Trang

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

DÙNG TIỀN TẠO LẤY TÌNH THÂN
Lời Chúa: Am 8, 4-7; 1Tm 2, 1-8; Lc 16, 1-13

         Kết quả hình ảnh cho tiềnNgười đời hôm nay cho rằng tiền và vàng bạc là những thứ đem lại cho cuộc sống giàu sang, sung sướng, muốn gì được nấy, “có tiền mua tiên cũng được” nên họ coi “Tiền là tiên là phật, là sức bật của thanh niên, là sức khỏe của tuổi già. Là cái đà của danh vọng. Là cái lọng che thân”. Cho nên, người nghèo nói gì mấy ai nghe, có mấy ai thương. Tuy nhiên, đó chỉ nhận định phiến diện về giá trị của đồng tiền vì trong thực tế, chúng ta vẫn thấy nhan nhãn những con người sa đọa, tội lỗi, hư hỏng vì dư thừa tiền bạc, và rồi người có tiền vàng như núi đó nhưng đùng một cái mắc căn bệnh nan y chẳng hạn, họ có mua được sức khỏe, có mua được “thuốc tiên” chữa lành bệnh không, hay là nằm trên đống tiền vàng mà chết dần chết mòn. Hoặc có những gia đình giàu có nhưng cuộc sống hôn nhân thì ngột ngạt, vợ chồng xào xáo, đánh nhau vì tiền. Cho nên, với bài hát “Tiền”, Ngọc Sơn đắng cay hát rằng: “Trong tay khônng tiền đời mấy ai thương. Những lúc có tiền nhiều kẻ ghét ganh. Bao đêm ngao ngán thở dài. Nhìn lên và hỏi ông trời giờ tôi biết sống làm sao? Trời ơi ! ! ! Ông trời ngoảnh mặt làm ngơ vì đời không giống trong mơ. Kiếp người phận số riêng ai trần gian là cõi đọa đầy. Thì cớ sao gây oán thù, vì danh lợi mà đau, vì kiếm tiền phụ nhau. Rõ ràng, ông bà ta nói tiền bạc là đúng. Bạc không chỉ là một loại quí kim, mà còn có nghĩa là bạc tình, bạc nghĩa. Vì tiền họ sẵn sàng họ đánh cha, mẹ, vì bỏ chồng, bỏ vợ con, vì tiền gian dối trong tình bạn hữu, lọc lừa họ hàng bà con lối xóm. Vì vậy, Trong tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã phải thú nhận: “Trong tay đã sẵn đồng tiền, dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Còn Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chua xót nói: “Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử. Hết cơm hết gạo, hết ông tôi”.

Chính vì vậy, các bạn thân mến, Chúa Giêsu hôm nay dạy chúng ta “Tiền bạc chỉ là tên đầy tớ tốt, chứ không thể là ông chủ tốt được. Anh em hãy dùng tiền của mà mua lấy tình bạn hữu”. Qủa thế, tiền của chỉ là những thứ vô tri vô giác, Thiên Chúa ban cho con người hưởng dùng để xây dựng, thăng tiến đời sống, đồng thời phát triển tình người, liên kết yêu thương nhau. Nó chỉ là phương tiện giúp con người đạt được hạnh phúc ở đời này và nhất là để đạt tới Nước Trời, là sự sống vĩnh hằng mai sau. Cụ thể, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh quản lý bất lương làm mẫu mực cho đời sống đức tin cho chúng ta. Nhưng có người hỏi rằng tên đầy tớ kia bất lương mà làm mẫu mực cái gì? Hắn gian dối như thế mà Chúa Giêsu khen, vậy Chúa Giêsu khuyến khích mình bất lương?
Không, các bạn thân mến, Chúa Giêsu khen cung cách ứng xử của anh ta khi đối diện với mối nguy đe doạ đến sự sống còn của mình. Anh ta giảm số nợ cho những con nợ để sau này có sa cơ thất thế, nghèo rớt mùng tơi thì họ sẽ cứu vãn sự sống của anh. Đó là cái  khôn ngoan của con cái đời này trong cung cách đối xử với đồng loại. Nhưng mà sự sống anh tìm cách cứu vãn là sự sống nào? Cơm ăn áo mặc, thân xác, thành công rực rỡ, nếu xét sự sống vật chất thì anh ta thành công, tuy nhiên nếu xét đến sự sống tâm linh anh ta thất bại vì anh không lương thiện, thiếu trung thực, không thật thà. Cho nên, Chúa Giêsu dạy không ai làm tôi hai chủ, vì nó yêu chủ này thì nó ghét chủ kia! Vâng, tiền bạc tự nó không tốt không xấu. Giá trị tốt hay xấu tuỳ thái độ của chúng ta khi sử dụng nó. Nếu tôi lấy sự sống thân xác làm giá trị tuyệt đối, thì tôi phải lao vào kiếm tiền cho nhiều dù phải gian xảo, mánh mung, lọc lừa, đàn áp hay bót lột, như thế thì sự sống tâm linh, lương tâm tôi bị đe doạ dễ trở thành người bất nhân bất nghĩa, bất hiếu và lương. Vì vậy, tiên tri Amos trong bài đọc 1 nói rằng Thiên Chúa lên án người giàu đối xử thậm tệ người nghèo, đồng thời sẽ kết án những việc làm của họ trong ngày sau hết. Vì vậy, trong cuộc sống đời này, nếu chúng ta lấy giá trị tình người làm tuyệt đối thì tiền bạc trở thành phương tiện phục vụ con người, tức là đem lại hạnh phúc, bình an cho mình và cho tha nhân, đặc biệt là đem lại sự sống vĩnh hằng mai sau.
Các bạn thân mến,  
Chúng ta là những được Thiên Chúa giáo cho quản lý vũ trụ. Vì thương xót, Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền quản lý tiền của, thời giờ và tài năng. Chúa bảo chúng ta phải sử dụng theo ý Chúa, tức là không chỉ có bổn phận gìn giữ, sinh lời mà còn biết ban phát theo ý Chúa. Chúa tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Chúa để chúng ta tiếp tục thay Ngài làm cho tha nhân được hạnh phúc, làm cho tình yêu và lòng đại lượng của Ngài trải rộng tới mọi người mọi nơi. Cho nên, chúng ta phải làm tôi Thiên Chúa vì Chúa là Đường, là Sự thật và là Sự sống và chỉ có Lời của Thiên Chúa mới đem lại sự sống đời đời và dẫn đưa chúng ta vào đường nẻo bình an. Ngược lại, nếu tôi làm tôi cho ma qủy chắc chắn chúng sẽ dẫn dắt chúng ta vào đường nẻo gian dối, tham lam, ich kỷ hưởng thụ, cuối cùng phải đau khổ, và chết đời đời.
Vì vậy, qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy kiểm điểm lại thái độ của mình khi sử dụng tiền bạc như thế nào, đồng thời thành khẩn xin Chúa ban cho chúng ta một nghị lực dứt khoát và can đảm để luôn chế ngự được ma lực hấp dẫn của đồng tiền, biết cách sử dụng tiền bạc để tạo tình thương, tình nghĩa với nhau trong cuộc bằng việc bác ái và chia sẻ. Vì thế, hãy coi trọng con người và tình người hơn tiền bạc của cải vật chất. Bởi vì tiền bạc không tồn tồn mãi mà chỉ có tình người. Cho nên, nhạc sĩ Beethoven xác tín rằng “Chỉ có Đạo mới làm chúng ta hạnh phúc sung sướng, chứ không phải là vàng bạc”. Còn Chúa Giêsu quả quyết được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, mất tha nhân và mất Chúa thì nào có ích gì. Cho nên, Đức Thánh Cha Phanxicô dạy rằng: Sự giàu có đích thực là tình yêu Thiên Chúa, được chia sẻ cho anh chị em mình. Tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa và làm cho chúng ta biết chia sẻ và giúp đỡ nhau. Ai có kinh nghiệm này thì được bình an trong tâm hồn và không sợ chết.”
Ước gì, Lời Chúa hôm nay thách bách chúng ta sử dụng tiền bạc đúng ý Chúa ngay trong môi trường mình đang sống xã hội đầy ấp tình người và tình Chúa. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét