SỬ DỤNG TIỀN CỦA HỢP Ý CHÚA
LờI CHÚA: KN 7,1-7; DT 4,12-13; MC 10,17-30
Bill Gates đã thố lộ rằng Melinda, vợ ông đã
giúp ông sử dụng tài sản của một “vua máy tính” cách hữu ích. Vợ chồng Bill
Gates đã lập quỹ từ thiện giúp cho các tổ chức phòng chống bệnh HIV/AIDS, bệnh
lao và mang nhiều phương tiện kỹ thuật đến cho những người thu nhập thấp hoặc
vô gia cư. Đối với vợ chồng Bill Gates người hữu ích là người có mối tình thân với
tha nhân, điều thường bị lãng quên trong xã hội đề cao thu nhập này. Còn Lời
Chúa hôm nay rằng đối với Ki-tô hữu chúng ta có được mối tương quan mật thiết
với Thiên Chúa và tha nhân ngay ở đời này và đời sau hệ tại cách sử dụng của
tiền bạc, của cải vật chất hợp ý Chúa, đúng cách, có tình và có nghĩa.
Nhìn qua ta thấy anh thanh niên này
thành công rực rỡ về vật chất cũng như đạo đức. Anh là một đại gia và đồng thời
một người đạo đức: người giàu có, không gian dối, thờ cha kính mẹ, không ngoại
tình và không làm hại ai. Cho nên, Chúa Giêsu khen và đem lòng yêu mến anh ta.
Thế nhưng, xét đến đời sống tinh thần và sự sống đời đời thì anh ta phá sản
hoàn toàn vì anh ta quá ích kỷ, không muốn chia sẻ cho ai cả, thậm chí cắt đứt
quan hệ với tha nhân. Vì vậy, khi Chúa Giêsu bảo anh phải bác ái, công bằng,
phải chia sẻ của cải, thậm chí bán những gì mình có cho người nghèo, anh ta
không chịu bỏ đi không một câu từ biệt.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, xuống thế làm
người giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài cũng đối diện với sự sống
thân xác, cơm ăn áo mặc, tiền của nhưng Ngài đã không tìm cứu vãn sự sống vật
chất thay vào đó chấp nhận hy sinh sự sống vật chất để dương cao sự sống tinh
thần, sự sống đời đời đó là chân lý, là tình yêu, là bác ái và là chia sẻ.
Thật sự tiền bạc, của cải vật chất tự nó
không xấu và cũng không tốt. Giá trị luân lý tốt hay xấu không tùy ở chính tiền
của nhưng tùy ở thái độ của chúng ta khi sử dụng chúng. Nếu chúng ta lấy sự sống
thân xác là tuyệt đối, đương nhiên chúng ta phải bảo vệ sự sống thân xác mà để
bảo vệ nó thì cần phải có tiền có của. Vì thế, anh thanh niên không muốn chia
sẻ của cải cho ai cả vì nếu cho nó đi thì lấy gì lo cho mạng sống của anh,
nhưng được phần xác mà mất phần hồn nào có ích gì? Thế còn ngược lại, nếu chúng
ta lấy sự sống tinh thần là giá trị tuyệt đối, lúc ấy tiền của trở thành phương
tiện để phục vụ những giá trị tinh thần, giúp sống hợp ý Chúa đồng thời mang
lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cộng đoàn, Giáo hội, xã hội và sự sống
đời đời. Đó mới là mục đích tối hậu của con người. Cho nên, tác giả Sách Khôn
Ngoan trong bài đọc 1 dạy chí lý rằng: “Đức Khôn Ngoan, tôi
đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so
với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức
Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát
bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất”. Vâng, Đức Khôn Ngoan
đây chính là chính là Thiên Chúa, Lời Hằng Sống và sự sống của Thiên Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu nói:
“Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa,anh em, chị
em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ ở đời
này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ hay ruộng đất gấp trăm
cùng với sự sống vĩnh cửu đời sau”.
Người Kitô hữu sống giữa trần gian không thể
sống riêng rẽ một mình nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như nỗi sầu;
trong sự giàu sang cũng như nghèo khó. Vì vậy, chúng ta có trách nhiệm chia sẻ
với nhau tất cả những gì mình có ngay cả tính mạng ngõ hầu xây dựng một cuộc
sống tốt đẹp, bình an, hạnh phúc và chan chứa tình yêu hơn. Qủa thế, chúng ta
không phải chỉ sống trọn hảo các điều răn của Chúa là lên thiên đàng cả đâu;
Chúa Giêsu còn đòi hỏi chúng ta phải sống đức ái Kitô giáo triệt để bằng cách
chia sẻ tất cả những gì mình có bằng con tim chứ không phải vì luật buộc.
Thành công hay giàu có đều là những ơn huệ
Chúa tặng ban. Chúng ta được phép sử dụng trước hết là để bảo đảm một cuộc sống
ấm no, xứng đáng với phẩm giá con người, cho chính bản thân, cũng như những
người thân yêu. Thế nhưng ngoài mục đích đó ra, chúng ta còn có bổn phận phải
chia sẻ và giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kém may mắn, những
người túng thiếu, như người xưa đã bảo: Hữu lộc bất khả hưởng tận (có tiền bạc không
nên hưởng một mình). Chính những hành vi yêu thương này không chỉ tạo tình liên
kết con người với nhau ngay đời đời mà còn có Chúa làm gia nghiệp đời đời.
Vì vậy, trong diễn văn phát biểu tại Liên
Hiệp Quốc ngày 25-9-2015, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã đưa ra nhiều lời kêu gọi
rất mạnh mẽ đối với các tổ chức tài chánh quốc tế, Ngài kêu gọi các tổ chức này
phải giúp đỡ các nước nghèo nhất phát triển, chứ không bắt các nước ấy phải
phục tùng, áp đặt họ một cách ngộp thở dưới các hệ thống tín dụng, ghì họ trong
một tình trạng bị loại trừ, nghèo đói và ngày càng lệ thuộc.
Tóm lại, xã hội chúng ta sẽ ra sao, nếu chúng
ta sống chỉ biết nhận mà không cho đi, keo kiệt, ích kỷ hay lo thu tích thật
nhiều của bằng mọi phương thế dù có mưu mô xảo trá gian tà; như thế “được lời
cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì và lấy gì đổi mạng sống mình?”
(Mt 16,26). Giờ đây, ước gì Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta sống triệt để
những giá trị luân lý qua việc sử dụng tiền bạc, của cải hầu đem lại hạnh phúc mọi
người cả đời này lẫn đời sau. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét