Trang

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH - CHÚA THĂNG THIÊN



LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA BAO LA NHƯ TRỜI BỂ

Cv. 1, 1-11; Dt. 9, 24-28; 10, 19-23; Lc. 24, 46-53


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với một tâm hồn nhạy cảm sâu sắc, ông mang trong mình nỗi niềm khắc khoải đi tìm chốn quê nhà vĩnh cửu, thế nên bao nhiêu năm rồi, ông “đi lên non cao”, “đi về biển rộng” và đi loanh quanh khắp cõi nhân gian cũng không tìm thấy nơi nao là chốn quê nhà vĩnh cửu. Để đáp lại nỗi niềm của những tâm hồn thao thức đó, Đức Kitô phục sinh chỉ thấy cho chúng ta “một cõi đi về” của Ngài là Thiên Đàng ở trên trời, mà hôm nay Ngài về cõi đó. Cụ thể, trang Tin Mừng kể rằng: “Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”.


Tại sao cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không tìm ra quê nhà vĩnh cửu trên trời? Thưa vì ông không biết đường đi, không biết đường cho nên mới đi loanh quanh, mà đi loanh quanh là đi lòng vòng không có lối thoát cho nên ông nói: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi trở về cát bụi”. Còn chúng ta thì khác, chúng biết đường đi, có con đường để đi về, có quê nhà vĩnh cửu để về và về trong thân xác phục sinh vinh hiển chứ phải là trở về cát bụi. Con đường ấy chính là Chúa Giêsu, bởi vì Ngài khẳng định “Ta là Con đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14,6). Vì vậy, Chúa quả quyết với chúng ta rằng: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3). Và nhà Cha của Chúa Giêsu chẳng phải là quê trời vĩnh cửu, là thiên đàng là Nước Trời đó sao?

Quê nhà vĩnh cửu của của đời người không nằm ở cõi đời này, vì “sinh ký tử quy”, sống gửi thác về mà, về đâu, về cõi vĩnh hằng. Nhưng cuộc sống kiếp nhân sinh luôn gắn liền với tiền của vật chất, luôn có niềm vui, nỗi buồn sướng khổ và phải trải những gian nan thử thách, điều quan trọng chúng ta đừng quá bám víu vào của cải vật chất, đừng thất vọng, và cũng đừng lao mình vào đam mê dục vọng tội lỗi. Những thứ đó rồi cũng qua đi, và có thể làm hồn xiêu phách lạc. Chỉ có sự hiện diện của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô phục sinh và là dung nhan của lòng thương xót của Chúa Cha ngay trong đời sống chúng ta mới làm cho ta bình an, thánh thiện và hạnh phúc ở đời này đồng thời nắm chắc niềm hy vọng được Phục sinh lên trời với Chúa mai sau.

Hôm nay Chúa Giêsu “được rước lên trời”: đó là một lối nói của Thánh Kinh nhằm diễn tả việc Chúa Phục Sinh từ giã trần gian để về cùng Thiên Chúa Cha bởi vì Ngài từ Cha mà đến và nay trở về với Cha. Cụ thể, câu chuyện Chúa lên trời được bài đọc 1 kể lại là một kiểu nói bình dân để diễn tả một mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh, tức là nhân tính của Chúa Giêsu được rước lên trời, có nghĩa rằng Ngài được tôn vinh hay được vào trong vinh quang Chúa Cha. Vì vậy, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô quả quyết rằng “Đức Kitô đã được Thiên Chúa biểu dương, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Chúa Cha trên trời”.

Chúa Giêsu về trời rời xa chúng ta về thân xác nhưng luôn hiện diện đồng hành với chúng ta trong đời sống này cách huyền nhiệm bằng thân xác Phục sinh vinh hiển của Ngài qua Thánh Thể và Lời của Ngài. Qủa thế, Lời Chúa Giêsu đã vạch lối chỉ đường chắc chắn nhất, ngắn nhất và an toàn nhất dẫn ta lên Trời, vì chính Ngài đã xuống từ đó và cũng lên đó. Con đường ấy là con đường nào, dễ đi không? Ai có thể đi con đường ấy? Chúa Giêsu dạy rõ ràng: con đường lên trời là con đường hẹp: con đường thập giá, con đường tình yêu thương xót, con đường hy sinh từ bỏ tính hư tật xấu. Vậy chúng ta có muốn đi con đường đó không? Hay là chúng ta muốn lên thiên đàng hưởng hạnh phúc với Chúa lắm nhưng còn nợ trần gian quá, e rằng những thứ tiền tài tình, danh lợi thú còn đeo bám và kéo chúng ta đi con đường của ma quỉ vạch ra đi xuống hỏa ngục do: tội lỗi, không thương tha nhân và gây đau khổ đắng cay cho mình và những người xung quanh khác. Vậy, hôm nay Lời Chúa khuyên bảo chúng ta rằng để có được thiên đàng ngày đời này và đời sau chúng ta hãy nên trọn lành, thánh thiện, biết thương xót, yêu thương, tha thứ và phục vụ nhau trong cuộc sống.

Mừng lễ Chúa Thăng Thiên là bảo chứng rõ ràng nhất cho hy vọng của chúng ta đó là: được lên Thiên Đàng và hưởng vinh quang với Chúa Giêsu. Trời là chốn quê nhà vĩnh cửu của đời Kitô hữu. Nhưng trời đã bắt đầu từ khi chúng ta bước vào thế giới của Chúa Giêsu Kitô, qua đức tin và các bí tích, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí Tích Thánh Thể, Chúa đến ở trong chúng ta, ban nguồn sinh lực giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nước Trời ở trần gian này là: thương xót nhau như Chúa đã thương xót chúng ta: thương xót nhau cụ thể trong đời sống hằng ngày của chúng ta đó là: yêu thương, tha thứ, không kỳ thị những người hèn kém nhất trong xã hội chúng ta đang sống nhưng luôn tôn trọng và phục vụ tất cả họ dù họ nghèo hèn khố rách áo ôm, dù tội lỗi hay khuyết tật. Đó là chứng nhân sống Phúc âm sống động nhất trong đời sống gia đình, giáo xứ hay xã hội đồng thời loan báo Tin Mừng thương xót đến cho mọi người để một khi Chúa trở lại trong vinh quang đón tất cả mọi người chúng ta lên Trời về với Chúa Cha.  Allêluia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét