LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ
Lời Chúa: Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14 – 23,56
Khi hoạ lại cho chúng ta con đường khổ
giá của Chúa Giêsu, Thánh Luca không trực tiếp mô tả đến cuộc khổ nạn của Chúa
Kitô, như việc Chúa ngã xuống đất, bị lăng nhục, chịu sỉ vả…. Nhưng thánh sử
chủ ý hướng về lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô.
Thứ nhất, Chúa Giêsu dồn mọi nghị lực
để cầu nguyện hầu cho Lòng Thương Xót của Chúa Cha được thực hiện nơi Ngài.
Ngài khẩn khoản xin cho mình khỏi uống chén đắng, nhưng đừng theo ý Con một xin
theo ý Chúa Cha mà chớ và Ngài đã vâng phục ý Chúa là lên đồi chịu chết để rồi
từ cạnh sườn Chúa Giêsu lòng thương xót Chúa trào tràn cho muôn người được sống.
Thứ hai, lòng thương xót của Chúa Giêsu
là tha thứ. Trong trình thuật khổ nạn, Thánh sử Luca đã nêu bật thái độ của Đức
Giêsu, trước lửa hận thù hừng hực, Ngài đã chiếu toả ánh sáng của lòng thương
xót cho đến cùng. Cụ thể, trong bài thương khó, Thánh sử nêu bật sự dịu hiền
của Chúa Giêsu khi đứng trước những kẻ tố cáo người. Trên đường lên núi Sọ, Người
vẫn lo âu cho sự khốn khổ của đám dân đã chối bỏ Người. Trên thập giá, Người
tha thứ cho anh trộm hối cải, tha thứ cho những người có lỗi với Ngài, “Lạy
Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc mình làm”. Nhờ lời tha thứ
cuối cùng này của Chúa Giêsu mà tình yêu thương xót của Chúa nên viên mãn, hoàn
hảo và trọn vẹn nhất không tình yêu thế gian nào sánh bằng vì khi Chúa sống
không để bụng và chết cũng không mang theo chút hận thù gì cả; tình yêu thương
xót không chỉ còn là lý thuyết mà trở thành hiện thực. Cho nên, nhà tư tưởng là
mục sư Martin Luther King đã thốt lên rằng “Đó là giây phút đẹp nhất đời
người”.
Thứ ba, Thánh giá là công trình hoà giải, là
lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ hiện rõ nhất. Luca là thánh sử của tình yêu
Thiên Chúa và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng lạ gì mà thánh nhân đã đọc
và giải thích các biến cố của cuộc Khổ nạn khởi đi từ hai thái độ ấy. Tin Mừng
thứ ba, khi dõi theo đường thánh giá Đức Giêsu, đã khám phá ra tình yêu thương
xót của Thiên Chúa dành cho Con của Người và cho tất cả mọi người, kể cả những
kẻ thù nghịch. Cho nên, Thánh giá là công trình hoà giải và lễ dâng của Đức
Giêsu hiệu quả ở điểm là qui tụ được tất cả những kẻ thù địch ác liệt nhất trong
một mối hiệp nhất. Qủa thế, trong suốt cuộc đời công khai rao giảng,
rất nhiều lần, Đức Giêsu đã bày tỏ tấm lòng thương xót hết mọi người: Người đã
thực hiện các phép lạ, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, dạy dỗ dân chúng, âu
yếm trẻ thơ, và tha thứ cho tội nhân. Và rồi, đoạn cuối của tình yêu, đỉnh cao
của dâng hiến là bằng cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Người. Người phải chịu một
cơn cám dỗ cuối cùng: Satan nhập vào Giuđa, để người môn đệ bất trung tham của
này dùng cái hôn để nộp thầy. Satan sàng Phêrô và các môn đệ như sàng gạo, để
Phêrô thì chối Thầy, còn các ông khác thì bỏ trốn. Thế nhưng, Người vẫn nhân từ,
thực hiện nghĩa cử yêu thương cuối cùng, trước khi hoàn toàn dâng hiến trên thập
giá: Người hiền hòa ra đón Giuđa, và dịu dàng nhắc nhở ông về tình nghĩa thầy
trò. Người chữa lành tên đầy tớ bị Phêrô chém đứt tai. Người quay nhìn Phêrô với
ánh mắt tha thứ khi ông chối Thầy. Người an ủi những phụ nữ thương khóc Người.
Người xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người. Người ban thiên đàng
cho tên trộm biết sám hối. Và
rồi, Người hoàn toàn dâng hiến trên thập giá để cứu chuộc tất cả muôn người.
Cho nên, Thánh Gioan đã thốt lên rằng: "Người
vẫn yêu thương những kẻ thuộc về người mình còn ở thế gian, và Người yêu thương
họ đến cùng" (Ga 13,1b). Như vậy, đối với
Luca, việc đức Giêsu chịu chết trên Thập giá không còn phải là chuyện hành hình
của một tử tội nữa, nhưng là một biến cố cứu rỗi.
Vì thương xót nhân loại, Chúa Giêsu luôn trung thành với thánh ý Chúa
Cha. Ngài không rút lui khỏi sứ vụ nhưng hiên ngang đi lên Giêrusalem để chịu
khổ nạn và chịu chết (Lc 9,51). Ngài còn khuyên nhủ những kẻ theo Ngài vác thập
giá mình hàng ngày mà theo. Cho nên thánh giá hôm nay là những khổ đau hữu hình
cũng như vô hình, thể xác cũng như tinh thần, thể lý cũng như tâm lý mà chúng
ta đang phải gánh chịu, trên con đường thi hành lòng thương xót Chúa, chúng ta không
được thối chí hoặc lùi bước trước những khó khăn ấy như một lòng vâng theo
thánh ý Chúa Cha như Chúa Giêsu để được vinh quanh như Chúa. Vác thập giá theo
Chúa là can trường chịu đựng đủ mọi hình thức khổ nạn ấy, vì chưng đó là con đường
tự do lựa chọn, dâng hiến toàn thân để thi hành thánh ý Thiên Chúa hôm nay và được
Chúa làm gia nghiệp mai sau.
Hôm nay chúng ta bước vào tuần thánh,
tức là bước vào con đường thương xót của Chúa Giêsu cao điểm nhất, xin cho mỗi
người chúng ta thật sự cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa dành cho mỗi người
trong cuộc đời đồng thời sẵn sàng sống, chia sẻ và loan báo lòng thương xót
Chúa cho anh chị em chung quanh mình bằng chính đời sống đức tin sống của chúng
ta. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét