THÁNH THỂ,
LÒNG THƯƠNG XÓT TRAO BAN ĐẾN MUÔN ĐỜI
Lời Chúa: Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15
Trong
Bữa Tiệc Ly, khi tất cả các lời của Chúa Giêsu, tất cả các dấu chỉ mà Người đã
thực hiện được cô đọng trong việc bẻ bánh và dâng chén rượu và đọc: “Các con
hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy… Các con hãy cầm lấy mà uống, này là Máu
Thầy.” Qủa thế, cử chỉ bẻ
bánh, và dâng chén rượu của Chúa Giêsu là lời tạ ơn tột bậc của Người dâng lên
Chúa Cha vì tình yêu thương xót của Ngài. Cho nên, từ “Tạ Ơn” trong Hy
Lạp được gọi là “Eucharista (Thánh Thể).” Vì thế, Thánh Thể là lời tạ ơn
tối cao dâng lên Chúa Cha, Đấng đã thương xót chúng ta quá độ đến nỗi ban Con
của Ngài cho chúng ta. Tóm lại, Thánh Thể cử chỉ thương xót của Thiên
Chúa qua hy tế thập giá của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là
người thật.
Vì
vậy, việc cử hành Bí tích Thánh Thể là tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu,
là mầu nhiệm trung tâm của ơn cứu độ. “Tưởng niệm” không chỉ là một sự
nhớ lại, sự tưởng nhớ đơn giản, nhưng có nghĩa là mỗi khi chúng ta cử hành Bí
Tích này, chúng ta thông phần vào cuộc Khổ Nạn, cái chết và sự Phục Sinh của
Đức Kitô. Thánh Thể là tột đỉnh của hành động thương xót cứu độ của Thiên
Chúa, Chúa Giêsu biến Mình thành tấm bánh bị bẻ ra cho chúng ta, Người đổ trên
chúng ta tất cả lòng thương xót của Người, để đổi mới và nuôi sống linh hồn
chúng ta, cuộc sống chúng ta và đời sống đức tin của chúng ta với Chúa và với
tha nhân cho muôn thế hệ nhờ chúng ta hiệp thông với Ngài (Rước Lễ). Có nghĩa rằng
là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, việc thông phần vào bàn tiệc Thánh Thể
làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô một cách độc đáo và sâu
xa, cho chúng ta được nếm trước lúc này sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha,
nơi mà cùng với tất cả các Thánh chúng ta sẽ có được niềm vui khôn tưởng là
chiêm ngắm Dung Nhan Thương Xót Thiên Chúa cách trực diện. Cho nên, Hiến chế Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Vào Bữa Tiệc Ly, trong đêm Đấng Cứu Độ chúng
ta bị trao nộp, Người đã lập hy tế Thánh Thể là Mình Máu Thánh Người. Người làm
như vậy để ở lại mãi
mãi suốt mọi thời, cho đến khi Người lại đến. Đây là nghi thức tưởng niệm cái
chết và sự sống lại của Người: một bí tích tình yêu, dấu chỉ sự hiệp nhất, mối
liên kết của đức ái, bữa tiệc vượt qua, “trong đó chúng ta ăn Chúa Kitô, được
tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai” (SC 47).
Như vậy sau khi rước lễ chúng ta thực
sự nên một với Thiên Chúa, sống hạnh phúc thiên triều. Chúng ta tan biến trong
đại dương thương xót nhưng vẫn còn hiện diện sống động giữa trần gian để làm
chứng cho Lòng Thương Xót của Ngài. Vì thế, Thánh Nữ Faustina đã khám phá được một nguồn sức mạnh siêu nhiên vô tận, có
thể hoàn toàn biến đổi con người nên Chị tuyên bố: “Tất cả những gì tốt đẹp nơi tôi đều nhờ việc rước lễ. Tôi chịu ơn việc rước lễ về tất
cả mọi sự. Tôi cảm thấy ngọn lửa thánh thiện này đã hoàn toàn biến đổi tôi. Vì vậy, giờ đây, tôi sống tín thác nơi Thiên Chúa như trẻ thơ, và có lòng thương xót đối với người
lân cận” (NK, 1392).
Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu truyền:
“Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ
đến Thầy”. Làm việc này là mỗi người chúng ta trở thành tấm bánh bẻ ra cho
tha nhân, có nghĩa rằng phải thương xót như Chúa là phục vụ và hiến thân cho tha nhân như Chúa. Như vậy, Thánh thể, Lòng Thương Xót của Chúa
không đóng khung trong nhà thờ. Thánh thể phải vươn tới gia đình, xã hội,
trường học, chợ búa, nơi làm việc, công xưởng, bất cứ nơi nào có con người hiện
diện, để thương xót và thánh hóa họ, mang đến cho họ hạnh phúc và bình an. Lòng
thương xót của Chúa Giêsu không chỉ thu hẹp ở một nhóm người, nhóm tu sĩ, linh
mục, giáo dân mà trải rộng ra cả hoàn cầu, thánh hoá cả vũ trụ, mọi người mọi
nơi và mọi thời. Hôm nay Chúa rửa chân cho các Tông đồ để nêu gương cho chúng
ta phục vụ người khác và truyền lệnh cho chúng ta: “Rửa chân cho nhau”. Lệnh
truyền này không những về việc ăn uống thịt máu Ngài, nhưng còn bắt chước Ngài thương
xót phục vụ những nhu cầu của tha nhân như Ngài đã làm.
Chân phước Mẹ Têrêxa
Calcutta nói rằng: “Thánh Thể chính là tình yêu hy tế mà Thiên Chúa dành cho
chúng ta, để được ăn vào và tiêu hóa, và trở thành một phần trong con người
chúng ta. Khi chúng ta đón rước Thánh Thể, thì chúng ta được Thiên Chúa ban sức
mạnh để yêu mến những người khác, với cùng tình yêu thương xót mà Đức Kitô đã
bày tỏ cho chúng ta. Bằng cách này, bí tích Thánh Thể giúp chúng ta mang tình
yêu thương xót của Đức Kitô đến với người nghèo, và cảm nhận được sự hiện diện
của Người vẫn có ở trong họ”.
Xin Chúa Giêsu Thánh Thể mà chúng ta sẽ lãnh nhận trong Thánh lễ Tiệc Ly hôm
nay mà mọi ngày ban thêm sức mạnh, sự can đảm, nghị lực và ý chí để chúng ta là
tấm bánh của lòng thương xót bẻ ra cho mọi người bằng hành động bác ái cụ thể
là: thương xác và thương linh hồn mọi người trong xã hội chúng ta đang sống.
Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét