Trang

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Tầm quan trọng của Cửa Thánh là gì?

 Tầm quan trọng của Cửa Thánh là gì?

Kể từ năm 1300 sau khi Đức Giáo Hoàng Boniface VIII tuyên bố Năm Thánh đầu tiên, thì Giáo Hội Công Giáo thường xuyên tổ chức những "Năm Thánh", thường là mỗi 25 năm một lần (đều đặn kể từ năm 1470 trở về sau), Cũng có một vài trường hợp đặc biệt, như năm 1983, một Năm Thánh đã được công bố để kỷ niệm 1950 năm cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Một khía cạnh quan trọng của Năm Thánh là việc hành hương đến Rôma để đền tội và đổi mới con người.
Một cử chỉ tượng trưng rất quan trọng đã được thực hiện bởi mọi người hành hương là việc bước qua Cửa Thánh. Chúa Kitô đã xác định chính Ngài là "cánh cửa", Ngài nói: "Ta là cửa" (Gioan 10,7), đó là lời chứng rõ ràng rằng không ai có thể đến với Đức Chúa Cha mà không phải qua Ngài. Qua hình ảnh (cánh cửa) mà Chúa Giêsu áp dụng cho chính mình, Ngài làm chứng rằng chỉ có một mình Ngài là Đấng Cứu Thế được Đức Chúa Cha sai đi. Ngài là con đường duy nhất đưa vào cuộc hiệp thông với Thiên Chúa. Chỉ ở một mình Ngài, những lời này của thánh vịnh mới được thực hiện một cách viên mãn: 'Này đây cửa nhà Yavê, những người công chính sẽ được bước vào"(Tv 118,20, bd Nguyễn Thế Thuấn).

Vì vậy khi bước qua cánh cửa đi vào vương cung thánh đường Thánh Phêrô, tức là từ bỏ thế giới hiện nay mà đến trước sự hiện diện với Thiên Chúa, cũng giống như trong ngày lễ Yom Kippur ở đền thờ Jerusalem ngày xưa, vị Thượng Tế vượt qua tấm màn che của khu Cực Thánh để tham gia vào sự hiện diện với Thiên Chúa mà dâng của lễ chuộc tội. Như vậy, việc vượt qua cánh Cửa Thánh là để xác nhận một niềm tin vững chắc rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Chúa, và Đấng Cứu Thế đã chịu khổ hình, chịu chết và đã sống lại vì sự cứu rỗi của chúng ta. Với lòng dũng cảm tuyệt vời, một người tự do quyết định vượt qua ngưỡng cửa đó, bỏ lại sau lưng vương quốc thế gian, mà gia nhập vào cuộc sống ân sủng mới của Thiên Chúa.
Theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng sẽ đập vào Cửa Thánh ba lần với một chiếc búa bạc. Việc đập cửa có một ý nghĩa tượng trưng: Maisen đã đập cây gậy vào đá để cho nước đổ ra mà cứu dân khỏi phải chết khát (dân số 20,6 tt). Năm Thánh là thời gian khi mà Thiên Chúa sẽ đổ ra những hồng ân tràn trề để làm dịu cơn khát của linh hồn chúng ta. Thiên Chúa đã đập vào đất mà giải phóng cho Phaolô và Silas ra khỏi nhà tù, kết quả là ngay cả vị quản ngục và gia đình đã xin chịu phép rửa (Cv 16,25t). Thiên Chúa cũng đánh động lòng chúng ta để chúng ta mở lòng ra mà hưởng lấy những ân sủng của Ngài, bắt đầu với ân sủng cứu độ của Bí tích Rửa tội. Như Chúa Giêsu khi bị treo trên thập giá, người lính đã đâm vào cạnh sườn Ngài làm chảy ra máu và nước, biểu tượng của Bí tích Thánh Thể và bí tích Rửa Tội (John 19,31tt). Tất cả những việc 'đập cửa' đó là tượng trưng cho sự đập bể kho ân sủng, để cho ân sủng chảy dồi dào xuống các tín hữu.
Vậy, khi chứng kiến các nghi thức về Cửa Thánh, chúng ta hãy đặc biệt ghi nhớ rằng chính Chúa Giêsu đang gõ cửa tâm hồn cuả chúng ta. Hãy mở cánh cửa lòng ra với Ngài và bước qua ngưỡng cửa của hy vọng.
Đây là một sưu tầm về chiếc Cửa Thánh, tóm lược từ catholicstraightanswers



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét