Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

GIÁO LÝ VỀ KINH TIN KÍNH- Tuần III

Mục 2
“Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi”

          Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
1. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô
GIÊSU: Trong tiếng Do thái, “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Khi Truyền tin, thiên thần Gabriel nói với Đức Mẹ hãy đặt tên cho con trẻ là Giêsu; tên gọi này vừa diễn tả căn tính của Chúa Giêsu, vừa diễn tả sứ vụ của Người. Bởi vì không ai “có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa” (Mc 2,7), cho nên, trong Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã làm người, chính Thiên Chúa “sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21) (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 430). Danh “Giêsu” nói lên rằng chính Danh Thánh Thiên Chúa hiện diện nơi bản thân của Con Ngài, Đấng đã làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt khoát. “Giêsu” là một Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ, và từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh của Người, bởi vì qua việc Nhập Thể, chính Chúa Giêsu đã tự kết hợp với tất cả mọi người đến độ “dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12) (Sđd, số 432).

KITÔ: là một từ Hy Lạp, dịch từ “Messia” của tiếng Do thái, có nghĩa là “Người được xức dầu”. Danh hiệu này trở thành tên riêng của Chúa Giêsu bởi vì Người đã chu toàn cách hoàn hảo sứ vụ thần linh của Chúa ở trần gian. Qủa vậy, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần xức dầu cho Ngài, Đức Kitô là Đấng được Chúa Cha sai xuống trần gian thi hành sứ vụ: Tư tế, Tiên tri và Vương đế (Sđd, 436-440).

2. Là Con một Đức Chúa Cha
Trong Cựu Ước “Con Thiên Chúa” là danh hiệu được ban cho các Thiên thần, cho dân Chúa chọn, cho con cái Israel, và cho các vua của họ. Trong những trường hợp ấy, danh hiệu “Con Thiên Chúa” nói lên việc Thiên Chúa nhận một số thụ tạo làm nghĩa tử, và việc này tạo nên những mối liên hệ thân tình đặc biệt giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Ngài (Sđd, 441). Còn Chúa Giêsu thì khác. Vào hai thời điểm quan trọng, lúc Chúa Giêsu Kitô chịu Phép Rửa và lúc Người Hiển Dung, các sách Tin Mừng nhắc đến tiếng Chúa Cha gọi Chúa Giêsu là “Con yêu dấu” của Ta. Chính Chúa Giêsu cũng tự xưng là “Con Một” của Thiên Chúa (Ga 3,16) và qua danh hiệu đó, Chúa Giêsu xác quyết sự tiền hữu vĩnh cửu của mình cho nên, Chúa Giêsu đòi chúng ta phải tin vào “danh Con Một Thiên Chúa” thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3,18). Lời tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa của Kitô giáo đã xuất hiện ngay từ tiếng kêu của viên đại đội trưởng trước mặt Chúa Giêsu trên thập giá: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Chỉ trong mầu nhiệm Vượt Qua, người tin tước hiệu “Con Thiên Chúa” mới có thể hiểu được ý nghĩa cao cả nhất của tước hiệu đó (Sđd 444). Qủa thật, “Từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Chúa Giêsu Kitô đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4). Vì vậy, các Tông Đồ tuyên xưng: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).

3. Cùng là Chúa chúng tôi
          Trong bản dịch các sách Cựu ước ra tiếng Hy lạp, YHWH (Gia-vê), danh không thể xưng mà Thiên Chúa dùng để tự mạc khải cho ông Môisen, được dịch là Kyrios (“Chúa”). Từ đó, tước hiệu “Chúa” trở thành danh xưng thông dụng nhất để nói lên chính thần tính của Thiên Chúa Israel. Tân Ước dùng tước hiệu “Chúa”, theo nghĩa mạnh như trên, cho Chúa Cha, và cũng dùng cho Chúa Giêsu, qua đó nhìn nhận Người chính là Thiên Chúa (Sđd, 446).
Vì vậy, khi dành cho Chúa Giêsu tước hiệu thần linh là “Chúa”, những lời tuyên xưng đức tin tiên khởi của Hội Thánh xác quyết ngay từ đầu rằng quyền năng, danh dự và vinh quang thuộc về Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu, bởi vì Người “vốn dĩ là Thiên Chúa” (Pl 2,6), và bởi vì Chúa Cha đã làm tỏ hiện quyền chủ tể này của Chúa Giêsu khi cho Người sống lại từ cõi chết và tôn dương Người trong vinh quang của Ngài. Ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo, việc xác quyết quyền chủ tể của Chúa Giêsu trên trần gian và trên lịch sử, cũng có nghĩa là nhìn nhận rằng, con người không được để cho tự do cá nhân của mình suy phục một cách tuyệt đối bất cứ quyền bính trần thế nào, nhưng chỉ suy phục một mình Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô. Hội Thánh tin rằng chúng ta gặp được chìa khóa, trung tâm và cứu cánh của toàn thể lịch sử nhân loại nơi Chúa Giêsu, Thầy của chúng ta (Sđd, 449-450).
Kết luận, ước gì mỗi khi đọc “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi”, chúng ta tin một cách quyết liệt rằng Chúa Giêsu Kitô Nazareth, ‘Con Một của Chúa Cha’…. Người đã chịu khổ hình và đã chịu chết vì chúng ta; và Người, từ khi sống lại, luôn luôn sống với chúng ta…. Đức tin ấy giúp người ta nhận ra toàn bộ kế hoạchvĩnh cửu của Thiên Chúa trong con người Đức Kitô; đồng thời giúp ta hiểu ý nghĩa các hành động và lời nói của Đức Kitô, và các dấu lạ Người đã thực hiện. Và Đức tin ấy sẽ dẫn đưa chúng ta đến hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô; và chỉ một mình Người mới có thể dẫn chúng ta đến tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và đến chỗ được thông phần vào sự sống của Ba Ngôi Chí Thánh (Sđd, số 420).   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét