Trang

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

BÀI CHIA SẺ TĨNH TÂM CÁC SOEUR MẾN THÁNH GIÁ


 ĐI TU DÒNG ĐỂ LÀM GÌ?
         
Qúy Soeur thân mến,
Nếu ai đó hỏi: Soeur đi tu để làm gì? Có người trả lời rằng để làm bà mẹ nhiều đứa trẻ bù lại không có con, tức giữ dạy trẻ, thương trẻ, thương người. Người khác trả lời rằng để phục vụ cho Chúa qua các họat động cầu nguyện, tập hát, dạy giáo lý... Người khác nữa trả lời rằng để nên thánh, để nên người hoàn hảo. Người khác nữa trả lời rằng để loan báo ơn cứu độ của Chúa cho muôn dân. Những câu trả lời trên đúng nhưng chưa hợp ý Chúa, nhất là chưa đúng trọn vẹn ý nghĩa và mục đích của đời sống dâng hiến, nhất là đời sống tu dòng. ĐI TU LÀ ĐỂ ĐỒNG LAO CỘNG KHỔ VỚI CHÚA GIÊSU, có nghĩa là sống chết cho TÌNH YÊU, tức là để MẾN THÁNH GIÁ (yêu, giữ, sống mầu nhiệm Thánh giá) hầu mưu ích cho tha nhân và rạng Danh Thiên Chúa.  
Vậy giờ tĩnh tâm này, mời quý Soeur hãy buông mình cho Chúa Thánh Thần soi sáng để nhìn lại đời tu của mình đã đi qua một năm, hai năm, năm năm, mười năm... khấn dòng rồi, mình đã làm được gì cho Chúa, cho Hội Dòng, hay nói đúng hơn là đã ĐỒNG LAO CỘNG KHỔ VỚI CHÚA CHƯA?

  Lời Chúa trong thư thứ 2 của Thánh Phaolô tông đồ gửi Timôthêô,  
Anh hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Ki-tô Giê-su. Trong nghề binh, không ai vướng mắc vào những việc thuộc đời sống dân sự; có thế mới đẹp lòng người đã tuyển mộ. Người tham dự điền kinh cũng vậy, không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ. Còn người nông dân làm việc vất vả, thì phải là người đầu tiên được hưởng phần hoa lợi. Anh hãy hiểu điều tôi nói, vì Chúa sẽ ban cho anh ơn thông hiểu mọi sự. Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời. Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,3-13). Đó là Lời Chúa.

          Thánh Phaolô khẳng định rõ ràng đi tu là đồng lao cộng khổ với Chúa Kitô. Đã là nữ tu rồi thì không có chuyện tránh khổ, không có chuyện ăn sung mặc sướng, hay phạm tội như người thường... Là nữ tu Mến Thánh Giá có nghĩa rằng phải yêu khổ, sống với khổ và chết với khổ có như thế mới sinh hoa thơm trái giọt cho đời và cho Chúa, đặc biệt nhận được phần thưởng vinh quang muôn đời.
Có người nói rằng Chúa Kitô phục sinh bây giờ ngự tòa vinh quang trên thiên đàng sướng quá chừng khổ gì mà khổ. Rõ ràng kinh tiền tụng trong thánh lễ chúng ta đọc việc chúng con ca tụng chẳng đem lại gì cho Chúa cả, vì Chúa có là Nguồn hạnh phúc, nguồn tình yêu, nguồn thánh thiện, nguồn chân thiện mỹ... rồi. Đúng là như thế, nhưng Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa độc tôn, độc đoán, độc quyền và độc ác, nhưng là Thiên Chúa Tình Yêu. “Tình thương của Thiên Chúa là “vĩnh cửu” (Is 54,8): “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình thương của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,10). “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3). Tình yêu ấy là thế này: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).
Cho nên, “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! " Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4.4-7). Vì thế, Giáo Hội dạy rằng “Ngôi Lời đã làm người để chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr l,4). “Ngôi Lời làm người, Con Thiên Chúa làm con loài người: chính là để cho con người, khi kết hợp với Ngôi Lời và lãnh nhận tử hệ thần linh, được trở nên con cái Thiên Chúa” (T.I-rê-nê, chống lạc giáo 3,19,1). “Vì Con Thiên Chúa đã làm người để biến chúng ta thành Thiên Chúa” ( T.A-ta-na-si-ô, Nhập Thể 54,3). “Con Một Thiên Chúa, bởi muốn cho chúng ta được thông phần thiên tính của Người, nên đã mang lấy bản tính chúng ta, để vì đã làm người, Người biến chúng ta thành thần thánh” (GLHTCG, số 460). Vậy Thiên Chúa của tôi chính là Thiên Chúa trên trời uy linh cao cả thánh thiện đồng thời là Thiên Chúa đau khổ dưới đất đó là tha nhân, là các chị em trong Hội Dòng hay cộng đoàn của tôi, và là tôi.

1. Tôi đồng lao cộng khổ với tha nhân ở mức độ nào?
Đặc điểm của Dòng Mến Thánh Giá là “Chúa Giêsu Chịu đóng đanh là đối tượng duy nhất mà lòng chúng con (tu sĩ Mến Thánh Giá) hướng tới”. Cho nên mục đích của Hội Dòng Mến Thánh Giá là yêu mến, theo sát Chúa Kitô trên bước đường phục vụ Chúa Kitô và tha nhân. Vậy rõ ràng, tu sĩ Mến Thánh Giá phải phục vụ Chúa qua việc cầu nguyện trong Nhà Chúa và qua việc thăm viếng, chăm sóc, giúp đỡ, chia sẻ tinh thần cũng như vật chất... cho những nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi, tù đày.... Họ là Chúa Giêsu đang đau khổ đang cần chúng ta có đồng lao cộng khổ với Ngài.
Qúy Soeur thân mến,
Nhà thần học Karl Rahner nói rằng Cầu nguyện chính là bí quyết của mọi phương pháp mục vụ, nó là phương thế độc nhất để tiếp cận các linh hồn. Cho nên, lòng mến kết hợp con với Chúa, sẽ chắp cánh yêu thương cho con bay đến với trái tim anh em đồng loại”. Có nghĩa rằng cầu nguyện với Chúa trong Nhà Chúa là Thiên Chúa toàn Chân Thiện Mỹ Trên Trời, đó là điều thật chính đáng. Nhưng nhờ việc gặp gỡ Thiên Chúa toàn chân thiện mỹ ấy mà chúng ta nghe và thấy được Thiên Chúa dưới đất đang thiếu thốn kêu xin. Vì vậy, nếu nữ tu Mến Thánh Giá chỉ biết tối ngày cầu nguyện và chỉ biết mình thôi, còn anh chị em mình ngoài Nhà Dòng, cộng đoàn của tôi như thế nào mặc kệ họ, thôi không biết, thì người ấy là nữ tu nhưng nữ tu “giả và dối” vì chưa đồng lao cộng khổ với anh chị em mình. Vì chưng, Lời Chúa khẳng định rằng “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa"mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Như vậy, để được đồng lao cộng khổ với Chúa, tôi phải tìm, gặp, biết, hiểu, cảm thông và chia sẻ với tha nhân trong xã hội. Là nữ tu Mến Thánh Giá mà chỉ ở trong Nhà thờ, Nhà dòng, hay cộng đoàn, không bao giờ đến với những người cùng khổ trong xã hội thì làm sao đồng lao cộng khổ được! Có người nói: con cầu nguyện là đủ rồi, đủ nhưng chưa đúng và hợp ý Chúa. Nhìn Đức Mẹ Maria hai tiếng “xin vâng” đủ để Ngôi Hai xuống thế làm người nhưng công trình cứu chuộc hòan tất nhờ các sự thương khó Đức Mẹ. Hay chính Chúa Giêsu, với hai tiếng “xin vâng” đủ để xuống thế làm người nhưng chỉ có chịu đau khổ, chết và sống lại chúng ta được cứu chuộc.  
Cho nên, dịp này, chúng ta đặt mình trước mặt Chúa, là Nữ Tu Mến Thánh Giá, có khi nào tôi viếng thăm anh chị em nghèo khổ cơ cực, anh chị em bệnh tật chưa? Có khi nào tôi giúp đỡ tinh thần vật chất cho người túng thiếu, người cơ cực, người cầu cứu chưa? Có khi nào tôi đến chăm sóc sức khỏe cho một người già, người bệnh chưa? Cộng đoàn tôi đã hành động bác ái cụ thể cho người nghèo khổ nhất trong khu vực mình sống chưa? Nếu có thì ở mức độ nào: làm cho qua loa, làm cho người ta khen hay làm vì thế buộc... Mình làm hết mình, hết tình không? Nếu chưa thì hãy nhớ lại Lời Chúa nói thằng thừng với chúng ta rằng "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng" (Mt 15,41).
  
Vì vậy, trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, Đức Bênêđictô nói rằng:Yêu người là một con đường dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa, và quay lưng lại với tha nhân sẽ làm cho chúng ta ra mù loà không gặp được Người. Ngược lại, nếu cuộc đời chúng ta hoàn toàn thiếu vắng việc tiếp xúc với Thiên Chúa, lúc ấy tôi sẽ nhìn người khác như một kẻ xa lạ và không thể nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi họ”  (số 16,18). Còn Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “GIÁO HỘI CHÚNG TA HÔM NÀY LÀ MỘT BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN”. Còn trong Tông Huấn “hot” nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, Trong Tông huấn, Giáo hoàng Phanxicô nói rằng “Ngài mong muốn Giáo hội ‘bầm dập, tổn thương và bụi bặm trên đường phố còn hơn là một Giáo hội không khoẻ khoắn do nằm trong vỏ ốc và cứ khư khư giữ lấy sự bình an cho bản thân” (số 85).

 2. Tôi đồng lao cộng khổ với Hội Dòng của tôi ở mức độ nào?
Trong BỨC THƯ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN GỬI HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN NHÂN NGÀY CỬ HÀNH NĂM ĐỨC TIN CHO HỘI DÒNG 14 – 09 – 2013, Đức Giám Mục viết rằng: “Linh đạo Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn tập trung vào mầu nhiệm thập giá cứu độ của Chúa Giêsu Kitô và được thể hiện qua 3 chiều kích: chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Vì thế, ngoài việc chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh và sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống khổ chế, các chị em còn phải hăng hái tham gia các công việc tông đồ để loan truyền đức tin và xây dựng Giáo Hội”. 
Rồi trong bài giảng Thánh lễ Mừng Bổn Mạng Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn ngày 14-9-1013, cha Giuse Phạm Thanh, Linh hướng Hội dòng chia sẻ: tâm niệm của Chị Em Dòng là “Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con” không còn là một lời nghịch lý, hay một câu nói suông ngoài môi miệng, nhưng là sự khôn ngoan linh thánh Chúa hun đúc các Chị Em dấn thân làm tông đồ! Cũng giống như thánh Phaolô: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (I Cr 2,2). Tất cả đều nhắc nhở chúng ta: đừng coi nhẹ Thánh Thần Chúa ngự trị trong mỗi người và làm chứng Tình yêu vô biên của Thiên Chúa bừng sáng lên chung quanh cho anh chị em chúng ta được hưởng ơn cứu độ. Tình Yêu Cứu độ của Chúa phải nối kết mọi người trong chân lý và hiệp nhất trong chân thành và hòa hợp, để “mọi người được nên MỘT” trong Thiên Chúa Ba Ngôi hằng sống là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Như thế, khổ chế, hiệp nhất, hòa hợp và tham gia là những yếu tố người nữ tu Mến Thánh Giá phải sống để phát triển đồng thời làm cho Hội Dòng của mình phong phú. Khổ chế chẳng phải là sống khiêm nhường, điềm đạm, thanh bần, đơn sơ để sẵn sàng tham gia, hòa hợp và hiệp nhất với chị em trong Dòng từ bề trên trở xuống để cùng nhau vác thánh giá, mến thánh giá, làm cho Hội Dòng chúng ta mới mạnh, bền và chắc được.
Cho nên, Thánh Phaolô khuyên các chị rằng: “Chị em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Chị em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho. Vì thế, chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,2-.
Vậy rõ ràng, nếu tôi có những ơn này, khả năng này, tài kia mà không sẵn sàng cho đi hay “chôn cất” thì tôi chưa đồng lao cộng khổ với Chúa! Hay nghĩa rằng tôi thấp cổ bé miệng, tài trí hèn kém, tôi chỉ biết im lặng, làm thinh và làm ngơ trước những gánh nặng của các chị em bề trên, hay chị em khác... thì người đó thật sự chưa đồng lao cộng khổ với Chúa! Tệ hơn, tôi có ơn, có tài, có đức và có trí nhưng không được làm lớn, chưa được giao việc, tôi giả điếc làm ngơ, ai nhận nấy chịu, tôi thong dong, người đó chưa đồng lao cộng khổ với Chúa! Chưa đồng lao cộng khổ có nghĩa rằng chưa có công trạng, chưa có nhân đức, chia sinh hoa trái ngọt cho Chúa và cho đời. Như thế, ta hãy sám hối và ra tay làm ngay đi kẻo không Chúa sẽ  “lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng" (Mt 25,28-30)! Ôi khốn khổ và đau đớn thay uổng công một đời đi tu, một đời theo Chúa!

3. Tôi đồng lao cộng khổ với chị em trong cộng đoàn tôi ở mức độ nào?

Đồng lao cộng khổ với Chị em trong cộng đoàn là phải sống khiêm nhường và bác ái với nhau trong cộng đoàn. Qua thế, chính Thánh Phaolô dạy quí Soeur rằng:Dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi xin nói với từng người trong chị em rằng đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho. Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm. Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,3-12).

          Theo quy luật, bất cứ một cộng đoàn nào cũng phải có người lớn người nhỏ, nếu không, thì nó là đoàn người chứ không cộng bởi vì không hiệp nhất, khôg cộng tác. Đồng ý rằng sống chung phải có đụng, nhưng chúng ta những chi thể trong một thân thể Chúa cho nên phải biết chịu đựng, tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho ta. Chị em cùng chung một Dòng, cùng một ý tưởng, cùng một Linh đạo, cùng một mục đích là mến Thánh giá có nghĩa là cùng đồng lao cộng khổ với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như khi mạnh khỏe, khi cầu nguyện cũng như khi phục vụ Chúa chứ! Xin đừng ích kỷ, đừng ngại khổ, đừng ghen tỵ, đừng tự ái, đừng “khỏe thân”, đừng tìm bình an giả tạo mà mất cơ hội đồng lao cộng khổ với Chúa. Không đồng lao cộng khổ với chị em thì làm chúng ta có mến Thánh giá cũng vô ích, không xứng đáng và cũng không là môn đệ Chúa Giêsu được vì chúng Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,24-26).      

 4. Tôi đồng lao cộng khổ với chính mình ở mức độ nào?
          Trong Thông Điệp SPE SALVI (Niềm Hy Vọng Cứu Rỗi), Đức Bênêđictô nói rằng “Cầu nguyện không có nghĩa là thóat ly ra khỏi lịch sử và chui vào khung riêng lý lẻ của hạnh phúc cá nhân. Cầu nguyện đúng đắn là tiến trình thanh luyện nội tâm để sẵn sàng cho Thiên Chúa và cho mọi người”. Thanh luyện! Thanh là thanh tẩy, hay xóa dần đi những tính hư tật xấu: kiêu căng, tự ái, ghen ghét, thù vặt, thờ ơ, lãnh đạm, chểnh mảng trong việc phục vụ Chúa và chị em... Còn luyện, là rèn luyện các nhân đức Đối Thần: Tin, Cậy, Mến và các nhân đức nhân bản: khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. Các nhân đức ấy đều tập trung vào hai nhân đức này một là: tiết độ, có nghĩa rằng tôi phải tiết độ với bảy tình cảm của con người (hỷ, nộ, ái, ố, ai, ô, dục) để đồng lao cộng khổ chính mình nên người hiền đúng như người ta nói: EM HIỀN NHƯ MA SOEUR và nên thánh hơn.
Hai là đức mến: Mến Chúa yêu người. Mến Chúa yêu người ở điểm này là: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,1-13).

          Kết luận, đi tu là để đồng lao cộng khổ với Chúa! Nếu mới nghe, chúng ta thấy dễ thật, nhưng thực tế, khó thật, gian lao thật, đau đớn thật, mất mát thật, khốn khổ thật! Đúng là con đường gian khó, chẳng mấy ai đi, chẳng mấy người  thương. Nhưng là tu sĩ, chúng ta hãnh diện, vui mừng, yêu thương và đi con đường này vì chỉ có đi con đường này mới nên người và nên thánh, đồng hình đồng dạng với Chúa của mình, nhất là đến đỉnh vinh quang như lòng Chúa và lòng chúng ta mong muốn, “Per Crucem Ad Lucem” (khẩu hiệu của Dòng Mến Thánh Giá). Ước gì Các chị em can đảm đồng lao cộng khổ với Chúa trong hành trình tu trì của mình với niềm xác tín rằng Chúa luô đồng hành và ban ơn cho ta, "Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con" (1Cr 12,9). Amen.   




  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét