NHÌN NGẮM CHÚA GIÊSU TRÊN THÁNH GIÁ
CẢM NGHIỆM LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Trong suốt ngày thứ Sáu tuần
thánh, Giáo hội như muốn mời gọi chúng ta đi vào thinh lặng. Thinh lặng để nhìn
ngắm Chúa Giêsu trên Thập giá, thinh lặng để cảm nghiệm Lòng Thương Xót của
Chúa từ Thập giá.
Trước hết, ngắm
nhìn Chúa Giêsu trên Thập giá, thấy lòng thương xót tự hiến của Chúa Giêsu thật
cao cả. Trong
suốt cuộc đời công khai rao giảng, rất nhiều lần, Đức Giêsu đã bày tỏ lòng
thương xót con người: Người đã thực hiện các phép lạ, chữa lành bệnh tật, xua
trừ ma quỷ, dạy dỗ dân chúng, âu yếm trẻ thơ, và tha thứ cho tội nhân. Và rồi,
đoạn cuối của tình yêu thương xót, đỉnh cao của dâng hiến là cuộc khổ nạn và
cái chết đau thương của Người trên Thập giá: Satan nhập vào Giuđa, để người môn
đệ bất trung và tham của này dùng cái hôn để nộp thầy. Rồi, Satan sàng Phêrô và
các môn đệ như sàng gạo, để Phêrô thì chối Thầy, còn các ông khác thì bỏ trốn.
Thế nhưng, Người vẫn từ bi thương xót, thực hiện nghĩa cử yêu thương cuối cùng,
trước khi hoàn toàn dâng hiến trên Thập giá: Người hiền hòa ra đón Giuđa, và
dịu dàng nhắc nhở ông về tình nghĩa thầy trò. Người chữa lành tên đầy tớ bị
Phêrô chém đứt tai. Người quay nhìn Phêrô với ánh mắt tha thứ khi ông chối
Thầy. Người an ủi những phụ nữ thương khóc Người. Người xin Chúa Cha tha thứ
cho những kẻ đóng đinh Người. Người ban thiên đàng cho tên trộm biết sám hối. Và rồi, Người chết trên Thập giá, từ cạnh sườn của Chúa
Giêsu lòng thương xót Chúa tuôn trào ra để cứu chuộc tất cả muôn người được giao
hòa với Chúa và sống dồi dào ngay đời này và đời sau.
Sau hết, ngắm nhìn Chúa Giêsu trên Thập giá
để cảm nhận tình yêu thương xót thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu để rồi sám hối
tội lỗi của chúng ta. Đó là cái nhìn sám hối của các môn đệ. Sám hối vì cả một
đời theo Thầy, nhận được biết bao ân huệ của Thầy, thế mà chỉ một chút nghi nan
đã bán Thầy, chối Thầy, bỏ mặc Thầy cô đơn trong đau đớn tột cùng. Nhìn Chúa chịu
đau thương và chết trên Thập giá để làm lại cuộc đời. Nhìn để chuộc lại lỗi lầm,
để dám chết cho niềm tin của mình. Cụ thể, trong đêm Chúa bị bắt, chịu đánh
đòn, Phêrô sau ba lần chối Chúa, Chúa quay lại nhìn ông, ông nhìn Chúa và nhận
ra tội lỗi của mình mà khóc lóc thảm thiết (Lc 22,54-61). Rồi, môn đệ Giu-đa, “kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng
bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: "Tôi đã phạm tội nộp người
vô tội, khiến Người phải chết oan." Nhưng họ đáp: "Can gì đến chúng
tôi. Mặc kệ anh!" Giu-đa ném số bạc vào Đền
Thờ và ra đi thắt cổ” (Mt
27,3-5).
Chúng ta cũng như bao bao người khác vẫn
đang sống trong nuối tiếc ân hận, mặc cảm vì một quá khứ lầm lỡ. Mặc cảm vì một
lần vô ơn bạc nghĩa đã gieo vãi sầu đau cho tha nhân hay vô cảm với tha nhân.
Hãy ngước nhìn lên Chúa Giêsu trên Thập giá để sám hối ăn năn, chuộc lại lỗi lầm.
Hãy đền đáp tình yêu thương xót của Chúa bằng trao tặng tình yêu thương xót của
mình cho tha nhân bằng tha thứ, yêu thương và phục vụ. Tình
yêu thương xót ấy trở thành một sự từ bỏ dứt khoát, sẵn sàng dâng hiến cái tôi của mình cho người mình yêu (Ga
15,13) vì chính lúc chúng ta trao ban, ta gặp lại chính mình trong sự phong phú
nhất, đó là chân lý của Tin mừng: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời
đời” (Ga 12,25).
Dưới chân Thập giá Chúa Giêsu còn
có Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót và một số người bạn dõi theo Ngài cho đến
cùng. Mẹ và những người đó đứng nhìn lên Chúa trong lặng yên. Với Mẹ và những
người bạn đó, Chúa Giêsu cũng tôn trọng bằng ánh mắt yêu thương, trìu mến của
Ngài. Ngài cũng đưa Mẹ Maria và những người đó vào trong mầu nhiệm khổ đau của
Ngài. Cùng với Mẹ, chúng ta cũng hãy để cho tâm hồn chìm lắng xuống, hãy để cho
bao bận tâm, sầu muộn và khổ đau riêng tư chìm xuống và hoà nhập vào mầu nhiệm
Thập giá của Chúa Giêsu. Hãy để cho Lòng Thương Xót của Ngài ôm ấp trọn lấy
chúng ta trong tình yêu thương xót, bao dung và tha thứ của Ngài. Chúng con
kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu Kitô, vì Chúa đã dùng Thánh giá mà chuộc tội
cho thiên hạ. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét