Trang

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Bài nói chuyện với giới trẻ Năm Thánh Lòng thương xót

“Phúc thay ai xót thương người, 
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7)

Các bạn trẻ thân mến,
Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi giúp cho con người, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện học hỏi, trau dồi và tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Nhưng thay vào đó, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến “bệnh vô cảm”. Qủa thế, giới trẻ có nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức hơn các thế hệ đi trước, nhiều trường công và trường tư mở ra để đào tạo những con người có tri thức, có đạo đức, hầu phục vụ cho con người, dẫn đưa xã hội con người đến một nền văn minh tiên tiến và hạnh phúc hơn. Nhưng thật đau lòng trong xã hội hôm nay không thiếu những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức của giới trẻ được xảy ra khắp đó đây. Chẳng hạn như các bạn nữ sinh đánh nhau, cởi đồ và xé áo bạn hay là học sinh đánh thầy cô giáo đến nỗi phải nhập viện. Điều đáng lên án là, khi chứng kiến các vụ việc trên, hầu hết các bạn đều dửng dưng, bàng quan như không thấy gì. Thay vì can ngăn, giải thích đúng sai, thì họ lại cổ vũ, ủng hộ hết mình cho những hành động vô đạo đức và thiếu văn hóa đó.

Từ thực trạng đó mà em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp đã viết bài văn mô tả về bệnh vô cảm trong xã hội ngày nay rằng: “Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Ðó là trong khi các nhà khoa học đang "vò đầu bứt tóc" không biết làm sao có thể chế tạo ra một con chip "tình cảm" để khiến "những cỗ máy vô tình" này biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Ðó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội - bệnh vô cảm. Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy? Chúng ta biết bệnh vô cảm vô cùng nguy hiểm nhưng lại đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc thì nguyên nhân tại sao? Suy cho cùng, tình cảm là điều chi phối tất cả. Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc”.
Các bạn trẻ thân mến,
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở ra Năm Thánh lòng thương xót để cho mọi người cảm nhận được tình thương xót của Chúa ngõ hầu biết thương xót nhau như Chúa đã thương xót chúng ta. Chúa Giêsu là dung nhan lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người giống như chúng ta, ở tuổi các bạn, Ngài đã cúi xuống trên nỗi khốn khổ của con người và bày tỏ lòng từ bi của Ngài cho những ai cần đến sự cảm thông, chữa lành và tha thứ. Cho nên, “Nếu chúng ta ngước mắt nhìn lên Chúa Giê-su và ngước mắt nhìn lên dung nhan nhân hậu của Ngài, chúng ta sẽ thấy được Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Sứ mạng mà Chúa Giê-su đã nhận lãnh từ Chúa Cha, chính là điều mạc khải về mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trong sự viên mãn của Ngài. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16), Thánh sử Gio-an đã xác nhận như thế lần đầu tiên và là một lần duy nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Tình Yêu này rõ ràng và trở nên cụ thể trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giê-su. Ngôi vị của Ngài không phải là bất cứ điều gì khác ngoài Tình Yêu, một Tình Yêu tự hiến. Những mối tương quan của Ngài đối với con người, tức những mối tương quan bao quanh con người, chính là mối tương quan duy nhất và không thể sao chép. Những dấu chỉ của Ngài, chẳng hạn như đối với các tội nhân, với những người nghèo, những người bị đẩy ra bên lề, các bệnh nhân và những người đau khổ, chính là một bài học về Lòng Thương Xót. Tất cả trong Ngài đều nói về Lòng Thương Xót. Không có bất cứ điều chi trong Ngài mà không phải là sự chạnh thương” (Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, số 8§1).
Các bạn trẻ thân mến,
 Đã có lần nào các bạn cảm thấy ánh mắt tình yêu thương xót vĩnh cửu của Thiên Chúa nhìn vào cuộc đời các bạn, một ánh mắt nhìn vượt trên tội lỗi, trên những giới hạn và thiếu xót của các bạn, và tiếp tục tin ở các bạn và nhìn cuộc đời các bạn với niềm hy vọng chưa? Các bạn có nhận ra rằng các bạn thật quý giá biết bao đối với Thiên Chúa, Đấng trao ban cho các bạn tất cả vì tình yêu thương xót? Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta thế này, đó là ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, Đức Kitô đã chết cho chúng ta trên thập giá” (Rm 5, 8).
Có lẽ chúng ta tự hỏi mình rằng đâu là nguồn gốc sức mạnh phi thường của cây thập giá? Đây là câu trả lời: thập giá là dấu chỉ hùng hồn nhất của lòng Chúa thương xót! Nó nói cho chúng ta thấy rằng thước đo của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại là thương xót không so đo, không mệt mỏi! Qua thập giá chúng ta có thể đụng chạm được lòng Chúa thương xót và lòng thương xót ấy chạm được đến chúng ta! Cho nên, Lời Chúa dạy chúng ta rằng "Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35). Đó là lý do tại sao Mối Phúc thứ 5 trong Tám mối phúc Chúa Giêsu dạy nói rằng người xót thương được chúc phúc. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Nhưng chúng ta chỉ thực sự có phúc và sung sướng khi chúng ta đi vào được cái “quỹ đạo” thương xót của Thiên Chúa là cho đi và thương xót nhưng không, khi chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa thương xót chúng ta vô cùng để làm cho chúng ta có khả năng thương xót như Ngài, không giới hạn và không mệt mỏi. Vì vậy, Thánh Gioan tông đồ xác tín rằng: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu... Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4, 7-11).
Các bạn trẻ thân mến,
Trái tim không tình yêu là trái tim vô cảm, đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi khát khao hạnh phúc của người khác mà giúp đỡ hay chia sẻ mà cầu nguyện đỡ nâng. Vô cảm thì luôn chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà không bao giờ cho đi cho nên mới có chuyện em Hoàng Yến mô tả cảnh đời trái ngang như thế! Vô cảm nên mới có chuyện một người còn chưa tới tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà một cách dã man để lấy vàng bạc? Vô cảm nên có chuyện người ta rủ nhau đi phá thai rầm rộ như đi lễ hội hiên ngang mà không thấy đau lòng khi giết chính con cái mình và phạm tội với Chúa? Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn nữa. Tất cả đều xuất phát từ thái độ vô cảm mà ra.
Tại sao con người ngày nay vô cảm? Lời Chúa trả lời rằng vì không có Chúa, tức không có tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Không có Chúa nghĩa là không có Lời Chúa, mà Lời Chúa là đèn soi cho chúng ta đi và chỉ có Lời Chúa mới làm cho chúng ta sống thương xót nhau. Lời Chúa là Lời tình yêu thương xót luôn ban cho trái tim chúng ta những hạt mưa thương xót để dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, gian tà, độc ác… đồng thời đốt lên trong lòng ta ngọn lửa yêu thương, tha thứ, hiền lành, khiêm nhường, từ tâm, nhẫn nại.... Cho nên, Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (Cr 13,4-8).
Vì thế, Trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm nay,  Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta phải từ bỏ thái độ dửng dưng với con người và môi sinh để mặc lấy lòng thương xót, qua sự cải hoán tâm hồn. Thiên Chúa không bao giờ dửng dưng trước tiếng kêu khóc của con cái Ngài, Ngài dạy chúng ta phải có lòng thương xót. Lòng thương xót này là “quả tim của Chúa, và đó phải là quả tim của tất cả những ai nhận biết mình thuộc về một gia đình lớn là gia đình con cái của Chúa”. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta cầu nguyện xin Chúa như Thánh Faustina nữ tông đồ của lòng thương xót Chúa rằng: Lạy Chúa, xin hãy giúp con để mắt con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ ngờ vực hay phán đoán theo bề ngoài, nhưng biết nhìn thấy những gì là mỹ miều nơi tâm hồn của tha nhân và giúp đỡ họ. Xin hãy giúp con để tai con biết xót thương, nhờ đó, con lắng nghe các nhu cầu của tha nhân, và không dửng dưng trước những đớn đau và than van của họ. Lạy Chúa, xin hãy giúp con, để lưỡi con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ nói tiêu cực về người khác, nhưng biết có lời ủi an và tha thứ cho mọi người. Lạy Chúa, xin hãy giúp con để tay con biết xót thương và đầy những việc thiện; xin cho chân con biết xót thương, nhờ đó, con mau mắn giúp đỡ tha nhân, bất kể sự mệt nhọc và chán chường của bản thân. Xin hãy giúp con, để tim con biết xót thương, nhờ đó, chính con có thể chung chia mọi khổ đau của tha nhân. Amen” (Nhật Ký của Thánh Faustina, 163).
                                        Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét