LỘ TRÌNH LÒNG THƯƠNG XÓT
Lời
Chúa: Am 6, 1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16, 19-31
Với bài hát “Trở về cát bụi”, tác giả
Minh Kỳ nói rằng: “Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo
khó. Trời đã ban cho, ta cám ơn trời dù
sống thương đau. Mai kia chết rồi, trở
về cát bụi, giàu khó như nhau. Nào ai
biết trước, số phận ngày sau, ông Trời sẽ trao”. Như vậy, tác giả khẳng định chết không phải là hết
mà có đời sau, số phận đời sau đó Trời trao cho. Ông Trời đó là ai? Số phận họ
sẽ ra sao? Tác giả không biết. Còn chúng ta biết ông Trời đó là Đức Chúa Trời, đời
sau Ngài sẽ ban cho mỗi người chúng ta được hạnh phúc đời đời trên Thiên đàng hay
đau khổ trầm luân trong hòa ngục tùy vào lộ trình thương xót của chúng ta đối
với tha nhân ngay khi sống trên thế gian này.
Cụ thể trang Tin Mừng chúng ta hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra hai con người, cùng
một cuộc sống nhưng cung cách đối nhân xử thế ở đời này khác nhau nên thưởng
phạt đời sau cũng khác nhau. Dụ ngôn mô tả: một ông nhà giàu dư ăn dư mặc, một
anh nhà nghèo nằm đói lả trước cổng nhà. Hai người ở gần mặt nhưng lòng cách xa
nhau ngàn dặm. Ông nhà giàu biết mặt và tên tuổi anh nghèo, nhưng không biết
con người của anh cho nên ông không động lòng thương xót mà bố thí chút thức ăn
dư thừa để đỡ đói. Cuối cùng cả hai đều chết nhưng ông phú hộ kia xuống hỏa
ngục phải đau khổ, còn anh Lazarô nghèo được lên Thiên đàng hưởng hạnh phúc. Điều
đáng chú ý ở đây là không phải chỉ vì giàu mà ông nhà giàu bị phạt, nhưng vì
ông đã khép cửa lòng, ích kỷ và không chia sẻ điều mình có. Ngược lại, không
phải chỉ vì nghèo mà anh nghèo được thưởng, được hạnh phúc ngồi trong lòng tổ
phụ Abraham, nhưng vì anh chấp nhận số phận hẩm hiu của mình, và trông cậy vào
sự trợ giúp của tha nhân và của Thiên Chúa để thăng tiến cuộc sống. Anh ăn xin
chứ không ăn cắp, anh nghèo nhưng không đánh mất nhân cách của mình, thà “nghèo
cho sạch rách cho thơm”.
Như thế, hôm nay Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: thứ
nhất, giàu có không phải là một tội. Rõ ràng dụ ngôn không đề cập tới việc ông
nhà giàu sa hỏa ngục đau khổ vì giàu có, nhưng vì ông không có lòng thương xót
người khác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống. Giàu có tự nó không xấu cũng không
phải là một tội. Nhưng là tội ở chỗ thay vì dùng tiền của là phương tiện giúp
cuộc sống gia đình ấm êm hạnh phúc, thì trở nên ngục tù đầy đau khổ đắng cay
(coi tiền hơn tình nghĩa); thay vì chìa tay giúp đỡ cho những người nghèo khổ
xung quanh thì chỉ biết ăn chơi phung phí không một chút động lòng trắc ẩn,
thay vì dùng nó để xây dựng tình nghĩa vợ chồng con cái, họ hàng bạn bè… thì vì
nó mà gây chia rẽ, bất nhân, bất nghĩa. Những người giàu như thế thì tiền của
có thể đem lại cho họ sung sướng bản thân nhưng thiếu tình người, chẳng ích gì
cho đời sau vì vậy mà tác giả Minh kỳ trong bài hát “Trở về cát bụi” viết tiếp
rằng: “Sống
trên đời này, tựa phù du, có đây lại rồi mất .
Cuộc sống mong manh, xin nhắc ai đừng đổi trắng
thay đen. Nào người sang giàu,
đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em. Người
ơi xin nhớ, cát bụi là ta, mai này chóng phai”. Cho nên, một
triết gia nói rằng: “Nếu
chết là dấu chấm hết, thì cái chấm hết ấy chỉ dành cho sự hận thù, không chia
sẻ”. Vì vậy, Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu dạy: “Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết
bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9).
Đối với người Kitô hữu chúng ta, trong Hiến Chế Vui
Mừng và Hy Vọng, Công đồng Vaticanô II dạy: “Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để sống riêng rẽ, nhưng để
tạo nên gia đình liên kết, hiệp nhất. Theo đó, tự bản chất con người không thể
thành nhân khi sống ích kỷ, không biết cho đi, nhưng chỉ thành nhân khi sống
với người khác” (số 32). Cho nên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Lòng thương xót là một lộ trình khởi hành từ con tim tới đôi tay, nghĩa là tới các
công việc của lòng thương xót”. Vậy, khi
chúng ta mở rộng cõi lòng sẵn sàng san sẻ vật chất cũng như tinh thần, thì lúc
ấy chúng ta được cả tha nhân lẫn Thiên Chúa. Ngài sẽ mở rộng cửa Thiên Đàng đón
chúng ta vào hưởng vinh quang hạnh phúc. Cho nên, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô
khuyên chúng ta rằng hãy làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng
rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy chúng ta tự tích trữ cho mình một vốn liếng vững
chắc cho tương lai, để được sự sống thật.
Thứ đến, nghèo khổ có phải
là có phúc không? Có thể có và cũng có thể là không. Thực vậy, nghèo quá có thể
làm cho người ta mắc nhiều tật xấu và tội ác: tham lam, trộm cắp, ghen tuông,
bất mãn, mặc cảm xa cách người đời, hận đời, trách móc Chúa, xa Chúa… Như vậy,
nghèo đâu có phải là phúc vì vừa khổ cực thân xác vừa mất linh hồn nữa. Do đó,
không phải nguyên tình trạng nghèo khổ đã là công phúc, mà cần phải có tinh
thần, có tâm hồn nghèo khó và biết chấp nhận tình trạng để rồi phấn đấu vươn lên
chính mình bằng hành động và công ăn việc làm hợp với luân thường đạo lý để thoát
khỏi cảnh nghèo trong hạnh phúc. Cụ thể, nhà tỷ phú Warren Buffect xuất từ một
gia đình nghèo rớt mùng tơi. Ông phải bán xe đạp của
mình và đi giao báo để kiếm tiền ăn học hết cấp 2, cấp 3. Trong năm đầu học
trường đại học, ông cùng một người bạn
mua một máy bắn bóng đặt trong tiệm hớt tóc để kiếm tiền ăn học. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm công cho một công ty. Dần
dần, Ông trở thành một
tỷ phú của thế giới ở tuổi 30. Đặc biệt khi là nhà tỷ phú của thế giới, ông
cũng nổi tiếng là một trong những nhà từ thiện hảo tâm nhất. Ông cam kết sẽ hiến tặng tới
99% khối tài sản khổng
lồ khoảng 74 tỷ USD để làm từ thiện. Dù là người giàu thứ hai thế giới nhưng
ông có một cuộc sống rất tiết kiệm, thực tế ông đã sống cả cuộc đời trong một
ngôi nhà mua từ năm 1957 cho tới nay.
Tiền
của vật chất Chúa ban cho chúng ta hưởng dùng và để xây dựng, thăng tiến cuộc
sống của mình, đồng thời phát triển tình người, xây dựng yêu thương giữa người
với người. Ai biết sử dụng như thế không những được ấm no hạnh phúc đầy ứ tình
thương ở đời này mà còn bảo đảm cho cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu mai sau trên
Thiên đàng. Ngược lại, ai khư khư hưởng dùng một mình, không bao giờ muốn giúp
đỡ hay chia sẻ cho người khác, nhất là những người nghèo khổ, dù là chỉ một
miếng cơm dư gạo thừa, thì sẽ tự mình chọn lấy án phạt đời sau vì khi còn sống
mình đã tạo hố ngăn cách giữa mình với Chúa và với tha nhân. Bởi vậy, giáo lý
Hội Thánh công giáo số 1038 dạy rằng mỗi người, ngay sau khi chết sẽ đến trước
toàn phán xét, và họ sẽ được tràn đầy sự sống, hạnh phúc hay bị kết án đời đời
tùy thuộc vào công việc từ bi thương xót của chúng ta ở đời này.
Lạy Chúa Giêsu chúng con không xin giàu sang nhưng
cũng xin đừng để con nghèo khổ, chỉ xin cho con tinh thần siêu thoát với của
cải vật chất để dù có đói nghèo cũng không liều mình trộm cắp, giả có giàu có
cũng biết dùng tiền của để xây dựng công bình, tình nghĩa anh em, kiến tạo tình
thương liên đới với mọi người từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét