PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ
BẰNG VIỆC SỐNG KINH MÂN CÔI
Lời Chúa: Cv. 1,12-14; Gl. 4,4-7; Lc 1,26-38
Sách Công vụ Tông đồ thuật lại biến cố
các Tông đồ cùng với Mẹ Maria cầu nguyện mong chờ Chúa Thánh Thần đến. Lúc này,
Đức Mẹ Maria vẫn còn ở với các Tông đồ, chứng tỏ rằng Mẹ giữ trọn tiếng Fiat mẹ
thưa khi xưa. Dù nay Mẹ đã về cùng Thiên Chúa, Mẹ vẫn không bỏ Giáo hội. Mẹ
đồng hành và cùng với Giáo hội đón chờ Chúa Thánh Thần đến. Và hôm nay cùng với
Mẹ Giáo hội vững bước trên hành trình đức tin. Có Mẹ dìu dắt, che chở gìn gìn,
Giáo hội sẽ vượt qua những phong ba bão tố của cuộc đời với lòng yêu Chúa sắt
son, lòng cậy tin vững vàng vào Chúa và đến bến bình an.
Hôm nay, toàn thể Giáo hội mừng lễ Mẹ
Mân côi. Lễ này có gốc tích như sau: Căn cứ vào các
nguồn tài liệu đáng tin nhất của Thánh Louis Marie Grignion de Monfort, trong
cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi", thì chính Đức Mẹ đã ban Kinh Mân
Côi và dạy Kinh Mân Côi cho thánh Đaminh. Vào thế kỷ XV, Đức Mẹ đã hiện
ra với thánh Đa Minh năm 1206 sau khi thánh nhân cầu nguyện và sám hối vì đã
không thành công trong việc chống tà thuyết Anbi,
thuyết cho rằng đồng hiện hữu của hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác.
Đức Mẹ đã khen ngài về sự chiến đấu anh dũng chống lại tà thuyết và trao cho
ngài Chuỗi Mân Côi làm vũ khí phi thường, đồng thời giải thích cách sử dụng và
hiệu quả của Chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ bảo thánh Đa-Minh rao truyền Chuỗi Mân Côi
cho những người khác. Từ đó, thánh Đaminh đã là sứ giả của
Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ năm 1214.
Rồi năm 1917, trong cả sáu lần hiện ra tại Fatima với ba
em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt
Mân Côi hằng ngày. Trong lần hiện ra cuối cùng Mẹ đã tự xưng "Ta
là Đức Mẹ Mân Côi”. Và sự kiện cuối cùng, ngày Chúa nhật 07/10/1571, hải quân Công Giáo thắng hải quân Thổ nhĩ kỳ
một trận thủy chiến oanh liệt ở vịnh Lepante. Tin chiến thắng được báo về Rô-ma
vào Chúa nhật đầu tháng Mười, giữa lúc các hội viên Mân Côi đang rước kiệu
trong thành phố. Để tạ ơn Đức Mẹ đã nghe lời cầu khẩn của các tín hữu, Đức Giáo
Hoàng Pi-ô V, ngày 5.3.1572 truyền mỗi năm phải làm một lễ kính Đức Bà chiến
thắng. Ngày 1.4.1573, Đức Giáo Hoàng Ghê-go-ri-ô XIII đặt tên cho lễ này là lễ Mân Côi và truyền
phải cử hành trong các nhà thờ có bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi vào Chúa
nhật đầu tháng Mười. Năm 1716, Đức Giáo Hoàng Clément XI truyền cho toàn thể
Hội thánh phải long trọng mừng lễ này. Đến năm 1913, Đức Thánh Piô X ấn
định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói rằng: “Chuỗi mân côi là bảng tóm lược toàn bộ Phúc
Âm, với trung tâm là mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc, trong đó lặp đi lặp lại lời
ngợi khen Đức Kitô”. Qủa thế, kinh Mân côi là bạn đồng hành của biết bao
nhiêu con người từ bình dân đến thông thái. Kinh Mân côi là một lời cầu nguyện
ngõ hầu đem lại sức mạnh cho đức tin đồng thời giúp chúng ta sống đạo lý Chúa
một cách trọn hảo và tốt đẹp. Qủa thế, 20 mầu nhiệm Mân Côi là một bản tóm lược
Tin Mừng, trình bày cho chúng ta những giai đoạn chính yếu của cuộc đời Chúa
Giêsu từ khi nhập thể cho đến lúc về trời, cao điểm của chương trình cứu độ mà
Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn ngàn thuở trước. Với một nội dung như thế, Giáo
hội dạy ta khi đọc kinh Mân Côi vừa suy niệm các biến cố lịch sử cứu độ của Chúa
Giêsu vừa rút ra bài học luân lý giúp ta sống theo Tin Mừng của Chúa trong đời
sống thường nhật. Chẳng hạn, mầu nhiệm
thứ nhất của Mùa Thương, chúng ta suy ngắm Chúa Giêsu chịu đánh đòn, rồi xin
cho ta được hãm mình chịu khó bằng lòng với những khó khăn đớn đau trong cuộc
sống để cùng với những đớn đau Chúa chịu xưa mà dâng lên Thiên Chúa Cha làm của
lễ đẹp lòng Chúa nhất thay vì chúng ta trách móc và tuyệt vọng. Hay mầu nhiệm
thứ nhất của Mùa Vui, chúng ta suy ngắm việc Thiên Thần truyền tin, và rồi xin
cho ta được sống tinh thần khiêm nhường như Đức Mẹ trong cuộc sống vì chỉ có
khiêm nhường thì mọi người trong giáo xứ tôn trọng nhau, phục vụ nhau, yêu
thương nhau và giúp nhau nên hoàn thiện như lòng Chúa mong muốn một cách dễ
dàng. Cụ thể hơn nữa, với mầu nhiệm thứ ba của Mùa Vui, chúng ta suy ngắm việc
Đức Mẹ thăm viếng bà Ê-li-sa-bet, ta xin cho được lòng yêu người. Lòng yêu
người đó không chỉ qua việc cầu nguyện mà còn ở hành động là bác ái, thăm
viếng, giúp đỡ, ủi an và chăm sóc những người nghèo khổ, bệnh tật trong giáo xứ
mình như Đức Maria đã đến viếng thăm, phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà
Ê-li-sa-bét. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi
theo Mẹ. Dành thời giờ quý báu để thăm nhau, nói với nhau những lời an ủi, chia
sẻ tinh thần cũng như vật chất, chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho
tha nhân luôn là sứ vụ của con cái Chúa. Vì vậy, những người bệnh tật, già cả,
những người nghèo hèn, đau khổ, những người khô khan thờ ơ, những gia đình rối
rắm bất hoà… họ rất cần đựơc thăm viếng. Đến thăm nhau là một phương cách tuyệt
vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của đạo Chúa.
Ước gì hôm nay và mãi mai chúng ta hãy hướng nhìn lên Đức Mẹ Mân Côi, Người Mẹ gần gũi và nhân hậu của Giáo
hội. Xin Mẹ Mân Côi giúp mỗi người trong giáo xứ và gia đình chúng ta nên chứng nhân cho tình hiệp thông và phục vụ, cho đức tin nồng cháy và yêu thương người nghèo khổ một cách quảng đại để niềm vui Tin Mừng chạm đến cõi lòng của mọi người. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét