Trang

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

BÀI CHIA SẺ TĨNH TÂM CÁC SOEUR - NĂM ĐỨC TIN

“LẠY CHÚA, CON THÀNH THẬT
VÀ VUI LÒNG DÂNG HIẾN TẤT CẢ” (1Sb 29,17)
        
Qúy Soeur kính mến,
          Cứ độ vào mùa hạ, chúng ta nghe thấy các lễ tấn phong, phong chức, khấn dòng: tiên khấn cũng vĩnh khấn… tổ chức khắp nơi trong cũng như ngoài nước. Nhìn thấy qúy Linh mục, quý Soeur hay quý Thầy dòng vừa mới “ra lò” hay vừa mới thánh hiến thật thánh thiện và đạo đức biết bao. Thật vui mừng tạ ơn Chúa đã ban cho Hội Thánh Chúa có nhiều thợ gặt xứng đáng. Nhưng niềm vui đang trào tràn dâng cao thì bỗng nghe tin ông Cha kia về đời, hay Soeur kia chuẩn bị khấn trọn hay khấn trọn rồi thì đột nhiên xếp vali ra khỏi nhà dòng, rồi còn nghe tin các thầy dòng cũng như chủng viện về đời hàng loạt. Họ không còn sống đời sống tận hiến vì lý do nào? Vì tình cảm, vì tiền, vì không hợp đời tu, vì sức khỏe, vì Chúa không chọn… ôi thôi đủ thứ lý do. Thử hỏi tại sao có những lý do ấy ấy, bởi vì họ sống với Chúa không hết tình, hết mình nghĩa là hết linh hồn, hết sức hết trí khôn. Nói theo ngôn ngữ nhà tu là vì họ sống không đúng với lời đã khấn hứa. Vậy, lời khấn tu trì là gì? Làm thế nào để sống trọn lời khấn hứa?

          Thưa quý Soeur, dịp tĩnh tâm này nằm trong năm đức tin. Mục đích của năm đức tin là “giúp mọi người vui mừng khám phá lại đức Tin và canh tân việc làm chứng cho đức Tin. Những hướng dẫn được trình bày ở đây nhằm mời gọi mọi thành phần dân Chúa hãy bắt tay làm cho Năm Đức Tin trở thành một cơ hội đặc biệt để chia sẻ điều quý giá nhất mà người Kitô hữu có được: Đức Kitô Giêsu, Đấng Cứu chuộc loài người, Vua vũ trụ, “Đấng khai mở và kiện toàn đức Tin” (Dt 12, 2). Riêng, tu sĩ các Hội dòng và hội viên các Tu đoàn tông đồ được mời gọi dấn thân vào công cuộc tân Phúc âm hóa qua việc gắn bó mật thiết hơn nữa với Chúa Giêsu, theo đặc sủng riêng của mình” (Hướng Dẫn Mục Vụ cho Năm Đức Tin, Bộ Giáo Lý Đức Tin). Vậy, trong giờ tĩnh tâm này, tôi xin mời gọi quý Soeur cùng nhau tìm hiểu Lời Khấn Tu Trì trong Thánh Kinh, đồng thời nhìn lại quảng đời mình đã đi và những ngày sắp đến mình sống với lời khấn như thế nào? Chúng ta có thật sự sống trọn vẹn cho lời khấn ấy chưa? Hầu làm cho đức tin và đời sống tận hiến mình thêm phong phú và bền chặt.

1. Thánh Kinh Cựu Ước
·        LỜI KHẤN NADIA (6,1-21)
     Lời Chúa trong Sách Dân Số,
ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng:2 "Ngươi hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng: 3 thì nó phải kiêng rượu và men nồng: không được uống giấm chua từ chất rượu cũng như giấm chua từ chất men, không được uống mọi thứ nước nho, không được ăn nho tươi cũng như nho khô.4 Suốt thời gian nó bị ràng buộc bởi lời khấn đó, thì bất cứ thứ gì chiết xuất tự cây nho, từ hột nho cho đến vỏ nho, nó cũng không được ăn.5 Suốt thời gian nó bị ràng buộc bởi lời khấn, dao cạo không được đụng đến đầu nó; bao lâu chưa mãn thời kỳ khấn đặc biệt để kính ĐỨC CHÚA, thì nó sẽ là người được thánh hiến: nó phải để cho tóc trên đầu mọc tự nhiên.6 Suốt thời kỳ khấn đặc biệt để kính ĐỨC CHÚA, nó không được tới gần xác chết.7 Dù là cha mẹ hay anh chị em nó chết, nó cũng không được để cho mình nhiễm uế, bởi vì nó mang trên đầu lời khấn na-dia kính Thiên Chúa.8 Suốt thời kỳ khấn đặc biệt, nó sẽ là người được thánh hiến cho ĐỨC CHÚA.
9 Nếu có ai chết bất ngờ bên cạnh nó, khiến cho đầu na-dia của nó bị nhiễm uế, thì nó phải cạo đầu trong ngày tẩy uế; ngày thứ bảy nó sẽ cạo đầu.10 Ngày thứ tám nó sẽ mang một cặp chim gáy hay một cặp bồ câu trao cho tư tế ở cửa Lều Hội Ngộ.11 Tư tế sẽ dâng một con làm lễ tạ tội, một con làm lễ toàn thiêu, và sẽ làm nghi thức xá tội ô uế nó mắc phải vì người chết. Chính hôm đó nó sẽ thánh hiến đầu mình,12 nó sẽ lại khấn đặc biệt kiêng giữ để kính ĐỨC CHÚA và đưa một con chiên một tuổi tới làm lễ vật đền tội. Thời gian trước đó không được kể vì lời khấn na-dia đã bị vi phạm. 13 Và đây là luật về người khấn na-dia: trong ngày mãn thời kỳ khấn na-dia, nó sẽ vào cửa Lều Hội Ngộ14 và đem lễ tiến dâng ĐỨC CHÚA: một chiên đực một tuổi, toàn vẹn, làm lễ toàn thiêu, một chiên cái một tuổi, toàn vẹn, làm lễ tạ tội, một con dê đực toàn vẹn làm lễ kỳ an,15 một rổ bánh không men làm bằng tinh bột nhào dầu, bánh tráng không men tẩm dầu, cùng với các lễ phẩm ngũ cốc và rượu tế kèm theo.16 Tư tế sẽ đưa những lễ vật ấy tới trước nhan ĐỨC CHÚA để dâng lễ tạ tội và lễ toàn thiêu của nó.17 Con chiên đực, ông sẽ sát tế để làm lễ kỳ an kính ĐỨC CHÚA cùng với rổ bánh không men, đồng thời tư tế cũng dâng lễ phẩm ngũ cốc và rượu tế.18 Người na-dia sẽ cạo đầu trước cửa Lều Hội Ngộ theo lời khấn, và lấy tóc đã được thánh hiến của mình mà bỏ vào lửa đang cháy dưới của lễ kỳ an.19 Khi bả vai của con dê đã chín, thì tư tế lấy bả vai đó, cùng với một chiếc bánh không men trong rổ và một bánh tráng không men, và đặt các thứ đó vào tay người na-dia, sau khi người này đã cạo đầu theo lời khấn.20 Rồi tư tế tiến dâng các thứ ấy trước nhan ĐỨC CHÚA, theo nghi thức: đó là của thánh dành cho tư tế, không kể cái ức đã được tiến dâng theo nghi thức và phần đùi được giữ lại. Từ đó, người na-dia được phép uống rượu.
21 Đó là luật về người khấn na-dia. Lễ tiến của nó dâng cho ĐỨC CHÚA phải theo đúng lời khấn na-dia, ngoài ra nó có thể tuỳ khả năng mình mà dâng thêm. Nó đã khấn theo luật na-dia thế nào, thì phải giữ như vậy."
Kính thưa quý Souer,
Trước hết cần đặt bản văn này trong bối cảnh Dân Chúa chuẩn bị vào Đất Hứa. Trong bối cảnh đó, sách Dân Số nhấn mạnh đến sự thánh thiện và thanh khiết của cộng đoàn đức tin. Do đó, tác giả lồng vào đây bản văn về lời khấn nadia, tức là nói đến sự thánh hiến, sự tận hiến hoàn toàn của những cá nhân cho Chúa. Người khấn nadia dâng mình cho Đức Chúa trong một thời gian. Truyền thống giữ lời khấn này còn được duy trì rất lâu trong dân Chúa, ví dụ trường hợp Samson (Tp 13,5) và Samuel (1Sam 1,11). Truyền thống này vẫn được tiếp tục đến thời thánh Gioan Tẩy giả (Lc 1,15) và thánh Phaolô (Cv 18,18; 21,23-26).
Bản văn về lời khấn nadia (6,1-21) gồm ba đoạn độc lập: các câu 3-8 mô tả những điều kiện và lề luật người khấn nadia phải giữ, các câu 9-12 nói đến việc thanh tẩy trong trường hợp bị ô uế, và các câu 13-21 đưa vào nghi thức cử hành khi thời gian khấn chấm dứt. Ở đây ta chỉ tập trung vào đoạn 1 (6,3-8), theo đó người khấn nadia phải tuân giữ ba điều liên quan đến ăn uống, cắt tóc và tránh xác chết.
Người khấn nadia phải kiêng rượu và men nồng, “không được uống mọi thứ nước nho, không được ăn nho tươi cũng như nho khô” (câu 3-4). Rượu nho tượng trưng cho văn hoá thành thị, đời sống ổn định tiện nghi với mức sống cao, tức là những khoái lạc ngược với lối sống thanh đạm (Amos 4,1; 6,6). Kế đó, “dao cạo không được đụng đến đầu... phải để cho tóc mọc tự nhiên” (câu 5) vì tóc được coi là dấu chỉ của sự thánh hiến, dấu chỉ phân biệt người dâng mình cho Chúa. Ở đây nên nhớ đến câu truyện về Samson bị cạo đầu và mất sức mạnh. Người khấn nadia còn “không được tới gần xác chết... kể cả cha mẹ hay anh chị em qua đời” (câu 6-7). Thời xưa người ta tin rằng có mối liên hệ mật thiết giữa chết chóc và sự ác. Sự ác phát xuất từ xác chết và làm cho bất cứ ai chạm đến xác chết bị ô uế, do đó không xứng đáng với Thiên Chúa.
Sự hiện diện của những người khấn nadia là lời nhắc nhớ thường xuyên cho tất cả cộng đồng rằng họ phải hiến dâng chính mình cho Chúa như thế nào. Cũng vì thế, có nhiều người khó chịu về sự hiện diện đó và tìm cách gài bẫy họ như Amos nhắc tới, “Các ngươi đã bắt các nadia uống rượu, và ra lệnh cho các tiên tri: các ông không được nói tiên tri” (Amos 2,12).
Những ghi nhận về lời khấn nadia khiến ta liên tưởng đến những người sống đời thánh hiến ngày nay, những anh chị em tu trì sống theo ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh, và vâng phục. Sự hiện diện của người sống đời thánh hiến là lời nhắc nhớ cho tất cả cộng đoàn Hội Thánh rằng chính Thiên Chúa và Nước Trời mới là kho tàng quý giá nhất mà ta phải kiếm tìm, là nguồn hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu, và phụng sự Chúa chính là đường dẫn đến tự do đích thực. Đồng thời sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến cũng là dấu chỉ phản kháng lối sống duy vật và hưởng thụ, và mời gọi con người tìm lại những giá trị tinh thần cao quý, gắn liền với phẩm giá con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.
2. Thánh Kinh Tân Ước
Ơn gọi vào đời sống thánh hiến là triệt để đi theo Chúa Giêsu. Đó là lời kêu gọi tới một sự biến đổi con tim qua các Lời Khuyên Phúc Âm. Lời Khấn đụng chạm đến ba lãnh vực của con người:
·        Tình cảm - Đức Khiết Tịnh
·        Sở hữu của cải - Đức Khó Nghèo
·        Quyền lực - Đức Vâng Lời
Mỗi người đều trải qua kinh nghiệm sống cái tôi của mình, hoặc đặt trọng tâm nơi mình hoặc đặt trọng tâm nơi Chúa, mà ta có định hướng đúng hay định hướng sai lầm. Định hướng sai lầm đi theo hình ảnh cái Tôi: khoái lạc, sở hữu của cải, địa vị/quyền lực. Định hướng đích thực họa theo hình ảnh Thiên Chúa làm người, Chúa Giêsu Kitô: Vâng Lời, Khó Nghèo và Khiết Tịnh.
a. Vâng Lời
 Lời Chúa trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Philipphê nói rằng: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. 9Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9).
 Như Chúa Giêsu, người Tu sĩ vâng lời Thiên Chúa xuyên qua cuộc sống tận hiến mình bằng việc lắng nghe Phúc Âm. Lắng nghe Phúc Âm chính nghe lời Chúa Giêsu và khi vâng lời, tức là thi hành Phúa Âm thì có đức tin và ngược lại khi có đức tin thì nghe Lời Chúa (Rm 10,16). Chúng ta được kêu gọi để lắng nghe Chúa khi Ngài nói, giảng dạy và mạc khải Thiên Chúa và Nước Ngài hầu đem ra thực hành để được ơn cứu độ cho mình và tha thân. Vì thế, “phúc thay kẻ biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).
Chúa Giêsu có một uy quyền, và lệnh Ngài truyền phải được vâng lời. Những kẻ vâng lời Ngài là: ma quỉ, các bệnh tật, tội lỗi, gió và biển. Như thế, Chúa Giêsu đòi được uy quyền trên sự ác, nhưng chúng ta không thể nói rằng Ngài đòi được uy quyền trên các con người. Chúa Giêsu không đến để cai trị dân. Ngài đến để giải thoát họ khỏi sự lôi cuốn của tội lỗi, lề luật và sự chết. Ngài làm cho dân hy vọng rằng mọi sự có thể sẽ khác đi (tốt hơn), vì Thiên Chúa là Người Cha thấu cảm ở bên cạnh họ, làm tất cả vì phần rỗi của họ. Chẳng hạn, dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15,11-31). Vậy, là tu sĩ hôm nay tôi lắng nghe và vâng Lời Chúa đến mức nào? Tại sao tội lỗi vẫn còn trong tôi, vì phải chăng tôi nghe lời thế gian hơn nghe Lời Thiên Chúa. Tôi còn sống theo xác thịt mà không sống theo thần khí?
          Tóm lại, vâng lời tu sĩ thứ nhất như là sự từ bỏ, hủy mình ra không để phục sự Chúa và anh em. Thứ hai, vâng lời như là sự bác ái. Chủ trương của cộng đoàn thánh Phanxicô là Phúc Âm mang họ lại với nhau và Phúc Âm sáng tạo nên huynh đoàn. “Bề trên” phải là và được gọi là thừa tác viên: ngài phục vụ. Mọi anh em sẽ vâng lời và phục vụ lẫn nhau, vì “như đó là sự vâng lời đích thực và thánh thiện đối với Chúa Giêsu Kitô”. Thứ ba, vâng lời như là sự lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau. Cuối cùng, vâng lời vì sứ vụ tông đồ, các hậu quả phát sinh từ việc đặt vâng lời làm trọng tâm cho sứ vụ tông đồ là yếu tố trung tâm của các Dòng Tu hiến dâng cho việc ấy: Trước hết đặt đức vâng lời nối kết với sứ mệnh Phúc Âm hóa của Giáo Hội. Do đó thứ hai, có nhu cầu hiệp thông với phẩm trật: Không chỉ có quyền bính của Bề trên, mà quyền bính của Giám mục, của Giáo Hoàng cũng phải quan tâm. Cuối cùng, dức vâng lời không được xem như một giá trị khổ hạnh, nhưng đúng hơn là một phương tiện đặc ân của sứ mệnh phải chu toàn trong Giáo Hội.
b. Khó nghèo
 Ta có thể hiểu được ý nghĩa của đức khó nghèo từ cuộc sống tận hiến của chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu Kitô đã mặc lấy hình hài một con người, sống trong một gia đình nghèo của con người ở Nazareth như bất cứ ai khác. Ngài chẳng cần cuộc sống nghèo khó đó cho Ngài, nhưng Ngài đã tự hạ sống nghèo khó để chúng ta trở nên giàu trước mặt Thiên Chúa. Cuộc đời nghèo khó của Ngài được mô tả qua 4 ký tự D: sinh ngoài đồng, ở ngoài đường, ăn đon đả và chết ngoài đồi để yêu con người. Tình yêu của Ngài đặt trên sự nghèo khó. Còn chúng ta yêu người đặt trên 4 ký tự D: đẹp, đôla, di động và dream. Còn tu sĩ hôm nay yêu Chúa yêu người đặt trên nền tảng nào? Nghèo cho người nghèo hay giàu cho người giàu? Chỉ có tình yêu đặt trên nền tảng tình yêu của Chúa Giêsu mới chân thật, bền đỗ, trung thành với Chúa và sứ vụ Ngài giao phó cho chúng ta.
      Cho nên, khi Chúa Giêsu sai chúng ta đi làm sứ vụ, Chúa nói: “Các Soeur hãy ra đi. Này Thầy sai các con đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! " Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của các Soeur sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với các Souer. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì các soeur dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho các soeur. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông." Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì soeur ra các quảng trường mà nói: "Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần" (Lc 10,3-12)
Tại sao? Chúa muốn chúng ta nghèo trong sứ vụ vì chưng Ngài sợ tiền bạc, giàu có sẽ làm chúng ta bỏ Chúa bỏ tha nhân như người thanh niên giàu có trong Tin Mừng Mt 19,16-22; Mk 10,17-22; Lk 18,18-23).  Cho nên, sau ngày đắc cử, Đức giáo hoàng Phanxicô không đến ở trong dinh thự các giáo hoàng nhưng lưu lại tại căn phòng trong Nhà Trọ Thánh Marta để ở gần các cộng sự viên của mình. Ngài quan tâm tới những người “nghèo nhất, yếu đuối nhất, ít quan trọng nhất”. Ngài luôn kêu gọi các tu sĩ đến với những người sống bên lề xã hội. Người ta nhận ra Đức Phanxicô, sau ba tháng trên ngôi vị giáo hoàng, muốn xây dựng một “Giáo hội nghèo, cho người nghèo” đúng như lý tưởng sống của vị thánh mà ngài đã chọn làm danh hiệu giáo hoàng của mình. Đó cũng là mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ khi sai các ông đi truyền giáo. Quả thật thay vì nhắc các ông trang bị đầy đủ các phương tiện vật chất, Chúa Giêsu muốn các ông lên đường với gói hành trang gọn nhẹ: không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Ngài muốn các ông sống nghèo như chính Ngài đã sinh ra, sống, rao giảng và chết trong khó nghèo.
Chúng ta đang muốn xây dựng Giáo hội nào: giàu cho người giàu? hay nghèo cho người nghèo? Những người nghèo và cô thế cô thân có được quý Soeur quan tâm giúp đỡ không? Tiền cộng đòan, hội dòng mình giúp cho người nghèo là bao nhiêu so với tiền xây dựng, tiền tổ chức các cuộc lễ lạy, đình đám của cộng đòan mình, hội dòng mình?
C. Khiết Tịnh
Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn."11 Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời” (Mt 19,10-12).
           Các đối thủ của Chúa Giêsu đã biết hai loại hoạn: Một loại sinh ra như vậy và một loại do con người làm nên không thể chấp nhận tình trạng kết hôn bình thường. Chúa Giêsu đưa vào loại thứ ba: Vì Nước Trời, tôi đã trở nên hoạn. Điều quan trọng nhất là lý do tại sao Chúa Giêsu sống độc thân: “VÌ NƯỚC TRỜI”... sức mạnh không thể cưỡng lại được của sự hiện diện của Nước Trời trong đời sống của Ngài khiến Chúa Giêsu sống độc thân. Như vậy, Nước Trời hay Tình yêu của Chúa thay đổi tôi, tôi tự nguyện sống độc thân, khiết tịnh, đó là hạnh phúc trong đời tôi chứ không phải là một nguyền rủa.
      Lời khấn độc thân khiết tịnh vừa là quà tặng vừa là chọn lựa được thực hiện trong tự do để yêu mến Thiên Chúa trở lại (vì Ngài đã yêu thương con người trước). Lòng đam mê chi phối của một con người đối với Thiên Chúa là trọng tâm của mọi cuộc đời. Đam mê nung nấu lòng nhiệt thành: Sự tận hiến không phân chia và không nghỉ ngơi đối với Chúa Cha không phải là một cuộc sống tự buông thả, nhưng là một cuộc sống được siêu việt hóa.
Vì thế, khiết Tịnh là một cam kết trở nên say mê Chúa như Chúa Giêsu đã say mê Cha Ngài. Độc thân là một từ chuyên môn có nghĩa là không kết hôn (là một người yêm hoạn). Độc thân khiết tịnh bao gồm toàn thể thực tại của con người (căn tính và giới tính, thể lý, tinh thần, trí não, ý hướng, khát vọng, chọn lựa, v.v… Vậy, là tu sĩ, tôi có còn hám danh, chọn việc nhẹ nhàng không ? Là tu sĩ tôi còn sống theo xác thịt, có mãi lo chăm sóc sắc đẹp, ăn ngon, mặc đẹp, các vật dụng các nhân phải hiện đại không ? Là tu sĩ tôi còn yêu (theo cảm tình thể xác) người này hơn người kia trong cộng đoàn hay hội dòng của mình không?
Vậy, giờ đây chúng ta cùng với dân Chúa xưa mà thưa lên rằng “Lạy Thiên Chúa của con, con biết Ngài là Đấng dò xét tâm can và ưa thích điều chính trực. Vì thế, với tấm lòng thành, con đã tự nguyện dâng hiến Ngài tất cả những của đó. Và bây giờ con vui mừng nhận thấy rằng dân của Ngài đang có mặt nơi đây cũng tự nguyện dâng hiến cho Ngài như vậy” (1Sb 29,17).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét