặc
lấy toàn bộ Phúc Âm, mặc lấy Phúc Âm thì chắc chắn chúng ta sẽ là những người
công chính, thánh thiện và chỉ khi đó chúng ta mới thật sự tỉnh thức.
Ấy vậy, thưa anh chị
em, chúng ta là những người con của Chúa nhưng chưa thánh và thiện đủ vì xét cho
cùng, chúng ta còn: gian dối, chửa bới, cờ bạc rựợu chè bê tha, giận hờn ganh
ghét, hà tiện, nói hành nói xấu, không nghe lời cha mẹ, thề gian thề
dối, giết người, phá thai... Cho nên, khi chúng ta chưa tỉnh thức, chưa sẵn sàng hay chưa sống trong Chúa, chưa
sống theo Lời Chúa hay Hội Thánh dạy, đương nhiên những thứ tội lỗi đó
sẽ nhận chìm chúng ta, chúng làm cho đời mình ra cay đắng, bất hạnh và mất
Chúa, mất tha nhân và mất linh hồn. Vì thế, hôm nay Chúa nói với mỗi người rằng "Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn
trong sự yếu đuối của con" (1Cr 12,9)”. Vì thế, mỗi khi chúng ta lãnh
nhận Thánh Thể Ngài vào trong cung lòng, với ơn Chúa Thánh Thể, chúng ta có đủ
sức và lòng can đảm đường đi theo những nẻo đường Phúc âm, tức sống Lời Chúa
dạy chúng ta sẽ không chiều theo tính xác thịt nữa và sống theo theo Thần Khí, cho
nên Thánh Phaolô nói: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của
Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).
Mùa
Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người. Vì hy
vọng nên Ngài đã tác sinh con người giống hình ảnh Ngài, cho họ bước vào đời
sống của chính Ngài. Ngài đã không ngừng hứa hẹn và kết ước yêu thương với họ,
dù cho họ có ngàn lần sa ngã lỗi phạm và xa bỏ Ngài. Cho nên, Mùa Vọng chính là
mùa qua đó Giáo Hội muốn khắc họa rõ hơn dung mạo thương xót của Thiên Chúa.
Dung mạo Thiên Chúa ấy được thể hiện nơi Đức Kitô qua những chuyến viếng thăm
chính thức của Người. Lần thứ nhất trong mầu nhiệm Nhập Thể mà chúng ta đang
chuẩn bị đón mừng ngày kỷ niệm Ngài đến trong thân phận con người như chúng ta.
Lần này, Ngài đã đến âm thầm, làm một người chan hòa giữa muôn người để đảm
lĩnh lấy thân phận con người cho đến tột cùng bằng cái chết để rồi Phục Sinh mở
ra nẻo đường cứu độ cho những kẻ tin.
Mùa vọng mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người để cho con người
được hy vọng vào Thiên Chúa, và Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những
đường đến bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua việc
tỉnh thức không mỏi mệt của mình. Cho nên, Mùa vọng là mùa để chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện sâu hơn để gặp Chúa
nhiều hơn, tỉnh thức để sống Lời Chúa và những điều luật Hội Thánh dạy ngày một
nhiều hơn, triệt để hơn và chân thành hơn. Và như thế Chúa đến bất cứ giờ nào, chúng
ta cũng đã dọn sẵn một tâm hồn bằng một cánh cửa rộng mở để đón Ngài đến với
chúng ta, làm cho chúng ta bình an và hạnh phúc. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét