Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

TĨNH TÂM GIỚI NGƯỜI MẸ - NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Chủ đề: 

Người Mẹ Công Giáo Phải Thương Xót Như Chúa

                                                             Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Kính thưa…
Hôm nay, các bà mẹ Công giáo trong giáo xứ chúng ta qui tụ về đây để dâng Thánh lễ mừng bổn mạng, Thánh Nữ Monica. Tại sao, chọn Thánh Nữ làm bổn mạng các bà mẹ Công giáo? Bởi vì, Thánh nữ Mônica là người sống Tám Mối Phúc của Chúa một cách hoàn hảo ngay trong đời sống gia đình: không tham lam của cải, sống hiền lành, chịu đựng trong nước mắt, thương xót mọi người, chịu đau khổ vì lòng mến Chúa, và nhất là người luôn biết xây dựng an bình và hoà thuận. Chúng ta mừng Lễ bổn mạng trong khuôn khổ của Năm Thánh lòng thương xót. Năm Thánh đã đi qua hơn nửa năm rồi, các bà mẹ đã cảm nghiệm lòng thương xót Chúa trong đời sống gia đình chưa? Nếu rồi, chúng ta sống mệnh lệnh của Chúa: “HÃY THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA” trong gia đình mình chưa? Nếu chưa thì hôm nay là cơ hội tốt nhất để chúng ta ngồi dưới chân Chúa để cảm nghiệm lòng thương xót Chúa từ khi lập gia đình cho đến bây giờ, để rồi chúng ta quyết tâm sống lòng thương xót đó đối với chồng con, mọi người trong xóm, trong giáo xứ và trong xã hội theo gương Thánh Nữ Monica ngõ hầu nhờ có ơn Chúa chắc chắn mỗi gia đình chúng ta là mái ấm đầy tình thương và hạnh phúc. Với tâm tình đó, tôi xin được chia sẻ với quý bà chủ đề: NGƯỜI MẸ CÔNG GIÁO PHẢI CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA.


Công Bố Lời Chúa (Hc 26,1-4.14-16)
          Phúc thay ai cưới được vợ hiền, tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, được an vui suốt cả cuộc đời. Vợ hiền là số tốt phận may dành cho những người kính sợ Đức Chúa: Giàu hay nghèo, lòng vẫn cứ an vui, lúc nào nét mặt cũng tươi cười. Vợ có duyên thì chồng hạnh phúc, vợ khôn khéo thì chồng được nở mặt nở mày. Phụ nữ ít nói là quà Đức Chúa ban, không chi sánh bằng người có giáo dục. Phụ nữ nết na là ân phúc tuyệt vời; không chi quý giá bằng người tiết hạnh. Người vợ hiền trong cửa nhà ngăn nắp đẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh của Đức Chúa. Đó là Lời Chúa!


Quảng diễn Lời Chúa

Qúy bà mẹ kính mến! ngày 8-5 vừa qua là ngày của mẹ. Tôi đọc trên mạng câu chuyện của một chàng thanh niên viết về mẹ của mình thật cảm động như sau: Từ bé mồ côi cha. Lớn lên và trưởng thành trong sự bao bọc và tình yêu thương của mẹ. Suốt mấy chục năm trời, Bà cực nhọc, ròng rã nuôi tôi. Nhưng suốt thời thơ ấu cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng không thích mẹ, không bao giờ giới thiệu cho ai gặp mẹ mình cả, không cho mẹ đến trường vì sợ bạn bè trêu chọc, chế giễu mình. Và lí do chỉ đơn giản là… bà mẹ bị chột một mắt.
Ngày nọ, mẹ tôi ghé qua trường thăm tôi. Tôi thấy mẹ đến liền ra nói: “Tại sao bà lại đến đây? Bà đến đây làm gì? Bà làm tôi xấu hổ và ngượng ngùng với tất cả mọi người… tôi thực sự chẳng thích bà”. Người mẹ chột mắt buồn bã đau đớn, nước mắt bà chảy dài nơi con mắt còn lại. Lặng lẽ nhìn đứa con trai rồi ra về. Trong khi ra về thì bọn học trò chạy lại trêu chọc bà là: “Bà phù thủy, bà già xấu xí…haha”. Tôi thật xấu hổ! Về nhà tôi la quát mẹ mình: “Tôi muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Tôi muốn bà không ở ngôi nhà này nữa. Bà làm tôi xấu hổ ghê gớm đấy. Bạn bè tôi chế giễu tôi. Họ khinh thường tôi. Họ ghê tởm bà. Bà hiểu không?”. Bà mẹ âm thầm không nói một câu dù biết người con bội bạc, vô lễ, bất hiếu và mất dạy.
Thế là tôi bỏ nhà đi. Thời gian trôi qua, tôi trưởng thành. Và rồi sau những tháng ngày miệt mài Tôi đã dành được 1 suất học bổng du học bên Singapore. Tôi hạnh phúc và yên vui sống ở đấy và không bao giờ nghĩ tới bà mẹ hiền ở quê nắng mưa thế nào! Sau 5 năm tôi có vợ và có 2 con, một gia đình giàu có và hạnh phúc. Tôi cũng gửi tiền về xây cho mẹ một ngôi nhà nhỏ và hàng tháng gửi chút tiền về cho mẹ. Tôi tự nhủ thế là mình đã làm tròn bổn phận của người làm con, cho nên không cần cho mẹ biết tôi ở đâu vì biết sợ mẹ đến làm xấu hổ vợ con.
Và rồi một ngày. Bà quyết định sang Singapore bằng được để được nhìn thấy đứa con và cháu nội lớn lên như thế nào. Vừa bước vào nhà, đứa cháu nội chạy ra, bà chưa kịp ôm cháu mừng rỡ, thì đứa cháu khóc thét lên vì sợ hãi với hình dạng của bà nội. Tôi vừa ngạc nhiên và bực tức, quát mắng: “Bà còn sang đây làm quái gì nữa? Bà đã làm tôi xấu hổ và tủi nhục đến thế nào rồi. Giờ bà không buông tha cho tôi? Không để tôi có một cuộc sống bình yên nữa sao?”. Bà lặn lẻ ra đi trong những nỗi đau xót.
          Vài tháng sau, tôi hay tin mẹ tôi qua đời. Tôi quyết không về nhưng vợ tôi nói: “Anh ơi nghĩa tử là nghĩa tận, dù sao bà cũng là mẹ anh sinh nặng đẻ đau, cho anh bú bớm thành người hôm nay”. Nghe vợ nói mà lòng xót xa, nên mua vé máy bay bay về Việt nam. Về đến nhà thì mẹ tôi được những người hàng xóm chôn 3 ngày rồi. Tôi lần vào buồng nhìn trên gường thấy chiếc gối mẹ tôi nằm ru tôi ngủ khi xưa. Cầm chiếc gối lên, tôi thấy một lá thư chính mẹ viết: “Con trai yêu! Mẹ xin lỗi vì đã không đem đến cho con những tháng ngày bình yên thuở bé…. Mẹ xin lỗi vì đã làm trò cười cho thiên hạ. Khiến con lún sâu vào vòng quay của sự tủi nhục và đau đớn. Muốn ra đi. Muốn sống ở thế giới khác để cho con khỏi lo phiền, khỏi bực tức nữa. Và giờ mẹ đã được toại nguyện.. Con biết không? Mẹ yêu con! Mẹ có thể đánh đổi tất cả: Có thể hy sinh đôi mắt của mình dành cho con. Hy sinh cuộc sống của mẹ để cho con được thấy ánh sáng mặt trời. Con biết không con đã bị hỏng một con mắt do một vụ tai nạn hồi bé. Nhà mình nghèo lắm. Mẹ không thể có đủ tiền chữa trị cho con. Mẹ bán hết tất cả những đồ đạc trong nhà, làm mọi cách để bác sĩ thay mắt mẹ cho mắt hư của con. Mẹ chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Chưa bao giờ biết đau. Mẹ yêu con không thể nào kể xiết. Và mẹ muốn đem lại cho con những gì tuyệt vời nhất mà mẹ có thể. Hy vọng khi mẹ rời xa con rồi. Đừng xa lánh. Đừng ruồng rẫy ghét bỏ mẹ nữa nhé! Con hãy sống tốt và chăm lo những đứa cháu nội nhé.. Yêu con!…”
Vâng, kính thưa quý bà mẹ! Phải nói tình thương của bà mẹ dành cho đứa con quá là tuyệt vời: chửi mẹ, không vâng lời mẹ (bỏ nhà đi), có hiếu nhưng hiếu vì thương hại chứ không vì nghĩa (gửi tiền cho mẹ), vô lễ với mẹ (có vợ không báo)… những tội lỗi ấy bà mẹ bỏ qua hết vì thương con. Nhưng thử hỏi, người con ấy, phản bội mẹ bằng cách cắt đứt máu mủ tình mẹ con, thậm chí giết mẹ để khỏi chướng mắt, thì người mẹ ấy có tha thứ, bỏ qua cho người con ấy không? 50/50 (tùy người).
Thưa các bà mẹ Công giáo, chúng ta có một người Mẹ toàn thiện đó là Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã thương xót chúng ta dù chúng ta có giàu có, có nghèo khố rách áo ôm, có khỏe mạnh, có bệnh tật, có học hay không biết chữ, có địa vị hay dân thường, có tâm thiện hay tâm tà, có hiền lành hay độc ác, có tội hay không có tội, có giết Chúa đi nữa Thiên Chúa vẫn yêu thương và tha thứ tất cả. Cụ thể:  

1. Thiên Chúa như người Mẹ luôn thương xót chăm sóc và che chở đời sống con cái từ khi sinh ra cho đến ngàn thu

Sách Tin Mừng Luca thuật rằng khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, Ngài thốt lên rằng: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Lc 13,34). Chúa Giêsu muốn nói đến Thiên Chúa như Đấng Bậc Mẹ Hiền hằng ưu tư ấp ủ đàn con. Chúa Giêsu mượn hình ảnh gà mẹ ấp ủ con dưới cánh để chỉ cho chúng ta sẽ thấy dấu chỉ của một tình yêu thương xót của Thiên Chúa hết sức tuyệt vời. Tình yêu thương xót luôn là sự bao bọc, che chở. Cho nên, Ngôn sứ Isaia nói: “Thiên Chúa yêu thương dân Người như mẹ hiền ấp ủ con thơ” (Is 49,13-16).
Qủa thế, lần giở lại những trang đầu tiên của Thánh Kinh, vì yêu thương con người, Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật và đặc biệt là con người. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất" (St 1,27,28). Như vậy, Thiên Chúa yêu con người đến nỗi ban hết phúc–lộc-thọ của mình cho con người. Phúc: khôn ngoan, hạnh phúc này và đời sau; lộc: cho bá chủ mọi loài, cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy và thọ là sống đời đời với Chúa. Ấy nhưng, cha mẹ loại đầu tiên này đã đánh mất phúc lộc thọ đó do không vâng lời Thiên Chúa. Qủa thế, khi chồng vợ Adam - Eva phạm tội không trung thành với tình nghĩa của Chúa, Thiên Chúa không bỏ mặc con người, vì chưng, lòng thương xót của Thiên Chúa muôn ngàn đời mãi trọn tình vẹn nghĩa với con người cho nên “Người có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương đến muôn đời” (Tv 30,6). Vì thế, Ngài đã sai Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu nạn, chịu chết và Phục sinh để làm cho chúng ta được phúc lộc thọ mà vợ chồng nguyên tổ đã đánh mất.
      Chúa Giêsu đến trần gian, vì thương xót con cái Chúa, Ngài chăm sóc chúng ta một cách chu đáo. Thứ nhất, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha (Ga 8,19) và căn tính của mình cho mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36-41) được Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a). Ngài còn mạc khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Ngài sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga 3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Thứ ba, Chúa đến thế gian như người tôi tớ phục vụ, chăm sóc, an ủi và yêu thương hết mọi người không trừ một ai. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cây thập giá để cho mọi người được hưởng phúc lộc thọ và chứng tỏ Thiên Chúa luôn trọn tình vẹn nghĩa với con người dù con người có bỏ Chúa. Vì vậy, thánh Tôma dạy rằng: “Bởi lòng thương yêu lạ lùng, Chúa Giêsu đã chịu treo trên thập giá, đã nộp mình vì chúng con và từ cạnh sườn bị đâm thâu Người đã đổ máu và nước ra, từ đó phát sinh các Bí tích của Hội thánh để khi mọi người đã được lôi cuốn đến cùng trái tim rộng mở của Đấng Cứu Thế thì luôn được vui mừng uống nước nơi nguồn suối cứu độ”. Như thế, chính bởi lòng yêu thương vô ngần của Thiên Chúa, của Đức Giêsu Kitô đối với chúng ta mà Người đã thiết lập các Bí tích để chăm sóc hết thảy những ai tin nhận Chúa thì đều được hưởng ơn cứu độ từ nguồn Bí tích đó. Rồi, khi Chúa Giêsu về trời, Thiên Chúa sai Chúa Thánh Thần đến an ủi, dạy dỗ, thánh hóa và ban mọi ơn cần thiết trong đời: khôn ngoan, thông hiểu, suy biết, lo liệu, sức mạnh, đạo đức và biết kính sợ để chúng ta trở nên thiện và thánh ngay đời này và đời sau.  
Kính thưa qúy bà mẹ,
Cuộc đời của Thánh Nữ Monica bình thường, ngài không phải là “bậc anh hùng hảo hán”. Mônica chỉ là phận gái “liễu yếu đào tơ”, nhưng cuộc đời của thánh nhân đã trở thành tấm gương ngời sáng cho những người mẹ trong các gia đình Công giáo. Thánh nữ sinh tại Phi châu trong một gia đình Công giáo. Lập gia đình với ông Patricius, một người ngoại giáo và có được ba người con. Chồng Mônica là một người giàu có, nhưng tính tình nóng nảy và không chung thủy. Người mẹ chồng của Thánh nữ cũng gắt gỏng và khó chịu. Patricius thường hay rầy la vợ, vì Mônica hay tỏ ra thương yêu và giúp đỡ mọi người. Dù vậy, thánh nữ vẫn luôn âm thầm hy sinh, kiên trì, chịu đựng trong nước mắt của nguyện cầu. Cuối cùng, Mônica cũng chinh phục được mẹ chồng cùng với chồng, và họ đã trở lại cùng Thiên Chúa. Hết chồng rồi lại đến con, Augustin học theo tính khí của cha, sống phóng đãng hoang đàng trong nhiều năm. Mônica vẫn theo con trên mọi nẻo đường con đi để chăm sóc, an ủi, cầu nguyện để mong ngày con được trở lại cùng Chúa nên thiện và thánh. Và cuối cùng, Chúa đã nhậm lời của bà, thằng con hoang đàng ấy đã trở lại với Chúa thành nhân và thành thánh Augustin lỗi lạc trong Giáo hội hôm nay.
Thánh Mônica đã hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa trao ban qua ơn gọi làm vợ và làm mẹ. Thứ nhất làm vợ, người vợ hết tình thương xót chồng như Chúa đã thương xót mình. Thương xót chồng đó là dùng tính nết của người vợ, người mẹ để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tính nết đó Chúa đã đặt để nơi người phụ nữ Việt nam rõ nhất:  (Tam tòng: Tại gia tòng phụ- con gái theo cha, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, Tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh). Công: nữ công, gia chánh may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, với người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi họa. Dung: dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân. Ngôn: lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng. Hạnh: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt.
Thứ hai, trách nhiệm làm mẹ của gia đình Công giáo là tận tình chăm sóc và giáo dục con cái, nhất là đời sống đạo đức. Thánh Nữ Monica mẫu gương cho các bà mẹ chúng ta cho việc kiên trì trong hy sinh dạy con nên người và cầu nguyện cho chồng con nên thiện.  Thánh nhân đã kết hợp với Chúa cách liên lỉ và hoàn toàn phó thác nơi Ngài. Cuộc đời của Thánh nhân với những biến cố vui buồn, thành công hay thất bại đều kết hợp với Chúa. Ngài luôn phó thác mọi sự trong sự an bài của Thiên Chúa. Nhờ đó mà chồng con đều lần lượt trở lại đạo Chúa, được Chúa thương xót.
Bắt chước gương Thánh Nữ Monica, nhất là kể từ nay suốt đời tôi, bà mẹ Công giáo phải dùng thiên chức làm mẹ mà Chúa đã trao phó cho tôi là thương xót chồng con như Chúa đã thương xót tôi bằng chăm sóc chồng con về đời sống luân thường đạo lý và đời sống đức tin một cách tận tình hết nghĩa đồng thời siêng năng cầu nguyện kết hợp với Chúa trong mọi hoàn cảnh của gia đình để nhờ lòng Chúa xót thương ban cho các bà mẹ phúc đức đúng như Lời Chúa. “Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, được an vui suốt cả cuộc đời. Vợ hiền là số tốt phận may dành cho những người kính sợ Đức Chúa: Giàu hay nghèo, lòng vẫn cứ an vui, lúc nào nét mặt cũng tươi cười. Vợ có duyên thì chồng hạnh phúc, vợ khôn khéo thì chồng được nở mặt nở mày. Phụ nữ ít nói là quà Đức Chúa ban, không chi sánh bằng người có giáo dục. Phụ nữ nết na là ân phúc tuyệt vời; không chi quý giá bằng người tiết hạnh. Người vợ hiền trong cửa nhà ngăn nắp đẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh của Đức Chúa” ( Hc 26,1-4.14-16).  

 2. Thiên Chúa như người Mẹ không mệt mỏi thứ tha cho con cái
Trong Tông sắc “Dung Nhan Lòng thương xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, nhờ đó, Ngài mạc khải Tình Yêu của Ngài như là Tình Yêu của một người cha và của một người mẹ mà con cái của họ nằm sâu trong con tim của họ. Đó thực sự là một Tình Yêu mãnh liệt. Tình Yêu ấy đến từ tận nơi sâu kín nhất và thẳm sâu nhất, nhưng tất nhiên là được thúc đẩy bởi sự trìu mến và bởi sự cảm thông, bởi lòng khoan nhân và bởi sự tha thứ” (số 6§2).
Qủa thế, Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta. Ngài không bao giờ mệt mỏi để tha thứ cho con cái mình. Khi Phêrô hỏi Chúa Giêsu, con phải tha thứ bao nhiêu lần? 7 lần?’ Chúa Giêsu đã trả lời, ‘Không phải bảy lần, mà là 70 lần 7’, tức là tha thứ vô hạn. Đó là cách Chúa tha thứ cho chúng ta: luôn luôn, không ngừng. Dù cho chúng ta sống một đời quá nhiều tội lỗi, quá nhiều xấu xa, nhưng đến cuối cùng, chỉ cần một chút ăn năn, xin tha thứ, thì Chúa sẽ ngay lập tức tha thứ cho chúng ta! Ngài luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Cụ thể hơn, Chúa Giêsu trước khi trút hơn thở cuối cùng đã nói một lời tha thứ cho mọi người xúc phạm đến Ngài:Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết họ làm” (Lc 23,34). Lời này của Chúa Giê-su trên thánh giá là lời sống. Lời sống được nói từ Thánh Giá cho chúng ta thấy rằng tình thương xót của Thiên Chúa còn lớn hơn tội lỗi biết bao nhiêu. Nhờ có câu nói này mà tình yêu của Chúa Giêsu mới là tình yêu đích thực, chuẩn mực cho mọi tình trên trần gian bởi chưng nếu Chúa không tha thứ, tình yêu của Ngài cũng giống như tình yêu của trần gian “sống để bụng chết mang theo”, không tha thứ.
Hỡi các bà mẹ công giáo, chúng ta phải lấy tình yêu của Đức Kitô làm lẽ sống cho tình yêu gia đình của mình vì chúng ta ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Ga 15,18) có nghĩa rằng các bà mẹ là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, các bà mẹ hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong các bà người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho các bà, thì các bà cũng vậy, các bà phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, các bà phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết mọi thành viên trong gia đình các bà tuyệt hảo nhất (Cl 3,13).
Trong Tông Huấn mới đây nhất về Gia Đình, Niềm Vui Yêu Thương, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lý do tại sao các gia đình ngày nay còn gặp quá nhiều đau khổ, khó khăn và thử thách như: nạn thất nghiệp, phá thai, bạo lực, nghiện ngập, con cái hoang đàng, ly dị, ngoại tình… Ngài nói vì mọi thành viên trong gia đình thiếu hoặc không có: lòng kiên nhẫn, sự quảng đại, niềm hy vọng, lòng thủy chung, ơn tha thứ và niềm phó thác tin cậy nơi Thiên Chúa.
Tha thứ cho người dưng nước lã thì dễ nhưng tha thứ cho chồng hay con cái rất khó! Khó ở chỗ rằng chúng ta biết nhau quá, thương nhau quá, tin tưởng nhau quá, ăn cùng mân, ngủ gường, tại sao chồng con phạm tội phản bội mình, mình thất vọng quá, tuyệt vọng quá! Nhưng chúng ta là Kitô hữu khó cũng phải làm, phải tha thứ bởi vì một nhà thần học nọ nói rằng: “Trên đời người ta cần chữ viết – Chúa gửi các nhà giáo dục. Nếu người ta cần tiền – Chúa gửi các nhà kinh tế. Nếu cần giải trí – Chúa gửi các anh hề hay ca sĩ. Và người ta cần tha thứ - Chúa gửi các Kitô hữu vì họ không chỉ tha 7 lần mà 70 lần bảy”. Vợ chồng cùng xương cùng thịt với nhau, sống chung với nhau mà sống chung là có đụng, mắc lỗi là thường tình. Mắc lỗi mà không tha thứ cho nên mới có chuyện chối bỏ nhau: “Chồng gì anh vợ gì tôi, chẳng qua cái nợ đời chi đây”. Không tha thứ nhau cho nên đời sống gia đình của chúng ta sẽ không còn là nơi để hiểu nhau, để nâng đỡ và khích lệ nhau, mà đúng hơn, chỉ là một nơi triền miên căng thẳng và phê phán lẫn nhau. Lúc ấy, chúng ta mới cảm nghiệm được câu nói của ông bà xưa rất đúng: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi trót vẹn câu thề”. Vì vậy, tha thứ là một trong những nhân tố làm cho tình nghĩa vợ chồng được sắt son và bền lâu cho đến hết hơi cho đến trong đời. Chứ không có chuyện: “Chiều hôm nay tiếng hát bay cao. Quỳ bên nhau trước Đấng tối cao. Hứa yêu nhau,trao câu thề chung sống trọn đời. Rồi mai đây,kiếp sống có đôi. Đời buồn vui mãi mãi bên nhau. Khấn xin Mẹ thương dắt dìu tình yêu dâng cao”. Nhưng hôm nay: “Thôi là hết anh đi đường anh. Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi. Còn mong gì hình bóng xa xôi. Nhắc làm gì chuyện năm xưa. Cho tim thêm ngẩn ngơ. Thôi là hết em đi đường em. Từ nay sầu dẫm nát tim côi. Vì sao trời đành bắt duyên em. Lỡ làng cùng người em thương”. Ông Trời đâu có bắt tình duyên vợ chồng phải lỡ làng, do chúng mình bắt nhau đó thôi vì không tha thứ cho nhau!
Cụ thể, Tháng 3 vừa qua, có một bà mẹ đến gặp tôi nói chuyện rằng: “Thưa cha, mấy tháng nay con đau khổ quá, con đang bị suy nhược thần kinh, mỗi lần con đến trước di ảnh chồng con là con tức cầm di ảnh đập phá không biết mấy cái rồi, đập di ảnh rồi còn tức lên huyết áp nhập viện không biết mấy chục lần. Con cái khuyên mẹ tha thứ, dẫn con vào đan viện tĩnh tâm 10 ngày rồi 20 ngày nhưng về đến nhà con cũng không thể nào tha thứ cho ổng cha ơi! Hôm nay là 50 ngày ổng mất, con không muốn xin lễ nhưng con cái nói quá nên con xin cha làm cho con 10 lễ trong đó chỉ một lễ cho ổng thôi, còn cho con và con cái nhưng nói tới ổng con lại tức quá thôi khỏi xin lễ cho ổng nữa”. Tôi hỏi mà ổng làm chuyện gì mà chị tức tối dữ vậy, ổng có tội chi đến nỗi ổng chết rồi chị không tha thứ. Chị ta nói ổng lừa dối con, ổng có vợ nhỏ khi nào không cho con biết khi ổng chết rồi mới lòi con vợ nhỏ ra. Con tức ở chỗ là thà khi còn sống ổng nói con một tiếng con dễ chấp nhận đằng này đến chết không nói, giờ để lại con cục tức và cục nợ này hỏi cha làm sao tha thứ nỗi đây cha. Tôi nói chị ơi, chị là mẹ mà lòng mẹ thì bao la như biển thái bình mà, chị là vợ mà thì chín bỏ làm mười mà, hơn nữa chị là con cái Chúa, chị thấy không Chúa tha thứ hết cho chúng mình dù chúng mình tội tầy trời hơn tội ổng xã chị nữa. Chúa mời gọi chúng ta phải tha thứ cho nhau, khi tha thứ cho nhau trong cuộc sống thì mới có tình yêu, đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời. Thứ hai, chị tha thứ thì tâm chị mới bình an, chị không tha thứ thì chị có đi tĩnh tâm mấy tháng, có xin lễ tỷ lần, có xưng tội ngàn lần thì chị làm những điều ấy vô ích, vô nghĩa và vô công (không có công trạng gì hết) vì chị có nhớ Lời Chúa Giêsu dạy không? “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Rõ ràng, Chúa dạy tha thứ quan trọng hơn của lễ, chị nhớ cho. Vậy, chị tha thứ đi thì mọi của lễ chị xin dâng mới được Chúa chấp nhận và ban phúc.
Thưa quý bà mẹ, bất cứ hôn nhân nào cũng đặc trên nền tảng vững bền là tình yêu. Mà “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Vì vậy, trong đời sống gia đình chuyện mắc lỗi với nhau, đổ nát là chuyện thường tình vì con người chứ đâu phải là thánh. Xin nhớ cho rằng trong chuyện đổ nát ấy mà mình biết tha thứ, biết thông cảm cho nhau thì tình yêu gia đình ấy bền chặt và thăng tiến. Cho nên, ông bà có câu: “Tưởng rằng đá nát thì thôi, ai ngờ đá nát nung vôi là nồng”.  Còn Lời Chúa dạy rằng trên hết mọi đức tính, chúng ta phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết mọi thành viên trong gia đình chúng ta tuyệt hảo nhất (Cl 3,13).

3. Thiên Chúa như người Mẹ luôn âm thầm hy sinh vì yêu thương con cái

Đỉnh cao lòng thương xót của Thiên Chúa được tựu trung nơi Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa vinh quang, quyền năng, giàu sang thế nhưng vì đàn con thân yêu nên hy sinh xuống thế làm người dưới mức tầm thường “sinh không an cư chết không nguyệt tán”. Rồi vì đàn con thân yêu nên Ngài phải hy sinh quên mình “sinh ngoài đồng, ăn đon đả, sống ngoài đường và chết ngoài đồi” để mong cho đàn con nên người, nên thiện và nên thánh xứng đáng là con Thiên Chúa. Và tột đỉnh sự hy sinh của Chúa Giêsu là cái chết trên thập giá và sống lại để cứu chuộc con người. Vì thế, Chúa Giêsu dạy: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Bạn hữu của Chúa Giêsu chính là con cái của Thiên Chúa. Ngài "hy sinh tính mạng", chịu chết vì con người, và Ngài đã sống lại để cứu con người khỏi phải chết do tội, hầu cho con người được sống trong vinh quang với Ngài. Đức Kitô đã chấp nhận hy sinh để cho con người được hạnh phúc. Đây chính là bài học về lòng thương xót mà mỗi người mẹ Công giáo chúng ta cần phải học nơi Đức Kitô: hy sinh cho và vì hạnh phúc của chồng con.
Đức hy sinh là yếu tố quan trọng nhất để tình yêu hôn nhân gia đình được bền lâu. Ở Việt Nam, khi nói đến hy sinh, người ta thường nghĩ đến hình ảnh người vợ, người mẹ, suốt đời hy sinh cho chồng cho con. Cho nên, trong thơ ca, Thi sĩ Hồ Dzếnh có câu: Cô gái Việt Nam ơi. Nếu chữ hy sinh có ở đời. Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực. Cho lòng cô gái Việt Nam tươi. Trong âm nhạc, nhạc sĩ Y Vân với bài Lòng Mẹ mô tả: “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào. Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào. Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu. Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ. Thương con thao thức bao đêm trường. Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày. Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn. Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền. Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền. Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm. Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên”.
Ngày nay, trong thời đại văn minh, trong xã hội máy móc này, nhiều bà mẹ chỉ sống cho lợi ích cá nhân, nói đến lòng hy sinh chúng ta thấy như là điều quá xa vời, không thực tế và hầu như không thể chấp nhận được. Nhưng, đối với các bà mẹ Công giáo thì khác, phải hy sinh cho tha nhân vì Chúa dạy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Như thế, đức hy sinh là một trong những yếu tố căn bản, giúp cho mối tình giữa người với nhau thêm đậm đà khăn khít. Vốn bản tính mềm mại, sẵn sàng chịu đựng gian khổ để đem niềm vui đến cho chồng cho con nên các bà thường là người hy sinh cho gia đình nhiều hơn các ông. Cụ thể, trong xã hội có biết bao nhiêu người vợ hy sinh đi làm để nuôi chồng ăn học đến nơi đến chốn. Có người sẵn sàng hy sinh miếng ăn, giấc ngủ; sẵn sàng chịu thiệt thòi, đau khổ một mình, để chồng vui, con sung sướng và gia đình êm ấm. Có người hy sinh những niềm vui riêng tư như bỏ qua những dịp về thăm cha mẹ, gặp gỡ bạn bè cũ để chồng vui lòng và hạnh phúc gia đình không bị tổn hại. Có người gánh hết công việc nhà, lo cho con cái để chồng có thể góp mặt với xã hội. Có những bà vợ dù có thể học thêm để tiến thân nhưng sẵn sàng hy sinh, nhường cho chồng đi học. Cũng có người sẵn sàng không nhận những việc làm lương cao nhưng chỉ đi làm bán thì giờ để có thể ở nhà lo cho chồng cho con. Đó là những gương hy sinh thật cao quý. Chúa biết tấm lòng sẵn sàng hy sinh của người phụ nữ nên trong lời dạy về bổn phận vợ chồng, Ngài không bảo người vợ phải hy sinh. Trái lại, Chúa nhắc nhở các ông phải hy sinh cho vợ: Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5,22-25). Dù Lời Chúa không trực tiếp khuyên các bà phải hy sinh cho chồng mà chỉ khuyên các bà phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa, chúng ta thấy lời dạy này cũng ngầm khuyên các bà phải hy sinh.
Ngôi Hai Thiên Chúa đã hy sinh xuống thế làm người, chịu chết và sống lại để trao ban lòng thương xót cho ta. Để đón nhận lòng thương xót của Ngài, ta cần phải sống bài học hy sinh mà Ngài đã sống. Từ bỏ đàng tội lỗi, sống thánh thiện như Chúa muốn, đó là ta đang hy sinh. Từ bỏ những thói tật xấu, tập tành các nhân đức, đó là ta đang hy sinh. Có những việc làm và lối sống xem ra tốt nhưng không thực sự phù hợp với ơn gọi làm con Chúa, cản trở ta sống trở nên giống Ngài, cản trở ta sống kết hợp với Ngài, ta cần phải hy sinh nó. Khi sống hy sinh như đã nêu, chắc chắn ta sẽ đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua sự hy sinh của Đức Kitô, Con Một Ngài. Đức Kitô đã chết cho tội lỗi của ta, đến lượt mình, ta cũng phải chết đi cho tội của mình để được sống với Chúa.
Bước tiếp theo, để ta thực sự trở nên giống Chúa Giêsu, Dung Mạo của Lòng Thương Xót của Chúa Cha, ta cần phải hy sinh cho người khác. Qua những hy sinh của ta, Thiên Chúa trao ban lòng thương xót của Ngài cho tha nhân. Khi ta sống ích kỷ, ganh tị, hờn giận, ghen ghét, thành kiến với người khác là ta đang làm cản trở, không để cho lòng thương xót của Thiên Chúa đến với họ. Khi ta sống vô cảm, vô tâm hay vô tình trước những đau khổ của người khác là ta làm suy yếu dòng chảy của lòng thương xót của Thiên Chúa đến với họ. Khi ta nhẫn tâm và ác tâm gây ra những đau khổ cho người khác là ta đang chặn đứng dòng chảy của lòng thương xót của Thiên Chúa đến với họ. Tất cả những lối sống vừa kể ra đều phát xuất từ một nguyên do chính là ta chưa sống hy sinh. Ta không hy sinh những thói tật xấu của mình và chết đi cho tội lỗi của mình thì dòng chảy của lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đến được với ta; cũng vậy, khi ta sống ích kỷ, ganh tị, hờn giận, ghen ghét, thành kiến, vô cảm, vô tâm, nhẫn tâm và ác tâm với người khác thì dòng chảy của lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đến với họ. Thiên Chúa thương xót chúng ta, và qua chúng ta, Ngài cũng muốn thương xót những người khác nữa!
Cuộc sống gia đình của Mônica gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ nhưng khi gặp những nghịch cảnh ngập đầu, Mônica không hề oán trách, nhưng ngài đã tìm ra những liều thuốc giải độc tốt nhất cho linh hồn mẹ chồng, chồng và các con, đó là sự hy sinh, lời cầu nguyện liên lỉ, cộng thêm những đức tính tuyệt vời như lòng bác ái, tình yêu thương, tinh thần quả cảm, đức tính khiêm nhường, và vững tin vào Chúa. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Mônica vẫn một lòng yêu mến, kính trọng chồng và mẹ chồng; lại luôn sống làm gương sáng cho các con; yêu thương giúp đỡ dân làng.
Vậy, mừng lễ bổn mạng các bà mẹ Công giáo trong Năm Thánh lòng thương xót này, chúng ta hãy học nơi Lòng Thương Chúa 3 bài học này để xây dựng gia đình mình được hạnh phúc và luôn thuận hòa thương yêu nhau: (1) Người mẹ Công giáo phải luôn thương xót chăm sóc và che chở đời sống con cái từ khi sinh ra cho đến ngàn thu như Thiên Chúa. (2) Mẹ Công giáo không mệt mỏi thứ tha cho con cái như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. (3) người Mẹ Công giáo luôn âm thầm hy sinh vì yêu thương con cái như Chúa vậy. Amen.
CHÚA GIÀU LÒNG XÓT THƯƠNG
1. Lạy Chúa! Ngài giàu lòng xót thương, xin ban ơn phù giúp con đêm ngày. Lạy Chúa! Ngài rộng lòng thứ tha, xin rộng ban tình yêu và tha thứ, ban cho con đầy hồng ân chan chứa, xin cho con luôn say men tình Chúa. Chúa yêu con người, chết treo thập hình, để cứu độ trần gian.
2.Lạy Chúa! Ngài đã từng rửa chân, xin cho con hãy biết luôn khiêm nhường. Lạy Chúa! Ngài đã từng bảo ban, đem ủi an những người đang khốn khó, chia cho nhau những hạt cơm manh áo, luôn cho đi những gì mình đang có. Để cho mọi người, biết nhận được rằng: Đó chính là TÌNH YÊU.
ĐK: LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA NGÀI ĐẾN CHÚNG CON, DÌU CON ĐẾN TẬN NGUỒN CỦA THÁNH ÂN, ĐỂ CON ĐI LOAN TIN MỪNG CHÚA. VÒNG TAY CHÚA NGÀI RỘNG MỞ THỨ THA, ĐỂ ÔM LẤY CẢ TỘI LỖI CHÚNG CON, TRÁI TIM NGƯỜI BAN PHÁT NGUỒN TÌNH YÊU.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét