Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

GIÁO LÝ VỀ KINH TIN KÍNH- Tuần IV

Mục 3
“Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần,
mà Người xuống thai,
sinh bởi bà Maria đồng trinh”

          Kính thưa ông bà anh chị em,
Thứ nhất, chúng ta hiểu câu: “BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI...” nghĩa là làm sao? Vâng, Tin Mừng Luca mô tả cảnh Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria như sau: “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi” (Lc 1,26-38).      

Như vậy rõ ràng rằng lời phúc đáp thần linh cho vấn nạn của Mẹ: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”. Sứ Thần trả lời: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (Lc 1,35). Có nghĩa rằng, Chúa Thánh Thần, là “Chúa và là Đấng ban sự sống”, được Thiên Chúa sai đến để thánh hoá cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và làm cho Mẹ thụ thai một cách thần linh, để Đức Mẹ cưu mang Ngôi Con vĩnh cửu của Chúa Cha trong nhân tính được đảm nhận từ nhân tính của Mẹ. Tức là Con Một của Chúa Cha, với tư cách một con người được thụ thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, là “Đức Kitô”, nghĩa là Đấng được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 484-486). Điều đáng chú ý ở đây là tất cả hành động của Chúa Kitô đều qui về Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài có thân xác, tâm hồn và lý trí, có ý chí và hành động theo hai bản tính: Thiên Chúa thật và người thật. Thân xác Ngài là thân xác con người, cũng bị giới hạn, trái tim Ngài cũng yêu như mọi người ngoài trừ tội lỗi. Chúa Giêsu đã đảm nhận bản tính nhân loại mà không mất đi bản tính Thiên Chúa cho nên không lạ gì khi ở trần gian 33 năm, Ngài rao giảng Nước Thiên Chúa, mạc khải cho chúng ta biết Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đặc biệt là: chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, cho kẻ chết sống lại và chính Ngài cũng sống lại. Cho nên, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật trong sự duy nhất của Ngôi vị Thiên Chúa của Người; vì vậy Người là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (Sđd, số 470-480).
Kính thưa ông bà anh chị em,
Thứ hai, chúng ta xét đến câu: “Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh”, tức là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thụ thai trong lòng và sinh bởi bà Maria đồng trinh. Sách giáo lý dạy rằng khi được Sứ thần báo cho Đức Trinh Nữ Maria rằng Mẹ sẽ thụ thai và hạ sinh “Con Đấng Tối Cao”, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, mặc dù không biết đến việc vợ chồng, Đức Maria tin chắc chắn rằng, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, nên với “sự vâng phục của đức tin”, Mẹ đã trả lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1,37-38). Như vậy, khi nói lên sự ưng thuận của mình đối với lời Thiên Chúa, Đức Maria trở thành Mẹ Chúa Giêsu và với trọn tâm hồn, Mẹ chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, mà không tội lỗi nào ngăn cản Mẹ, Mẹ tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Con Mẹ, để tùy thuộc vào Chúa Giêsu và cùng với Người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ phục vụ mầu nhiệm Cứu Chuộc. Cho nên, ngay trong các công thức đức tin đầu tiên, Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, và Hội Thánh cũng khẳng định khía cạnh thể lý của biến cố này: Chúa Giêsu được thụ thai “bởi Chúa Thánh Thần, không có mầm giống nam nhân nào cả (Sđd, số 494-496).
Ước mong rằng mỗi khi tuyên xưng “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh”, chúng ta xác tín rằng Đức Maria thật sự và trọn đời đồng trinh trước và cả trong khi sinh hạ Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người (Sđd, số 499).  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét